Không gian nhà sàn - nơi thường xuyên diễn ra các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Mường. Ảnh chụp tại xóm Đồi Thung, xã Quý Hòa (Lạc Sơn).
(HBĐT) - Nhà sàn với người Mường đó là gốc “không gian thiêng”. ý thức rõ điều đó, huyện Lạc Sơn đã chú trọng giữ gìn nếp nhà sàn, giữ gìn bản sắc văn hóa theo phong cách mới. Từ đó đã trở thành một điểm nhấn trong phong trào xây dựng NTM ở địa phương.
“Không gian thiêng” trước nguy cơ mai một
Nói về làng của người Mường với những ngôi nhà sàn đặc trưng, tôi thấy ấn tượng với cảm nhận và suy xét một cách rất tinh tế của tiến sỹ Jeanne Cuisinier trong công trình khảo cứu Le Muong (người Mường) cách đây gần trăm năm trước: “Từ một rừng nhỏ nhô lên một hàng cau. Trong một kẽ lá có một mái nhà tranh hiện lên như một khối màu nâu, một chút khói bốc lên không gian thành từng cột, như những bức màn... Nhìn kỹ ta thấy đó đây độ dầy của một mái nhà, góc của 2 bức vách, bậc của một chiếc thang; ngừng lại để lắng nghe một lúc, ta thấy tiếng chày giã lúa, một làng Mường náu mình ở đó. Làng Mường với những nếp nhà sàn san sát thật bình yên đó giờ có lẽ cũng chỉ còn trong tâm tưởng. Khi những nếp nhà sàn, không gian thiêng gắn bó với mỗi người từ khi sinh ra đến khi về với Mường trời với nếp ăn, nếp ở, phong tục tập quán, lề thói sinh hoạt cũng như cái cách con người ứng xử từ trong ngôi nhà ra đến cộng đồng đang dần mai một đầy xót xa với nạn chảy máu nhà sàn. Từ đó ít nhiều đã làm phai nhạt đi những giá trị, bản sắc và cả những trầm tích văn hóa vô cùng quý giá được hun đúc, tích lũy trong cuộc sống, đấu tranh, sinh tồn của người Mường trước những biến thiên của thời gian, biến thiên của dòng chảy lịch sử. Là người Mường và cũng là người giữ trọng trách cao nhất ở huyện Lạc Sơn nhưng ông Bùi Văn Nỏm, Bí thư Huyện ủy cũng đành bất lực trước nạn chảy máu nhà sàn, chảy máu những giá trị văn hóa của dân tộc mình một cách ồ ạt. Nhìn những ngôi nhà sàn cổ hàng trăm năm tuổi của đồng bào dần đi về xuôi, thay vào đó là những ngôi nhà xây thô kệch, giản đơn, không phù hợp với địa thế bình yên của làng Mường vốn có nhiều lúc ông Bí thư Huyện ủy cũng phải thốt lên đầy chua chát: Cứ đà này chẳng mấy mà nhà sàn sẽ biến mất ở đất Mường Vang. Bài học cay đắng giờ ai cũng thấy rõ đó là người miền núi, nhất là đám trẻ không biết gì về thú rừng. Nếu có biết cũng chỉ nghe trong những câu chuyện kể. Muốn được tận mắt trông thấy phải về nơi thành thị, vào các vườn thú để xem. Với nhà sàn cũng vậy, chẳng nhẽ sau này, con cháu người Mường cũng lại phải về xuôi mới được thấy những nếp nhà sàn truyền thống của cha ông mình?
Cũng chung suy nghĩ đó, nhà nghiên cứu văn hóa Mường Bùi Huy Vọng cho rằng, từ khi sinh ra, người Mường đã ở nhà sàn, đã quen nếp ăn, nếp ở trên nhà sàn. Với người Mường, nhà sàn là nơi duy trì các phong tục, tập quán, lề thói được sinh ra từ nếp ăn, nếp ở, sinh hoạt trong ngôi nhà và ra cộng đồng. Do vậy, khi mất đi nhà sàn cũng đồng nghĩa với những giá trị, bản sắc văn hóa đó cũng bị mất đi. Khi đó, văn hóa Mường cũng sẽ bị phá vỡ. Điều này đồng nghĩa với sự thoái hóa, đánh mất bản sắc văn hóa tộc người càng được thúc đẩy nhanh hơn, mọi giá trị văn hóa sẽ bị đảo lộn.
Lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở khi theo những thống kê tổng quan về tình hình dân số, nhà ở huyện Lạc Sơn do Phòng VH-TT huyện tổ chức khảo sát, tính đến ngày 30/7/2012, toàn huyện có 30.900 nhà ở các loại, trong đó đã có gần 8.000 nhà xây, nhà đất, chiếm tỷ lệ khoảng 25%. Đáng lưu ý có những xã cách đây một vài năm về trước vẫn còn có khoảng 90 - 100% số gia đình còn ở nhà sàn như Chí Đạo, Chí Thiện, Yên Phú..., đến nay, tỷ lệ này ngày càng giảm như ở Chí Đạo số nhà xây, nhà đất đã chiếm đến 21% trong tổng số 584 nhà của xã hay như ở Chí Thiện, tỷ lệ này là 35,4% trong tổng số 581 nhà ở trong toàn xã...
Nhà sàn bê tông - níu giữ không gian thiêng
Có thể nói, nhà xây, nhà đất đang là xu hướng phát triển chủ đạo trong cơ cấu nhà ở của Lạc Sơn những năm qua và trong thời gian tới. Xu hướng này phát triển mạnh, đương nhiên những giá trị văn hóa của người Mường được lưu giữ, truyền đời trong nếp nhà sàn sẽ dần mai một. Tuy nhiên, xu hướng trên đang chịu sự tác động nhất định khi người dân đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của không gian thiêng nhà sàn trong cuộc sống, sinh hoạt gia đình. Trong điều kiện khó khăn về nguyên vật liệu làm nhà sàn là gỗ, người dân ở Lạc Sơn đã sáng tạo ra cách làm nhà sàn theo phương cách hoàn toàn mới. Đó là làm nhà sàn bằng bê tông cốt thép. Theo ông Bùi Văn Nỏm, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn, phong trào làm nhà sàn bằng bê tông cốt thép được khởi nguồn từ xã Tân Mỹ những vào khoảng thời gian những năm 2003 - 2004. Sau đó đã lan rộng, phát triển trong toàn huyện. Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện đã có tổng số 4.720 nhà sàn bằng bê tông cốt thép được xây dựng. Trong đó, nhiều nhất là ở các xã Tân Lập có 586 nhà, xã Ân Nghĩa có 389 nhà, xã Yên Nghiệp 362 nhà, xã Xuất Hóa có 332 nhà, xã Định Cư 320 nhà, xã Tuân Đạo có 301 nhà, xã Yên Phú 282 nhà... Việc người dân chuyển đổi, xây dựng nhà sàn bằng bê tông cốt thép, huyện luôn ủng hộ, khuyến khích người dân. Đây không chỉ thể hiện ở ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa trong đời sống của người dân mà nó còn thể hiện rõ tinh thần phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa cốt lõi gắn liền với cuộc sống thường ngày gắn liền với tín ngưỡng và quan hệ xã hội của người Mường trong xây dựng NTM ở Lạc Sơn thời gian qua.
Có một thực tế mà theo nhà nghiên cứu văn hóa Mường, Bùi Huy Vọng chia sẻ là trong quá trình đi điền dã thu thập các tư liệu về đời sống văn hóa của người Mường có thăm dò ý kiến của các tầng lớp, thế hệ người Mường đều nhận được câu trả lời chung là người Mường dù già hay trẻ, dù trai hay gái, dù giàu nghèo, địa vị xã hội khác nhau nhưng họ đều rất thích, muốn ở nhà sàn bởi nhà sàn cổ truyền của người Mường ngoài công năng để ở và cất trữ tài sản, phòng tránh thú dữ, rắn, rết và phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở vùng núi, ngôi nhà sàn còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa, giáo dục các thành viên trong gia đình thể hiện tôn ti trật tự, phép tắc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; giữa các thành viên trong gia đình với khách; là nơi thể hiện những phép tắc ứng xử giữa con người với thần linh bằng các sinh hoạt nghi lễ tín ngưỡng; trong sinh hoạt thường ngày hay khi có khách khứa; khi ngồi nói chuyện hay khi ăn uống... Điều đấy cho thấy, việc duy trì, giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa trong đời sống hiện nay, đây là nhà sàn chính là giữ gìn một môi trường thấm đẫm tính văn hóa, giữ gìn tôn ti trật tự của xã hội Mường được bắt đầu từ trong gia đình. Nhà sàn là môi trường giáo dục ban đầu với mỗi thành viên trong gia đình về lối ứng xử có văn hóa. Từ đó đã góp phần quan trọng hình thành và giữ gìn bản sắc văn hóa Mường trong đời sống hiện nay. Bản sắc văn hóa đó được hình thành trên cơ sở của phong cách ứng xử, các quy tắc đạo đức, nếp sống mỗi gia đình và mỗi cá thể trong gia đình đó. Chính từ nhận thức rõ những ý nghĩa đó, việc làm nhà sàn bằng bê tông cốt thép đang dần trở thành một xu hướng chủ đạo gắn với phong trào xây dựng NTM ở Lạc Sơn.
