(HBĐT) - Trong những năm qua, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) đã huy động các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV). Trong đó tập trung phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, từ đó tạo nền tảng bền vững cho công cuộc giảm nghèo.
Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) bàn giao lợn giống cho hộ nghèo trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết số 830, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 8 xóm của xã Dân Hạ nhập vào thị trấn Kỳ Sơn để thành lập phường Kỳ Sơn với tổng diện tích hiện tại 3.455 ha, 1.870 hộ, 8.328 nhân khẩu. Địa bàn sau sáp nhập rộng, phân chia thành 2 vùng rõ rệt, vùng ven quốc lộ 6 và vùng hạ lưu sông Đà. Cơ cấu kinh tế của phường được xác định tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại là mũi nhọn kết hợp nông nghiệp và chăn nuôi. Trên địa bàn phường có 11 tổ dân phố, trong đó có 8 tổ sản xuất nông nghiệp, 1 tổ sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ thương mại, 2 tổ là cán bộ, công chức và hưu trí.
Từ đầu năm đến nay, tiếp tục phát huy lợi thế thị trường, các hộ gia đình mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ thương mại như ăn uống, vật liệu xây dựng, hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh. 6 tháng đầu năm, tổng giá trị kinh doanh dịch vụ, thương mại đạt trên 220 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển nghề sản xuất gạch, đồ mộc dân dụng, khung nhôm cửa kính, cửa sắt, xay xát gạo, gia công cơ khí, may công nghiệp, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 6 tháng đạt trên 166 tỷ đồng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng với việc đưa các giống lúa mới vào sản xuất tổng diện tích 276 ha, nông dân tập trung trồng rau, đậu các loại. Chú trọng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm với tổng đàn trâu, bò 526 con, 310 con dê, 2.712 đàn ong, 1.956 con lợn và trên 16.000 con gia cầm.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Phương, công chức văn hóa - xã hội phụ trách lĩnh vực LĐ-TB&XH phường Kỳ Sơn cho biết: Điểm mấu chốt trong công tác GNBV là khơi dậy ý thức tự vươn lên của người dân. Theo đó, giải quyết việc làm là định hướng quan trọng, thiết yếu để công tác đạt được tính bền vững. Đến hết năm 2022, phường còn 41 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo. Thời gian qua, phường luôn chú trọng công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Song song với nỗ lực giải quyết việc làm, phường đẩy mạnh xã hội hoá công tác GNBV, huy động thêm nhiều nguồn lực để các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thực sự đi sâu vào cuộc sống, tác động trực tiếp, hữu hiệu đến từng người nghèo và hộ nghèo. Do đó đã huy động được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân. Các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên thiết thực triển khai nhiều chương trình: Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, Nông dân thi đua sản xuất kinh - doanh giỏi, Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo... Từ đầu năm đến nay, phường phối hợp Trung tâm Học tập cộng đồng mở các lớp dạy nghề theo nhu cầu của người lao động. Tiếp tục thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV, phường có 12 hộ tham gia dự án, trong đó 5 hộ được hỗ trợ chăn nuôi lợn thịt, 2 hộ nuôi chim bồ câu, 5 hộ nuôi gà thịt. Các hộ có nhu cầu được tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với 17 tổ tiết kiệm và vay vốn, 623 hộ vay, tổng dư nợ toàn địa bàn gần 20 tỷ đồng.
Bằng những giải pháp đồng bộ, thiết thực, huy động được các nguồn lực tham gia, công tác GNBV trên địa bàn phường Kỳ Sơn đạt được kết quả tích cực. Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 70 triệu đồng/người. 6 tháng đầu năm 2023 đạt 39,5 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm còn 2,23%. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, công tác giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục duy trì và nâng cao, an sinh xã hội đảm bảo.
Hương Lan
(HBĐT) - Từ hộ nghèo, sau nhiều năm chăm chỉ lao động sản xuất, gia đình chị Bùi Thị Chình ở xóm Mới, xã Thạch Yên (Cao Phong) đã vươn lên thoát nghèo và là hộ gia đình điển hình trong phát triển kinh tế khá của địa phương.
(HBĐT) - Huyện Mai Châu đang nỗ lực phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 20,79% xuống còn 17,4% vào cuối năm 2023. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện chủ trương huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo.
(HBĐT) - Hơn 20 năm qua, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được phủ đến tất cả các xã, thị trấn trong tỉnh. Nguồn vốn đã giúp hàng vạn hộ dân tộc thiểu số (DTTS) có vốn phát triển kinh tế, vượt lên đói, nghèo.
(HBĐT) - Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Cao Phong khó khăn về nhà ở đã có vốn để xây, sửa nhà, từng bước ổn định cuộc sống.
(HBĐT) - UBND huyện Đà Bắc vừa tổ chức đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện, qua đó nhìn nhận những kết quả đạt được so với tiến độ, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đồng thời, phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình. Đề xuất, kiến nghị việc hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo; giải pháp huy động, bố trí và sử dụng nguồn lực; giải pháp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình từ nay đến năm 2025.
(HBĐT) - Thực hiện tiểu dự án giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, huyện Lạc Thuỷ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình; triển khai nhiều giải pháp giúp người dân được tiếp cận nguồn thông tin hữu ích phục vụ đời sống, phát triển KT-XH địa phương.