(HBĐT) - Vượt gần 2.000 km, đến một hòn đảo hoàn toàn xa lạ có tên Phú Quốc để rồi được biết về một con người đã, đang sống cạnh mình mấy chục năm chính là một cựu tù binh nhà tù Phú Quốc. Ông là thương binh Trần Quyết Thắng (ảnh) hiện đang sống tại thành phố Hòa Bình.

 

Từ Phú Quốc trở về Hòa Bình, tôi tìm gặp ngay ông Trần Quyết Thắng và nghe ông hồ hởi: “Nhận giấy mời dự lễ trao danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” và “Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tù binh Phú Quốc” tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đầu tháng 3/2013, tôi vô cùng xúc động và thao thức. Đang ốm yếu, kinh tế lại eo hẹp nhưng bằng mọi giá, gia đình xúm vào để tôi thực hiện được chuyến đi vô cùng ý nghĩa này. Nếu không đi chuyến này rất có thể sẽ không còn cơ may để đến Phú Quốc lần thứ hai... Thật lạ, từ ngày tôi đi Phú Quốc về, thấy người khỏe ra...”.

 

Năm 1964, mới 16 tuổi, Trần Quyết Thắng rời quê hương Nam Định theo người chú lên Hòa Bình. Năm sau, Thắng vào làm công nhân khai thác mỏ tại Hợp Thành, Hợp Thịnh (Kỳ Sơn). Năm 1967, anh nhập ngũ vượt Trường Sơn vào chiến đấu vùng tây nam Sài Gòn. Tháng 9/1968, Thắng bị địch bắt. Ngày 11/1/ 1969, địch đưa anh ra giam cầm tại nhà tù Phú Quốc. Hiệp định Pari ký kết, đầu 1973, Trần Quyết Thắng cùng những người tù sống sót được đưa về đất liền và trao trả tù binh tại sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Sau thời gian điều dưỡng, phục hồi sức khỏe, anh ra quân với thương tật thương binh 2/4. Về lại Hòa Bình rồi anh lấy vợ, sinh con, theo vợ, theo con hết Đà Bắc về Nam Định rồi lại ngược Hòa Bình. Nay ông bà đang sống những năm tháng đoạn sau của cuộc đời tại phường Chăm Mát  (TP. Hòa Bình).

 

Đúng sau 40 năm có thể coi là một nửa đời người, cựu tù binh Trần Quyết Thắng mới có dịp quay trở lại nơi mình cùng bao chiến sỹ cách mạng đã bị tù đày, hành hạ dã man. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại một ngày tù, ngàn thu ở ngoài, thế mà ông Thắng ở nhà tù Phú Quốc đến hơn 4 năm với hơn 1.160 ngày. Biết bao hy sinh, gian khổ với những kỷ niệm bi hùng như những thước phim quay chậm hiện ra trong những giấc ngủ trước ngày ông lên đường trở lại Phú Quốc, hòn đảo đẹp và lớn nhất nước ta nằm gần cực nam Tổ quốc. Ba sự kiện khiến ông Trần Quyết Thắng nhớ nhất đó là:

 

Thứ nhất, tổ chức của ta trong tù rất chặt chẽ. Toàn nhà tù có Đảng ủy. Từng khu giam có chi bộ. Nhờ đó có sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng. Từ chống ép buộc chiêu hồi; đấu tranh chính trị; khoét hầm vượt ngục về với cách mạng; học tập chính trị, lịch sử đều do tổ chức Đảng lãnh đạo. Ông còn nhớ như in một buổi kết nạp Đảng trong tù. Mọi người lấy miếng gạc trắng chỉ bằng bàn tay rồi tranh nhau cứa tay vào cạnh tấm tôn lấy máu nhuộm làm cờ. Có cờ rồi lại không thể treo trên tường mà phải treo vào áo trong ngực trái của một đảng viên. Lúc làm lễ kết nạp thì phanh áo ngực để lộ ra lá cờ. Như thế, vừa giữ bí mật để địch không phát hiện ra, vừa ý nghĩa lá cờ Tổ quốc thắm máu bao anh hùng liệt sỹ ở trái tim người cách mạng. Buổi lể kết nạp Đảng vô cùng trang nghiêm. Sau những lần như thế, chí khí cách mạng, tinh thần yêu nước của anh em tù binh càng lên cao.

 

Thứ hai, hình ảnh người tù Nguyễn Trọng Lượng, quê Thanh Hóa là một đảng viên lãnh đạo chi bộ Đảng trong tù. Ông bị bọn chiêu hồi chỉ điểm và bị tra tấn. Kẻ địch lột áo ông ra, trói hai tay treo lên rồi dùng roi cá đuối mềm, có gai sắc để đánh ông 100 roi. Bọn ác ôn thi nhau dùng hết sức mình quất roi vào cơ thể ông. Roi quấn chặt vào người, chúng lại giật mạnh ra. Mỗi lần như vậy, da thịt ông bị dứt bắn tứ tung khỏi cơ thể. Thân mình ông nát bươm, nhất là hai bên sườn hở cả xương trắng. Tuy bị chết đi, sống lại nhưng ông không hề khuất phục. Lần khác, tên thiếu úy Long dùng kim đâm vào mười đầu ngón tay của ông. Ông Lượng nói: “Thiếu úy cứ để tôi tự làm. Thế là ông Lượng lần lượt cắm kim vào đủ 10 đầu ngón tay của mình. Sau đó, ông chống 10 đầu ngón tay xuống nền xi măng và ấn cho mười cây kim ngập vào từng ngón tay. Tên ác ôn Long tái mặt và bỏ đi. Nhớ đến Nguyễn Trọng Lượng là tôi nghĩ ông chắc chắn phải được phong anh hùng mới xứng với ông.

 

Thứ ba, sau nhiều ngày đấu tranh không kết quả, ông Bình đã ra giữa sân cầm dao tự rạch bụng mình, buộc kẻ địch phải đáp ứng yêu cầu của anh em tù binh. Đó là những công việc, tấm gương mà ông Trần Quyết Thắng trực tiếp nhìn thấy hoặc tham dự. Còn biết bao gương hy sinh anh dũng khác, báo chí đã nêu rất rõ, rất nhiều, ông không đủ thì giờ nhắc lại.

 

Trở lại Phú Quốc. Những cựu tù gặp nhau tay bắt, mặt mừng và nước mắt rơi. Mừng còn sống và được gặp nhau bao nhiêu thì thương nhớ anh em hy sinh bấy nhiêu. Trong cuộc gặp cảm động này có cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Thị Mỹ Hoa vừa với tư cách thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhưng trước hết cũng là những cựu tù Phú Quốc. Tại nghĩa trang liệt sỹ Dương Đông, trước hàng ngàn nấm mộ ghi danh và chưa ghi danh, những cựu tù từ vị Chủ tịch nước đến người công dân bình thường cùng xúc động trong khói nhang nghi ngút. Nắng gió Phú Quốc như sánh lại để nhập vào mình giây khắc thiêng liêng ấy.

 

Sau 3 ngày ở Phú Quốc, những cựu tù mái đầu đều đã phong sương, đón đưa người bạn tù năm xưa từ miền Bắc xa xôi đi thăm nhau hết chỗ này đến chỗ khác bởi ngay từ khi còn bị giam cầm trong lao tù Phú Quốc, họ đều khắc sâu niềm tin sắt đá vào ngày chiến thắng. Chắn chắn, nếu còn sống họ sẽ gặp lại nhau. Chỉ có điều, không ngờ phải 40 năm sau (1973 -2013), họ mới được thực hiện điều này. Gặp lại tại Phú Quốc và chỉ có tại Phú Quốc họ mới gặp đông nhau hơn. Gặp cả người còn sống, gặp cả những đồng đội đã hy sinh. Những cựu tù bịn rịn chia tay trong những cái ôm thật chặt.

 

Giây khắc bức xúc lắng xuống, ông Thắng bày tỏ, đến nay chưa rõ tỉnh ta có bao nhiêu người kể cả hy sinh và còn sống là cựu tù binh Phú Quốc. Ngay khi nhận được giấy mời trở lại Phú Quốc, ông Thắng cũng đi ké với đoàn cựu tù Hải Dương. Nguyện vọng của ông Trần Quyết Thắng qua Báo Hòa Bình có thể tập hợp được các cựu tù binh Phú Quốc để thành lập Ban liên lạc cựu tù binh cộng sản Phú Quốc tại tỉnh. Mọi liên hệ theo địa chỉ Trần Quyết Thắng, ĐT: 0974304348. Thiết nghĩ, ước nguyện của ông Thắng cũng là mong muốn của mọi người dân Hòa Bình chúng ta. 

 

                                                                            Va

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục