(HBĐT) - Sau vài thập kỷ với nhiều nỗi lo về sự mai một, những năm trở lại đây, ở khắp các bản Mường trong tỉnh đâu cũng du dương những câu thường rang, bộ mẹng (hát ví, hát đối) ở trên ti vi và ngay trong đời sống thường nhật. Dân ca Mường đã và đang được sống lại, thậm chí hòa nhập mạnh mẽ trong thời đại số nhờ những con người có tâm, có tầm đã lăn lộn đi "khơi” lại dòng chảy dân ca Mường.


Việc ghi hình, đăng tải các clip hát đối lên Youtube là bước ngoặt trong bảo tồn dân ca Mường. Ảnh: Các nghệ nhân tham gia chương trình diễn xướng dân ca dân tộc Mường do Ban sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hoá phi vật thể huyện Lạc Sơn tổ chức tháng 1/2021.

Với sự du nhập của nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí của thời kỳ hội nhập nên trong một thời gian dài, có những giá trị văn hóa truyền thống của người Mường phần nào bị mai một, trong đó có những câu hát thường rang, bộ mẹng. Không ít người già cả bày tỏ sự xót xa khi nhiều người trẻ không hiểu biết và trân quý những giá trị bản sắc của dân tộc.

Nhiều năm "thèm” nghe hát đối

Những câu hát thường rang, bộ mẹng được vang lên ở nhiều không gian khác nhau, trong nhiều hoàn cảnh của đời sống người Mường từ xa xưa. Hát để giao tiếp, bày tỏ tình cảm, để thỏa mãn nhu cầu giải trí về mặt tinh thần. Từ xa xưa, người Mường không có chữ viết, những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của dân tộc Mường đều được lưu lại trong nhịp sống hằng ngày, từ đời này qua đời khác và cả trong những câu hát thường rang, bộ mẹng. Hát khi lên nương rẫy, khi đào măng, lấy củi; hát khi ra đồng cấy lúa, làm mùa; hát mừng ngày vui, lễ Tết. Câu hát gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Mường như vậy, trong đó, hát đối được coi là hình thức giao tiếp "cao cấp” nhất và có lượng khán giả theo dõi đông đảo.

"Ngày xưa có dịp mừng vụ mùa mới, nhà mới hay lễ, Tết là hát đối với nhau. Thậm chí không có dịp gì, chỉ cần gặp gỡ nhau cũng hát để hỏi thăm sức khỏe, hát thi với nhau. Có nhiều cuộc hát thâu đêm, suốt sáng mà nghe vẫn không thấy chán. Nhưng đó là ngày xưa rồi, chứ bây giờ ít người còn hay hát như vậy lắm. Nên chúng tôi phải chờ đến lễ hội Khai hạ để đi nghe hát cho đỡ nhớ câu hát của dân tộc mình”, lời tâm sự của cụ Bùi Thị Thìn, xã Ngổ Luông (Tân Lạc) tại Lễ hội Khai hạ Mường Bi chúng tôi vẫn nhớ rõ. Nhiều lần trẩy hội tại các lễ hội đầu năm trong tỉnh, chúng tôi thực sự ấn tượng với hình ảnh hàng nghìn khán giả vây kín sân khấu, nơi nghệ nhân của các xã, thị trấn thi tài hát đối.

Hình ảnh đó đã nói lên tình yêu của người Mường với câu hát đối to lớn thế nào. Thế nhưng cũng thể hiện một thực tế rằng, hơn lúc nào, người Mường đang hoài niệm về những cuộc hát đối thâu đêm đã diễn ra từ rất lâu mà chưa có dịp tái hiện. Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là những người hát đối giỏi nên từ bé, bà Quách Thị Tình, xóm Hầu 3, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) sớm bộc lộ năng khiếu hát. Tuy nhiên, nếu như thế hệ trước được hát thường xuyên trong các dịp lễ, Tết hoặc dịp vui của gia đình, làng xóm thì thế hệ của bà Tình thiệt thòi hơn. Chỉ đến dịp lễ hội hay tổ chức văn nghệ bà Tình cùng những người yêu hát Mường mới được dịp trổ tài. "Trong khoảng thời gian dài, vì sự thay đổi, nhịp sống xã hội ngày một bận rộn hơn, có nhiều phim ảnh, nghệ thuật giải trí khác nên nhiều người không còn thích nghe hát Mường. Với những người yêu hát Mường như chúng tôi phải chờ đến dịp tổ chức lễ hội mới được nghe, được hát” - bà Tình chia sẻ.

Ngắt quãng trong thời kỳ hội nhập

Như vậy, không chỉ những người nghe nhớ về những câu hát, làn điệu của dân ca Mường, mà trong khoảng thời gian dài nhiều nghệ nhân dân gian cũng thiếu "sân khấu” để thể hiện tài năng của mình. Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng, xóm Bưng Cọi, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) cho biết: Từ xa xưa, người Mường đã sử dụng những câu hát để giao tiếp với nhau, cũng như để thỏa mãn nhu cầu giải trí về mặt tinh thần. Trong đó, hình thức giao tiếp "cao cấp” nhất là hát đối. Những câu hát này đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nên nhân cách của người Mường. Thế nhưng, có một thời gian dòng chảy dân ca Mường ngắt quãng, nhất là thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế. Khi đó, các phương tiện truyền thông, loại hình giải trí mới được du nhập vào đời sống của người Mường. Với sự mới lạ, các loại hình này nhanh chóng được lớp trẻ đón nhận, làm cho dòng chảy của dân ca Mường bị ngắt quãng trong một thời gian khá dài, từ năm 1978 đến đầu năm 2013.

Theo ông Vọng chia sẻ: Trước nguy cơ mai một của dân ca Mường, năm 2013, ông cùng với ông Bùi Nỏm (nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn), Bùi Tiến In đã gặp gỡ và bàn cách khôi phục lại dân ca Mường trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Các ông đã tổ chức những buổi hát giao lưu ở khắp các xã trên địa bàn huyện. Qua đó, hát đúm, thường rang, bộ mẹng từng bước được khôi phục và phát triển rất mạnh. Hiện nay, nhiều câu lạc bộ hát tiếng Mường ra đời quy tụ được nhiều "cây hát” nổi tiếng ở các bản Mường. Với việc đưa video clip ghi lại buổi giao lưu giữa các nghệ nhân dân gian lên mạng xã hội, nhất là Youtube đã tạo ra bước ngoặt cho việc bảo tồn, phát huy và phát triển dân ca Mường.

(Còn nữa)


Viết Đào


Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục