(HBĐT) - Xác định công tác giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống Nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) đã phát huy hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước, huy động nguồn lực cùng sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp, sự quyết tâm, nỗ lực của mỗi người dân. Nhờ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn đạt kết quả đáng khích lệ.


Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng bưởi đỏ Tân Lạc của gia đình anh Bùi Văn Bình, xóm Mới, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) đem lại hiệu quả kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Trước đây, gia đình anh Bùi Văn Bình ở xóm Mới là hộ nghèo của xã. Gia đình làm nông nghiệp, lao động vất vả, thu nhập thấp, không ổn định, anh luôn trăn trở nếu vẫn tiếp tục trông chờ vào cây mía sẽ chẳng thể vươn lên thoát nghèo. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi và được tham gia lớp đào tạo nghề tại địa phương, tiếp cận với kiến thức, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, cuối năm 2019, anh mạnh dạn thực hiện mô hình chăn nuôi kết hợp trồng bưởi đỏ Tân Lạc. Với số vốn ban đầu trên 100 triệu đồng tích lũy, anh Bình đầu tư xây mới chuồng trại chăn nuôi, mua 500 con gà giống, 200 con ngan giống, 14 con lợn giống, 27 gốc bưởi. Vừa làm vừa trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sau 1 năm thực hiện mô hình đem lại lợi nhuận bước đầu, cho thu lãi gần 60 triệu đồng. Hiện mô hình có quy mô 1.500m2, nuôi 16 con lợn nái, 60 con lợn giống, trồng 27 gốc bưởi đỏ Tân Lạc. Năm 2022, anh Bình thu về khoảng 180 triệu đồng từ mô hình.

Bên cạnh đó, vợ anh Bình là chị Bùi Thị Diễm hiện duy trì tốt cơ sở mây tre đan. Thực hiện từ năm 2020, cơ sở đang tạo việc làm cho 160 lao động là phụ nữ, người trung, cao tuổi trên địa bàn xã và một số xã lân cận. Người lao động nhận nguyên liệu về nhà làm trong thời gian rảnh rỗi mang lại thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng. Với đức tính siêng năng, cần cù, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, cuộc sống của gia đình anh Bùi Văn Bình khấm khá hơn. Năm 2022, gia đình mua được xe ô tô.

Xã Thượng Cốc có 14 xóm, gần 9.000 nhân khẩu. Toàn xã còn 210 hộ nghèo (chiếm 10,8% tổng số hộ) và 273 hộ cận nghèo (chiếm 13,9%). Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, sản xuất, kinh doanh nhỏ. Năm 2022, thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người, phấn đấu hết năm 2023 đạt 48 triệu đồng/người. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, xã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, khơi dậy tinh thần tự lực, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Thường xuyên rà soát, phân tích hiện trạng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, cận nghèo, từ đó có giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, trường học, trạm y tế... tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, giao thương; giải quyết việc làm, đào tạo nghề...

Đồng chí Bùi Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Cốc cho biết: "Thời gian qua, UBND xã ban hành nhiều văn bản về công tác giảm nghèo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững. Chú trọng tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, phối hợp tổ chức lớp đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động làm việc tại một số cơ sở, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã hoặc xuất khẩu lao động. Rà soát, tổng hợp hộ có khả năng thoát nghèo để có giải pháp giúp đỡ phù hợp... Nhờ vậy tỷ lệ hộ thoát nghèo của xã đạt khá cao”.

Những kết quả đạt được là nền tảng để xã Thượng Cốc tiếp tục giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.


Linh Nhật

 


Các tin khác


Dấu ấn chính sách giảm nghèo bền vững

(HBĐT) - Hạ tầng KT-XH huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được đầu tư; hàng trăm lớp đào tạo nghề cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tổ chức; các mô hình giảm nghèo, đa dạng hoá sinh kế cùng nhiều hình thức tư vấn, hướng nghiệp, kết nối lao động, việc làm cho người lao động được thực hiện… Những giải pháp tích cực thực hiện chính sách tạo dấu ấn rõ nét Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn tỉnh.

Từ hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế khá

(HBĐT) - Từ hộ nghèo, sau nhiều năm chăm chỉ lao động sản xuất, gia đình chị Bùi Thị Chình ở xóm Mới, xã Thạch Yên (Cao Phong) đã vươn lên thoát nghèo và là hộ gia đình điển hình trong phát triển kinh tế khá của địa phương. 

Huyện Mai Châu: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo

(HBĐT) - Huyện Mai Châu đang nỗ lực phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 20,79% xuống còn 17,4% vào cuối năm 2023. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện chủ trương huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo.

Vốn ưu đãi giúp đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó

(HBĐT) - Hơn 20 năm qua, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được phủ đến tất cả các xã, thị trấn trong tỉnh. Nguồn vốn đã giúp hàng vạn hộ dân tộc thiểu số (DTTS) có vốn phát triển kinh tế, vượt lên đói, nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục