(HBĐT) - Vốn đầu tư công (ĐTC) có "sứ mệnh” rất to lớn và quý giá, đặc biệt với địa phương còn nghèo chưa tự cân đối được ngân sách chi thường xuyên như tỉnh Hoà Bình. 

Tuy vậy, việc quản lý, sử dụng vốn ĐTC bên cạnh những đơn vị, địa phương làm tốt, nhiều công trình, dự án phát huy hiệu quả, đóng góp to lớn vào tăng trưởng và phát triển của tỉnh thì cũng có địa phương, đơn vị có những công trình, dự án để lại không ít điều tiếng về hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và tính minh bạch trong thủ tục đầu tư…


 "Bệnh” cũ trong quản lý, sử dụng vốn ĐTC chưa chữa dứt điểm thì hiện nay lại xuất hiện "bệnh” mới xem ra cũng rất nan giải và không kém phần trớ trêu, đó là giải ngân vốn ĐTC. Trong khi nền kinh tế "khát” công trình, công trình "khát” vốn thì tiền vay về phân bổ cho các địa phương, các chủ đầu tư dự án đầu tư công lại vẫn nằm im thin thít trong Kho bạc Nhà nước và hàng ngày, ngân sách vẫn phải trả lãi cho khoản vốn đang nằm "chết” đó.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC 6 tháng đầu năm mới đạt khoảng 25,69% kế hoạch vốn giao của năm 2021. Nhiều cuộc họp đã được Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức để bàn làm sao "tiêu” cho hết tiền theo tối hậu thư hối thúc của tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, là đến hết quý III phải tiêu được ít nhất 60% kế hoạch vốn của năm để đảm bảo hết năm đạt 100% kế hoạch. Tuy vậy, như để biện hộ cho tình trạng không tiêu được tiền, nhiều lý do đã được đưa ra như: Thủ tục đầu tư phức tạp, vướng mắc mặt bằng thi công, thậm chí là ảnh hưởng của dịch Covid-19… Các lý do xem ra rất thuyết phục và cũng rất "khách quan”, có vẻ như "bệnh” không tiêu được tiền ngoài sức dự liệu của các nhà quản lý, chủ đầu tư và cả nhà thầu. Chuyện ngược đời ở đây là ngân sách khó khăn, Chính phủ, Quốc hội phải đi vay tiền để bố trí vốn cho các công trình, dự án mang tính quốc kế, dân sinh vô cùng cấp bách mà chính các địa phương đã đề xuất từ những năm trước, khi lập kế hoạch ĐTC trung hạn, ấy vậy mà tiền vay về lại được địa phương, chủ đầu tư "chất đống” trong kho bạc. Bên cạnh đó lại còn một nghịch lý khác, đó là nhiều công trình, dự án có khối lượng hoàn thành, tiến độ giải ngân tốt lại không được giao đủ vốn hoặc giao nhỏ giọt…, hệ lụy là nhà thầu các công trình, dự án này chiếm dụng vốn lẫn nhau, trốn tránh nghĩa vụ thuế với Nhà nước và trách nhiệm với người lao động, công trình chậm được bàn giao đưa vào sử dụng gây lãng phí lớn cho nền kinh tế.

Với tiến độ giải ngân chậm, vai trò dẫn dắt, vốn mồi, đặc biệt là vai trò tạo tổng cầu cho nền kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của vốn ĐTC không còn mấy ý nghĩa và đương nhiên, nền kinh tế cũng mất đi động lực của sự phát triển, đây chính là tác động dây chuyền ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu "kép” mà chúng ta đang kiên trì và nỗ lực thực hiện.

Soi xét các nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ĐTC của các nhà quản lý đưa ra không phải là không có cơ sở, xét trên bình diện chung cả nước thì tỉnh ta cũng không phải là địa phương cá biệt. Nhưng có một thực tế, đó là cùng một thể chế, pháp luật, cùng chịu tác động tiêu cực của kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19, song nhiều địa phương lại có tỷ lệ giải ngân ĐTC rất cao, hiệu quả đầu tư rất rõ nét, trở thành điểm sáng trong bối cảnh chung của nền kinh tế của cả nước, điều này làm cho chúng ta thực sự phải xem xét lại cách tiếp cận của mình. Điều gì xảy ra nếu kế hoạch ĐTC, các dự án được chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu đề xuất, thẩm định, phê duyệt, giao vốn? Câu trả lời đó chính là bí quyết của những địa phương đã thành công trong huy động, quản lý và sử dụng vốn ĐTC.

Với tinh thần chỉ đạo của tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là: "Nghĩ thật, nói thật, làm thật…”. Sổ tay người giám sát cũng xin nói thật, nguồn gốc sâu xa của những hạn chế trong ĐTC là yếu tố con người. Trong bộ máy của chúng ta còn tồn tại nhiều người "Nói không, nói khó, nói có mà không làm”, điều mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan hành chính và cán bộ, công chức trong hệ thống nên tránh. Đội ngũ cán bộ, công chức này vừa hạn chế về năng lực chuyên môn, vừa yếu về trách nhiệm, thiếu sự sáng tạo nhưng thừa sự trì trệ, nhũng nhiễu, bảo thủ, đùn đẩy trách nhiệm và lo thu vén cá nhân.

Đã đến lúc các cấp uỷ, tổ chức Đảng cần chủ động vào cuộc quyết liệt hơn để tạo được chuyến biến căn bản trong lãnh đạo giải ngân vốn ĐTC nói riêng và thực thi các chính sách quản lý KT-XH hiệu quả hơn. Trước mắt, cần tập trung thúc đẩy giải ngân ĐTC theo "đơn thuốc”: Xem xét, rà soát trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình ĐTC, nhất là các dự án "có vấn đề” chậm tiến độ; điều chuyển vốn đầu tư của các dự án đã giao nhưng chậm giải ngân theo kế hoạch; đánh giá "hạnh kiểm”, năng lực các chủ đầu tư, nhà thầu có dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân để "hạn chế giao việc” cho năm sau; thực hiện "điểm dừng kỹ thuật” đối với các dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, không thực sự cấp bách để dồn vốn cho các công trình trọng điểm trong đề án của BTV Tỉnh uỷ "về hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH cơ bản, đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2026”; triển khai thực hiện kết luận của Tỉnh uỷ về các giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW, ngày 19/5/2018 của BCH T.Ư khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Và điều quan trọng để "đơn thuốc” này hiệu nghiệm chính là sự quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người lãnh đạo, quản lý các cấp.

                                              
N.T.S

Các tin khác


Kiên quyết bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trong khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang sôi nổi chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ở một số trang báo, trang mạng phản động, các thế lực thù địch lại ra sức chống phá, xuyên tạc, bóp méo Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.

Ổn định chính trị - Vốn quý để phát triển đất nước

Đối với đất nước ta, ổn định chính trị là tài sản vô giá. Điều này đã được minh chứng qua kết quả của gần 40 năm đổi mới, ổn định chính trị là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế đất nước, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trị bệnh giáo điều của cán bộ, đảng viên ở cơ sở

Cán bộ, đảng viên là hạt nhân xây dựng tổ chức cơ sở đảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân; thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Sáng ngời tâm thế, bản lĩnh, bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024).

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.

Kiên quyết bảo vệ an ninh quốc gia và đại đoàn kết dân tộc

Căn cứ pháp luật Việt Nam và quốc tế, ngày 6/3 vừa qua, Bộ Công an đã ra thông báo về hai tổ chức đang tiến hành hoạt động khủng bố tại Việt Nam, đó là "Nhóm Hỗ trợ người Thượng" và "Người Thượng vì công lý". Qua đây cũng đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, nhất là ở các địa bàn phức tạp, nhạy cảm tiếp tục bám sát địa bàn; các tầng lớp nhân dân thường xuyên nêu cao cảnh giác, không để bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá chính quyền, gây tổn hại đến khối đại đoàn kết dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục