Anh Bùi Văn Chiến, xóm Ong Man, xã Chí Đạo (bên phải) đầu tư phát triển chăn nuôi, dịch vụ thương mại cho thu nhập khá.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông anh em nên sau khi lấy vợ và ra ở riêng, anh Bùi Văn Tý ở xóm Đầm Băng, xã Ngọc Sơn không có gì ngoài hai bàn tay trắng. Thời điểm đó, vợ anh xin vào làm công nhân cho một doanh nghiệp ở thị trấn Vụ Bản nên ngày ngày phải vượt gần 20km đường đèo dốc đi làm. Bản thân anh Tý sau khi học xong chưa xin được việc nên ở nhà làm nông nghiệp. Năm 2021, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn được hỗ trợ bò giống để phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế bền vững. Gia đình anh Tý là một trong những hộ tham gia mô hình. Nhờ chăm chỉ làm lụng, quan tâm chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi nên bò giống phát triển khỏe mạnh, sớm cho sinh sản. Đến năm 2022, điều kiện kinh tế của gia đình anh Tý đã ổn định, anh chủ động xin ra khỏi diện hộ nghèo.
Một điển hình khác là anh Bùi Văn Chiến ở xóm Ong Man, xã Chí Đạo là hộ cận nghèo. Mấy năm gần đây, với quyết tâm thay đổi cuộc sống, anh mạnh dạn bàn với gia đình vay vốn chính sách để chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, dần dà anh mở rộng quy mô làm ăn, đầu tư nuôi lợn rừng lai theo phương thức bán hoang dã mang lại hiệu quả cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Trên đà phát triển sản xuất, anh lấn sang lĩnh vực kinh doanh đồ điện dân dụng và mặt hàng gas tiêu dùng tại nhà. Với thu nhập đều đặn từ chăn nuôi và dịch vụ thương mại khoảng 200 triệu đồng mỗi năm, đời sống gia đình anh ngày càng ổn định, khá giả.
Hiện tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xóm Đảng 2, xã Quyết Thắng còn khá cao. Bên cạnh chính sách của Đảng, Nhà nước, một số hộ đã tự lực vươn lên thoát nghèo mà không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Điển hình là 3 hộ: Bùi Văn Khiêm, Bùi Văn Tấn, Bùi Văn Triều. Bà Bùi Thị Tiên, Trưởng xóm Đảng 2 cho biết: Đây là các hộ có chí hướng làm ăn, chịu thương, chịu khó. Trong sản xuất nông nghiệp, các hộ duy trì trồng lúa, cây màu để đảm bảo lương thực, đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi gà, lợn thương phẩm từ vài con lên hàng trăm con. Là lực lượng lao động trẻ nên họ chủ động tìm kiếm việc làm tại các công ty, doanh nghiệp may mặc, trang trại chăn nuôi hoặc làm phụ xây cho các công trình dân dụng nhỏ… Từ đó nguồn thu nhập trong gia đình được đảm bảo. Năm 2023, cả 3 hộ trên làm đơn tự nguyện ra khỏi hộ nghèo. Với bước nhảy vọt từ hộ nghèo lên hộ có mức sống khá giả, đây là những điểm sáng để các hộ trong và ngoài xóm học tập, noi theo.
Đồng chí Bùi Thế Hòa, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lạc Sơn cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, CTMTQG giảm nghèo bền vững được huyện tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, huy động nguồn lực giúp nâng cao thu nhập của người dân, từng bước cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các dự án của chương trình được thực hiện hiệu quả như: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin... Đặc biệt, huyện dành ưu tiên cho công tác đào tạo nghề cho lao động, tạo điều kiện cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số làm việc tại các doanh nghiệp, tạo việc làm tại chỗ gắn với chuỗi giá trị. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp dân cư và người nghèo, nhằm góp phần thay đổi nhận thức trong công tác giảm nghèo, hướng dẫn phương cách làm ăn để người nghèo tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững.
Năm 2024, huyện phấn đấu giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho từ 2.500 lao động trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 10,98%, hộ cận nghèo còn 12,14%. Cùng với hỗ trợ hiệu quả của CTMTQG, những điển hình hộ nghèo tự lực thoát nghèo là tấm gương cho các hộ nghèo khác học tập, tạo chuyển biến về ý thức, nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân, của cộng đồng, thúc đẩy hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Bùi Minh