Em Đinh Thị Nhung (thứ 2 từ phải sang) nhận giấy khen tại cuộc thi "Rung chuông vàng” do Đoàn TN trường THPT Kỳ Sơn tổ chức.
(HBĐT) - Cầm tờ giấy báo trúng tuyển ĐH, Nhung mừng nhưng em lại khóc thật nhiều, cô Thu, bác của em rồi ngay cả Ngọc, chị họ của em cũng đều khóc, bởi ai cũng cay đắng nhận ra, Nhung đỗ ĐH đấy nhưng biết lấy tiền ở đâu để cho Nhung theo học bây giờ?
Lá rách ít đùm lá rách nhiều.
Khi tôi đến nhà bác ruột của Đinh Thị Nhung (Đồng Giang – Dân Hoà - Kỳ Sơn), em đã đi bán hàng thuê ở ngoài Xuân Mai (Hà Nội). Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, ngồi tiếp chuyện với tôi chỉ có bác ruột của em là cô Bùi Thị Thu, năm nay đã gần 60 tuổi và em Bùi Thị Ngọc, chị họ của Nhung. Tôi hỏi Ngọc: “ Nhung đến ở với gia đình mình lâu chưa?” Ngọc không nhớ rõ lắm rồi em bảo đi tìm giấy khen của Nhung là biết vì từ dạo chuyển đến đây ở, đều đều năm nào Nhung cũng mang về một tờ giấy khen. Nhìn vào góc học tập đã dán kín các tờ giấy khen, Ngọc kết luận: “ Nhung đến ở nhà cháu từ năm học lớp 2”.
Trước đó, Nhung cũng có một gia đình gồm bố mẹ và anh trai ở xã Phúc Tiến (Kỳ Sơn) nhưng bố em vốn là một người hay rượu chè, mỗi lần rượu say ông lại về đánh đập vợ, con. Những trận đòn từ người chồng vũ phu buộc mẹ Nhung phải làm đơn ra toà. Từ ngày bố mẹ bỏ nhau, ba mẹ con Nhung rời Phúc Tiến lang thang khắp nơi. Người mẹ sau quá nhiều những trận đòn roi của chồng giờ trở nên ngớ ngẩn, thần kinh nhiều lúc không được ổn định nên đã không thể nuôi nổi hai con của mình. Vậy là Nhung đành xa mẹ về ở với bác ruột. Hoàn cảnh của bác cũng chẳng khấm khá gì hơn, “ nhà chỉ có ít ruộng nên những lúc nông nhàn, hai vợ chồng chỉ biết đi làm thuê để nuôi con, nuôi cháu”, cô Thu tâm sự. Nhưng sự đời chẳng đơn giản như thế, khi cả Ngọc và Nhung đang tuổi ăn, tuổi lớn, cô Thu mắc vào ốm đau bệnh tật, không thể đi làm thuê để kiếm tiền như trước, vậy là mọi gánh nặng đổ hết lên đôi vai của người đàn ông trụ cột duy nhất trong gia đình. Hàng tháng với chiếc xe máy tàng, ông đi khắp nơi để tìm việc làm thêm nuôi gia đình. Nhưng hiện nay, ông cũng đã bước qua tuổi 60, sức khoẻ yếu cộng với bệnh nặng tai, ông không còn dễ dàng kiếm việc như trước. Khó khăn càng chồng chất hơn khi năm 2010, Ngọc chính thức thi đỗ và đi học chuyên ngành mầm non thuộc ĐH Sư phạm Tây Bắc. Hoàn cảnh khó khăn vậy nhưng khi gia đình Ngọc làm đơn xin vay vốn sinh viên để đi học, em không được cán bộ vay vốn ở xóm giải quyết. Hàng tháng, bằng mọi cách, bố mẹ Ngọc cũng phải tiết kiệm một khoản tiền để Ngọc theo học nốt những năm cuối. Cũng chính vì những lý do đó nên dù thương cháu nhưng hai bác của Nhung cũng không biết xoay cách gì để em có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ.
Ước mơ của cô học trò nghèo
Hoàn cảnh khó khăn như một động lực càng giúp Nhung phấn đấu học tập. Trong suốt những năm học phổ thông, Nhung đều là học sinh khá, giỏi của trường. Cảm động trước hoàn cảnh và nghị lực vươn lên của cô học trò nhỏ, hầu hết những thầy, cô giáo ở trường đều giúp đỡ em. Những khi gia đình khó khăn, không có tiền nộp học, cô giáo chủ nhiệm lại ứng ra nộp trước rồi mới thu lại sau, cũng có nhiều lúc cô không thu lại mà hỗ trợ cho em đến trường.
Cũng như bao cô, cậu học trò khác ở năm cuối cấp, Nhung mơ ước đến cổng trưởng đại học nên dù biết có thi đỗ cũng khó có khả năng theo học nhưng Nhung vẫn quyết tâm làm hồ sơ thi vào ĐH Lâm nghiệp để thử khả năng của mình. Ngay khi tốt nghiệp THPT với số điểm cao nhất trường, Nhung xếp lại mọi sách vở, xin đi làm thuê, đến ngày thi ĐH, em về thi xong lại tiếp tục đi làm ở Hà Nội. Không được ôn luyện gì nhưng em đã thi đỗ vào khoa Quản lý đất đai (ĐH Lâm nghiệp). Cầm tờ giấy báo trúng tuyển ĐH, Nhung mừng nhưng em lại khóc thật nhiều, cô Thu, bác của em rồi ngay cả Ngọc, chị họ của em cũng đều khóc, bởi ai cũng cay đắng nhận ra, Nhung đỗ ĐH đấy nhưng biết lấy tiền ở đâu để cho Nhung theo học bây giờ? Biết có chương trình vay vốn tín dụng HSSV, Nhung nhờ bác đứng ra bảo lãnh để vay nhưng cán bộ vay vốn ở xóm lại một lần nữa từ chối với lý do “nếu Nhung đã nhập khẩu vào nhà bác rồi thì không được vay”. Chỉ còn ít ngày nữa là Nhung đã phải lên trường làm thủ tục nhập học nhưng cho đến bây giờ, mọi khoản tiền để đóng góp đầu năm em chưa biết nhìn vào đâu, em nói, nếu không vay được tiền, cổng trưởng ĐH là một mơ ước quá xa vời với em.
Dẫu biết rằng, giảng đường ĐH không phải con đường duy nhất để vào đời nhưng với một cô bé có hoàn cảnh như Nhung, nếu không có cơ hội để học tiếp, có lẽ em sẽ chỉ còn một con đường là tiếp tục cuộc đời làm thuê không bằng cấp, không ngành nghề đào tạo.
Phương Linh
(HBĐT) - Những tiếng súng chát chúa nổ trong đêm, những tiếng hò hét đuổi đánh nhau của đám thanh niên xăm trổ đầy mình cùng sự phẫn nộ của người dân khi bị những đối tượng ngoài địa bàn cấm đoán, dọa dẫm khi họ dám bén mảng tới vỉa đá nghi là có vàng... đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân xóm Ngành, xã Tiến Sơn (Lương Sơn) thời gian qua. Nhưng đó chưa phải là tất cả...
(HBĐT) - Cả 3 phiên tòa xét xử các bị cáo cùng một tội danh “Hiếp dâm trẻ em”. Nhưng lại ngập trong 3 thứ cảm xúc trái ngược: phẫn uất - xót xa - căm tức. Phẫn uất là bởi đứng trước vành móng ngựa là một người cha bất chấp luân thường đạo lý làm chuyện đồi bại với cả đứa con dứt ruột sinh ra; xót xa là bởi chiếc áo tù trở nên quá rộng với một đứa trẻ vừa tròn 14 tuổi đã phạm vào cái “tội của người lớn”; căm tức là bởi đứng trước vành móng ngựa là 4 gã trai làng với màn kịch “anh hùng cứu mỹ nhân” để hại đời cô bé vừa bước qua tuổi 12.
(HBĐT) - Cảm giác ngột ngạt, váng vất khó chịu vì không gian ẩm ướt, yếm khí dưới một đường hầm tối om và sâu hun hút có lẽ là sự trải nghiệm mà không phải ai cũng có được khi chui vào những đường lò khai thác than đầy bất trắc với những người đang “bán mạng cho than” ở xóm Đồi, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc), xóm Đừng, xã Đồng Môn (Lạc Thủy), xã Cuối Hạ (Kim Bôi), xã Mỹ Thành (Lạc Sơn).
(HBĐT) - Là hoạt động thường niên được khởi động từ năm 2006, năm nay, “Hành trình về nguồn” có sự tham gia của 20 báo các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Đặc biệt có ý nghĩa khi báo Quảng Ninh chọn địa điểm tổ chức là huyện đảo Cô Tô - nơi duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cho dựng Tượng đài của mình khi Người về thăm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo vào ngày 9/1/1961. Năm nay là năm thứ tư Báo Hoà Bình tham gia “Hành trình về nguồn” với 5 thành viên. Tất cả đều lần đầu tiên ra đảo Cô Tô với sự hồ hởi, háo hức chờ đợi những trải nghiệm mới cùng chuyến hành trình khám phá biển đảo quê hương.
(HBĐT) - Đời sống kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định, cả tin theo những lời hứa hẹn, gần 50 người dân huyện Đà Bắc đã lén lút xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi: công việc không phù hợp, lương thấp, bị giữ thu nhập, sống nơm nớp trong lo sợ vì có thể bị Công an Trung Quốc bắt giữ bất cứ lúc nào... Vỡ tan giấc mộng đổi đời, họ cuống quýt tìm đường trở về nước với hai bàn tay trắng.
(HBĐT) - Theo thông lệ, cuối tháng 5 là thời điểm một năm học kết thúc, phần đông trẻ em đều háo hức đón nhận kỳ nghỉ hè để được xả hơi sau những tháng ngày đèn sách với biết bao nhiêu áp lực. Trái ngược với tâm trạng vui mừng của con cái, hầu hết các bậc phụ huynh lại băn khoăn, lo lắng hè về con em mình sẽ chơi gì, học gì và phải quản lý ra sao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh hết sức xúc động, đó là những học trò nghèo tranh thủ 3 tháng nghỉ hè phụ giúp bố mẹ để góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình.