(HBĐT) - Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), là cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-STNMT về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều cán bộ ngành đã có ý kiến đóng góp sâu sắc vào dự thảo Luật, tập trung vào các nội dung quy định về thu hồi đất (THĐ), tài chính đất đai và chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).
Theo báo cáo tổng hợp của Sở TN&MT, về điều kiện THĐ tại Điều 78 cần làm rõ hơn về tiêu chí cần thiết phải thu hồi, việc thu hồi phải đem lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho quốc gia và người có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, cần xem xét đến thời gian thông báo THĐ (Điều 83) là 90 ngày đối với đất nông nghiệp, 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp là quá dài. Chia sẻ về điều này, theo đồng chí Doãn Quang Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT): Việc quy định thời gian THĐ quá dài sẽ ảnh hưởng đến thực hiện thủ tục đầu tư các dự án. Vì vậy, nên xem xét rút ngắn để đảm bảo thời gian thực hiện các dự án đầu tư công theo đúng tiến độ.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng nêu: Khi giải phóng mặt bằng sẽ phát sinh trường hợp người có đất bị thu hồi không có mặt tại địa phương, không liên lạc được với chủ sử dụng đất (Điều 85), vì vậy, đề nghị bổ sung quy trình THĐ đối với các trường hợp này; nghiên cứu xem xét thống nhất với nguyên tắc bồi thường về đất quy định tại Điều 89, 94 dự thảo Luật và phải căn cứ vào điều kiện của địa phương. Nhiều ý kiến đề nghị chỉ quy định việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích với loại đất thu hồi, bằng tiền theo giá cụ thể của loại đất thu hồi, không bồi thường bằng đất khác (Điều 89).
Về vấn đề tài chính đất, theo lãnh đạo Sở TN&MT, cần nghiên cứu bổ sung nội dung quy định thời gian sử dụng giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ) đã được phê duyệt để tổ chức đấu giá quyền SDĐ, do Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 không có quy định về thời gian sử dụng giá khởi điểm để đấu giá quyền SDĐ, dẫn đến có trường hợp dự án đã có quyết định phê duyệt giá khởi điểm, tổ chức đấu giá lần đầu không thành công, thời gian lâu sau (hơn 6 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt giá khởi điểm) mới tổ chức đấu giá lại, nhưng vẫn sử dụng giá khởi điểm đã được phê duyệt đã lâu để tổ chức đấu giá, mặc dù giá đất thị trường đã có biến động.
Cũng về nội dung tài chính đất đai, tại khoản 4, Điều 150 dự thảo Luật quy định "Việc xác định giá đất để tính tiền SDĐ, tiền thuê đất phải được tổ chức thực hiện trước thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ, công nhận quyền SDĐ, gia hạn SDĐ, chuyển hình thức SDĐ, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất không quá 6 tháng”, nhiều ý kiến cho rằng sẽ phát sinh các bất cập trong quá trình thực hiện. Cụ thể: Đối với các trường hợp SDĐ thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền SDĐ, được Nhà nước cho thuê đất, khi chưa có quyết định cho thuê đất sẽ chưa có căn cứ xác định thời hạn SDĐ (thời hạn thuê đất) để xác định giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất, do khi cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án, thời hạn hoạt động của dự án tính từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư. Theo quy định tại khoản 3, Điều 128 dự thảo Luật, sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án mới được đưa quỹ đất thực hiện dự án vào kế hoạch SDĐ hàng năm cấp huyện, sau khi kế hoạch SDĐ hàng năm cấp huyện được phê duyệt, chủ đầu tư mới lập hồ sơ xin thuê đất. Khi đó, thời hạn cho thuê đất sẽ tính từ ngày có quyết định cho thuê đất đến ngày hết thời hạn hoạt động của dự án theo quyết định chủ trương đầu tư, chứ không phải tính từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư. Vì vậy, cần xem xét, điều chỉnh nội dung này cho phù hợp.
Về chính sách đất đai đối với ĐBDTTS, tại Điều 17 dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với ĐBDTTS đã quy định cụ thể thẩm quyền ban hành khung chính sách là Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tùy từng đặc tính, vùng miền của từng địa phương và khả năng cân đối đất ở, đất sản xuất, dự thảo lần này đã giao cho "UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể chính sách về đất đai đối với ĐBDTTS sinh sống trên địa bàn". Quy trình trên phù hợp với tình hình thực tiễn và phát huy hiệu quả của việc triển khai chính sách.
Tuy nhiên, theo đồng chí Doãn Quang Hưng, hiện nay, khung chính sách áp dụng còn nhiều bất cập tại địa phương, như liên quan đến việc xác định như thế nào là thiếu đất sản xuất theo định mức của địa phương, do Luật Đất đai hiện hành không giao địa phương quy định về định mức đất sản xuất khi giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Do đó, đề nghị quy định rõ hơn về định mức đất sản xuất (đất nông nghiệp) tại Điều 170 dự thảo Luật (Hạn mức giao đất nông nghiệp).
Đặc biệt, nhiều ý kiến trăn trở về việc dự thảo Luật quy định bỏ "hộ gia đình" là chủ thể sử dụng trong nhiều điều, khoản (40, 52, 137, 170…), điều chỉnh hoạt động trong quản lý, SDĐ, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế, góp vốn, thế chấp bằng quyền SDĐ. Tại Điều 235 dự thảo Luật quy định chuyển tiếp về giải quyết quan hệ có liên quan đến hộ gia đình SDĐ kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành chưa giải quyết được một số vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện. Tại dự thảo còn nhiều nội dung liên quan đến chế độ SDĐ của hộ gia đình (như THĐ của hộ gia đình, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp…). Do đó, cần điều chỉnh, sửa đổi để áp dụng thống nhất. Việc bỏ quy định "hộ gia đình" SDĐ gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình xác định chế độ, chính sách có liên quan trong giao đất, công nhận quyền SDĐ, THĐ đối với các trường hợp xử lý chuyển tiếp trước và sau thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực thi hành.
Đinh Hòa
(HBĐT) - Ngày 28/2, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
(HBĐT) - Về các xã: Sào Báy, Nam Thượng, Vĩnh Đồng... huyện Kim Bôi những ngày này, chúng tôi dễ dàng bắt gặp nụ cười của nông dân trồng dưa chuột. Ðang thời điểm thu hoạch, cứ thống nhất giá xong là tư thương hái, cân, thanh toán tại chỗ với giá cao. Dọc đường 12B cũng tấp nập người qua lại để mua dưa chuột đầu vụ.
(HBĐT) - Tại huyện Mộc Châu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức hội nghị "Đồng hành cùng doanh nghiệp, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn”.
(HBĐT) - Triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, từ cuối tháng 2, Sở Xây dựng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến dự thảo Luật thông qua trang thông tin điện tử của Sở, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, đồng thời lồng ghép trong các cuộc giao ban, sinh hoạt chi bộ, nhóm zalo nội bộ và các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở.
(HBĐT) - Qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), về cơ bản, Sở NN&PTNT nhất trí với dự thảo Luật. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành, sở tập trung góp ý một số nội dung sau: