(HBĐT) -Chúng tôi trở lại thăm đền Hang Miếng, thuộc địa phận xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La nằm trên khu vực hồ Hòa Bình. Đến thăm chốn tâm linh đền Hang Miếng là một hành trình không dễ dàng. Nhưng bù lại là được khảo sát, trải nghiệm "gần như” chọn tuyến sông Đà (khu vực tỉnh Hòa Bình), tìm lại sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn trong cuộc sống vốn bộn bề lo toan.
Đền Hang Miếng, xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La giáp ranh với tỉnh ta là điểm du lịch của đông đảo du khách thăm quan hồ Hòa Bình.
Hang Miếng cách cảng Bích Hạ, TP Hòa Bình khoảng 70 km đường thủy, tốc độ tàu bình thường phải mất khoảng 4 tiếng đồng hồ. Thế nên muốn đến thăm đền Hang Miếng trong ngày phải dậy từ rất sớm và quay về tới cảng Bích Hạ cũng đã tối mịt. Hầu hết người dân đi lễ đền Hang Miếng bằng đường thủy. Số lượng đoàn đến thăm quan, chiêm bái đền, cầu lộc, cầu bình an ở đền Hang Miếng khá đông, nhất là dịp đầu năm. Người dân ở các hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình và nhiều tỉnh, thành miền xuôi cũng đến chốn tâm linh Hang Miếng.
Theo người dân địa phương, Hang Miếng là hang núi đá vôi có từ rất lâu đời. Xưa kia, địa điểm này là nơi dừng chân, buôn bán của người dân kẻ chợ từ xuôi lên thượng nguồn sông Đà và địa điểm tập kết, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương. Sự tích đền Hang Miếng tương đồng với sự tích của đền Chúa Thác Bờ - là nơi người dân lập đền thờ tưởng nhớ về bà Đinh Thị Vân - một phụ nữ người Mường có công vận động nhân dân trong vùng sông Đà quyên góp lương thực giúp cho đoàn quân của vua Lê Lợi vượt Thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn.
Trong một lần vận chuyển quân lương, đến cuối tuyến sông Đà, bất ngờ đoàn thuyền của bà gặp giông bão, trời đất mịt mùng, sóng gió nổi lên ầm ầm. Cả đoàn thuyền đắm ở khúc sông nhiều thác ghềnh ở Hang Miếng. Tương truyền, sau khi mất, bà vẫn thường hiển linh phù hộ cho người đi thuyền trên sông Đà và người dân địa phương được bình an, làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hòa… Tưởng nhớ công ơn bà, người dân đã lập đền gọi là đền Chúa Hang Miếng, hằng năm đều thắp hương thờ phụng. Từ ngày ngăn ngăn sông, đắp đập, xây dựng thủy điện Hòa Bình, đền đã nhiều lần bị ngập. Người dân địa phương đã đóng góp công sức, tiền bạc, tu sửa, di chuyển đền đến khu vực cao hơn như hiện nay.
Đền Hang Miếng tọa lạc trên ngọn núi đầu rồng, được xây dựng thành 3 dãy nhà, có cung thờ phật, thờ thánh và chúa thượng ngàn. Đền Hang Miếng nằm trong khu vực eo vịnh, nên thơ, quanh năm mưa thuận gió hòa. Nơi đây vẫn là nơi trao đổi các sản phẩm nông nghiệp của người dân trong vùng. Đứng ở khu vực đỉnh đền, có thể phóng tầm mắt bao trọn hồ eo vịnh nên thơ, núi rừng xanh rì, thấy những chiếc thuyền nhỏ trôi lững lờ xuôi ngược. Từ bến thuyền vào mùa nước cạn phải leo hàng trăm mét mới đến được đền, còn mùa sông Đà tích nước chỉ cần leo một chút là tới nơi.
Người đi lễ thường kể: Đền Hang Miếng rất linh ứng, nhất là cầu tài, cầu tự. Những gia đình hiếm muộn, đến thành tâm cầu lễ, thì chúa hiển linh ban phước có con cái đề huề, hay cầu việc làm ăn cũng rất suôn sẻ. Cho dù đúng sai không biết, nhưng chắc chắn đi lễ đền Hang Miếng sẽ có được sự bình yên trong tâm tưởng và những hy vọng hạnh phúc, yêu thương trong cuộc sống. Dù đi lại không dễ dàng, nhưng hầu như hôm nào cũng có khách đến thắp hương, chiêm bái.
Trong chuỗi hành trình đến đền Hang Miếng, bạn còn được khám phá, trải nghiệm sự hùng vĩ, non nước nên thơ, hữu tình của hồ sông Đà. Đó là những trảng cát trắng ngần ngút mắt kéo dài hai bờ sông, những bờ bãi nương ngô xanh rì phía hạ lưu và thượng lưu là hồ nước mênh manh bất tận trùm bóng núi rừng trùng đệp đầy mộng mơ. Dòng sông nối dài quá khứ với hiện tại với nhiều địa danh nổi tiếng như: Chợ Bờ, suối Rút, Cửa Chương, đền Cô Đôi, động Thác bờ. Những thác nước trắng xóa ngày đêm đổ xuống dòng sông Đà. Những eo, vịnh, các chợ nổi tấp nập giao thương, các xóm, bản với những nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương…
Khu vực đền Hang Miếng đã hình thành các buổi chợ phiên, họp nhiều ngày trong tháng. Tại đây, bà con các xã ven hồ mang đến nhiều sản phẩm địa phương như nải chuối nương, mật ong rừng, quả mít, cây măng trúc, măng tre mới đào, cây thuốc quý, rượu hay các mớ cá ngạnh, trạch chấu, tôm hồ vừa kéo lưới buổi sáng sớm… để du khách mua về làm quà cho người thân cũng rất ý nghĩa và thú vị. Đền Hang Miếng thực sự là địa điểm đi lễ, chiêm bái đáng đến mang lại sự may mắn bình an, cũng như cảm nhận, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc, phong cảnh nên thơ hữu tình trên khu vực hồ Hòa Bình.
Lê Chung
(HBĐT)-Ngày 24/5, Sở Văn hóa-Thể thao và du lịch tỉnh phối hợp với các cơ quan báo chí tỉnh, các sở, ngành tổ chức phát động Cuộc thi Ảnh đẹp, video clip quảng bá Khu du lịch Hồ Hòa Bình năm 2019. Để thông tin về cuộc thi đến với đông đảo bạn đọc, các nhà nhiếp ảnh, đạo diễn trong và ngoài tỉnh, Báo Hòa Bình điện tử đang tải nội dung thể lệ cuộc thi "Ảnh đẹp quảng bá khu du lịch hồ Hòa Bình năm 2019" như sau:
(HBĐT) - Chị Nguyễn Thị Vân, thành phố Hải Phòng chia sẻ: "Còn một đoạn xa nữa chiếc thuyền mới tiến vào bờ, xa xa tôi đã nhìn thấy những người phụ nữ với trang phục truyền thống của người Mường đứng đợi bên bờ. Thấp thoáng là những ngôi nhà sàn mái lá nằm lấp mình bên dòng sông Đà thơ mộng. Khi thuyền của chúng tôi tiến vào bờ, những cô gái Mường duyên dáng tay đánh chiêng nở nụ cười chào đón chúng tôi”.
(HBĐT) - Công trình bảo tồn và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền Chúa Thác Bờ đã chính thức hoàn thành và đưa vào khai thác đang là điểm du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh trên hồ Hòa Bình, đem lại sự bình yên và cảm nhận tốt đẹp cho du khách gần xa. Từ vài năm nay, lượng du khách đến thăm quan di tích Bia Lê Lợi - đền Chúa Thác Bờ tăng lên rõ rệt, nhất là dịp đầu xuân.
(HBĐT) - Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, phân khu Ngòi Hoa thuộc xã Ngòi Hoa (Tân Lạc). Đây là phân khu trung tâm của Khu du lịch hồ Hòa Bình, nơi có các hoạt động du lịch chính, có không gian mang tính biểu tượng đặc trưng của Khu du lịch hồ Hòa Bình. Phân khu có diện tích 1.200 ha, được quy hoạch xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái ven hồ, khách sạn, nhà hàng, công viên chuyên đề, khu thể thao dã ngoại, thể thao dưới nước, trang trại sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng…
(HBĐT) - Hồ Hòa Bình có phong cảnh non nước hữu tình, đặc biệt có nhiều xóm, bản đồng bào dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt đời sống, sản xuất là cơ hội để phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách xa gần. Thực hiện định hướng phát triển du lịch hồ Hòa Bình của tỉnh, các địa phương, tổ chức đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân phát triển các loại hình du lịch, hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng mang lại cảm nhận tốt đẹp, ngày càng có sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế.
(HBĐT) - Với tài nguyên du lịch và nhân văn, lợi thế đặc thù, hồ Hòa Bình được tỉnh xác định là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Ngày 1/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030. Để thực hiện quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU ngày 22/6/2017 về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia.