Anh Bùi Văn Mảng thường xuyên được các y, bác sỹ Trung tâm BTXH tỉnh  kiểm tra, chăm sóc sức khỏe.

Anh Bùi Văn Mảng thường xuyên được các y, bác sỹ Trung tâm BTXH tỉnh kiểm tra, chăm sóc sức khỏe.

(HBĐT)- Trong giai đoạn 1975-1979, dưới chế độ Khmer đỏ với sự cầm đầu của Pol Pot, gần 2 triệu người dân Campuchia thiệt mạng vì bị bỏ đói, làm việc quá sức, bị tra tấn và hành quyết. Con số này bằng 1/4 dân số Campuchia lúc bấy giờ. Ngông cuồng hơn, tập đoàn Pol Pot còn phát động cuộc chiến tranh đẫm máu xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, tàn sát hơn 20.000 dân thường Việt Nam trên vùng biên giới tây nam.

 

Trước tình hình đó, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận đoàn kết Cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia, quân đội Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và giúp đỡ Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Đại thắng lịch sử ngày 7/1/1979 đã khắc sâu trong trái tim của mọi người dân Campuchia. Đó là ngày các LLVT đoàn kết cứu quốc Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, giúp dân tộc, Tổ quốc và nhân dân Campuchia được hồi sinh với sự giúp đỡ to lớn của quân tình nguyện Việt Nam. Trong cuộc chiến vô cùng khốc liệt ấy, hàng nghìn người lính tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh, để lại một phần xương máu trên trường. 34 năm đã trôi qua và  những điều kỳ diệu đã xảy ra, có người lính cách đây 21 năm, gia đình đã nhận được giấy báo tử và được cấp bằng Tổ quốc ghi công đã trở về từ xứ sở chùa tháp sau hơn 30 năm chiến đấu, bị tù đày, lưu lạc.

 

Người liệt sỹ trở về mà chúng tôi vừa gặp gỡ cũng thật tình cờ. Trong chuyến về công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, anh Đinh Văn Đức, Phó Giám đốc dẫn chúng tôi xuống trạm sá của đơn vị, tại đó, y - bác sỹ đang khám bệnh cho một người đàn ông trông khá khắc khổ. Nếu nhìn vẻ bề ngoài không ai đoán được người đàn ông này mới 56 tuổi vì mọi hành động, lời nói, dáng đi khiến chúng tôi cứ nghĩ chí ít ông ấy cũng sắp bước vào tuổi thất thập. Từ câu chuyện người đàn ông kể, chúng tôi đã có một hành trình để khớp nối lại lai lịch và quá trình hoạt động trong quân ngũ của người liệt sỹ trở về sau chiến tranh. Đó là những cuộc làm việc, gặp gỡ với UBND, Ban CHQS, Công an huyện Yên Thủy, UBND xã Lạc Lương, Phòng Chính sách (Bộ CHQS tỉnh) và những thân nhân của liệt sỹ.

 

 Người liệt sỹ đó là anh Bùi Văn Mảng, sinh năm 1957, tại xóm Cối, xã Lạc Lương (Yên Thủy). Tháng 5/1978, anh chia tay người vợ trẻ và cậu con trai đầu lòng vừa được 4 tuổi lên đường nhập ngũ tại Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 854, Quân khu 3 khi vừa tròn 21 tuổi. Sau 3 tháng huấn luyện, tháng 7/1978, anh được điều động về Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 4, Quân khu 9, đóng tại Châu Đốc - An Giang. Khi xảy ra chiến tranh biên giới tây nam, năm 1979, anh được điều động sang Tiểu đoàn 5, Sư đoàn 4, Quân khu 9, bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên địa bàn tỉnh Kô Kông - Cămpuchia. Năm 1984, trong khi cùng đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đường dây thông tin liên lạc của đơn vị tại khu vực núi Bến Đá, tỉnh Kô Kông, khu vực giáp ranh với biên giới Cămpuchia - Thái Lan thì bị lính Thái Lan tấn công, bị bắt đưa về trại giam Khảo Đáng (Băng Cốc - Thái Lan). Những năm tháng chiến đấu trên chiến trường và 5 năm tù đày bởi quân đội Thái Lan, anh đã bị hỏng mắt trái, cụt đốt số 1 ngón tay trỏ trái và nhiều sẹo ở hông, cổ và đầu. Năm 1990, anh được ra ngoài lao động với công việc khai thác rừng trong khu vực quản lý của quân đội Thái Lan.

 

Sau một thời gian, khi đã tìm hiểu, định hướng khá kỹ địa hình, anh đã lợi dụng sơ hở của lính gác, anh băng rừng, lội suối suốt 2 ngày đêm bỏ trốn khỏi đất Thái Lan về huyện Màng Đôi Xi Ma tỉnh Kô Kông - Cămpuchia. Tại đó, anh Mảng xin vào làm thuê cho ông Tha, người Cămpuchia làm nghề đánh cá trên biển. 9 năm sau (năm 1999), anh Mảng đến ấp Trần Ka Chêch Xa Phéch Cla, huyện Tức Nưa, tỉnh Cam Pốt và nhận bà Khớt người Cămpuchia làm nghề bán hàng ăn làm chị nuôi. Tại đó, hàng ngày, anh cùng mọi người trong gia đình chế biến, bưng bê, dọn dẹp, rửa bát phục vụ khách hàng để kiếm sống. Năm 2007, vợ chồng ông bà Khớt qua đời, anh Mảng tiếp tục ở lại làm thuê tại cửa hàng ăn cho con ông bà Khớt. Năm 2009, tình cờ anh Mảng gặp được một người đàn ông người Việt Nam tên là Lâm sang làm ăn buôn bán ở Cămpuchia. Một thời gian sau, ông Lâm dẫn anh Mảng vượt biên giới Cămpuchia về nước. Về đến Việt Nam, ông Lâm đưa anh Mảng vào Phòng Chính trị, Sư đoàn 4, Quân khu 9 đóng quân tại ấp Thuận Tiến (Bình Sơn - Hòn Đất - Kiên Giang). Sư đoàn 4, Quân khu 9 đón nhận anh trong tình trạng sức khỏe yếu, tinh thần hoảng loạn, không có tiền và giấy tờ tùy thân cũng như bất cứ loại giấy tờ gì khác. Sau khi làm việc, Sư đoàn 4 đã đưa anh vào bệnh xá để chăm sóc. Đến ngày 30/8/2010, khi sức khỏe của anh đã khá ổn định Phòng Chính trị, Sư đoàn 4, Quân khu 9 gửi thông báo đến cấp ủy, chính quyền, Ban CHQS huyện Yên Thủy và gia đình anh Mảng. Sau đó Sư đoàn 4 đã hỗ trợ tiền xe, tiền ăn đưa anh Mảng ra bến xe khách và hẹn gia đình đón tại bến xe thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

 

Chị Bùi Thị Mảnh, em gái của anh Mảng cho biết: “Cả nhà mừng mừng, tủi tủi khi nhận được thông báo của Phòng Chính trị, Sư đoàn 4, Quân khu 9. Nhưng gia đình quá khó khăn nên không có đủ tiền để vào Kiên Giang đón anh. Ngày 11/9/2010, tôi đợi đón anh ở bến xe khách thành phố Ninh Bình. Nếu không có tấm biển bằng bìa cattông ghi tên Bùi Văn Mảng thì tôi cũng không nhận ra được anh mình nữa. Dù đã được Sư đoàn 4, Quân khu 9 chăm sóc nhưng nhìn anh vẫn hốc hác, đen đúa và tiều tụy. Giữa bến xe khách ồn ào, đông đúc, chúng tôi ôm nhau khóc nức nở và tôi đưa anh về trong niềm vui vô bờ bến của  gia đình, dòng họ và bà con lối xóm.

 

Chiến tranh đã khiến quân nhân Bùi Văn Mảng phải chịu cảnh tù đày, lang thang, lưu lạc và cũng khiến gia đình anh ly tán. Năm 1992, sau khi nhận được giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công, vợ anh, chị Bùi Thị Sỏn đã tái giá. Đau đớn hơn, trước khi anh trở về (năm 2006), người con trai duy nhất của vợ chồng anh là Bùi Văn Lời đã bị chết do TNGT. Một thân một mình với 2 bàn tay trắng, sức khỏe ngày càng sa sút, anh đành nương nhờ vào em gái là Bùi Thị Mảnh ở xóm Quyết Thắng, xã Lạc Lương (Yên Thủy).

 

Người liệt sỹ đã trở về sau hơn 30 năm tù đày, lưu lạc luôn nhận được sự quan tâm động viên, hỗ trợ của người thân cùng cấp ủy, chính quyền, ngành, cấp nhưng vì anh không có bất cứ một loại giấy tờ gì nên việc xem xét để áp dụng các chế độ, chính sách đều bế tắc. Trong điều kiện bản thân anh và người thân trong gia đình rất khó khăn về kinh tế, UBND huyện Yên Thủy và xã Lạc Lương cùng gia đình thống nhất đưa anh vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh.

 

Anh ấy đã trở về, đằng sau sự kỳ diệu ấy là những nỗi niềm trăn trở, phải làm gì để bù đắp cho những hy sinh, thiệt thòi, mất mát của những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc và thực hiện nghĩa cử cao đẹp giúp nước bạn Campuchia khỏi họa diệt chủng Polpot.

 

 

                                                             Đức Phượng

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục