Toàn cảnh ngôi nhà sàn bị cháy tại bảo tàng không gian văn hóa Mường tối 24/10/2013

Toàn cảnh ngôi nhà sàn bị cháy tại bảo tàng không gian văn hóa Mường tối 24/10/2013

(HBĐT) - Thời gian vừa qua, vụ cháy nhà sàn tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo lãnh đạo Bảo tàng không gian văn hóa Mường, nhà bị cháy là nhà Lang có tuổi thọ hơn 100 năm được mua từ gia đình bà Hà Thị Lợi ở Mường Chậm (Tân Lạc).

Trong ngôi nhà này có nhiều hiện vật được lưu giữ và trưng bày để tái hiện cuộc sống của nhà Lang như: cồng chiêng, súng săn cùng đồ đồng là sanh, ninh, mâm, chậu, đồ gốm và đồ gia dụng mây, tre đan, chăn gối…Vì vậy, vụ cháy không chỉ thiệt hại về giá trị vật chất mà còn thiệt hại lớn về giá trị văn hóa và lịch sử.

Theo báo cáo số 295 ngày 25/10/2013 của Phòng cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) về vụ cháy nhà sàn thuộc khu Bảo tàng không gian văn hóa Mường, nhà sàn bị cháy (được gọi là nhà Lang) nằm trong khuôn viên Bảo tàng, có diện tích 106m2 (dài 12,2m, rộng 8,7m) mặt sàn cách mặt đất 2 m. Kết cấu nhà: khung, sàn, vách bằng gỗ, mái lợp lá cọ. Nhà bị cháy, cùng các nhà khác nằm trong  khu vực Bảo tàng đã  được trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy sách tay MFZ4, niêm yết các biển nội quy, tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm lửa, cấm hút thuốc. Trong khu vực Bảo tàng có bố trí nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy gồm: 1 bể trữ lượng 70m3, 1 bể trữ lượng 13m3, 1 bể trữ lượng 4,5m3 và một ao nước lớn. Lực lượng chữa cháy của Bảo tàng có 5 CBNV đều biết cách sử dụng phương tiện chữa cháy. Ngay sau khi phát hiện cháy, nhân viên Bảo tàng đã sử dụng 6 bình chữa cháy và sô, chậu múc nước để dập lửa, tuy nhiên đám cháy phát triển nhanh lên phần mái nhà lợp lá cọ nên không dập tắt được. Cùng lúc đó, nhân viên Bảo tàng đã tiến hành ngắt cầu dao điện, sơ tán một số tài sản ra khỏi khu vực cháy và gọi điện thoại báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH theo số máy 114.
   

Vào khoảng 18 giờ 54 phút ngày 24/10/2013, nhận được tin báo của chị Bùi Thị Hải Yến theo số điện thoại 02183.893.688 xảy ra cháy nhà sàn thuộc Bảo tàng không gian văn hóa Mường, tổ 12, phường Thái Bình, TP Hòa Bình, Phòng CS PCCC &CHCN (PC46) đã điều động 2 xe chữa cháy, 1 xe chuyên dùng và 18 CBCS đến hiện trường. Sau 15 phút, lực lượng, phương tiện chữa cháy đã đến hiện trường, lúc này đám cháy đã bao trùm toàn bộ phần mái lợp lá cọ của nhà sàn và đang lan truyền xuống phía dưới, có nguy cơ cháy lan sang các nhà sàn bên cạnh. Mặc dù vụ cháy xảy ra vào lúc trời tối, địa hình trên đồi cao, đường vào vừa dốc, vừa hẹp, nhưng đến khoảng 19 giờ 30phút  đám cháy cơ bản được khống chế và dập tắt hoàn toàn không để cháy lan sang các khu vực xung quanh. Đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi toàn bộ phần phía trên của nhà sàn như mái cọ, vách, cột, sàn gỗ và các hiện vật trưng bày trong nhà.  Nhận định ban đầu của Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN là nhiều khả năng do khách du lịch sử dụng lửa đốt bếp củi trong nhà sàn gây ra cháy.

     

Nhân viên bảo tàng không gian văn hóa Mường thu nhặt các hiện vật sau vụ cháy.

