Công an xã Hiền Lương (Đà Bắc) đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động  để ngăn chặn tình trạng người dân xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc.

Công an xã Hiền Lương (Đà Bắc) đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động để ngăn chặn tình trạng người dân xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc.

(HBĐT) - Đời sống kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định, cả tin theo những lời hứa hẹn, gần 50 người dân huyện Đà Bắc đã lén lút xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi: công việc không phù hợp, lương thấp, bị giữ thu nhập, sống nơm nớp trong lo sợ vì có thể bị Công an Trung Quốc bắt giữ bất cứ lúc nào... Vỡ tan giấc mộng đổi đời, họ cuống quýt tìm đường trở về nước với hai bàn tay trắng.

 

Khấp khởi ra đi - cay đắng trở về

 

Phải rất khó khăn chúng tôi mới tiếp cận được với những người dân xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc vừa trở về nước. Một phần trong số đó e ngại vì đã trót dại mất công, mất tiền nên không muốn nhắc lại chuyện cũ nhưng đáng nói là bên cạnh đó có một số người không muốn hé lời vì vẫn đang hy vọng sẽ có đợt xuất cảnh mới với mức lương cao hơn. Nhờ lực lượng công an xã Hiền Lương giới thiệu, chúng tôi tới thăm hộ gia đình bà Nguyễn Thị L. (xóm Ké, xã Hiền Lương). Bà L. cùng con là Nguyễn Thu H. cùng xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc từ giữa năm 2012 và đã phải quay trở về nước cách đây hơn 1 tháng. Bà L. kể lại: “Qua điện thoại, mẹ con tôi được cô Hoàn (là người làm dâu ở xóm Ké, hiện đang sống ở Trung Quốc - PV) rủ sang Trung Quốc làm việc với  mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Mẹ con tôi tự đi từ đây đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), sau đó sẽ có người đón và đưa sang Trung Quốc để bố trí việc làm. Chúng tôi không phải làm bất cứ thủ tục, giấy tờ gì. Chi phí đón từ cửa khẩu, đưa sang Trung Quốc và bố trí việc làm cho mỗi người là 4 triệu đồng. So với đi xuất khẩu lao động ở các nước khác, như thế là quá rẻ mà lương cũng được, ở nhà không có việc gì làm ra tiền nên cả hai mẹ con tôi đã quyết định cùng đi. Nhưng khi mẹ con bà L. cũng như những người dân khác sang đến nơi, thực tế diễn ra không đúng như lời hứa hẹn.

 

Qua lời kể của những người trở về, công việc của họ khi sang Trung Quốc là làm công nhân trong các nhà xưởng may mặc, đóng giày... Ngoài công việc không phù hợp, vất vả, thu nhập không ổn định, mỗi tháng những người đi theo đường dây của cô Hoàn đều bị cô ta giữ lại từ 1-2 triệu đồng/tháng. Do đó, đồng lương còn lại chủ đủ cho ăn, tiêu. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đối với những người xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc là tâm trạng lo sợ nơm nớp vì có thể bị cảnh sát Trung Quốc kiểm tra, bắt giữ bất cứ lúc nào.

 

Chị Đinh Thị H. (xóm Ké, xã Hiền Lương) nhớ lại: Sống ở bên đó, vừa làm việc, vừa trốn, vừa sợ vì không có hộ chiếu, giấy tờ. Đã có nhiều người xuất cảnh trái phép như chúng tôi bị Công an Trung Quốc bắt giữ. Bị đưa đi xét nghiệm máu, lấy dấu vân tay, lấy lời khai và giam giữ. Mình không biết tiếng, không biết đường đi lối lại, quy định pháp luật nên ai cũng sợ bị bắt, bị tù ở bên ấy, không về được. Thêm vào đó là lương thấp, bỏ ra chẳng được bao nhiêu nên chúng tôi đành rủ nhau quay về. Khi quyết định bỏ về Việt Nam, các chị phải tự lần mò tìm đường đi. Đa số đều trở về qua cửa khẩu Lạng Sơn và khi về đến nhà thì trong túi hết sạch tiền. Mất tiền, mất công, thậm chí mang nợ vì phải vay tiền để đi nhưng đành ngậm đắng, chẳng biết kêu ai!

 

Cần nâng cao nhận thức, cảnh giác cho người dân

 

Số liệu thống kê sơ bộ của Công an huyện Đà Bắc cho thấy từ khoảng giữa năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện Đà Bắc có khoảng 45 người (ngoài ra còn một số người đi làm ăn xa không rõ địa chỉ - PV) xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc. Số người này chủ yếu là ở hai xã Hiền Lương và Tu Lý. Đến nay đã có 22 người quay về, hiện còn khoảng hơn 20 người vẫn đang làm việc bên Trung Quốc. Nhóm người ở xã Hiền Lương đi theo đường dây của đối tượng tên là Xa Thị Hoàn (xóm Ké, xã Hiền Lương). Nhóm người ở xã Tu Lý đi theo đường dây của đối tượng tên Thuý (trú ở xóm Đan Phượng, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn).

 

Qua tìm hiểu được biết, những người xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc chủ yếu ở lứa tuổi lao động từ 25 - 45. Họ không có việc làm, thu nhập ổn định; một số người đã từng đi xuất khẩu lao động trở về. Tin vào lời hứa hẹn của đối tượng Hoàn và Thuý, họ đã bỏ ra từ 4 - 6 triệu đồng để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc với mong muốn có việc làm với thu nhập cao.

 

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Xa Văn Mẫn, Phó Công an huyện Đà Bắc cho biết: Lợi dụng trình độ dân trí thấp, sự thiếu hiểu biết của một số người dân, đối tượng Hoàn và Thuý đã vận động họ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc. Khi thất bại trở về, họ rơi vào hoàn cảnh nợ nần, nhiều gia đình vợ chồng ly tán. Trước thực tế này, lãnh đạo Công an huyện Đà Bắc đã cử cán bộ nắm địa bàn, tìm hiểu tình hình và kịp thời triển khai các biện pháp đấu tranh ngăn ngừa. Trong đó, quan trọng nhất là tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh giác cho nhân dân để chấm dứt hiện tượng đáng lo ngại này.

 

Theo nhận định ban đầu của lực lượng công an, đây là hiện tượng xuất cảnh lao động trái phép nhưng có thể là mầm mống dẫn đến việc lừa đảo, buôn bán người. Hiện nay, tuy chưa thấy có phản ánh về hiện tượng người dân sang Trung Quốc lao động bị đánh đập, lừa đảo nhưng đó là nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra. Xuất cảnh lao động trái phép, không qua các thủ tục theo quy định của pháp luật, không được Nhà nước bảo hộ, người lao động phải đối mặt với nhiều rủi ro khi làm việc ở Trung Quốc. Do đó, chính quyền địa phương các cấp, ngành cần quan tâm nắm bắt tình hình, kịp thời có những động thái tuyên truyền vận động mạnh mẽ để chấm dứt hiện tượng đáng lo ngại này, tránh những hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra.

 

 

                                                                       Dương Liễu

 

 

Các tin khác

Có an toàn khi trẻ em tắm suối không có người lớn trông coi? (ảnh chụp tại xóm Nút - xã Dân Hạ- Kỳ Sơn).
Dù giông lốc đã đi qua, nhưng tang thương vẫn còn hiện hữu trong ngôi nhà nhỏ của cha con anh Lường Văn Minh.
Bến Nhà Rồng thu hút hàng triệu lượt khách thăm quan.
Giờ học của cô và trò chi trường mầm non bản Nưa.

Vang mãi chiến thắng tuổi 20

(HBĐT) - Ngày ấy, họ đều ở cái tuổi 20. Hừng hực sức trẻ, hừng hực quyết tâm chiến đấu. Dẫu cho phía trước là gian khó với “mưa rừng, cơm vắt, máu trộn bùn non”. Nhưng chẳng có ai lùi bước. Người trước ngã xuống, người sau lại tiếp bước tiến lên... để làm một Điện Biên Phủ (ĐBP) huyền thoại, một ĐBP gây chấn động địa cầu cách đây 59 năm.

Tự hào chiến sĩ Điện Biên

(HBĐT) - 59 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) nhưng với những người lính bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ở thành phố Hòa Bình luôn tràn đầy cảm xúc khi nhớ lại những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất tự hào. Họ khắc ghi trong lòng để thêm yêu, thêm trân trọng những gì đang có và nỗ lực hết mình để tiếp tục đóng góp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Thăm Củ Chi - Đất thép Anh hùng

(HBĐT) - Hòa trong không khí hân hoàn chào mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi về thăm Củ Chi - đất thép huyền thoại và anh hùng là một trong ba di tích được xếp hạng đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Nơi “đầu mây, đầu gió” trời quê biên cương

(HBĐT) - Tính ra, đã hơn một lần chúng tôi được đặt chân đến vùng đất biên giới (BG); được ôm cột mốc nơi biên cương vào lòng. Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy thiếu một thứ gì đó. Phải chăng đó là lễ chào cột mốc của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) trên đường tuần tra bỉên giới. Có lẽ là vậy! Thoáng một nét mặt nghiêm trang của người chiến sỹ biên phòng khi đứng trước cột mốc BG, chúng tôi mới hiểu mỗi tấc đất quê hương thiêng liêng đến chừng nào.

Về Mường Chiềng nghe kể chuyện săn máy bay F4H

(HBĐT) - Đã từng ghi nhớ là sẽ về Mường Chiềng (Đà Bắc) khi tháng tư về. ấy vậy mà chút nữa lại quên nếu như ông bạn không nhắc. Mường Chiềng - trung tâm cụm xã vùng cao của huyện Đà Bắc, dẫu đã nhiều lần đến nhưng chẳng lần nào lại có cảm giác nao nao khó tả như lần này. Có lẽ cũng tại suy nghĩ đây là chuyến đi để tìm lại những chiến sỹ dân quân, du kích xã Mường Chiềng năm xưa đã hạ gục một máy bay F4H của Mỹ cách đây vừa tròn 46 năm bằng một loạt đạn súng trường. Giờ chẳng rõ ai còn, ai mất...

"Đội biệt động người nhái" ở thủy điện Hòa Bình

(HBĐT) -Thủy điện Hòa Bình không chỉ nổi tiếng bởi đây là "công trình thế kỷ” - mỗi năm sản sinh 8,1 tỉ KWh điện- mà ở nơi đó còn có những con người hết sức đặc biệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục