Con đường mòn vận chuyển ma tuý từ các địa bàn lân cận vào Cun Pheo và đưa về Mai Châu theo tỉnh lộ 439.

Con đường mòn vận chuyển ma tuý từ các địa bàn lân cận vào Cun Pheo và đưa về Mai Châu theo tỉnh lộ 439.

(HBĐT) – Từ thị trấn Mai Châu, vượt qua chặng đường quanh co gần 40km, chúng tôi đã có mặt tại trung tâm xã Cun Pheo. Cách UBND xã chỉ chừng vài trăm mét, điểm nóng Hin Pén hiện ra. Dưới gầm sàn một ngôi nhà gỗ trống trải ngay đầu xóm, mấy người đàn ông đang ngồi uống nước chè, thì thào trò chuyện. Nhưng tất cả đồng loạt dừng lời và ném cái nhìn sắc lạnh, thăm dò khi chúng tôi - những người khách lạ xuất hiện. Tôi rùng mình ớn lạnh và ý thức về sự nguy hiểm của việc xâm nhập vào một trong những trung tâm mua bán “cái chết trắng” của huyện Mai Châu.

 

 Kỳ 1: Cun Pheo - điểm nóng mới về mua bán ma tuý nhỏ lẻ

Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2013 của Công an huyện Mai Châu toàn huyện có 480 người nghiện (tăng 8 trường hợp so với cuối năm 2012 và đứng thứ hai toàn tỉnh về số người nghiện ma tuý). Trong đó, 78% số trường hợp đã được đi cai nghiện tái nghiện. Toàn huyện có khoảng 100 đối tượng mua bán ma tuý. Từ 2 điểm nóng về mua bán ma tuý đến nay Mai Châu đã có 6 điểm nóng về tình hình mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng ma tuý trái phép.

 Điểm nóng Hin Pén

 

Điều đáng lo ngại là số người nghiện ma tuý chủ yếu ở lứa tuổi thanh niên, lao động và đang dịch chuyển mạnh đến các xã vùng sâu, xa, vùng cao như Cun Pheo, Bao La, Piềng Vế, Xăm Khoè và dịch chuyển mạnh từ đối tượng nghiện là người Mông sang người Thái, người Mường. Trung bình mỗi xã có khoảng trên 40 người nghiện và 100% số xóm có người nghiện. Theo sự dịch chuyển này thì cũng đã dần hình thành những cung đường vận chuyển ma tuý mới và những tụ điểm mua bán ma tuý nhỏ lẻ mới.

 

Hiện nay, việc vận chuyển ma tuý trên tuyến quốc lộ 6 đang bị các cơ quan chức năng ngăn chặn quyết liệt, do đó đã dần hình thành những “cung đường ma tuý mới” qua Mai Châu, đó là qua quốc lộ 15A từ Tòng Đậu (Mai Châu) đi Quan Hoá (Thanh Hoá), dọc theo lòng hồ sông Đà và những cung đường mòn xuyên rừng.

 

Là địa bàn có vị trí đặc biệt nóng khi Cun Pheo giáp ranh với “đất ma tuý” là xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu); xã Trung Sơn, Thành Sơn (huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá) và xã Xuân Nha (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Việc giáp ranh khiến Cun Pheo và các điểm nóng dần hình thành nhiều mối quan hệ xã hội, thông gia, bạn bè thân thiết. Cứ thế ma tuý tràn vào Cun Pheo khiến số người nghiện và nghi nghiện của toàn xã tăng vọt. Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu của số người nghiện tăng cao tại các xã lân cận như Bao La, Piềng Vế, Xăm Khoè và giáp ranh với “nguồn cung dồi dào” là Hang Kia, Pà Cò nên Cun Pheo dần trở thành điểm trung chuyển, phân phối và mua bán ma tuý nhỏ lẻ mới nhưng cũng không kém phần sôi động.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết năm 1986, gần 90 hộ dân quê gốc Chương Mỹ - Hà Tây (nay là Hà Nội) đã đến khai hoang, sinh sống tại xã Cun Pheo và hình thành xóm Tân Châu. Công việc chủ yếu của họ là trồng ngô, trồng rừng, kinh doanh nhỏ lẻ và đi bán hàng rong. Làm ăn khó khăn, ma tuý hoành hành, hơn 70 hộ đã bỏ về quê, nay chỉ còn lại 13 hộ. Năm 2011, từ 13 hộ dân xóm Tân Châu còn lại, xã Cun Pheo đã sáp nhập thêm 61 hộ dân thuộc đội 4 xóm Pheo để thành lập xóm Hin Pén, xoá tên xóm Tân Châu.

 

Toàn xã Cun Pheo hiện nay có 5 xóm với 526 hộ, 2276 khẩu nhưng có đến 9 đối tượng đang chấp hành án phạt tù vì tội “mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý”, (trong đó có nhiều đối tượng đã đi tù đến lần thứ 2, thứ 3 cũng vì tội “mua bán trái phép chất ma tuý”) và có đến gần 40 trường hợp nghiện và nghi nghiện (có hồ sơ quản lý). Theo đánh giá của cơ quan chức năng, số người nghiện trên thực tế của xã Cun Pheo cao hơn nhiều.

 

Theo số liệu ước tính của chính quyền địa phương, xã hiện có khoảng trên dưới 10 điểm mua bán ma tuý nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung tại xóm Hin Pén, cụ thể hơn là ở 13 hộ dân xóm Tân Châu cũ còn lại.

 

Đồng chí Bùi Văn Thuỷ - Trưởng Công an xã Cun Pheo trăn trở: Hin Pén đang là điểm nóng về mua bán ma tuý nhỏ lẻ của xã Cun Pheo. Nhiều đối tượng nghiện từ Piềng Vế, Bao La, Xăm Khoè lên Hin Pén mua ma tuý về sử dụng. Người dân không chủ động cung cấp thông tin liên quan đến tệ nạn ma tuý cho chính quyền; lực lượng công an viên “mỏng”, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế; việc mua bán lại diễn ra nhỏ lẻ và nhanh chóng nên lực lượng công an xã chưa kịp thời phát hiện và xử lý được các vụ việc mua bán ma tuý diễn ra trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng công an xã mới bắt được 1 vụ với 1 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma tuý. Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng thực hiện kế hoạch trong 6 tháng cuối năm xóa được từ 1 đến 2 điểm bán lẻ tại xóm Hin Pén.

 

Bên cạnh những khó khăn trong việc xoá điểm mua bán ma tuý nhỏ lẻ thì công tác phòng chống ma tuý tại Cun Pheo hiện nay đang phải đối mặt với một thực tế là gia đình, chính quyền các xóm chưa thực hiện được việc quản lý, kèm cặp, giúp đỡ người nghiện dẫn đến tình trạng tái nghiện. Số người nghiện gia tăng đột biến đã có gây ra nhiều hệ luỵ cho đời sống nhân dân địa phương.

 

Kỳ án mất trộm trâu

 

Tháng 2/2013, gia đình anh Đinh Công Hoá (xóm Hin Pén, xã Cun Pheo) hoan hỉ chuẩn bị đám cưới cho con gái. Bận việc gia đình, anh Hoá gửi trâu nhờ hàng xóm chăn hộ vài ngày. Chưa kịp vui mừng vì hoàn tất việc trăm năm cho con gái, anh Hoá tá hoả khi phát hiện con trâu của gia đình đã biến mất. Gia đình anh Hoá và bà con hàng xóm đã chia nhau toả đi tìm nhưng không có kết quả. Vài ngày sau, trong lúc đi rừng, anh Hoá chết lặng khi nhìn thấy cả “cơ nghiệp” của gia đình lúc này chỉ còn là một đống thịt đang bắt đầu phân huỷ. Điều đặc biệt là 4 chiếc đùi trâu đã bị cắt mất trong khi tất cả các bộ phận còn lại thì vẫn còn nguyên vẹn.

 

Từ năm 2010 đến nay, đây là con trâu, bò thứ 8 của bà con nông dân xã Cun Pheo bị mất trộm với thủ đoạn tương tự. Trao đổi về thực trạng này, đồng chí Trưởng Công an xã cho biết: Vì Cun Pheo là xã tận cùng của trục đường tỉnh 439, ra vào xã chỉ có một con đường duy nhất, xung quanh xã lại toàn là núi cao nên việc vận chuyển cả con trâu, con bò ra khỏi địa bàn là rất khó dễ bị phát hiện. Do vậy, kẻ gian đã dùng thủ đoạn thịt trâu, bò ngay tại chỗ, cắt lấy 4 chiếc đùi là phần có giá trị nhất mang bán. Phần thịt còn lại thì vứt bỏ ở trong rừng. Theo giá hiện thành hiện nay, mỗi con trâu trưởng thành có giá trên dưới 20 triệu đồng nên thiệt hại cho các hộ gia đình bị mất trâu, bò khá lớn.

 

Bức xúc trước tình trạng này, các hộ dân đã gửi đơn tố giác đến Công an xã Cun Pheo và Công an huyện Mai Châu. Xác minh nội dung đơn tố giác và bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Mai Châu đã nhanh chóng thu thập đủ bằng chứng. Ngày 2/3/2013, Công an huyện Mai Châu đã bắt tạm giam hai đối tượng Hà Văn Hợp và Vì Văn Hạnh (cùng trú tại xóm Hin Pén, xã Cun Pheo) về tội “trộm cắp tài sản”. Tại cơ quan công an, Hà Văn Hợp và Vì Văn Hạnh khai nhận đã trộm 2 con trâu của bà con nông dân Cun Pheo. Thủ đoạn bọn chúng là dắt trộm trâu đến các khu vực vắng vẻ, thịt tại bãi và cắt lấy 4 chiếc đùi, mỗi đùi trâu nặng khoảng 10kg được cho lên xe máy chở về thị trấn Mai Châu để tiêu thụ. Là đồ ăn trộm nên mỗi chiếc đùi trâu chỉ bán được khoảng 500.000 – 700.000 đồng. Nghĩa là một con trâu trưởng thành trị giá khoảng 20 triệu đồng, bị kẻ gian trộm, xẻ thịt bán chỉ thu được khoảng 2 – 3 triệu đồng.

 

Hà Văn Hợp, Vì Văn Hạnh là hai đối tượng nghiện ma tuý lâu năm. Bọn chúng khai lấy trộm trâu, thịt bán để có tiền mua ma tuý. Cũng theo lời khai của các đối tượng này, các vụ trộm trâu có thủ đoạn tương tự phải có ít nhất từ 2 – 3 người trở lên tham gia thì mới thực hiện được. Nhận định ban đầu của lực lượng công an là các vụ trộm trâu tương tự đều do các con nghiện thực hiện.

           

Trao đổi về hiện tượng trộm trâu, cắt đùi đem bán đổi ma tuý, đồng chí Đinh Công Thuyên – Phó Bí thư TT Đảng uỷ xã xót xa: Cả con trâu hàng chục triệu đồng bị con nghiện trộm thịt bán chỉ để đổi lấy vài chục tép hêrôin, thoả cơn nghiện trong vài ngày. Trong khi người nông dân thì mất đi tài sản lớn, quan trọng của cả gia đình. Đa số các đối tượng trộm trâu này khi bị bắt đều là con nghiện, thuộc diện hộ nghèo hoặc bị gia đình từ bỏ do đó việc đền bù cho hộ dân bị mất trộm trâu là điều quá khó. Cuối cùng, tất cả thiệt hại người nông dân phải gánh chịu. Ở xã vùng cao nghèo khó này, khi số lượng con nghiện gia tăng đột biến  kéo theo đó là tình trạng trộm cắp xảy ra liên miên, từ con chó, con gà đến cả con trâu mộng. Đời sống người dân bất an, lao động sản xuất bị ảnh hưởng.”

           

Khi không ăn trộm, ăn cắp thi một số người nghiện bắt đầu chuyển hướng sang vận chuyển, buôn bán nhỏ lẻ để kiếm tiền hút, chích. Cứ thế, con đường tội lỗi, phạm pháp của họ ngày càng trượt dài, lún sâu.

 

                                                                  

                                                                                     Dương Liễu

 

(Còn nữa)

 

Kỳ 2: Nước mắt Cun Pheo

 

Các tin khác

Anh Nguyễn Văn Việt chăm sóc nơi thờ tự  Mẹ Việt Nam Anh hùng và những người anh đã  hy sinh vì Tổ quốc.
Để tìm vàng, người dân đã phá tan hoang các khu vườn trong xóm Ngành.
4 gã “anh hùng” sau màn kịch cứu mỹ nhân đã phải hầu tòa và nhận những hình phạt thích đáng.
Tác giả tác nghiệp dưới độ sâu hơn 60 m trong lòng đất tại lò khai thác than thuộc thôn Đồi Hoa, xã Lạc Long (Lạc Thủy). (Ảnh: P.V)

Hành trình về nguồn nơi biển đảo Cô Tô

(HBĐT) - Là hoạt động thường niên được khởi động từ năm 2006, năm nay, “Hành trình về nguồn” có sự tham gia của 20 báo các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Đặc biệt có ý nghĩa khi báo Quảng Ninh chọn địa điểm tổ chức là huyện đảo Cô Tô - nơi duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cho dựng Tượng đài của mình khi Người về thăm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo vào ngày 9/1/1961. Năm nay là năm thứ tư Báo Hoà Bình tham gia “Hành trình về nguồn” với 5 thành viên. Tất cả đều lần đầu tiên ra đảo Cô Tô với sự hồ hởi, háo hức chờ đợi những trải nghiệm mới cùng chuyến hành trình khám phá biển đảo quê hương.

Vỡ tan giấc mộng đổi đời

(HBĐT) - Đời sống kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định, cả tin theo những lời hứa hẹn, gần 50 người dân huyện Đà Bắc đã lén lút xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi: công việc không phù hợp, lương thấp, bị giữ thu nhập, sống nơm nớp trong lo sợ vì có thể bị Công an Trung Quốc bắt giữ bất cứ lúc nào... Vỡ tan giấc mộng đổi đời, họ cuống quýt tìm đường trở về nước với hai bàn tay trắng.

Nỗi lo an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè

(HBĐT) - Theo thông lệ, cuối tháng 5 là thời điểm một năm học kết thúc, phần đông trẻ em đều háo hức đón nhận kỳ nghỉ hè để được xả hơi sau những tháng ngày đèn sách với biết bao nhiêu áp lực. Trái ngược với tâm trạng vui mừng của con cái, hầu hết các bậc phụ huynh lại băn khoăn, lo lắng hè về con em mình sẽ chơi gì, học gì và phải quản lý ra sao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh hết sức xúc động, đó là những học trò nghèo tranh thủ 3 tháng nghỉ hè phụ giúp bố mẹ để góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Nỗi đau sau giông, lốc

(HBĐT) - Với người dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) những cơn giông, lốc liên tục xảy ra trong 2 ngày 17 và 18/5 vừa qua có lẽ là những cơn giông, lốc khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Nó không chỉ gây thiệt hại về hoa màu, nhà cửa mà con người cũng đã trở thành nạn nhân.

Thăm bến Nhà Rồng

(HBĐT) - Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5, hoa phượng vĩ đỏ rực trên nền trời trong veo, xanh thẳm, thanh bình. Bến cảng Nhà Rồng in bóng nước sông Sài Gòn lung linh trôi lững lờ, đẹp như mơ gợi nỗi nhớ da diết đến nao lòng về vị Cha già kính yêu của dân tộc. Xúc động trào dâng khi hòa cùng dòng người tấp nập đến thăm bến Nhà Rồng - nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, địa danh lịch sử và thiêng liêng dường như đã in đậm trong tim mỗi người con dân đất Việt.

Nỗi niềm bản Nưa

(HBĐT) - Tháng1/1983, công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình bắt đầu tiến hành ngăn sông đợt I, đó cũng là thời điểm người dân bản Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) rời quê cha đất tổ nhường ruộng đất, vườn tược cho công trình thế kỷ. Đã an cư trên vùng đất mới hơn 30 năm nhưng cuộc sống của người dân bản Nưa còn nhọc nhằn lắm. Cả bản có 67 hộ, 288 nhân khẩu nhưng chỉ có 30 ha đất để trồng ngô, sắn. Vì vậy, ngoài số tiền ít ỏi từ kinh phí Nhà nước hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ hàng năm cùng chút ít thu nhập từ bán măng, luồng, đời sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục