Vũ Hữu Lùng phục chế xe đạp.
(HBĐT) - Trái ngược hoàn toàn với những hình dung ban đầu của chúng tôi khi người đàn ông có phong thái điềm đạm, quắc thước và rắn rỏi với mái tóc bạc trắng, đôi kính lão xệ xuống như được đỡ bởi gò má cao tự giới thiệu mình là Vũ Hữu Lùng ở xóm Nam Hòa, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) người mà chúng tôi đang tìm gặp. Dẫu ở cái tuổi 75 nhưng thật khó để nhận ra dấu hiệu tuổi tác trong công việc thường ngày, bình dị của người đàn ông này...
Nói đến ông Lùng “xe đạp” thì có lẽ ở cả xã Xuất Hóa, thậm chí là cả huyện Lạc Sơn này chẳng mấy ai là không biết. Hàng chục năm qua, ngoài công việc chính của ông là sửa chữa xe đạp, ông dành phần lớn thời gian tìm mua phụ tùng và những chiếc xe đạp cũ, hỏng tại các điểm thu gom đồng nát trên địa bàn huyện về mày mò, phục chế, dựng lại thành những chiếc xe đạp hoàn chỉnh dành cho những người nghèo khó hơn mình. Nói chuyện với chúng tôi, ông bảo: Tớ vốn công tác trong ngành đường sắt. Năm 1983 về nghỉ hưu. Trước khi về nghỉ, được anh em làm tặng bộ đồ nghề sửa chữa xe đạp, ngày ấy vừa là kỷ niệm, vừa là thứ tài sản đáng giá nhất của cả nhà. Với bộ đồ nghề ấy, đến năm 1985 tớ bắt đầu mở cửa hiệu sửa chữa xe đạp để có đồng ra, đồng vào thêm vào cái khoản lương hưu vốn chẳng đủ đong gạo hàng tháng cho 4 - 5 miệng ăn.
Quả thực khi ấy, bộ đồ nghề sửa xe đạp đã phần nào giúp gia đình ông qua những thời khắc khó khăn khi cả xã hội vừa chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế kinh tế mới. ông kể: Thời kỳ đó, với người dân, xe đạp là phương tiện chủ yếu thế nên việc kiếm cơm cũng không đến nỗi khó khăn như bây giờ. Trong quá trình làm nghề, ông đã nhận rõ nhu cầu rất lớn về loại phương tiện này đối với người dân, nhất là đối với những người nghèo ở xung quanh. Trong khi đó, đời sống ngày càng phát triển, đổi thay nhanh chóng, nhiều người đã chuyển sang dùng phương tiện khác. Những chiếc xe đạp cũ trở thành phế liệu mà nhiều người vẫn nghĩ bán thì ít, cho là chủ yếu vì “có để đấy cũng chẳng ai đi, để chỉ chật nhà”. Xót cho những chiếc xe đạp trở thành đống sắt vụn, nghĩ đến những người nghèo cần có phương tiện mưu sinh. Do vậy, trong suốt hàng chục năm qua, tuần nào, ông lão cũng lóc cóc trên chiếc xe đạp cũ của mình một đôi lần đảo qua những điểm thu mua phế liệu trên địa bàn huyện tìm mua phụ tùng xe đạp cũ, hỏng về phục chế, dựng thành những chiếc xe đạp hoàn chỉnh. Tìm mua được những bộ phận, phụ tùng xe đạp cũ, hỏng về phục dựng lại cũng không phải là việc dễ dàng. Có khi phải mất đến cả tuần, đi đến các điểm thu gom phế liệu hàng chục lần để lựa nhặt từng thứ một về tháo tung rồi căn, chỉnh, lắp ráp lại. Vì vậy, tất cả những chiếc xe đạp ông phục dựng đều là sự lắp ghép hoàn chỉnh từ nhiều chiếc xe đạp khác nhau. Vừa tỉ mẩn cài những chiếc nan hoa vào khuôn vành, vừa nheo mắt vuốt ve, căn chỉnh từng chân ren, không rời tay, ông bảo: những chiếc xe này khi được mang về đây, chúng đều là sắt vụn, không có cái nào hoàn chỉnh. Do vậy, mình phải mất công tháo rời tất cả các bộ phận rồi ngâm dầu, những cái nào rơ, vênh phải ép chặt lại để tạo sự chắc chắn khi sử dụng. Mình làm nghề nên biết, những chiếc xe này trong quá trình sử dụng trước đây cũng đã có nhiều hỏng hóc nên càng cẩn thận bao nhiêu, khi để cho người khác sử dụng mình lại càng yên tâm bấy nhiêu.
Cũng chính vì lẽ đó nên nhiều người đã tìm đến ông, mua những chiếc xe đạp cũ do ông phục dựng lại. Anh Bùi Minh Chiến ở xóm Phốc, xã Xuất Hóa cho biết: nếu đem so sánh chưa chắc đi xe mới đã bằng xe do ông Lùng phục dựng. Tuy là xe cũ nhưng đi xe này, tôi thấy chắc chắn và yên tâm mà giá cả cũng phù hợp với những người nghèo như chúng tôi, chưa bằng một nửa giá xe mới, thậm chí là chỉ bằng 1/4 giá chiếc xe mới. Vì thế tôi đang muốn mua 1 chiếc cho cháu đi học mà mình cũng có thể sử dụng cả vào việc chăm sóc đồng áng cũng rất tiện dụng.
Nói về giá trị của những chiếc xe này, ông lão Vũ Hữu Lùng cười giòn tan: Nó có đáng gì đâu, ở đây, tôi chủ yếu là bán cho người nghèo mà cũng chỉ có người nghèo mới có nhu cầu mua, sử dụng nên tôi không đặt giá cả lên hàng đầu. Nếu tính ra, có khi nó chẳng bằng một bữa bia của các cậu ngoài phố. Thường thì tôi chỉ bán với giá như mình bỏ ra mua phụ tùng cũ hỏng về phục dựng. Mỗi chiếc xe tôi chỉ bán với giá một hai, trăm nghìn đồng thôi. Cái chính là nó phù hợp với nhu cầu sử dụng của người nghèo và vừa sức với người ta. Nếu mình lấy quá đâu còn mang cái ý nghĩa giúp người ta nữa.
Đó là những chuyện mà ông kể, bên cạnh đó còn có những chuyện xung quanh những chiếc xe đạp cũ này mà ông chẳng muốn đề cập đến đó là không ít lần ông đã tặng xe cho những người nghèo khó xung quanh mình, hoặc ông bán chịu hay bán lỗ những chiếc xe đạp mà có người đã từng trả ông đến hàng trăm nghìn đồng cho những người nghèo khó, cho những cháu học sinh nghèo hiếu học trong khi thực tế hoàn cảnh gia đình ông cũng chẳng khá hơn họ là bao nhiêu. ông cho rằng đó là chuyện thường tình nếu các cậu mà ở vị trí của tớ, tớ tin các cậu cũng sẽ làm vậy thôi. Cũng có không ít người đã từng bị ông mắng vỗ mặt và đuổi thẳng cổ ra khỏi nhà khi đến với ông bằng thái độ nghênh ngang, kiêu ngạo. Tính cách của ông là vậy, bộc trực, thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng. Chẳng thế mà trong tham gia hưởng ứng thực hiện CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi đảng viên đều phải viết báo cáo thu hoạch. Bản báo cáo của ông đã gây xôn xao trong dư luận Đảng bộ xã Xuất Hóa lúc bấy giờ khi trong bản báo cáo của ông chỉ viết duy nhất một câu: “Học tập Bác suốt đời. Kể lại chuyện này, ông cười: tính ra năm nay, tôi đã 50 năm tuổi Đảng và cũng đã từng được Bác tặng huy hiệu của Người vào năm 1962 nên tôi thấu hiểu tư tưởng cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư của Bác. Từ khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi đã luôn phấn đấu, học tập những tư tưởng đó trong công việc, cuộc sống hàng ngày. Cho đến bây giờ, tôi vẫn đang học tập Bác nên đâu cần phải viết báo cáo thu hoạch máy móc như vậy, nhất là đối với những đảng viên hưu trí như tôi.
Tuy thế, khi nói về ông Lùng và những việc làm của ông, cả Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn, Bùi Văn Nỏm và Bí thư Đảng ủy xã Xuất Hóa Bùi Văn Hảo đều khẳng định: đây là một trong những điển hình về thực hiện CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của xã, của huyện. Trên thực tế, ông Vũ Hữu Lùng cũng đã nhiều lần được tuyên dương trong các hội nghị điển hình tiên tiến trong thực hiện CVĐ này ở huyện Lạc Sơn.
Còn khi nói về mình, ông khiêm tốn: tớ là một người nghèo và chỉ là một anh thợ của người nghèo như người ta vẫn gọi. Còn chuyện học tập và làm theo Bác thì tớ đã học, đang học, tiếp tục học và làm theo. Vậy thôi!
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Thời tiết đang ấm dần, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch mía tím. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, việc tiêu thụ mía trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra hết sức ảm đạm, người trồng mía vẫn ngậm ngùi bán đi những ruộng mía tím mơn mởn với giá rẻ, nhiều diện tích vẫn không có người hỏi mua khiến người trồng mía hoang mang, lo lắng.
(HBĐT) - Người Mường biết đánh chiêng có hàng vạn, nhưng người biết giữ phách cho giàn chiêng và làm được việc dậyl chiêng thì đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt là dùng tay xoa vào núm chiêng để ngân lên tiếng thì độc nhất vô nhị chỉ có ông Nguyễn Văn Thực ở xóm Chăm, phường Thái Bình (TPHB). Người vừa biết chơi các loại nhạc cụ dân tộc Mường, vừa biết làm nhà táng, đồ mỹ nghệ thì cũng chỉ có già Thực. Ông như một “bảo tàng sống” về văn hóa Mường.” - Đó là nhận xét của NSƯ.T, nhà nghiên cứu VHDG Bùi Chí Thanh về người nghệ nhân đầu tiên của tỉnh vừa được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian Việt Nam.
(HBĐT) - Vụ lở núi xảy ra vào buổi sáng ngày 16/2 làm chết 2 người, gây ách tắc hoàn toàn tuyến QL 6 thuộc km 138 + 750 địa phận xã Đồng Bảng (Mai Châu) là vụ lở núi kinh hoàng nhất từ trước đến nay tôi được tận mắt chứng kiến. Nhưng với những CBCS - Bộ CHQS tỉnh tham gia làm công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn (TKCHCN) nói chung và những người lính công binh nói riêng thì đây thực sự là "một trận đánh".
(HBĐT) - Thời gian gần đây, nhà anh Ngần Văn Phát và chị Khà Thị Lương thỉnh thoảng xuất hiện những người khách lạ, khách ta có, khách tây cũng có. Họ đến để được chiêm ngưỡng và hỏi mua đá cảnh, những viên đá nhiều màu sắc vàng, trắng, đỏ với muôn hình vạn trạng khác nhau.
(HBĐT) - Lên 3 tuổi, ông Bùi Văn Ngởi ở xóm Khuyển, xã Bảo Hiệu (Yên Thuỷ) bị bệnh tật cướp đi đôi mắt. Mọi việc từ sinh hoạt hàng ngày đến ra đồng cày, cấy đều tự ông làm bằng đôi tay của mình. Bằng đôi tay của mình, ông đã tạo dựng được cơ nghiệp và xây dựng được mái ấm gia đình luôn tràn ngập hạnh phúc và tiếng cười.
(HBĐT) - Trở lại thăm Đá Bạc - xã Liên Sơn (Lương Sơn) lần này không phải để nắm thêm thông tin về “miền đất dữ” với 26/34 người từng bị nhiễm HIV /AIDS được phát hiện vào năm 2003 bởi những thông tin đó từng làm rung động báo giới và cái tên “Đá Bạc” trở nên “nổi tiếng” không ngờ (nếu vào dịch vụ tìm kiếm trên In -tơ-nét, sẽ dễ dàng thấy được). Trở lại, để hiểu và thấu hiểu hơn tâm tư những người trong cuộc hôm nay: họ vẫn còn nhiều tâm trạng nhưng đã thực sự gột rửa được nỗi chán chường mà đã có niềm vui sống. Bên cạnh họ, cộng đồng đã mở lòng, sẻ chia.