Con ở đây chờ bố mẹ con về!

Con ở đây chờ bố mẹ con về!

HBĐT) – Giữa đêm hè tháng 7 trời nổi cơn giông. Sấm chớp giận dữ xé toạc trời đêm Cun Pheo đen đặc. Mưa trút nước xuống sầm sập. Qua những mảng vách đất thủng to bằng cả vành mâm, mưa hắt vào nhà xối xả. Con em giật mình khóc thét. Ngôi nhà vách đất xiêu vẹo run lên bần bật trong mưa bão như muốn đổ ập xuống, nuốt trọn hai đứa trẻ. Thằng anh học lớp 9 nhưng bé như cái kẹo quờ quạng trong bóng tối tìm cái chậu để che mưa cho em. Hai đứa trẻ ướt sũng ôm chặt lấy nhau. Nước mắt mặn chát hoà nước mưa. Lại thêm một mùa mưa bão nữa mà bố mẹ chúng vẫn chưa mãn hạn tù trở về.

 

Con ở đây chờ bố mẹ con về!

Mái nhà lợp bằng ngói pờ rô xi măng đã thủng nhìn thấy trời. Tường vách đất rụng tả tơi chui lọt cả người lớn. Xung quanh nhà là gần chục cây chống gắng gượng giữ cho ngôi nhà không đổ ập xuống. Ngôi nhà ấy chẳng thể gọi là nhà vì nó chỉ có tác dụng che nắng mà không thể che mưa. Nó giống như một cái cây cổ thụ giữa rừng già sắp bật gốc. Dưới tán cây cổ thụ ấy, hai ngọn cỏ dại bám trụ vào, lay lắt sống.

Thằng anh hết hè này là lên lớp 9 nhưng chỉ bé như đứa trẻ lớp 5 nên thường được chúng bạn gọi là Đức “còi” chứ thực ra tên đầy đủ của nó là Nguyễn Văn Đức. Còn đứa em tên Lan, năm nay lên lớp 4 nhưng cũng nhỏ xíu như đứa trẻ lớp 2. Từ hai năm nay, người dân xã Cun Pheo (huyện Mai Châu) đã quen với hình ảnh ngày ngày Đức dắt Lan đi học, dắt Lan đi đến nhà họ hàng xin gạo, xin muối, xin rau.

 

Năm 2000, khi Đức “còi” vừa tròn 1 tuổi thì bố em là Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1975, trú tại xóm Hin Pén, xã Cun Pheo) phạm tội “mua bán trái phép chất ma tuý”, phải chịu mức án 15 năm tù. Nối tiếp chồng, mẹ Đức là Trần Thị Bích (sinh năm 1975, trú cùng xóm, tiếp tục liều lĩnh lao vào con đường sai trái. Năm 2003 bé Lan được sinh ra mà không biết bố là ai. Đến ngày 19/2/2012, Bích bị bắt và bị tuyên án 26 tháng tù vì tội “mua bán trái phép chất ma tuý”. Chiến và Bích đi trại, bỏ lại 2 đứa trẻ bơ vơ trong túp lều xiêu vẹo.

 

Cun Pheo với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 61%, trong đó có gia đình người thân của hai đứa trẻ. Chính bản thân họ còn đang hàng ngày, hàng giờ vật lộn với cái đói, vật lộn với miếng cơm nên chẳng thể cưu mang hai đứa trẻ. Hai anh em nó thì cứ khăng khăng “Con ở đây trông nhà và chờ bố mẹ con về”. Vì thế, từ đầu năm 2012 đến nay, hai đứa trẻ cứ bám trụ lấy túp lều rách nát và sống bằng tình thương của họ hàng, làng xóm.

 

Khi chúng tôi đến thăm, gặp Đức đang nói với người anh họ “Anh ơi, bức vách này sắp đổ rồi, anh chống lại cho em với!”. Bước sang tuổi 15 nhưng bất đắc dĩ, Đức phải mang cả trọng trách của người cha, người mẹ lo cho em. Hàng ngày đi xách nước từ bể công cộng về, vào rừng lấy củi, nấu cơm, giặt quần áo, cho em ăn, dạy em học. Nửa đêm em ốm lên cơn sốt thì đi bộ xuống Piềng Vế để gọi bác và xin thuốc về cho em.

 

Trước mắt chúng tôi, Đức và Lan - hai đứa trẻ ngoan, trong sáng và ngây thơ đến tội nghiệp. Thiếu bàn tay chăm sóc, nuôi dưỡng của bố mẹ, chúng bé hơn nhiều so với lứa tuổi thật. Dưới mái pờ rô xi măng nóng hầm hập, tôi hỏi: “Trời nóng thế này thì đêm ngủ thế nào?”. Bé Lan hồn nhiên trả lời: “Cháu dùng vở để quạt ạ!”, và bé kể cho tôi nghe về bữa ăn hàng ngày: Bác Trường (bác ruột – PV) cho gạo để nấu cơm và cho muối. Hàng ngày cháu ăn cơm với nước mắm, có hôm ăn với canh rau. Tôi quặn lòng xót xa không muốn hỏi thêm vì hiểu rằng trong hoàn cảnh như hai em, có được như vậy đã là quá may mắn.

 

Trong túp lều rách nát, xiêu vẹo, nền đất nhớp nháp bẩn thỉu, tuyệt đối không có một vật dụng gì đáng giá 10 nghìn đồng. Nhìn vào chiếc hũ nhỏ sứt miệng đựng gạo ở góc nhà đã trơ đáy, tôi tự hỏi: “Khi dấn thân vào con đường mua bán “cái chết trắng”, những bậc làm cha làm mẹ có bao giờ dừng lại dù chỉ một phút giây để nghĩ đến tình cảnh này?

 

Nước mắt của mẹ    

  

“Nó dí dao vào cổ tôi và quát lên “Bà mà còn nói nữa là tôi chém chết đấy!”. Lúc đấy mắt nó trợn lên, long sòng sọc. Tôi sợ nó sẽ làm thật nên chỉ khóc mà không dám nói gì nữa”. Người mẹ tội nghiệp, nghẹn ngào kể lại giây phút kinh hoàng bị người con trai do mình dứt ruột đẻ ra dí dao vào cổ. Tất cả chỉ vì bà chửi nó và ngăn nó không cho đi theo mấy thằng bạn nghiện. Theo yêu cầu của người mẹ khốn khổ ấy, tôi xin không đưa tên bà ra đây. Bà là một người mẹ khổ sở của bản Hin Pén, khổ sở như  nhiều bà mẹ có con sa chân vào nghiện ngập.

 

Bà là người con gái Thái xinh đẹp có tiếng của xã Chiềng Châu. Theo chồng, bà lên Cun Pheo làm dâu. Đứa con trai đầu lòng sinh ra trong niềm vui và mong đợi của cả gia đình. Bà nuôi nó lớn lên bằng tất cả tình yêu thương của một người mẹ dành cho đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Nhưng khi cái chân nó bắt đầu thích đi xa, cái máu tò mò và thích thể hiện trong đầu thằng con trai mới lớn trỗi dậy, nó đã theo chúng bạn, thử hút ma tuý. Thử và nghiện. Cứ thế, nhà cửa dần xác xơ, nó héo hon đi một thì bà cũng héo hon đi mười. Năm 2012 vừa rồi, bà vận động mãi nó mới chịu là một trong 13 người nghiện của Cun Pheo đi cai theo đề án “Cai nghiện tại cộng đồng”. Nhưng đâu lại vào đấy, nó không cai được khi thằng bạn đến ngủ chơi đã mở ma tuý ra hút ngay trước mắt nó.

 

Trong nhà đã không còn gì để bán, nó bắt bà đi vay tiền để cho nó hút nhưng biết vay ai ở cái bản nghèo này và ai sẽ cho mẹ một người nghiện chuyên đi ăn cắp vặt vay tiền? Không có tiền để hút, nó doạ bà là sẽ đi “xách hàng” thuê để kiếm tiền. Bà giật bắn mình sợ hãi nghĩ đến ngôi nhà mới xây ở cạnh nhà bà đã bỏ hoang từ nhiều năm nay, cỏ dại lấp lối bởi chủ nhân của nó đang đi tù vì mua bán ma tuý. Bà sợ nó đi “xách hàng” sẽ bị công an bắt, bị đi tù. Bà thì đã già và quá nghèo, từ bao năm nay chỉ quẩn quanh với bụi luồng. Người mẹ nào chẳng sợ mất con!

 

Nhưng hôm nay, nó đã dí dao vào cổ bà khi bà ngăn nó. Đẩy bà ngã ngay bậc cửa nhà, nó chạy theo hai thằng bạn đang đợi sẵn và nhằm hướng con đường mòn, leo sang bên kia núi.

 

Bà mẹ khốn khổ gục ngã bên bậc thềm, bất lực nhìn theo con. Trên khuôn mặt nhằng nhịt những nếp nhăn, giọt nước mắt người già đau đớn.

 

Chầm chập dẫn tôi đi qua những ngôi nhà sàn trống tuềnh toàng của xóm Hin Pén, đồng chí Phó Bí thư TT Đảng ủy xã nghẹn ngào: “Ngoài 13 hộ dân xóm Tân Châu là người Chương Mỹ gốc là tụ điểm mua bán ma tuý nhỏ lẻ, các hộ dân còn lại của Hin Pén chủ yếu là bà con người dân tộc Thái, dân tộc Mường. Bão ma tuý tràn về, nhiều thanh niên dân tộc đang sức dài vai rộng bị kéo vào cơn bão. Bị ma tuý sai khiến, họ bỏ bê ruộng vườn, không tham gia lao động, người trở nên lờ đờ, thiếu tỉnh táo. Đáng lo ngại hơn đã xuất hiện hiện tượng con nghiện vì bị ma tuý tác động mạnh dẫn đến có những hành động hung hãn, đe doạ tính mạng người thân trong gia đình. Đã có nhiều nỗ lực từ chính quyền địa phương các cấp, sự vào cuộc của các ngành chức năng nhưng tình trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma tuý ở đây vẫn còn nhức nhối lắm.

 

Từ câu chuyện một con trâu mộng đổi lấy vài chục tép hêrôin cho đến hình ảnh hai đứa trẻ đứng bên túp lều sắp đổ sập chờ bố mẹ mãn hạn tù trở vể, cả giọt nước mắt bất lực của người mẹ nhìn con lao vào ma tuý, một Cun Pheo quay cuồng trong “bão ma tuý” đã hiện lên rõ nét. Như một con bạch tuộc độc ác vươn chiếc vòi dài, ma tuý đã len lỏi đến từng con suối, cánh rừng và tàn phá cuộc sống yên bình của người dân nơi đây. Tình trạng gia tăng số người nghiện ma tuý, số điểm ma tuý nhỏ lẻ tại Cun Pheo nói riêng, tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Mai Châu nói chung là một thực tế báo động rất cần được quan tâm.

 

Chúng tôi rời Cun Pheo khi mây đã sà xuống thấp, ôm trọn lấy những ngôi nhà sàn ẩn hiện giữa rừng luồng.Trong mịt mù sương gói, tôi vẫn mong manh hi vọng, ngày mai, bão tan.

 

                                                                           Dương Liễu

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục