Huyện Lạc Sơn hiện có 12 xã vùng đặc biệt khó khăn được thụ hưởng nguồn kinh phí giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững.
Năm 2023, từ nguồn phân bổ của chương trình đã đầu tư hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho 8 xã, trong đó có 2 xã tiếp nhận nguồn của tỉnh là Văn Sơn, Văn Nghĩa; 6 xã còn lại từ nguồn của huyện. Qua đó, hệ thống truyền thanh cơ sở ở 8 xã được trang bị đầy đủ, bao gồm: máy tính, micro, loa, phần mềm quản lý và bộ thu phát truyền thanh internet sử dụng sim 3G, 4G để thu phát chương trình.
Đồng chí Nguyễn Đình Hòa, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Thông tin là một trong những tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều. Triển khai tiểu dự án 1, thuộc dự án 6 - truyền thông và giảm nghèo về thông tin, huyện tăng cường giải pháp để người dân tiếp cận nguồn thông tin đa dạng qua hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Hệ thống truyền thanh thông minh này có nhiều ưu điểm: số lượng cụm loa không giới hạn, thu âm, phát thanh mọi lúc, mọi nơi đến từng cụm loa; có thể lắp đặt mọi địa hình, mọi phạm vi khoảng cách; số hóa cho việc sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình, duyệt chương trình từ xa, chuyển tải chương trình sang các ứng dụng khác, quản lý lịch phát sóng tự động…
Với nhiều người dân xã Văn Nghĩa, nghe thông tin thời sự trên loa truyền thanh cơ sở đã trở thành thói quen mỗi ngày. Bà Bùi Thị Thủy ở xóm Ấm chia sẻ: Cứ sáng ra tôi vừa dọn dẹp nhà cửa, quét sân vườn, vừa lắng nghe thông tin truyền thanh. Nhờ dễ dàng tiếp cận nên tôi nắm bắt được nhiều thông tin quan trọng về chính sách của Đảng, Nhà nước, thông tin về tình hình xuất khẩu lao động, việc làm trong nước hay những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi… Tôi cũng chia sẻ thông tin tiếp thu được để con cháu cùng biết, tranh thủ tận dụng những cơ hội về việc làm, vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Theo đồng chí Dương Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Nghĩa, hoạt động của đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại địa phương đem lại hiệu ứng tích cực, giúp tiết kiệm thời gian, thao tác vận hành đơn giản. Đặc biệt, thông qua đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin đã từng bước hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến đến người dân.
Có thực tế là do địa bàn rộng, nguồn lực đầu tư có hạn nên hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông chưa được phủ khắp trên địa bàn. Năm 2024, từ nguồn kinh phí CTMTQG giảm nghèo bền vững của huyện đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh ở 4 xã vùng đặc biệt khó khăn còn lại, gồm: Quyết Thắng, Ngọc Sơn, Tự Do và Mỹ Thành. Cũng theo đồng chí Nguyễn Đình Hòa, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở với thế mạnh riêng đã và đang phục vụ tốt tại các xã, nhất là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị, kênh thông tin tiện ích này cung cấp thông tin thiết yếu về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo.
Thời gian tới, bên cạnh nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững, huyện tranh thủ huy động các nguồn vốn lồng ghép khác để nâng tỷ lệ bao phủ, giảm thiếu hụt thông tin. Huyện phấn đấu hết năm 2025, 100% xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống.
Bùi Minh