Lực lượng công an và lực lượng dân quân xã Hang Kia luôn là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong giữ gìn ANCT - TTATXH ở cơ sở và tích cực tham gia vận động đối tượng truy nã ra đầu thú.
(HBĐT) - Hang Kia (Mai Châu) cho đến giờ vẫn là một điểm nóng phức tạp về tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, điểm nóng này đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cả người dân. Điều đó được minh chứng bằng việc có nhiều đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy đã tự nguyện ra đầu thú.
“Bức tranh” màu tối ở Hang Kia
Đứng từ trên đỉnh dốc cao nhất của con đường độc đạo vào thung lũng Hang Kia, Chủ tịch UBND xã Hang Kia Khà A Váu buồn bã: Thung lũng Hang Kia sẽ là vùng đất bình yên, nếu như không có ma túy. Chính ma túy đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở Hang Kia, làm cho bao gia đình ly tán, con mất cha, vợ mất chồng; cũng chính ma túy đã làm cho nhiều người cứ chìm sâu vào tội lỗi không tìm được lối thoát.
Về diện tích tự nhiên, Hang Kia (Mai Châu) là địa bàn tương đối nhỏ khi tổng diện tích tự nhiên chỉ có 2.321 ha với 554 hộ, 3.130 nhân khẩu với đồng bào dân tộc Mông chiếm 98%. Diện tích tự nhiên không lớn nhưng lại chủ yếu là núi cao, hiểm trở nên đất canh tác hạn chế, có độ dốc lớn lại bạc màu. Cùng với đó là khí hậu khắc nghiệt... Những yếu tố đó đã tác động lớn đến đời sống người dân với tỷ lệ hộ nghèo của xã còn chiếm đến hơn 46%. Chẳng có gì đáng nói nếu người dân ở Hang Kia vẫn luôn cần cù, chịu khó bằng lòng với cuộc sống bình yên với nương đồi, những mùa vàng bội thu. Thế nhưng những ảo ảnh về cuộc sống sang giàu với cơn bão ma túy đã cuốn phăng nhiều gia đình, dòng họ, xóm, bản vào vòng xoáy tội lỗi. Từ một thung lũng bình yên, Hang Kia đã trở thành một điểm trung chuyển ma túy lớn của cả nước với những ông trùm khét tiếng.
Đương nhiên, đi liền với đó là tội lỗi với những diễn biến phức tạp về ANTT. Phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia Vàng A Nhà cho biết: Cả xã có 7 người bị lĩnh án tử hình về tội ma túy. Ngoài ra, tính đến thời điểm tháng 10/2013, cả xã vẫn còn 7 đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm đang lẩn trốn và 58 người đang thi hành án tại các trại giam về tội ma túy. Trong đó có 51 người phải chịu mức án từ 15 năm đến tù chung thân. Tính trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, phối hợp bắt giữ 25 vụ, 41 đối tượng phạm tội về ma túy tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò và khu vực giáp ranh, thu hơn 200 bánh heroin, gần 3.000 viên ma túy tổng hợp. Trong số đó có 10 đối tượng là người xã Hang Kia với số lượng ma túy bắt giữ ít nhất là 1 bánh. Đặc biệt, như ngày 13/5/2013, Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) bắt quả tang đối tượng Giàng A Chớ (sinh năm 1986) và Giàng A Hờ (sinh năm 1989) đều trú tại bản Pà Khôm (Hang Kia) vận chuyển trái phép 10 bánh heroin. Cùng với đó, hiện nay, theo thống kê, trên địa bàn xã cũng còn 41 người nghiện có hồ sơ quản lý...
Với một bức tranh như vậy, Hang Kia đã trở thành một trong những điểm nóng về ma túy lớn của vùng Tây Bắc và của cả nước.
Hang Kia, một ngày “bão” tan!
Ước muốn cuộc sống bình yên trở lại, ước muốn “cơn bão” ma túy sẽ tan nhanh để Hang Kia trở lại yên bình. Có lẽ đó không chỉ là ước muốn của riêng Chủ tịch UBND xã Hang Kia Khà A Váu mà nó còn là nỗi niềm chung của cả những người dân hiền lành, chăm chỉ và lương thiện ở thung lũng Hang Kia này. Có lúc tình hình ma túy phức tạp đến mức một người mạnh mẽ, rắn rỏi như Giàng A Tráng, Phó Công an xã Hang Kia đã phải thốt lên đầy ngao ngán: Thực tình mà nói, chúng tôi đã quá mệt mỏi với tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nơi này khi ngày càng trở nên phức tạp. Buông xuôi thì không thể, vì đó là còn là bà con dân bản của mình, anh, em, họ hàng của mình.
Chính vì lẽ đó mà Giàng A Tráng, Vàng A Nhà và cả hệ thống chính trị ở Hang Kia đã bắt tay vào cuộc với sự hỗ trợ của các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện. Họ đến từng nhà vận động người dân không làm việc xấu, không tham gia buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy. “Việc tuyên truyền, vận động ban đầu rất khó khi mình nói người ta lảng tránh, không nghe, không hiểu và không hợp tác, thậm chí mới chỉ thấy mình từ xa họ đã trốn biệt, không muốn tiếp xúc” Phó Chủ tịch UBND xã, Vàng A Nhà chia sẻ. Tuy nhiên, với suy nghĩ người ta xấu chẳng qua cũng chỉ vì bị người xấu lôi kéo nên những người như Khà A Váu, Vàng A Nhà, Khà A Ga, Giàng A Tráng đã kiên trì đến từng nhà tuyên truyền, vận động, thuyết phục và làm cho bà con hiểu được lý lẽ và không nghe theo kẻ xấu. Chính từ sự kiên trì đó, họ đã vận động được hàng chục người nghiện ma túy tự nguyện đi cai nghiện, hàng chục hộ gia đình ký cam kết không tham gia mua bán, vận chuyển và không có người sử dụng trái phép chất ma túy. Đặc biệt, từ việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã có 7 người ở Hang Kia có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy đã ra đầu thú. Theo Chủ tịch UBND xã Khà A Váu, để vận động được 1 đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú vô cùng khó khăn và phức tạp, bởi các đối tượng này đều thuộc diện có lệnh truy nã đặc biệt, họ đều biết nếu bị bắt, đưa ra xét xử thường ở mức án rất cao. Do vậy, họ thường lẩn trốn, hầu như không thể tiếp cận được. Còn nói như Vàng A Nhà, việc tiếp cận để vận động các đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú hầu như là không thể, bởi cứ thấy có người đến là lại trốn lên núi. Ngay cả những người trong gia đình cũng không hợp tác. Có những gia đình mình phải đi lại đến 7 - 8 lần mới có thể gặp được người ở nhà và cũng phải ngần ấy lần đi lại để vận động cá biệt, tranh thủ người có uy tín trong các gia đình, dòng họ để tuyên truyền, nói cho họ hiểu về các chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội ra đầu thú, nhất là thông báo 71 của Bộ Công an về việc khoan hồng cho những đối tượng truy nã người Mông, xử dưới khung nếu ra đầu thú. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng truy nã ra đầu thú ở các địa điểm thuận lợi theo nguyện vọng của gia đình, đối tượng.
Từ việc xây dựng và củng cố niềm tin đã có nhiều đối tượng tự nguyện ra đầu thú. Ban đầu là Khà A Táu ở xóm Hang Kia 1 là người có lệnh truy nã đặc biệt do phạm tội vận chuyển số lượng lớn ma túy đã ra đầu thú. Với tội danh trên, nếu bị bắt, Khà A Táu chắc chắn phải nhận mức án cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, khi ra đầu thú, Khà A Táu chỉ phải nhận mức án 15 năm tù. Tiếp sau Khà A Táu là Giàng A Chu ở Hang Kia 1, Khà A Sử ở Thung Ẳng đã ra đầu thú. Theo đó, tính đến nay đã có 7 trong tổng số 14 đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy ở Hang Kia ra đầu thú. Từ kết quả trên, đến nay, tình hình tội phạm, tệ nạn về ma túy trên địa bàn 2 xã đã có những chuyển biến tích cực. Hiệu quả phong trào toàn dân BVANTQ, nhất là phong trào toàn dân tham gia phòng- chống tội phạm được nâng lên rõ rệt. Lực lượng làm công tác an ninh ở cơ sở đã được củng cố, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời đã củng cố được lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước và chính quyền.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Mặc dù đã có công văn hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT nhưng không ít trường vẫn thực hiện thu đầu năm học trái quy định hoặc chưa hợp lý.
(HBĐT) - Tính ra cũng đã khá lâu rồi chúng tôi chưa trở lại 2 xã đồng bào người Mông ở Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). Nhưng lần trở lại mới đây, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở vùng đất lưng chừng núi xưa kia chỉ biết có đói nghèo. Bản Mông thực sự đã sáng lên rồi.
(HBĐT) - Cầm tờ giấy báo trúng tuyển ĐH, Nhung mừng nhưng em lại khóc thật nhiều, cô Thu, bác của em rồi ngay cả Ngọc, chị họ của em cũng đều khóc, bởi ai cũng cay đắng nhận ra, Nhung đỗ ĐH đấy nhưng biết lấy tiền ở đâu để cho Nhung theo học bây giờ?
(HBĐT)- Trong giai đoạn 1975-1979, dưới chế độ Khmer đỏ với sự cầm đầu của Pol Pot, gần 2 triệu người dân Campuchia thiệt mạng vì bị bỏ đói, làm việc quá sức, bị tra tấn và hành quyết. Con số này bằng 1/4 dân số Campuchia lúc bấy giờ. Ngông cuồng hơn, tập đoàn Pol Pot còn phát động cuộc chiến tranh đẫm máu xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, tàn sát hơn 20.000 dân thường Việt Nam trên vùng biên giới tây nam.
HBĐT) – Giữa đêm hè tháng 7 trời nổi cơn giông. Sấm chớp giận dữ xé toạc trời đêm Cun Pheo đen đặc. Mưa trút nước xuống sầm sập. Qua những mảng vách đất thủng to bằng cả vành mâm, mưa hắt vào nhà xối xả. Con em giật mình khóc thét. Ngôi nhà vách đất xiêu vẹo run lên bần bật trong mưa bão như muốn đổ ập xuống, nuốt trọn hai đứa trẻ. Thằng anh học lớp 9 nhưng bé như cái kẹo quờ quạng trong bóng tối tìm cái chậu để che mưa cho em. Hai đứa trẻ ướt sũng ôm chặt lấy nhau. Nước mắt mặn chát hoà nước mưa. Lại thêm một mùa mưa bão nữa mà bố mẹ chúng vẫn chưa mãn hạn tù trở về.
(HBĐT) – Từ thị trấn Mai Châu, vượt qua chặng đường quanh co gần 40km, chúng tôi đã có mặt tại trung tâm xã Cun Pheo. Cách UBND xã chỉ chừng vài trăm mét, điểm nóng Hin Pén hiện ra. Dưới gầm sàn một ngôi nhà gỗ trống trải ngay đầu xóm, mấy người đàn ông đang ngồi uống nước chè, thì thào trò chuyện. Nhưng tất cả đồng loạt dừng lời và ném cái nhìn sắc lạnh, thăm dò khi chúng tôi - những người khách lạ xuất hiện. Tôi rùng mình ớn lạnh và ý thức về sự nguy hiểm của việc xâm nhập vào một trong những trung tâm mua bán “cái chết trắng” của huyện Mai Châu.