Câu chuyện dân quân, du kích xã Mường Chiềng bắn cháy chiếc máy bay F4H ngày 30/4/1967 luôn được ông Xa Văn Chủng kể cho con cháu nghe.
(HBĐT) - Đã từng ghi nhớ là sẽ về Mường Chiềng (Đà Bắc) khi tháng tư về. ấy vậy mà chút nữa lại quên nếu như ông bạn không nhắc. Mường Chiềng - trung tâm cụm xã vùng cao của huyện Đà Bắc, dẫu đã nhiều lần đến nhưng chẳng lần nào lại có cảm giác nao nao khó tả như lần này. Có lẽ cũng tại suy nghĩ đây là chuyến đi để tìm lại những chiến sỹ dân quân, du kích xã Mường Chiềng năm xưa đã hạ gục một máy bay F4H của Mỹ cách đây vừa tròn 46 năm bằng một loạt đạn súng trường. Giờ chẳng rõ ai còn, ai mất...
Những người cuối cùng còn lại
Nỗi lo không thể gặp được những chiến sỹ dân quân, du kích năm xưa bắn rơi một chiếc máy bay của Mỹ trên bầu trời Mường Chiềng không phải là vô căn cứ bởi thời gian đã trôi quá xa nên có thể thấy rằng việc tìm lại những chiến sỹ dân quân, du kích năm xưa dễ trở thành vô vọng đầy tiếc nuối. Theo một số sử liệu còn ghi, chiếc máy bay mà dân quân, du kích xã Mường Chiềng bắn rơi vào chiều ngày 30/4/1967 là chiếc máy bay F4H vô cùng hiện đại của không quân Mỹ lúc bấy giờ và đây là chiếc máy bay thứ 3 bị dân quân, du kích bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hòa Bình. Tính vậy, đến nay cũng đã vừa tròn 46 năm. Về Mường Chiềng trong ngày trời trở gió với cái rét nàng Bân bất chợt ùa về. Ngồi ở trụ sở xã, thay cho sự háo hức là cảm giác tuyệt vọng đã xâm chiếm ngay khi Bí thư Đảng ủy xã Mường Chiềng Xa Văn Cò cho biết: 5 cụ trong tổ dân quân, du kích xã lập chiến công bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967 giờ chẳng còn ai. Cách đây vài hôm, cụ Xa Văn Chặp ở xóm Bản Hạ là người cuối cùng trong tổ dân quân, du kích năm xưa vừa mới về “Mường Trời”.
Vậy là lại thêm một chuyến đi đầy tiếc nuối. Đang nấn ná ngồi nhâm nhi nốt ấm trà mạn để xua đi sự lạnh giá của vùng núi cao trong cái rét nàng Bân sau một chuyến đi dài vội vã lại bị giật mình bởi sự phấn khích chẳng đầu, chẳng đuôi của ông Bí thư Đảng ủy xã: “Có rồi, vẫn còn sống”. Ngơ ngác hỏi lại mới rõ lúc trước ông Bí thư đã nhớ nhầm. ông bảo: Còn hơn cả may mắn vì hiện nay vẫn còn một cụ năm nay tính ra cũng đã ngoài 80 tuổi, trí nhớ còn minh mẫn. Ngoài ra, còn có cụ Xa Văn Chủng nguyên là xã Đội trưởng, người giao nhiệm vụ trực chiến và chiến đấu tại trận địa phòng không đồi Ranh cho tổ dân quân, du kích xã hiện vẫn còn sống ở xóm Nà Nguồm. Lần theo những thông tin do ông Bí thư Đảng ủy xã cung cấp, tôi chọn đường về Bản Hạ để tìm gặp lão dân quân Xa Văn ăng trong tổ trực chiến năm xưa trực tiếp bắn rơi chiếc máy bay phản lực F4H trên bầu trời Mường Chiềng chiều ngày 30/4 cách đây đúng 46 năm. Giữa giờ cơm nhưng căn nhà sàn cũ kỹ của gia đình ông ăng vắng lặng. Hỏi quanh, hàng xóm bảo: ông cụ đi cúng cho người xóm dưới cũng sắp về.
Đành vậy, chúng tôi lại ngược về Nà Nguồm, tìm về nhà ông Xa Văn Chủng. Thật may mắn khi gặp được ông và cả gia đình đang ngồi quây quần bên bếp lửa. ông cụ ngoài 80 ấy móm mém cười và đưa cánh tay nhăn nheo, gân guốc nắm lấy tay chúng tôi thật chặt, thật ấm áp. Bên bếp lửa, câu chuyện bắn máy bay của dân quân, du kích xã Mường Chiềng năm xưa cũng thật cởi mở...
Hạ gục máy bay F4H bằng súng trường
Thật khó có thể tin, trí nhớ của một ông lão đã ngoài 80 tuổi như ông Xa Văn Chủng còn mẫn tiệp đến vậy. Quây quần bên bếp lửa, ông kể: Ngày đấy, tuy là xã Đội trưởng nhưng tôi cũng tham gia trực chiến bắn máy bay Mỹ trên trận địa đồi Ranh. Hôm ấy, mình vừa đổi ca để tổ dân quân, du kích ở xóm Bản Hạ gồm có 5 anh em là Xa Văn ăng, Hà Văn Đệ, Xa Văn Kỳ, Xa Văn Lọ và Xa Văn Chặp lên trực chiến xuất hiện một tốp máy bay địch gồm 3 chiếc vừa đi ném bom Hà Nội về. Chúng cứ lừng lững như con trâu mộng gầm rú, vội vã để trở về căn cứ, trong đó có 1 chiếc bị lưới lửa phòng không của ta bắn bị thương. Phát hiện máy bay địch ở khoảng cách xa, đợi khi chúng đến đúng tầm súng, chỉ sau một loạt đạn, một chiếc máy bay đi giữa trúng đạn bốc cháy. Cứ hình dung lúc đó nó giống như một bó đuốc lớn rừng rực lửa, khói đen xì chúi đầu lao về phía khu rừng giáp ranh giữa Mường Chiềng với xã Đồng Nghê. Những chiếc còn lại hoảng sợ, vọt lên cao rồi tăng tốc bỏ chạy.
Trở lại ngôi nhà sàn của ông Xa Văn ăng khi chiều muộn, trong căn nhà trống huếch, ông cụ một mình ngồi co ro bên bếp lửa. Tuổi cao, mắt mờ, tai nặng. Nói chuyện mà cả người hỏi và người trả lời cứ như hét vào tai nhau. Nhưng được cái trí nhớ của ông cụ vẫn còn minh mẫn dù năm nay đã ngoài 80. Theo trí nhớ của ông cụ, hôm đấy, khi cả tổ vừa ăn cơm xong, phát hiện có một tốp máy bay của địch gồm 3 chiếc đang bay về hướng Mường Chiềng. Ngay lập tức, anh em vào vị trí chiến đấu hướng về phía máy bay địch đang lừng lững bay đến. Lúc đầu chỉ là những chấm nhỏ rồi chúng lớn dần bằng con chim. Đợi đến khi chúng “to” bằng con mèo chúng tôi bắt đầu bắn. Mình tính bắn thằng đi trước để trúng cái đi tiếp theo. Sau một loạt đạn, chỉ trong tích tắc chiếc máy bay đi thứ 2 ở giữa trúng đạn và bốc cháy. Cái đi đầu, cái đi sau hoảng sợ, vọt lên cao rồi bỏ chạy luôn. Ngay sau khi máy bay rơi, chúng tôi đã về báo cáo với lãnh đạo địa phương và tổ chức truy bắt giặc lái luôn. Giữa rừng núi hoang vu, rậm rạp phải mất đến 2 ngày lần tìm theo dấu vết vừa phải chiến đấu chống lại những chiếc máy bay địch đang quần thảo trên bầu trời để giải cứu phi công, những chiến sỹ dân quân, du kích xã Mường Chiềng mới bắt được tên giặc lái khi đang lẩn trốn trong những hốc cây cổ thụ.
Kể lại chiến công bắn rơi chiếc máy bay F4H trên bầu trời Mường Chiềng cách đây 46 năm, ông Xa Văn Chủng như phấn khích hẳn lên: Thú thực ngày ấy nghe thấy tiếng máy bay mình cũng sợ lắm chứ. Dù vậy, mình vẫn phải đánh nó, mới đầu cũng nghĩ là nó bay cao, bay nhanh thế làm sao bắn được. Nhưng khi được cán bộ trên Tỉnh đội, Huyện đội về phổ biến kinh nghiệm bắn máy bay, anh em chúng tôi cũng vững dạ. Theo ông Xa Văn ăng, trong quá trình tổ chức trực chiến, bắn máy bay bay thấp, có một kinh nghiệm bắn máy bay của dân quân, du kích xã Mường Chiềng mà sau này nhiều nơi đã học hỏi, áp dụng vào trong chiến đấu là để xác định mục tiêu vào đúng tầm súng, trên trận địa chúng tôi đã bố trí buộc một sợi dây trên 2 thân cây căng ngang trước mặt để lấy góc bắn. Khi nào máy bay chạm dây, nổ súng tiêu diệt mục tiêu. Đây là trận đầu chúng tôi nổ súng và đã tiêu diệt được một chiếc máy bay.
Chẳng biết về sau có phải do sợ lưới lửa phòng không tầm thấp của lực lượng dân quân, du kích xã Mường Chiềng mà sau mỗi lần đi ném bom bắn phá Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng, trên đường trở về, giặc lái Mỹ thường bay vút cao lên bầu trời, tránh xa lưới lửa phòng không tầm thấp của những chiến sỹ dân quân, du kích. “Từ đận ấy, chúng nó sợ không dám bay thấp nữa. Nó mà còn bay thấp, kiểu gì bố cũng “làm” thêm được vài cái nữa. Vì các bố đều là những tay “thiện xạ” cừ khôi nức tiếng một vùng mà”. Câu nói ấy dường như đã làm sống lại một ký ức huy hoàng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của ông lão vừa bước sang tuổi 82...
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Trong ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Tày vùng đất Cao Bằng, hai từ “Pắc Bó” được hiểu là cội núi, nguồn sông. Nơi đây được ví như nơi đầu nguồn của những con suối mát lành nuôi dưỡng đất mẹ. Cũng ở chính nơi ngọn nguồn dòng nước mát lành, nơi rừng núi hoang vu rộn ràng tiếng chim, sau bao năm bôn ba xứ người, tháng 2/1941, khi về nước, Bác Hồ đã chọn Pắc Bó để khơi mở một dòng suối cách mạng...
(HBĐT) - Việt Bắc là danh từ chung chỉ 6 tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng và Lạng Sơn. Vùng đất này từng được coi là Thủ đô kháng chiến, là nơi trú đóng, hoạt động cách mạng của Bác Hồ và những chiến sỹ ưu tú trong thời kỳ trước cách mạng tháng 8/1945 và cũng là nơi Chính phủ Việt Minh lựa chọn làm căn cứ kháng chiến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945 - 1954... Có một may mắn là trong những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp được về Việt Bắc thăm lại phong cảnh sơn thủy hữu tình nơi ngọn nguồn cách mạng...
(HBĐT) - Trái ngược hẳn với màu xanh mướt mát của những ruộng lúa xuân ở cánh đồng Thung Củ, cách đó chỉ một con dốc, cả vùng Thung Rếch (Tú Sơn - Kim Bôi) lại hiện ra ngột ngạt, khô rang. Những chân ruộng ngô, mía vốn mỡ màng xanh tốt, giờ chỉ còn trơ lại đất, bạc phếch màu nắng.
(HBĐT) - Vượt gần 80 km đường đèo dốc quanh co, chúng tôi đến được Mường Tuổng, xã cao, xa nhất của huyện Đà Bắc đã hơn 12 giờ trưa. Trong cái nắng hanh vàng, đập vào mắt chỉ là những sườn đồi trơ sỏi đá, thảng hoặc một vài “đốm đỏ” của những cây gạo mùa trổ bông nổi bật giữa một màu nâu đất ngút ngàn. Lý giải cho cảnh tượng ấy, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Đinh Công Cứu thở dài: “thiếu nước nên cả năm chỉ trông vào nương rẫy để làm ngô thôi”.
(HBĐT) - Đường vào Lạc Sỹ (Yên Thủy) hôm nay không còn heo hút nữa. Chỉ mất chừng nửa tiếng đồng hồ, đi trên con đường thảm bê tông nhựa, qua những cánh đồng lúa, ngô, rau đậu, vượt những sườn dốc quanh co trong màu xanh của rừng nguyên liệu là tới trung tâm xã. Chốc chốc lại bắt gặp những chiếc xe tải chở đầy nông sản, nguyên liệu rừng ngược đường. Trẻ em từng tốp tung tăng tới trường. Nông dân miệt mài vun xới. Vùng đất nghèo Lạc Sỹ đang cựa mình thức giấc.
(HBĐT) - Sau Tết Quý Tỵ, chúng tôi có dịp trở lại Tự Do. Đường lên trung tâm cụm xã của 3 xã vùng cao huyện Lạc Sơn gồm Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do, tuy còn nhiều đoạn cua gấp nhưng đi lại khá thuận tiện vì mặt đường đã được thảm nhựa và cứng hóa bằng bê tông khá phẳng phiu. Từ Ngọc Lâu xuống Tự Do, mặc dù chưa đầy 10 km nhưng với bất cứ ai phải vượt qua chặng đường này cũng là một thử thách lớn, nhất là vào những ngày trời mưa, khiến mặt đường luôn trong tình trạng lầy lội, trơn trượt.