Đoàn công tác tỉnh Hòa Bình thăm di tích lịch sử Củ Chi.
(HBĐT) - Hòa trong không khí hân hoàn chào mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi về thăm Củ Chi - đất thép huyền thoại và anh hùng là một trong ba di tích được xếp hạng đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Thành phố Hồ Chí Minh vào hạ sớm hơn miền Bắc, nắng nóng hầm hập. Vùng đất huyền thoại Củ Chi chỉ nằm cách trung tâm thành phố chừng 1 giờ 30 phút xe chạy, giờ đã mướt mát màu xanh cây trái, đã trở thành khu di tích lịch sử, được phục hồi cơ bản nguyên trạng như trong chiến tranh để du khách muôn nơi có thể cảm nhận, thấy được đất thép anh hùng quật khởi ngày nào. Thăm địa đạo, chui thử xuống một đoạn đường hầm, chúng tôi mới cảm phục cao độ ý chí và nghị lực lớn lao của quân và dân Củ Chi đã kiến tạo một công trình dưới lòng đất dài hơn 200 km, hoàn toàn được đào bằng sức người với các dụng cụ thô sơ lại tồn tại mãnh liệt và đẩy lùi những đợt càn quét khốc liệt của kẻ thù với vũ khí trang bị tối tân, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù.
Địa đạo Củ Chi khởi nguồn từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp và phát triển mạnh mẽ trong kháng chiến chống Mỹ. Địa đạo được đào theo hình xương cá, bố trí liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau khi chiến đấu, mắc võng được. Trong địa đạo có các nơi dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước uống, có giếng nước, bếp Hoàng Cầm, hầm làm việc của các vị lãnh đạo, chỉ huy, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, hầm chữ A vững chắc để phụ nữ, người già, trẻ em trú ẩn. Có những hầm lớn, mái lợp thoáng mát, bên trên ngụy trang khéo léo để hội họp, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ... Cấu tạo đất Củ Chi cứng rắn lạ thường. Hầm không sâu nhưng chống được đạn, pháo và sức nặng của xe tăng, bọc thép, nhiều khu vực sâu dưới lòng đất còn chống được cả bom cỡ nhỏ. Trong địa đạo có những nút chặn ở những điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất hoá học do địch phun vào. Có những đoạn hẹp phải thật gọn, nhẹ mới chui qua được. Dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi bên trên được ngụy trang kín đáo và trổ lên trên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật. Vô số cửa được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ súng bắn tỉa rất linh hoạt. Dưới những khúc địa đạo ở khu vực hiểm yếu, có đặt hầm chông, hố đinh, cạm bẫy; cửa lên, xuống được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái, có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng lựu đạn chống máy bay trực thăng đổ chụp nhằm tiêu diệt, ngăn chặn quân địch tới gần. Đào địa đạo hết sức vất vả nhưng cuộc sống, chiến đấu của quân và dân Củ Chi mới thực sự gian khó và vinh quang. Đồng bào, chiến sỹ Củ Chi phải chấp nhận mọi sự khắc nghiệt nhiều khi vượt quá sự chịu đựng của con người. Trong lòng đất ẩm ướt, thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí, hầu như không được đứng thẳng người, phải đi khom hoặc bò. Mùa mưa, lòng đất lại phát sinh nhiều thứ côn trùng độc hại, nhiều nơi có cả rắn, rết... Cuộc sống trong hầm cực nhọc cao độ, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Trong khi đó một nguyên tắc phải giữ bí mật cho địa đạo. Một cọng cỏ bị gãy, dính đất, một chiếc lá bị rách khác thường cũng phải sửa sang lại nếu không muốn bị địch phát hiện. Hầm bí mật cấu tạo theo nhiều cách nhưng chủ yếu là trong lòng đất, chỉ có một miệng lên xuống vừa lọt vai người và có lỗ thông hơi để thở. Khi đóng nắp miệng hầm lại, kẻ địch đi trên mặt đất khó phát hiện. Trong kháng chiến, ở vùng đất Củ Chi, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi địa đạo là một pháo đài đánh giặc. Địa đạo Củ Chi trở thành mối nguy hiểm thường trực đối với địch trong suốt cuộc chiến tranh.
Thăm đất thép anh hùng, tìm hiểu cuộc sống, chiến đấu của quân và dân Củ Chi thông qua những hiện vật khung cảnh được tái hiện nguyên trạng, chúng tôi hiểu được quá khứ hào hùng, oanh liệt và khí chất của quân và dân Củ Chi giờ được coi là huyền thoại. Thiên nhiên, khí chất con người Củ Chi tạo nên những kỳ tích anh hùng trong chiến tranh chống kẻ thù. Mọi thứ đều được huy động tối đa đem ra đánh giặc, giết giặc. Từ cây tầm vông được cắt gọt tinh xảo thành chông, tên tẩm thuốc, súng, mìn tự tạo... đều đem lại những nỗi kinh hoàng cho kẻ thù. Với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”, bộ đội, dân quân, du kích, cơ quan dân chính Đảng cùng với nhân dân ra sức thi đua đào địa đạo, chiến hào, công sự suốt ngày đêm, bất chấp đạn bom, mưa nắng, tích cực xây dựng “xã, ấp chiến đấu” thiết lập “vành đai diệt Mỹ” thành thế trận vững chắc bao vây, tiến công tiêu hao, tiêu diệt kẻ thù.
Những ngày đầu, quân Mỹ đổ bộ vào đất Củ Chi nhằm thực hiện ý đồ càn quét vùng giải phóng đã bị thiệt hại nặng nề về người và phương tiện và chúng chợt nhận ra, lực lượng chiến đấu của ta đều xuất phát từ lòng đất đã phải thốt lên: “làng ngầm”, “mật khu nguy hiểm”, “Việt cộng không thấy đâu mà đâu đâu cũng có”... Chúng đặt quyết tâm phá hủy bằng được hệ thống địa đạo, hủy diệt hệ thống đường hầm và đánh bật lực lượng cách mạng, tạo thành vành đai an toàn bảo vệ Sài?Gòn - thủ đô Chính phủ tay sai miền
Đầu năm 1966, Mỹ đưa sư đoàn 25 “tia chớp nhiệt đới” thiện chiến và nổi tiếng tàn bạo đến lập căn cứ Đồng Dù, sát nách hệ thống địa đạo Bến Đình và phối hợp với đồn, bốt xung quanh, đặc biệt là huyện lỵ Củ Chi, tạo thế bao vây khống chế toàn bộ căn cứ.
Cũng thời điểm này, chúng tung sư đoàn 1 bộ binh “anh cả đỏ” thực hiện cuộc hành quân mang tên cái bẫy, càn quét, đánh phá ác liệt với mục tiêu hủy diệt toàn bộ lực lượng Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn và Huyện ủy Củ Chi. Rạng sáng 8/1/1966, đất, trời Củ Chi rung chuyển bởi cuộc đổ bộ của 12.000 bộ binh Mỹ phối hợp không quân, xe tăng, pháo binh ồ ạt tấn công. Cả vùng rộng lớn bắc Củ Chi thành một chiến trường khổng lồ. Trận này, cả đất, trời Củ Chi đánh giặc. Đâu đâu địch cũng gặp sự kháng cự kiên cường. Những mũi tấn công xuất quỷ, nhập thần từ lòng đất với tổng lực các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại làm quân địch hoang mang tột độ. Thủ đoạn dùng nước phá địa đạo của địch thất bại hoàn toàn chỉ phá được 70 m địa đạo, có tới 1.600 tên bỏ mạng và thương vong, 77 xe tăng và thiết giáp bị phá hủy, 84 máy bay bị bắn rơi.
Đúng 1 tháng sau, Mỹ mở cuộc hành quân mang tên bóc vỏ trái đất, 30.000 quân được trang bị tận răng và sự yểm trợ của máy bay, xe tăng, thiết giáp, pháo binh, đánh phá khốc liệt vào vùng “tam giác sắt”, đồng thời dùng thủ đoạn “đội quân chuột cống” tìm và bơm khí độc vào địa đạo, đặt mục tiêu lật từng gốc cây, ngọn cỏ tiêu diệt hết du kích. Mặc dù vậy, Mỹ vấp phải sự phản kháng quyết liệt đầy sáng tạo của quân và dân Củ Chi. Các lực lượng chiến đấu đã bám trụ kiên cường, đánh trả quyết liệt, bảo vệ được Bộ chỉ huy, các đồng chí lãnh đạo khu uỷ và phần lớn vùng căn cứ. Địch tới đâu cũng bị các chiến sỹ từ các ụ chiến đấu và giao thông hào đánh tới tấp bằng mọi hình thức, mọi vũ khí, những quả mìn tự chế được sử dụng khắp nơi, tiêu diệt hàng trăm xe cơ giới và nhiều trực thăng, bộ binh Mỹ. Chỉ một đội du kích với 9 chiến sỹ bám địa đạo đã tiêu diệt 107 tên địch, bắn cháy xe tăng của chúng. Kế hoạch bóc vỏ trái đất bị đổ bể. Tướng A. Nasen thú nhận: “Ngay sau khi quân chúng ta chưa rút khỏi vùng tam giác sắt thì Việt cộng đã đột nhập vào từ trước rồi. Mỹ cũng phải thú nhận “Không thể phá huỷ địa đạo vì nó không những quá sâu mà còn vô cùng ngoắt ngoéo, ít chỗ thẳng, đánh bằng công binh không hiệu quả và rất khó tìm cửa hầm để xuống địa đạo...”.
Quân và dân Củ Chi vẫn kiên cường bám trụ lòng đất đập tan mọi cuộc càn quét, âm mưu tạo vành đai an toàn bảo vệ Sài Gòn của địch, cùng quân, dân trên các mặt trận làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào 11h ngày 30/4/1975. Qua 21 năm bền bỉ chiến đấu kiên cường, bất khuất, quân và dân Củ Chi đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2 vạn quân địch, phá hủy trên 5.000 xe tăng và xe thiết giáp, bắn rơi, bắn hỏng 256 máy bay các loại, bắn chìm 22 tàu, xuồng chiến đấu, phá hủy 270 lượt đồn, bốt, vinh dự được Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Củ Chi đất thép thành đồng, được Chủ tịch nước 2 lần tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.
Thật may mắn cho những ai đến thăm đất thép Củ Chi được thấy, hiểu thêm ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân vùng đất thép anh hùng, được nghe tiếng nói của Đài phát thanh Gia Định - tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định, được thấy biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa Anh hùng của dân tộc Việt Nam. Từ đó càng thêm trân trọng quá khứ và xây đắp tình yêu xây dựng hòa bình.
Lê Chung
(HBĐT) - Với vị trí địa lý là những tỉnh địa đầu Tổ quốc, do vậy, Cao Bằng và Lạng Sơn cũng là những điểm xuất phát, khởi đầu của những con đường huyết mạch đi suốt chiều dài đất nước.
(HBĐT) - Ít nhiều cũng đôi ba lần chúng tôi có dịp được đến vùng biên với cảm giác hoang hoải buồn trên những cánh hoa sim tím biếc. Trong chuyến đi về Đồn biên phòng (BP) Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), trong thâm tâm chúng tôi vẫn nghĩ và nhớ về những chiều biên giới mênh mông buồn. Nhưng thực tế lại không như những gì mà chúng tôi vẫn tưởng tượng trên suốt chặng đường gần 100 km từ thành phố Cao Bằng về Trùng Khánh...
(HBĐT) - Trong ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Tày vùng đất Cao Bằng, hai từ “Pắc Bó” được hiểu là cội núi, nguồn sông. Nơi đây được ví như nơi đầu nguồn của những con suối mát lành nuôi dưỡng đất mẹ. Cũng ở chính nơi ngọn nguồn dòng nước mát lành, nơi rừng núi hoang vu rộn ràng tiếng chim, sau bao năm bôn ba xứ người, tháng 2/1941, khi về nước, Bác Hồ đã chọn Pắc Bó để khơi mở một dòng suối cách mạng...
(HBĐT) - Việt Bắc là danh từ chung chỉ 6 tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng và Lạng Sơn. Vùng đất này từng được coi là Thủ đô kháng chiến, là nơi trú đóng, hoạt động cách mạng của Bác Hồ và những chiến sỹ ưu tú trong thời kỳ trước cách mạng tháng 8/1945 và cũng là nơi Chính phủ Việt Minh lựa chọn làm căn cứ kháng chiến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945 - 1954... Có một may mắn là trong những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp được về Việt Bắc thăm lại phong cảnh sơn thủy hữu tình nơi ngọn nguồn cách mạng...
(HBĐT) - Trái ngược hẳn với màu xanh mướt mát của những ruộng lúa xuân ở cánh đồng Thung Củ, cách đó chỉ một con dốc, cả vùng Thung Rếch (Tú Sơn - Kim Bôi) lại hiện ra ngột ngạt, khô rang. Những chân ruộng ngô, mía vốn mỡ màng xanh tốt, giờ chỉ còn trơ lại đất, bạc phếch màu nắng.
(HBĐT) - Vượt gần 80 km đường đèo dốc quanh co, chúng tôi đến được Mường Tuổng, xã cao, xa nhất của huyện Đà Bắc đã hơn 12 giờ trưa. Trong cái nắng hanh vàng, đập vào mắt chỉ là những sườn đồi trơ sỏi đá, thảng hoặc một vài “đốm đỏ” của những cây gạo mùa trổ bông nổi bật giữa một màu nâu đất ngút ngàn. Lý giải cho cảnh tượng ấy, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Đinh Công Cứu thở dài: “thiếu nước nên cả năm chỉ trông vào nương rẫy để làm ngô thôi”.