Cùng với tinh thần khẩn trương, tích cực của lực lượng CS PCCC &CHCN, các lực lượng Cảnh sát 113 và Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Công an TP Hòa Bình đã nhanh chóng vào cuộc để bảo vệ hiện trường, đảm bảo an ninh trật tự an trong khu vực xảy ra vụ cháy và tiến hành điều tra. Căn cứ vào  kết quả khám nghiệm và công tác điều tra, ngày 1/11/2013, Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 180 về “Vi phạm các quy định về PCCC”. Thượng tá Phạm Văn Tiện, Phó trưởng Công an TP Hòa Bình cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình đã thành lập Hội đồng khám nghiệm để xác định nguyên nhân vụ cháy. Qua điều tra và công tác khám nghiệm đã xác định điểm bùng phát đám cháy bắt đầu tại bếp chính của ngôi nhà. Đồng thời loại trừ nguyên nhân gây cháy do chập điện. Về hoạt động tại khu vực Bảo tàng không gian văn hóa Mường ngày 24/10/2013, buổi trưa có 2 đoàn khách đến tham quan, đặt cơm. Hai đoàn này rời Bảo tàng không gian văn hóa Mường vào khoảng 13 giờ 30 phút. Đến khoảng 15 giờ 30 phút có một đoàn khách gồm 4 người là ông Vũ Hồng Ký, sinh năm 1958, trú tại khu 5, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), Trần Quang Hòa, sinh năm 1972, trú tại xóm 9, xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) và các bà Lê Thị Nhài, sinh năm 1965, trú tại khu 2, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn), Phạm Thị Ngọc, sinh năm 1980, trú tại tổ 23, phường Đồng Tiến, TP.Hoà Bình) vào đặt cơm. Vào khoảng 16 giờ có một đoàn khách gồm 5 người là bạn của bà Đỗ Thị Kim Tuyến, sinh năm 1972, công tác tại trường Cao đẳng VHNT Tây Bắc vào thăm quan và chụp ảnh rồi đi luôn. Như vậy, từ 16 giờ 30 phút cho đến khi xảy ra vụ cháy có 10 người có mặt trong khu vực Bảo tàng, gồm 6 nhân viên của Bảo tàng và đoàn khách 4 người có tên nêu trên. Cũng theo thượng tá Phạm Văn Tiện, Phó trưởng Công an TP Hòa Bình, quá trình điều tra đã xác định đoàn khách 4 người đặt cơm và được nhân viên Bảo tàng bố trí ăn tại “nhà Lang”. Khi vụ cháy xảy ra là thời điểm cả 4 người đang ở trên ngôi nhà này, 2 nhân viên phục vụ là Bùi Văn Thọ và Bùi Văn Cường đang chế biến thức ăn ở bếp cạnh nhà sàn khoảng 1,5 m. Khi đám cháy lan rộng, đoàn khách đã nổ máy xe ô tô đi xuống bãi để xe cạnh đường Tây Tiến để đảm bảo an toàn tài sản của mình, sau đó ông Ký và ông Hòa đã quay lại để tiếp tục tham gia chữa cháy. Trong lúc đó, bà Nhài đã lái xe của ông Ký đi về hướng TP Hòa Bình với lý do “Gọi điện cho số 114 không được, nên tự lái xe đi để trực tiếp báo tin”, nhưng khi đi đến khu vực ngã ba chân dốc Cun đã bị cảnh sát 113 giữ lại. Buổi tối cùng ngày và những ngày tiếp theo Công an TP Hòa Bình đã trực tiếp làm việc với tất cả những người có mặt trước và trong khi xảy ra vụ cháy nhưng chưa có cơ sở để xác định nghi can trong vụ án. Trái với những nội dung do Công an TP Hòa Bình cung cấp, trả lời phóng viên Báo Hòa Bình, nhân viên Bảo tàng không gian văn hóa Mường là bà Đinh Thị Phú khẳng định là người trực tiếp ngăn cản xe ô tô mang BKS 28A - 000 23 bỏ chạy khi đám cháy bùng phát dữ dội và gọi điện thông báo số xe để nhờ lực lượng cảnh sát 113 can thiệp. Còn anh Bùi Văn Cường cho biết “Khi đang ở dưới bếp thì một chị trong đoàn khách chạy từ “nhà Lang” xuống báo trên nhà đang bị cháy và tôi cùng anh Thọ vội chạy lên để cứu chữa nhưng không kịp, lúc đó vẫn có người của đoàn khách đang ở trên nhà”.

Đến nay, nguyên nhân và  người trực tiếp gây ra vụ cháy vẫn đang là ẩn số. Những mâu thuẫn trong lời khai của những người có mặt tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường khi xảy ra vụ cháy vẫn chưa được làm rõ. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hòa Bình đang tập trung lực lượng để tiếp tục tiến hành điều tra làm rõ vụ việc. Báo Hòa Bình sẽ tiếp tục thông tin khi có tình tiết mới của vụ án.

                                                              

                                                               Đ.P

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục