Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đàm Thủy và nhân dân  địa phương phối hợp tuần tra biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đàm Thủy và nhân dân địa phương phối hợp tuần tra biên giới.

(HBĐT) - Tính ra, đã hơn một lần chúng tôi được đặt chân đến vùng đất biên giới (BG); được ôm cột mốc nơi biên cương vào lòng. Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy thiếu một thứ gì đó. Phải chăng đó là lễ chào cột mốc của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) trên đường tuần tra bỉên giới. Có lẽ là vậy! Thoáng một nét mặt nghiêm trang của người chiến sỹ biên phòng khi đứng trước cột mốc BG, chúng tôi mới hiểu mỗi tấc đất quê hương thiêng liêng đến chừng nào.

 

1 - Không dễ gì để có được một chuyến đi lên vùng biên viễn xa ngái, lại càng không dễ gì để được chạm tay vào cột mốc chủ quyền ranh giới đất nước ở những nơi “đầu mây, đầu gió”. Phải nói đó là một may mắn khi không hẹn trước, từ miền Tây Bắc, chúng tôi có một cuộc hành trình theo cánh cung Ngân Sơn ngược về miền biên viễn giữa mùa hoa tam giác mạch nơi địa đầu Tổ quốc. 

Cung đường Tây Bắc dù đã quá quen với núi rừng hùng vĩ nhưng trên cung đường Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Lạng Sơn, chúng tôi đã thực sự bị choáng ngợp trước núi non trên con đường lên miền đất phên giậu, địa đầu Tổ quốc này. Chẳng vậy mà trải suốt 17 cuộc trường chinh đấu tranh chống giặc ngoại xâm từ phương Bắc trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã từng tự hào với những trường lũy tự nhiên bao phen chặn bước quân thù với những địa danh nơi núi rừng hiểm trở như Quỷ Môn Quan, ải Chi Lăng... Trong thời kỳ chống Pháp xâm lược, núi rừng trùng điệp miền biên viễn cũng đã trở thành nơi nuôi dưỡng mạch suối nguồn cách mạng, là địa bàn mà Bác Hồ đã lựa chọn làm nơi khơi nguồn cho con đường cách mạng khi Người vừa đặt chân về nước tháng 2/1941 sau 30 năm bôn ba xứ người. Nơi núi rừng trùng điệp ấy cũng vẫn còn nguyên dấu chân 34 chiến sỹ trong đội tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo và cũng chính núi rừng đó còn nguyên âm vang tiếng súng, tiếng hô xung phong của những người con chân đất trong chiến thắng đầu tiên ở Phay Khắt, Nà Ngần hay ở vùng rừng núi Đông Khê, Thất Khê... Núi rừng ấy, nơi địa đầu Tổ quốc vẫn luôn xanh chồi non cỏ biếc và vẫn còn nguyên những chiến tích lẫy lừng gắn với từng tên núi, tên sông, gắn trong từng trang sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt từ thuở đầu dựng xây nền độc lập, tự chủ từ nghìn năm trước. “Không tự hào sao được với truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của cha ông thuở trước. Mỗi tấc đất đều thấm trộn máu xương của bao lớp người trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. ý thức rõ điều đó, với trách nhiệm của mình, CBCS bộ đội biên phòng Việt Nam nói chung và CBCS Biên phòng tỉnh Cao Bằng nói riêng đã luôn nêu cao ý thức cảnh giác, quyết bảo vệ trọn vẹn từng tấc đất quê hương nơi địa đầu Tổ quốc” - Đứng trước cột mốc chủ quyền quốc gia 836 tại thác Bản Giốc, thiếu tá Nông Văn Hòa, chính trị viên phó Đồn biên phòng Đàm Thủy (Trùng Khánh - Cao Bằng) xúc động nói.  

Dù gian khó, CBCS bộ đội biên phòng vẫn đêm ngày trên đường tuần tra.

Trên thực tế, điều đó cũng đã được minh chứng một cách rõ nét trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra từ ngày 17/2 cho đến ngày 18/3/1979 và những xung đột vũ trang nhỏ lẻ trên dọc tuyến biên giới còn tiếp diễn trong 10 năm sau đó cho đến tận năm 1989. Trong suốt chiều dài cuộc chiến, dẫu có nhiều gian khổ, hy sinh nhưng chưa khi nào những người con đất Việt chịu  lùi bước. Từng tấc đất cha ông để lại đã được gìn giữ trọn vẹn. Đồng thời, đã khẳng định rõ một điều dù cho máu xương có nhuộm đỏ những cánh rừng chiều, một tấc đất cũng phải giữ gìn. Kẻ nào liều lĩnh muốn thử thách lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam chắc chắn chúng sẽ phải trả giá đắt. Điều đó đã được lịch sử chứng minh trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ hàng nghìn năm qua. 

2 - Từ cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia 836 tại thác Bản Giốc, từ cột mốc chủ quyền 1116 biên giới quốc gia Hữu Nghị quan nhìn lại mới thấy công tác đấu tranh gìn giữ chủ quyền, biên giới quốc gia trên tuyến biên giới Việt - Trung khó khăn đến nhường nào. Thiếu tá Nông Văn Hòa, chính trị viên phó Đồn biên phòng Đàm Thủy cho biết: Tổng chiều dài toàn tuyến biên giới trên bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc  1.406 km. Dù vậy, theo hiệp ước về phân định biên giới do thực dân Pháp và triều đình nhà Thanh ký kết năm 1887 đã phân định biên giới Việt - Trung một cách khá rõ nét với tổng số 333 cột mốc trên toàn tuyến. Tuy nhiên, sau nhiều biến cố thăng trầm và để cho việc quản lý tuyến biên giới Việt - Trung một cách thống nhất, năm 1999, Chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc đã tổ chức ký kết Hiệp định phân định ranh giới quốc gia và tổ chức cắm 1.971 cột mốc, trong đó có 1.549 cột mốc chính và 422 cột mốc phụ. Tính ra số cột mốc được cắm mới nhiều gấp 6 lần số cột mốc được cắm theo Hiệp định Pháp - Thanh năm 1887. Việc tổ chức cắm với số lượng lớn cột mốc trên toàn tuyến biên giới theo Hiệp định phân định ranh giới quốc gia năm 1999 đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Theo đại úy Lương Tuấn Long, chính trị viên Đồn biên phòng Đàm Thủy, việc phân định, cắm mốc chủ quyền biên giới theo Hiệp định được ký năm 1999 đã cơ bản giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Cột mốc 836 được đặt tại thác Bản Giốc (Cao Bằng) và cột mốc được đặt tại khu vực sông Bắc Luân (Quảng Ninh) là những cột mốc cuối cùng tuyến biên giới trên bộ được 2 bên tổ chức cắm xong vào năm 2009 sau những tranh cãi liên quan đến việc tranh chấp lãnh thổ mà phía Trung Quốc chiếm giữ, xâm phạm trong suốt những năm trước và sau chiến tranh biên giới 1979 và cả những năm sau này.  

Chủ quyền biên giới quốc gia trên bộ được giữ vững, ổn định. Tuy vậy,  theo thiếu tá Nông Văn Hòa, chính trị viên phó Đồn biên phòng Đàm Thủy, vấn đề bảo vệ an ninh trên tuyến biên giới Việt - Trung vẫn còn nhiều khó khăn. Phía đối diện vẫn thường có những hoạt động xâm lấn lãnh thổ, chống phá mình bằng mọi cách tại những điểm, nơi địa hình đồi núi phức tạp. Ví như việc xâm canh trồng hoa màu trên vùng đất giáp ranh. Khi bị nhân dân và lực lượng biên phòng phát hiện xua đuổi, họ lại rút về. Nhưng đến khi mình trồng hoa màu trên đất của mình, phía bên kia thường có hành động cải trang thành dân đi phá hoa màu của mình... Trước mắt, dù còn đứng trước nhiều khó khăn, gian khổ và thiếu thốn nhưng mỗi người lính mang quân hàm xanh trên vùng đất biên cương vẫn luôn kiên định với mục tiêu bảo vệ vững chắc an ninh biên giới. Kiên quyết đấu tranh chống lại các hoạt động xâm lấn, hành vi phá hoại chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Dẫu vậy, theo thiếu tá Nông Văn Hòa, cái khó nhất, sợ nhất trong bảo vệ an ninh biên giới đó là lòng dân không thuận. Nhưng với nhân dân sống dọc biên giới, điều đó chưa từng xảy ra. An ninh biên giới được đảm bảo, vành đai an toàn khu vực biên giới đã được giữ vững từ lòng dân. Chính những người dân đã trở thành lực lượng tiên phong trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Kịp thời, chủ động phát hiện những hoạt động vi phạm chủ quyền đất nước từ phía bên kia biên giới.  

Có lên biên giới, có đi tuần tra cùng những người lính biên phòng và có sống với người dân  mới thấy tình yêu biên giới thật cao cả và thiêng liêng. Theo thiếu tá Nông Văn Hòa, từ việc đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, nhận thức về chủ quyền quốc gia, bảo vệ mốc quốc giới của người dân đã từng bước được nâng cao. Từ đó người dân đã tích cực, nhiệt tình tham gia phối hợp cùng với BĐBP tổ chức đấu tranh chống lấn chiếm đất đai, tuần tra phát quang đường tuần tra. Phát hiện và báo cáo kịp thời các vụ vi phạm chủ quyền của nước láng giềng. Đại úy Lương Tuấn Long, chính trị viên Đồn biên phòng Đàm Thủy cho biết thêm: Tính từ năm 2007 đến nay, quần chúng nhân dân ở địa bàn biên giới do Đồn biên phòng Đàm Thủy phụ trách đã chủ động cung cấp hàng trăm nguồn tin có liên quan đến chủ quyền biên giới quốc gia; phối hợp cùng với lực lượng BĐBP tổ chức hàng chục lần tuần tra biên giới với hàng trăm lượt người tham gia. Đặc biệt, quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia đấu tranh trực diện trên thực địa biên giới khi có các hoạt động vi phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc...  

Trở về từ vùng đất biên cương, không còn cảm giác hoang hoải và xa ngái. Biên cương vời vợi xa nhưng lại rất gần bởi tình yêu từng ngọn núi, dòng sông, bản, làng đông vui, trù phú là cả một trời quê hương mến thương với những cánh đồng lúa bát ngát xanh hòa theo gió. Nhớ mãi không thôi! Nơi đầu mây, đầu gió quê hương miền biên giới; nhớ mãi thôi, những bóng người trên lưng ngựa ghìm cương bên suối, đường tuần tra... 

 

                                                               Mạnh Hùng

 

Các tin khác

Câu chuyện dân quân, du kích xã Mường Chiềng bắn cháy chiếc máy bay F4H ngày 30/4/1967 luôn được ông Xa Văn Chủng kể cho con cháu nghe.
Ba “người nhái” của “biệt đội nhái lòng hồ” hồi trẻ. Giờ họ đã đều đến tuổi “cấm” lặn sâu rồi.
Hướng dẫn viên Bảo tàng tỉnh Sơn La giới thiệu cho khách thăm quan về những hiện vật lịch sử trưng bày tại bảo tàng.
Nơi bắt đầu con đường Hồ Chí Minh thời kỳ CNH-HĐH tại Khu di tích Pắc Bó (Cao Bằng).

Đường về Việt Bắc Bài 3: Chuyện ghi ở nơi biên cương đất mẹ

(HBĐT) - Ít nhiều cũng đôi ba lần chúng tôi có dịp được đến vùng biên với cảm giác hoang hoải buồn trên những cánh hoa sim tím biếc. Trong chuyến đi về Đồn biên phòng (BP) Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), trong thâm tâm chúng tôi vẫn nghĩ và nhớ về những chiều biên giới mênh mông buồn. Nhưng thực tế lại không như những gì mà chúng tôi vẫn tưởng tượng trên suốt chặng đường gần 100 km từ thành phố Cao Bằng về Trùng Khánh...

Pắc Bó - Nơi suối nguồn cách mạng

(HBĐT) - Trong ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Tày vùng đất Cao Bằng, hai từ “Pắc Bó” được hiểu là cội núi, nguồn sông. Nơi đây được ví như nơi đầu nguồn của những con suối mát lành nuôi dưỡng đất mẹ. Cũng ở chính nơi ngọn nguồn dòng nước mát lành, nơi rừng núi hoang vu rộn ràng tiếng chim, sau bao năm bôn ba xứ người, tháng 2/1941, khi về nước, Bác Hồ đã chọn Pắc Bó để khơi mở một dòng suối cách mạng...

Đường về Việt Bắc

(HBĐT) - Việt Bắc là danh từ chung chỉ 6 tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng và Lạng Sơn. Vùng đất này từng được coi là Thủ đô kháng chiến, là nơi trú đóng, hoạt động cách mạng của Bác Hồ và những chiến sỹ ưu tú trong thời kỳ trước cách mạng tháng 8/1945 và cũng là nơi Chính phủ Việt Minh lựa chọn làm căn cứ kháng chiến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945 - 1954... Có một may mắn là trong những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp được về Việt Bắc thăm lại phong cảnh sơn thủy hữu tình nơi ngọn nguồn cách mạng...

“Mùa khát” ở đỉnh Thung

(HBĐT) - Trái ngược hẳn với màu xanh mướt mát của những ruộng lúa xuân ở cánh đồng Thung Củ, cách đó chỉ một con dốc, cả vùng Thung Rếch (Tú Sơn - Kim Bôi) lại hiện ra ngột ngạt, khô rang. Những chân ruộng ngô, mía vốn mỡ màng xanh tốt, giờ chỉ còn trơ lại đất, bạc phếch màu nắng.

Mường Tuổng gian nan bài toán thoát nghèo

(HBĐT) - Vượt gần 80 km đường đèo dốc quanh co, chúng tôi đến được Mường Tuổng, xã cao, xa nhất của huyện Đà Bắc đã hơn 12 giờ trưa. Trong cái nắng hanh vàng, đập vào mắt chỉ là những sườn đồi trơ sỏi đá, thảng hoặc một vài “đốm đỏ” của những cây gạo mùa trổ bông nổi bật giữa một màu nâu đất ngút ngàn. Lý giải cho cảnh tượng ấy, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Đinh Công Cứu thở dài: “thiếu nước nên cả năm chỉ trông vào nương rẫy để làm ngô thôi”.

Đánh thức vùng đất nghèo Lạc Sỹ

(HBĐT) - Đường vào Lạc Sỹ (Yên Thủy) hôm nay không còn heo hút nữa. Chỉ mất chừng nửa tiếng đồng hồ, đi trên con đường thảm bê tông nhựa, qua những cánh đồng lúa, ngô, rau đậu, vượt những sườn dốc quanh co trong màu xanh của rừng nguyên liệu là tới trung tâm xã. Chốc chốc lại bắt gặp những chiếc xe tải chở đầy nông sản, nguyên liệu rừng ngược đường. Trẻ em từng tốp tung tăng tới trường. Nông dân miệt mài vun xới. Vùng đất nghèo Lạc Sỹ đang cựa mình thức giấc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục