Thành viên Ban Tổ chức cuộc thi và các tác giả, nhóm tác giả vào vòng chung kết thăm mô hình sản xuất trà cà gai leo của đoàn viên Nguyễn Thùy Linh ở xã Yên Lạc (Yên Thủy).
Để cuộc thi đạt kết quả cao, 2 đơn vị đã phối hợp ban hành kế hoạch tổ chức, thể lệ cuộc thi; thành lập ban tổ chức (BTC), ban giám khảo và triển khai rộng rãi đến tất cả các cơ sở Đoàn. Kết nối với sàn ý tưởng khởi nghiệp của Trung ương Đoàn (website: http://sanytuongkhoinghiep.com/) để hỗ trợ giới thiệu các ý tưởng, dự án tiêu biểu. Sau khi phát động đã có 30 dự án, ý tưởng sản xuất, kinh doanh của các tác giả, nhóm tác giả là đoàn viên, thanh niên tham gia thuộc các lĩnh vực: khoa học, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin, xây dựng, kinh doanh... Cuộc thi có sự đồng hành của Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Hòa Bình cùng một số doanh nghiệp.
Cuộc thi diễn ra với 3 vòng. Vòng 1 - đi tìm ý tưởng, đề án khởi nghiệp, BTC lựa chọn 20 ý tưởng, đề án xuất sắc vào vòng 2 - xây dựng đề án khởi nghiệp. Trong vòng 2, các tác giả, nhóm tác giả được tập huấn, hướng dẫn xây dựng đề án; tham gia diễn đàn, giao lưu với chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp thành đạt, các nhà tài trợ. Sau đó, hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp thành một đề án khởi nghiệp cụ thể và nộp về BTC. Ban Giám khảo lựa chọn 10 đề án có điểm số cao nhất để tham gia thi vòng 3 - vòng chung kết cấp tỉnh. Trong vòng này, các thí sinh tiếp tục hoàn thiện đề án khởi nghiệp và được tham gia tọa đàm với lãnh đạo các cơ quan, ngân hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan. Sau khi trao giải, BTC theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn pháp lý, công nghệ, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong 1 năm triển khai đối với dự án đoạt giải nhất, nhì, ba.
Đến nay, các thí sinh đã trải qua 2 vòng thi và BTC đã chọn 10 ý tưởng, dự án bước vào thi vòng 3, dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 7/2018. Đó là các ý tưởng, dự án: "Xây dựng nông trại hữu cơ an toàn sinh học kết hợp du lịch trải nghiệm thực tế”, "Sản xuất trà dược liệu túi lọc (trà cà gai leo)”, "Xe lăn đầu kéo điện biến hình”, Dự án "Zupviec.vn”, "Nuôi cá trắm đen thương phẩm”, "Sản xuất hữu cơ kết hợp dịch vụ du lịch”, "Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây Sachi tại huyện Đà Bắc”, "Nông trại dâu tây xứ Mường”, "Dịch vụ hỗ trợ giáo dục toàn diện”, "Phát triển dịch vụ thương mại đê Đà Giang trên nền tảng chợ điện tử”. Các dự án được BTC đánh giá cao về bước chuẩn bị và xây dựng, có sự tìm tòi, sáng tạo, có mô hình thực tế, thiết thực. 5 ý tưởng, dự án lĩnh vực nông nghiệp xuất sắc đã được BTC gửi tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên nông thôn năm 2018 do Trung ương Đoàn tổ chức.
Cuộc thi là một trong những hoạt động thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2017 - 2020; đẩy mạnh Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh nhiệm kỳ 2017 - 2022. Thông qua cuộc thi nhằm cung cấp kiến thức khởi nghiệp; tìm kiếm, tôn vinh những ý tưởng sáng tạo; thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao.
Đồng chí Bùi Quốc Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh cho rằng: Hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa và internet phát triển mạnh đã xóa khoảng cách địa lý, ranh giới quốc gia, tạo ra những cơ hội bình đẳng trong tiếp thu, học hỏi những tiến bộ của nhân loại. Thế hệ trẻ có nhiều điều kiện, cơ hội để khởi nghiệp, lập nghiệp. Khởi nghiệp không nhất thiết bắt đầu ngay với những điều lớn lao mà nhiều khi từ những trăn trở, ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên. Mỗi người, đặc biệt là thanh niên nên có tinh thần khởi nghiệp để tiếp tục sáng tạo, tạo ra cái mới, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Cẩm Lệ