Trên diện tích 700 m2 đất lúa 1 vụ, gia đình anh Quách Minh Phượng, xóm Bào 3, xã Thanh Hối (Tân Lạc) đã chuyển đổi sang trồng bí xanh, dưa chuột đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bùi Văn Lựng chia sẻ: Trên diện tích 2.000 m2, trước đây gia đình tôi chỉ cấy được 1 vụ lúa nhưng năng suất bấp bênh do thiếu nước. Do vậy, cuộc sống của gia đình với 4 - 5 nhân khẩu không đủ ăn. Đáng nói hơn là dù có đất, nhưng thời gian nông nhàn lại rất lớn.
Tuy nhiên, từ khi thực hiện sự chỉ đạo của Đảng bộ xã, chi bộ xóm về việc đưa cây trồng hàng năm vào sản xuất trên diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả. Gia đình ông Lựng cùng nhiều hộ ở xóm Bào 3 đã tích cực chuyển đổi, đưa các loại cây rau, đậu, dưa hấu, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ vào trồng đã đem lại hiệu quả tích cực. Theo tính toán của ông Lựng, trên cùng diện tích đất sản xuất 2.000 m2, nếu trồng dưa hấu mỗi vụ bình quân thu được khoảng 5 tấn, giá thu mua tại chân ruộng khoảng 10.000 đồng/kg, mỗi vụ gia đình thu được 50 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Thời gian trồng dưa hấu lại ngắn hơn so với trồng lúa nên có thể quay vòng, gối vụ liên tục với các loại cây rau, đậu ngắn ngày. Do đó, ngoài nguồn thu từ dưa hấu, mỗi năm gia đình ông Lựng có thêm hàng chục triệu đồng từ nguồn thu các loại rau, màu khác.
Cũng như gia đình ông Lựng, gia đình anh Quách Minh Phượng ở xóm Bào 3 có 700 m2 đất ruộng. Nếu chỉ trồng lúa thì gia đình anh với 4 nhân khẩu không đủ ăn. Tuy nhiên, từ khi thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã Thanh Hối về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là Nghị quyết về chuyển đổi diện tích đất trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng bí xanh, bí đỏ kết hợp với các loại rau, màu gối vụ như dưa chuột, su hào..., bình quân mỗi năm gia đình anh có nguồn thu hàng chục triệu đồng, cao hơn so với trồng lúa hàng chục lần. Từ chỗ khó khăn, cuộc sống gia đình anh từng bước vươn lên. Vợ chồng anh không phải đi làm ăn xa những lúc nông nhàn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hối cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 12, ngày 18/4/2014 của Huyện ủy Tân Lạc về việc đưa cây trồng hàng năm vào diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, Đảng uỷ xã đã quán triệt, triển khai đến cán bộ chủ chốt, các đồng chí bí thư, phó bí thư các chi bộ, các đồng chí đảng viên trong toàn Đảng bộ và triển khai đến toàn thể nhân dân. Theo thống kê, tính đến nay, toàn xã chuyển đổi được hơn 50 ha. Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, đội ngũ cán bộ, đảng viên là những người tiên phong đi đầu, làm trước như gia đình đồng chí Bùi Văn Nhơn, Bùi Văn Hiện...
Có thể nói, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đến nay ở Thanh Hối xóm nào cũng có mô hình điển hình về phát triển kinh tế như các mô hình trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh, xả, chuối tiêu hồng, mít Thái... Điển hình như mô hình trồng rau an toàn ở xóm Sung, từ chỗ chỉ có 2 - 3 hộ trồng trên diện tích nhỏ lẻ thì đến nay, mô hình được nhân rộng, phát triển trong toàn xóm với tổng diện tích hơn 5 ha. So với trồng lúa giá trị thu nhập trên cùng diện tích sau khi chuyển đổi sang trồng các loại rau, màu đã tăng từ 6 - 7 lần, thậm chí có nơi giá trị thu nhập tăng cả chục lần. Năm 2010 thu nhập bình quân của xã đạt 6 triệu đồng/người thì đến năm 2017, tăng 4,4 lần, đạt 26,4 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của xã giảm còn 9,64%. Trong nhiều năm liền, Thanh Hối luôn được đánh giá nằm trong nhóm đầu của huyện Tân Lạc về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Huyện ủy về việc nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả.
Mạnh Hùng