Ông Bùi Hồng Phong (ngồi giữa) trao đổi về kinh nghiệm sưu tầm, bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca Mường.
(HBĐT) - Cùng như nhiều xứ Mường khác trong toàn tỉnh, người Mường Vang (Lạc Sơn) vẫn giữ được văn hoá, tập quán, lễ tục sinh hoạt truyền thống “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới...”, đặc biệt là trong dân ca, dân vũ. Hiện nay, nhờ sự giao thoa của nhiều nền văn hoá và sự phát triển mạnh mẽ của âm nhạc hiện đại đã tác động nhiều đến VHVN dân tộc Mường, tuy nhiên, người dân Lạc Sơn vẫn luôn giữ gìn và phát huy được nét đẹp trong dân ca của người Mường Vang.
Nói về nét đẹp trong dân ca Mường, nghệ nhân Bùi Hồng Phong, xóm Mới, xã Văn Nghĩa cho biết: Dân ca là một thể loại đặc sắc nhất của văn hoá dân tộc Mường, là kho tàng dân ca truyền thống của người Việt cổ bởi sự phong phú về giai điệu, hàm súc về nội dung biểu đạt và đa dạng về địa điểm, thời gian, không gian. Người Mường hát dân ca khi lao động sản xuất ngoài nương rẫy, hát ru và răn dạy con cái, người thân trong nhà, trong lễ hội truyền thống; khi gặp bạn bè, ở tiệc rượu, lúc tỏ tình nam, nữ... Người Mường sử dụng các làn điệu dân ca tuỳ thuộc vào bối cảnh cụ thể để có nội dung phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đó. Trong đó, nổi bật là các làn điệu dân ca: hát xắc bùa, thường rang, bộ mẹng, hát đúm.
Mỗi làn điệu dân ca lại được thể hiện tại các thời điểm, cảm xúc khác nhau. Hát xắc bùa thường xuất hiện vào dịp tết, lễ hội, cưới xin, các cuộc vui... với lời hát chủ yếu là chúc mừng, ca ngợi. Hát thường rang là thể loại dân ca được ca diễn xướng trong các dịp vui như mừng nhà mới, được mùa, cưới xin, lễ, tết. Hát thường rang khi ca ngợi công việc làm ăn, cách ứng xử giao tiếp, răn dạy con cái, dặn người yêu, người thân. Hát bộ mẹng là cách hát đối đáp bộc phát trong tiệc rượu cần, trong hội hè, bên bếp lửa nhà sàn, cây đa, bến nước... Còn hát ví đúm (hay còn gọi là hát đúm) là hình thức hát giao duyên trao đổi tâm tư, tình cảm, chủ yếu dành cho những chàng trai, cô gái Mường bởi đó là giai điệu của tình yêu, thường diễn ra vào ngày hội xuân. Những câu hát được ngân lên để ca ngợi về hình ảnh đất nước quê hương, con người nơi xứ Mường giàu lòng nhân ái, bao dung, tình yêu lứa đôi cùng những khát vọng ấm no, hạnh phúc.
Cũng theo nghệ nhân Bùi Hồng Phong: Nét đặc sắc trong dân ca Mường còn được thể hiện chỗ từ một lời bài hát, người ca sỹ có thể hát thành nhiều làn điệu dân ca khác nhau. Ví dụ như cùng là bài hát “Quê hương Mường Vang” do chính ông sáng tác: “Quê hương tôi đất Mường Vang/ Một vùng 7 xã dân làng đông vui/ Phía tây là xã Miền Đồi/ Quý Hoà phía bắc đất đồi như nhau/ Mỹ Thành một xã vùng sâu...” hay “Anh qua tuổi Ngọ tuổi Mùi đã hai mươi sáu/ Em qua tuổi Thân, tuổi Dậu đã hai mươi ba/ Đến tuổi dựng cửa, dựng nhà/ Để ta sinh hoa, nở nậu” có thể hát theo lối thường rang, bộ mẹng hay hát đúm tuỳ thuộc vào cảm xúc của người hát với người nghe.
Hiện nay, đời sống của người dân ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần ngày càng cao. Để đáp ứng nhu cầu đó, các xã, thị trấn đã thành lập được đội văn nghệ quần chúng và tổ chức được nhiều hội diễn NTQC, liên hoan VHVN vào các dịp kỷ niệm, mừng Đảng, mừng xuân. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 380 đội văn nghệ xóm, phố, KDC, 29 đội văn nghệ - thông tin cổ động xã, thị trấn và hàng chục đội văn nghệ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn. Tại các hội diễn, liên hoan VHVN, dân ca, dân vũ của dân tộc Mường vẫn thường xuyên được biểu diễn, qua đó đã góp phần tích cực vào việc gìn giữ và phát huy văn hoá dân tộc. Theo đồng chí Bùi Thị Thuỷ, Phó phòng VH-TT huyện Lạc Sơn, để gìn giữ và phát huy những làn điệu dân ca cổ, huyện đã chỉ đạo phòng VH-TT cùng các cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tổ chức liên hoan VHVN, hội diễn NTQC có sự lồng ghép các tiết mục dân ca, dân vũ của dân tộc Mường. Hiện nay, huyện Lạc Sơn còn gần 10 nghệ nhân dân ca Mường vẫn tiếp tục miệt mài truyền dạy cho thế hệ trẻ các làn điệu dân ca của dân tộc mình như nghệ nhân Bùi Văn ẩy ở xã Định Cư, Quách Thị Lan ở xã Nhân Nghĩa...
Nguyễn Hồng
(HBĐT) - Cho rằng các doanh nghiệp tận dụng việc khai thác cát, sỏi trên dòng sông Bôi để khai thác khoáng sản, tối 8/10, một số đối tượng quá khích dã kích động người dân thôn Bôi Câu đã bắt giữ phương tiện của đơn vị khai thác và tập trung đông người, đòi bắt trói cán bộ thôn.
(HBĐT) - Nổi lên như một hiện tượng xã hội trong khoảng ít năm lại đây, đáng chú ý lại có xu hướng gia tăng trong năm nay, “nạn” ăn xin, ăn mày biến tướng diễn ra chủ yếu trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Nhiều người dân từ chỗ chia sẻ, cảm thương đã phải bức xúc đối tượng này.
(HBĐT) - Đồng lương không đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, nhiều CBCC đã phải vươn ra với nghề “tay trái”. Điều này pháp luật không cấm, gia đình và xã hội thậm chí còn khuyến khích. Tuy nhiên, nhìn sâu vấn đề mới thấy lo cho chất lượng công vụ.
(HBĐT) - Mặc dù đã có công văn hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT nhưng không ít trường vẫn thực hiện thu đầu năm học trái quy định hoặc chưa hợp lý.
(HBĐT) - Tính ra cũng đã khá lâu rồi chúng tôi chưa trở lại 2 xã đồng bào người Mông ở Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). Nhưng lần trở lại mới đây, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở vùng đất lưng chừng núi xưa kia chỉ biết có đói nghèo. Bản Mông thực sự đã sáng lên rồi.
(HBĐT) - Cầm tờ giấy báo trúng tuyển ĐH, Nhung mừng nhưng em lại khóc thật nhiều, cô Thu, bác của em rồi ngay cả Ngọc, chị họ của em cũng đều khóc, bởi ai cũng cay đắng nhận ra, Nhung đỗ ĐH đấy nhưng biết lấy tiền ở đâu để cho Nhung theo học bây giờ?