Từ thực tế trên, nhà nghiên cứu văn hóa Mường Bùi Huy Vọng cho rằng, rõ ràng mỗi nhà sàn là một không gian văn hóa mang trong đó tính năng giáo dục góp phần quan trọng ban đầu hình thành nên nề nếp ứng xử, tôn ti trật tự của xã hội Mường. Thực tế đã chứng minh gia đình nào giữ được nề nếp, con cháu sống có tôn ti, nề nếp; gia đình nào không giữ được nề nếp, con cháu sống buông thả, vô lối, dễ sa ngã vào tai, TNXH. Ấy là hiệu quả giáo dục, hiệu quả ứng xử mang tính minh triết do kiến trúc nhà sàn Mường đem lại. Vì thế, nếu nhà sàn mất đi, nếp sống truyền thống của người Mường bị đảo lộn hoặc có thể bị phá vỡ. Trật tự trên, dưới; trong, ngoài bị thay đổi, thậm chí là bị đảo lộn. Nếu xảy ra, đó thật là điều đáng lo ngại.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Hang Kia (Mai Châu) cho đến giờ vẫn là một điểm nóng phức tạp về tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, điểm nóng này đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cả người dân. Điều đó được minh chứng bằng việc có nhiều đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy đã tự nguyện ra đầu thú.
(HBĐT) - Lần trở lại xã Yên Trung nay thuộc huyện Thạch Thất (thành phố Hà Nội) có cảm giác “lạ mà quen”. “Lạ” vì những sự thay đổi đáng mừng cho vùng đất 4 xã vùng bắc Lương Sơn (cũ), các địa danh đều đã gắn với đơn vị hành chính khác. “Quen” vì con người, cảnh sắc và tấm lòng những người nơi đây đều đã từng gặp từ thời trước ngày 1/8/2008 (ngày chính thức thuộc về Hà Nội theo nghị quyết của Quốc hội). Vậy cũng đã hơn 5 năm... kể từ khi các xã Yên Trung, Tiến Xuân, Yên Bình, Đông Xuân sáp nhập vào các huyện Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội)
(HBĐT) - Cho rằng các doanh nghiệp tận dụng việc khai thác cát, sỏi trên dòng sông Bôi để khai thác khoáng sản, tối 8/10, một số đối tượng quá khích dã kích động người dân thôn Bôi Câu đã bắt giữ phương tiện của đơn vị khai thác và tập trung đông người, đòi bắt trói cán bộ thôn.
(HBĐT) - Nổi lên như một hiện tượng xã hội trong khoảng ít năm lại đây, đáng chú ý lại có xu hướng gia tăng trong năm nay, “nạn” ăn xin, ăn mày biến tướng diễn ra chủ yếu trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Nhiều người dân từ chỗ chia sẻ, cảm thương đã phải bức xúc đối tượng này.
(HBĐT) - Đồng lương không đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, nhiều CBCC đã phải vươn ra với nghề “tay trái”. Điều này pháp luật không cấm, gia đình và xã hội thậm chí còn khuyến khích. Tuy nhiên, nhìn sâu vấn đề mới thấy lo cho chất lượng công vụ.
(HBĐT) - Mặc dù đã có công văn hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT nhưng không ít trường vẫn thực hiện thu đầu năm học trái quy định hoặc chưa hợp lý.