>> Bài 1 - Những con đường của ý Đảng, lòng dân
Đường Hòa Lạc - Hòa Bình được khởi công đi vào hoạt động, góp phần kết nối giao thông vùng Tây Bắc và Thủ đô Hà Nội.
Những tuyến đường rút ngắn khoảng cách và thời gian
Nhà ở TP Hòa Bình nhưng công tác tại một cơ quan T.Ư ở Hà Nội, trước đây, anh Dương Văn Nghĩa rất ngại mỗi lần về nhà vì không tiện xe, thời gian nghỉ ngắn. Nhiều tháng phải 2 - 3 tuần anh mới về nhà. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, gần như tuần nào anh cũng về bởi như anh nói chỉ hơn 1 tiếng lái xe là đã có mặt tại Hòa Bình. Ngược lại, sáng thứ Hai chỉ cần 6h khởi hành từHòa Bình, xuống đến Hà Nội vẫn kịp giờ làm, bắt đầu 1 tuần làm việc mới. Sự thuận lợi ấy là nhờ dự án đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình được đầu tư xây dựng đã kéo gần khoảng cách và rút ngắn thời gian từ Hòa Bình về Thủ đô.
Không chỉ tạo thuận lợi về giao thông đi lại, tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình còn có ý nghĩa chiến lược trong phát triển KT-XH. Nhận thức được điều đó, cấp ủy Đảng, chính quyền đã dồn tâm sức, chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ dự án. Đồng chí Quách Tùng Dương, nguyên Bí thư Thành ủy Hòa Bình nhớ lại: Tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình đi qua nhiều địa bàn, nhiều hộ bị ảnh hưởng, tác động, phải đền bù, tái định cư. Trong đó, nhiều khó khăn, vướng mắc lớn về vấn đề giá đất, định giá tài sản phát sinh, xác định hạng mức đất ở... nhưng đã được cấp ủy từ tỉnh đến thành phố vào cuộc chỉ đạoquyết liệt, từng bước giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngày 10/10/2018, Bộ GTVT đã chính thức phát lệnh thông xe tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, mở ra cánh cửa phía Tây của Thủ đô Hà Nội lên Hòa Bình, mở ra cơ hội phát triển KT-XH của tỉnh và khu vực. Đúng như kỳ vọng, với việc tiếp giáp khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, quy hoạch cụm công nghiệp Yên Quang, Hòa Bình trở thành 5 tỉnh vành đai của Hà Nội, tạo cơ hội bứt phá về KT-XH.
Với phương châm giao thông đi trước mở đường, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều tuyến đường quan trọng kết nối giao thông vùng, tạo động lực cho phát triển. Theo báo cáo của ngành GTVT, trong 5 năm, cùng với tuyến Hòa Lạc - TP Hòa Bình, nhiều tuyến đường quan trọng của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp, tạo tiền đề quan trọng kết nối giữa các vùng, miền như tuyến quốc lộ 6 (đoạn Xuân Mai - Hòa Bình), đường tỉnh 433 kết nối TP Hòa Bình - Đà Bắc, đường tỉnh 435, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc; đường Hang Kia - Cun Pheo - quốc lộ 6.
Giao thông kết nối - đánh thức tiềm năng kinh tế vùng
Xác định những dự án giao thông tạo ra kết nối có tính chất "xương sống”, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 1 trong 3 chiến lược đột phá của tỉnh trong phát triển kinh tế là phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó giao thông liên kết đóng vai trò quan trọng. Nghị quyết xác định huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu và những tuyến giao thông liên kết vùng cao. Tháng 4/2021, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 415 về điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Nghị quyết bổ sung nhiều tuyến đường huyết mạch, góp phần phát triển giao thông các vùng động lực kinh tế. Tạo cơ hội để các huyện vùng cao Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Mai Châu phát huy tiềm năng, lợi thế vùng miền.
Thực hiện nghị quyết, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Đây là dự án liên kết vùng có tầm quan trọng đặc biệt. Dự tính chiều dài tuyến gần 23 km, đi qua địa phận Hòa Bình gần 16 km. Dự án góp phần thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp Yên Quang, Mông Hóa, cụm công nghiệp Tiên Tiến nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung... Cùng với dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (giai đoạn 2), tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII chính thức thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) (ĐT.448B). Phạm vi nghiên cứu của dự án, đoạn 1 - huyện Kim Bôi nối với trục cao tốc quy hoạch; đoạn 2 - định hướng kết nối cao tốc với Đà Bắc. Quy mô dự án có tổng chiều dài khoảng 39 km. Theo đánh giá của đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp: Dự án là một trong những giải pháp đột phá quy hoạch gắn với xây dựng hạ tầng kết nối liên vùng, đẩy nhanh xây dựng các dự án có ảnh hưởng sâu rộng, có tính lan tỏa thúc đẩy đầu tư, thu hút lao động, tăng thu nhập cho người dân và ngân sách, đặc biệt đối với 2 huyện nghèo nhất tỉnh như Kim Bôi, Đà Bắc nhưng nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Khi "đường lớn đã mở", kết nối Thủ đô Hà Nội với vùng Tây Bắc, giao thông thực sự trở thành động lực, "trải thảm" mở ra cơ hội lớn cho phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đưa kinh tế tỉnh đạt trình độ trung bình của cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Đinh Hòa