Hồ nước trong vắt dưới những dải thạch nhũ lung linh ở cung thứ 4 Thạch Động Hoa Sơn.

Hồ nước trong vắt dưới những dải thạch nhũ lung linh ở cung thứ 4 Thạch Động Hoa Sơn.

(HBĐT) - Từ trung tâm thành phố Hòa Bình, theo QL6 vượt qua dốc Cun chừng 5 km là đến thị trấn Cao Phong thơ mộng. Chúng tôi không thể ngờ rằng, mảnh đất nổi tiếng về cam, mía này lại có thêm một tuyệt tác của thiên nhiên làm say lòng bất cứ ai đặt chân đến.

 

Đó là quần thể di tích danh lam thắng cảnh núi Đầu Rồng nằm ngay khu 3, phía tây nam thị trấn và chỉ cách quốc lộ 500 m. Nhìn từ xa, dãy núi dài hơn 1 km, cao xấp xỉ 200 m so với chân núi có hình đầu rồng với hai mắt là 2 hồ nước. Trong hành trình khám phá, chúng tôi may mắn được bác Dương Ngọc Chiến, người dầu tiên tìm ra hang động trong núi dẫn đường. Theo lời giới thiệu của bác, trong dãy núi có nhiều hang động đẹp liên kết với nhau tạo thành quần thể. Mỗi hang động là một kỳ quan tuyệt vời của tạo hóa ban tặng cho mảnh đất Cao Phong với thế giới nhũ đã, hồ nước lung linh, huyền ảo. Trong đó có 6 hang động chính gồm: 4 hang khô (Phong Sơn động, Nhãn Long Sơn động, động Không Đáy, Hoa Sơn Thạch động) và 2 hang ướt (động Thanh Thủy, hang Nước). Năm 2012, quần thể di tích được Bộ VH-TT&DL cấp bằng xếp hạng cấp quốc gia. Các hang động được phân bố khá đều trong lòng núi, khoảng cách giữa các điểm chỉ vài trăm mét, thuận lợi cho du khách khám phá. 

 

    

   Cung phòng ngủ của tiên nữ ở cung phòng thứ hai Thạch Động Hoa Sơn.

 

 

Nơi chúng tôi khám phá đầu tiên là Hoa Sơn Thạch động. Đường lên động dốc nhưng đã được huyện đầu tư xây bậc và thang sắt. Sau con đường uốn lượn theo vách núi dưới tán cây rừng và hoa cỏ còn khá nguyên sơ, vừa thấm mệt cũng là lúc chúng tôi đến được cửa hang, cách chân núi trên 100 m, cửa động rộng trên 70 m2. Chúng tôi thực sự choáng ngợp bởi trong động là cả rừng hoa thạch nhũ đua nhau khoe sắc. Động sâu khoảng 300 m, gồm 2 tầng và chia thành 5 cung. Cung thứ nhất được bàn tay tạo hóa bố trí như một phòng chờ với chiều dài 70 m, rộng 20 - 30 m, vòm trần cao nhất 30 m dốc thoai thoải vào trong. Nền động nhấp nhô hàng trăm khối nhũ đá lớn, nhỏ tạo nên nhiều hình thù, góc cạnh, dáng nét kỳ vĩ, thơ mộng như hình chú rùa, voi, đại bàng tung cánh... Càng tiến vào trong, chúng tôi càng bị chinh phục trước sự lộng lẫy của thiên nhiên. Từ vòm trần và hai bên vách động, nhũ đá rủ xuống chỗ thì tha thướt, lộng lẫy như xiêm y của tiên nữ, chỗ nhũ chảy dài, mảnh mai như dải lụa đào. Nổi bật hơn cả là trên vách động bên phải có khối thạch nhũ tựa hình các nàng tiên đang đứng tắm với mái tóc dài óng ả, lượn sóng buông thả. Cúi người lách qua một khe cửa nhũ đá dài 3 m, chúng tôi tới cung thứ hai. Ngay trước cửa cung là một bức rèm nhũ trắng tinh khôi như mời chào khách tiến vào trong để chiêm ngưỡng toàn bộ cung phòng rộng 7 m, dài 60 m, mái vòm cao 8 m. Cách cửa cung 10 m về phía bên phải có một ngách nhỏ, cúi người bò vào trong 3 m, chúng tôi được chiêm ngưỡng cung phòng của tiên nữ. Truyền thuyết kể rằng, vì không chịu ép duyên lấy lang đạo giàu có nên người con gái xinh đẹp nhất vùng Mường Thàng đã bỏ nhà lên sống cô độc trong động. Thương nhớ người yêu, nước mắt nàng chảy ròng tới khi kiệt sức. Rung động trước tình yêu của nàng, Ngọc Hoàng đã ban cho linh hồn nàng thành tiên nữ và cho giữ cung phòng là nơi nghỉ vĩnh hằng. Cung phòng được trang hoàng lộng lẫy, nhũ từ vách chảy xòa xuống tựa thác lụa mỏng manh khẽ đung đưa trong gió còn vương vấn những giọt nước long lanh như giọt nước mắt xót xa của tiên nữ. Buồng ngủ tiên nữ được sắp xếp kín đáo, phía ngoài nhũ rủ xuống như mành ngọc kỳ ảo tựa bức rèm chặn những cơn gió lạnh chở che cho giấc ngủ của nàng. Phía bên phải buồng ngủ là một hồ nước trong vắt nhìn thấu những hình hài sống động của đá như hình con rùa, ba ba, cá... Cảnh vật do những hòn đá vạn năm tạo nên mà cứ ngỡ như cuộc sống bên ngoài hiện hữu vào. Rời phòng ngủ của tiên nữ, quay trở lại lòng động càng đi sâu vào trong không gian càng trở nên huyền bí. Khi ánh đèn rọi vào, chúng tôi cứ ngỡ đang ở biển cạn với nhấp nhô những hòn đảo nhỏ, rừng san hô; lại ngỡ đứng giữa rừng nguyên sinh với cây, hoa, lá, quả từ ngàn năm hoá thạch. Phía trong rừng cây là hồ nước, trên bờ có nhiều trụ đá giống hình ngư ông đang ngồi thong dong câu cá hay bóng dáng mảnh mai của chị Hằng Nga đánh đàn trong ngày Tết Nguyên tiêu nơi tiên giới. Chưa hết ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của cung thứ 2, chúng tôi bò người qua nhũ đá vào cung thứ ba. Đây thực sự là một vườn hoa đá với những bông lộc vừng kết chùm lung linh và còn nhiều loại hoa khác để mỗi người thoả chí tưởng tượng. Trên vách, những khối nhũ buông xuống trạm nổi các nhân vật cổ tích với nét trạm vô cùng tinh tế, sắc sảo, tỉ mỉ. Vòm động được trang hoàng lộng lẫy như những chiếc đèn lồng trong đêm hội hoa đăng. Lách qua một khe đá dài 2 m, chúng tôi đến cung thứ tư có chiều dài 4m, rộng 15 m với nhiều ao nước nhỏ trong suốt nhìn thấu những hòn cuội trắng như đàn cá đang tung tăng bơi lội. Nét nổi bật của cung này là các cột đá được điểm thêm những hạt đá kim cương lấp lánh và phủ lên một lớp vân mây; một đài sen toạ lạc ở độ cao 8 m, phía trên là cảnh bầy tiên nữ đang múa hát trong ngày hội thiên cung; các khối nhũ đá sừng sững nhuộm màu vàng như một núi vàng đang tuôn chảy. Lách qua bức rèm nhung bằng đá, chúng tôi đến cung thứ 5 gồm 2 tầng. Tầng 1 dài 30 m, rộng 5 m, tầng 2 cao hơn tầng 1 tới 2,5 m và dài trên 60 m, rộng 20 - 30 m. Nơi đây là sự kết hợp tinh tế của nhũ đá và nước với những khối đá tựa hình chú thỏ ngọc, Phật tổ như lai, các vị la hán, đặc biệt là một khu vườn thượng uyển với muôn loài cây, cỏ, hoa, lá, động vật sinh động. Hoa Sơn Thạch Động thực sự là tác phẩm nghệ thuật tạo hình kỳ lạ của tạo hóa, sự kết hợp tinh tế giữa điêu khắc và hội họa, giữa tính hoành tráng khỏe khắn với sự duyên dáng thơ mộng.

 

Cách Hoa Sơn Thạch Động chừng 100 m là động Không Đáy. Có tên gọi như vậy vì trong động có một giếng sâu hun hút, miệng  rộng 7 m. Khi cầm viên đá ném xuống không nghe thấy tiếng gì. Cho đến nay, kể cả những người leo núi địa phương cũng chưa dám xuống thám hiểm. Động có chiều dài khoảng 170 m kể cả ngách phụ. Cửa động trước đây bị đất  vùi lấp và chỉ vừa một người chui qua, nay đã được mở rộng 4 m, cao 5 m. Động được chia làm 4 cung phòng lớn, vòm trần chỗ cao nhất lên đến 50 m, nền khô ráo. Trong khắp lòng động là vô vàn thạch nhũ từ vòm trần rủ xuống, từ vách đua ra, từ dưới mọc lên với nhiều hình thù khác lạ như bầu sữa, áo lụa đào, hình quan Thế âm Bồ Tát, chúa Thượng Ngàn... Không gian ở đây tĩnh mịch, mát lạnh, hư hư, thực thực khiến mọi người đều mê mẩn.

 

Ở độ cao 40 m so với chân núi, Nhãn Long Sơn động nằm ngay phía mắt trái của núi Đầu Rồng. Động có chiều dài 150 m, gồm 4 cung. Đứng trên động nhìn xuống bao quát cả thị trấn với những đồi cam, mía xanh mướt. Trong động cũng là cả một thế giới nhũ đá, vân đá với nhiều hình thù sinh động để mọi người thoả sức tưởng tượng. Nằm ở lưng chừng núi, Phong Sơn động là động cao nhất, cách chân núi gần 200 m gồm 3 cung chính. Đường lên động men theo những triền đá. Thực là cái thú của người leo núi, háo hức như đang đi lên trời. Gần đến cửa hang có một luồng gió mạnh từ cửa động thổi ra, xua tan hết sự nóng bức, mệt nhọc. Có lẽ vì thế mà người dân nơi đây đặt tên động như vậy. Nét nổi bật của động là bàn tay tạo hoá đã kiến tạo nên hình chiếc chuông đá, chiêng của đồng bào Mường mà khi gõ vào vang như những bản nhạc. Ai nấy đều có thể ngồi hàng giờ bình tâm tĩnh trí để trái tim trò chuyện với đá để khi ra về không khỏi luyến tiếc, bâng khuâng.

 

Sự độc đáo của quần thể di tích còn được góp nên bởi hang Nước dài 400 m và động Thanh Thuỷ dài 300 m. Nếu ở hang Nước là dòng nước từ động chảy ra thì ở động Thanh Thủy là nước dâng lên từ mạch ngầm giữa hang. Để du ngoạn khám phá bên trong, chúng tôi phải đi bằng thuyền. Theo lời bác Chiến, nước ở đây mùa hè mát mẻ, mùa đông lại ấm. Khi những cơn gió lạnh về, cả dòng nước bốc hơi nghi ngút lan tỏa bay là là như làn khói lam chiều. Dòng nước trong vắt có chỗ nông chỉ đến bắp chân, có chỗ sâu 5 - 8 m nhìn thấu những nhũ đá, măng đá, hòn đá cuội màu đỏ, vàng, nâu và cả những chú cá tung tăng bơi lội kiếm mồi. Ngước nhìn lên vòm trần, chúng tôi thật sự sững sờ bắt gặp những hình tượng sống động của hoa lá, chim muông... được chạm tạo hóa khắc công phu. Trong động Thanh Thuỷ còn có bãi bồi tuyệt đẹp dài khoảng 20 m, rộng 3 -5 m, có thể tản bộ. Rất thú vị ở hang Nước còn có sự trú ngụ của bầy dơi, chúng quấn quýt thành cụm ríu ran gọi nhau. Đây quả là kiệt tác của nước và đá qua triệu triệu năm cho vùng đất Cao Phong một danh thắng đặc sắc.

 

Chia tay núi Đầu Rồng, chúng tôi thực sự lưu luyến bởi khung cảnh thơ mộng, hoang sơ, tuyệt mỹ nơi đây. Chuyến du lịch khám phát thật thú vị và chắc chắn sẽ có dịp quay trở lại với nhiều bạn bè hơn.

 

 

                                                                          Minh Châu

 

 

Các tin khác

Ông Bùi Hồng Phong (ngồi giữa) trao đổi về kinh nghiệm sưu tầm, bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca Mường.
Toàn cảnh ngôi nhà sàn bị cháy tại bảo tàng không gian văn hóa Mường tối 24/10/2013
Lực lượng công an và lực lượng dân quân xã Hang Kia luôn là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong giữ gìn ANCT - TTATXH ở cơ sở và tích cực tham gia vận động đối tượng truy nã ra đầu thú.

Gặp lại “người Mường Hoà Bình” trên đất Hà Nội

(HBĐT) - Lần trở lại xã Yên Trung nay thuộc huyện Thạch Thất (thành phố Hà Nội) có cảm giác “lạ mà quen”. “Lạ” vì những sự thay đổi đáng mừng cho vùng đất 4 xã vùng bắc Lương Sơn (cũ), các địa danh đều đã gắn với đơn vị hành chính khác. “Quen” vì con người, cảnh sắc và tấm lòng những người nơi đây đều đã từng gặp từ thời trước ngày 1/8/2008 (ngày chính thức thuộc về Hà Nội theo nghị quyết của Quốc hội). Vậy cũng đã hơn 5 năm... kể từ khi các xã Yên Trung, Tiến Xuân, Yên Bình, Đông Xuân sáp nhập vào các huyện Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội)

Sẽ thanh tra toàn bộ vụ việc liên quan đến việc khai thác cát, sỏi trên dòng sông Bôi thuộc thôn Bôi Câu, xã Kim Bôi

(HBĐT) - Cho rằng các doanh nghiệp tận dụng việc khai thác cát, sỏi trên dòng sông Bôi để khai thác khoáng sản, tối 8/10, một số đối tượng quá khích dã kích động người dân thôn Bôi Câu đã bắt giữ phương tiện của đơn vị khai thác và tập trung đông người, đòi bắt trói cán bộ thôn.

Biến tướng “nạn” ăn xin, ăn mày

(HBĐT) - Nổi lên như một hiện tượng xã hội trong khoảng ít năm lại đây, đáng chú ý lại có xu hướng gia tăng trong năm nay, “nạn” ăn xin, ăn mày biến tướng diễn ra chủ yếu trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Nhiều người dân từ chỗ chia sẻ, cảm thương đã phải bức xúc đối tượng này.

Khi công chức vươn dài… “tay trái”

(HBĐT) - Đồng lương không đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, nhiều CBCC đã phải vươn ra với nghề “tay trái”. Điều này pháp luật không cấm, gia đình và xã hội thậm chí còn khuyến khích. Tuy nhiên, nhìn sâu vấn đề mới thấy lo cho chất lượng công vụ.

Chấn chỉnh các khoản thu đầu năm học 2013-2014

(HBĐT) - Mặc dù đã có công văn hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT nhưng không ít trường vẫn thực hiện thu đầu năm học trái quy định hoặc chưa hợp lý.

Sáng lên rồi bản Mông!

(HBĐT) - Tính ra cũng đã khá lâu rồi chúng tôi chưa trở lại 2 xã đồng bào người Mông ở Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). Nhưng lần trở lại mới đây, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở vùng đất lưng chừng núi xưa kia chỉ biết có đói nghèo. Bản Mông thực sự đã sáng lên rồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục