Đảng ủy, chính quyền xã Nà Phòn (Mai Châu) và xóm Nà Thia thường xuyên đến thăm hỏi tình hình đời sống của gia đình anh Khà Văn Nhất.

Đảng ủy, chính quyền xã Nà Phòn (Mai Châu) và xóm Nà Thia thường xuyên đến thăm hỏi tình hình đời sống của gia đình anh Khà Văn Nhất.

(HBĐT) - Từ xa xưa, bà con đồng bào dân tộc vùng cao Mai Châu dựng nhà giữa hoang sơ núi rừng, súng săn là một vật không thể thiếu trong mỗi gia đình. Súng cùng bà con lên rừng săn thú, súng được giữ trong nhà đề phòng thú dữ tấn công. Trong kháng chiến chống Pháp, súng cùng bà con hăng hái tham gia các chiến dịch bảo vệ bản làng, quê hương. Hòa bình lập lại, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, súng săn được treo như vật kỷ niệm trong mỗi gia đình. Súng được coi như là bảo vật, là tài sản quý, thậm chí là vật thiêng trong mỗi gia đình. Nhưng hôm nay, vì trật tự an toàn xã hội, vì tính nghiêm minh của pháp luật, hơn 3.600 khẩu súng các loại đã được bà con nhân dân huyện Mai Châu tự giác giao nộp cho chính quyền.

 

2 khẩu súng có “số phận”

 

Con đường bê tông quanh co từ thị trấn Mai Châu vào đến xóm Nà Thia (xã Nà Phòn) dẫn chúng tôi đi qua những ngôi nhà sàn vẹn nguyên bản sắc văn hóa của bà con đồng bào dân tộc Thái. Bản Nà Thia với 51 hộ dân, 217 nhân khẩu dần hiện ra mờ ảo trong sương chiều cuối năm. Trên ngôi nhà sàn ở giữa bản, tôi đã được nghe kể câu chuyện về “số phận đặc biệt” của hai khẩu súng thiêng.

 

Rót mời chúng tôi chén trà nóng, anh Khà Văn Nhất chậm rãi kể: Trong gia đình, tôi là con thứ 3 nhưng nếu tính về con trai thì tôi là cả. Do vậy nên tôi được ở nhà “gốc” do ông bà, tổ tiên để lại. Cùng với đó là toàn bộ những vật quý trong gia đình. Vừa nói, anh vừa ngước nhìn lên khu vực gác giữa gian nhà rộng. Trên đó, rất nhiều đồ dùng gia đình như cồng chiêng, nồi đồng, nỏ... được cất giữ cẩn thận.

Anh Nhất tiếp lời: Trong những thứ do ông bà để lại đặc biệt nhất là 2 khẩu súng săn. Đó là hai khẩu súng kíp có khắc rõ năm sản xuất là 1896. Khi bố tôi còn sống, bố tôi bảo rằng ông cũng không biết nguồn gốc khẩu súng đó như thế nào nhưng lớn lên đã thấy có trong nhà và được ông nội tôi, cụ nội tôi sử dụng, cất giữ cẩn thận. Khi ông nội tôi mất, 2 khẩu súng đó được truyền lại cho bố tôi. Vào khoảng năm 1970, lúc đó, súng quý và có giá trị bằng cả tấn lúa, kinh tế gia đình khó khăn nên bố tôi đã bán 2 khẩu súng này sang Thanh Hóa.

 

Kể đến đây thì anh Nhất dừng lời. Một khoảng không gian nín lặng bao trùm. “Thế là từ đó trong gia đình tôi liên tiếp xảy ra những chuyện chẳng lành. Hết ốm đau, bệnh tật cho đến làm ăn thất bát. Người ốm trong cơn mê sảng luôn miệng nhắc đến khẩu súng thiêng. Chỉ trong vòng vài tháng, có quá nhiều chuyện xấu xảy đến dồn dập, cả gia đình tôi thực sự rất hoang mang. Bố tôi đã tìm đến thầy mo để hỏi sự tình thì được thầy mo chỉ là ông bà tổ tiên quở trách do bố tôi đã không giữ được vật thiêng trong nhà”.

 

       

Vợ chồng anh Nhất cất giữ cẩn thận nhiều vật quý được truyền lại như cồng, chiêng, nồi đồng…

 

“Tôi còn nhớ lúc ấy trong nhà chẳng còn gì đáng giá. Bố tôi đã dồn hết số tiền còn lại, vay mượn họ hàng, làng xóm, lặn lội sang Thanh Hóa tìm chuộc lại 2 khẩu súng với giá cao hơn rất nhiều khi mình bán đi” - Anh Nhất nhớ lại.

 

Chuộc được 2 khẩu súng về, gia đình anh Nhất đã làm lễ báo với tổ tiên và trân trọng treo ở khu vực bàn thờ chính giữa nhà. Không biết là do linh ứng hay một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà từ đó mọi việc trong gia đình anh Nhất đã êm xuôi trở lại. Theo thời gian, hơn 30 năm qua, 2 khẩu súng đã yên vị ở nơi trang trọng nhất trong gia đình nhà anh Nhất.

 

 

Bước qua nỗi sợ hãi tâm linh

 

Ngày 23/7/2010, Đề án 1081 của UBND tỉnh về vận động toàn dân giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được ban hành. Việc triển khai đề án trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Mai Châu nói riêng đã vấp phải rất nhiều khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, chị Hà Thị Lan, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Mai Châu cho biết: Từ lâu, súng săn đã là vật không thể thiếu trong các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi khẩu súng gắn bó với một gia đình cùng nhiều kỷ niệm, được quý trọng, cất giữ như bảo vật nên việc vận động bà con giao nộp không hề đơn giản. Thực hiện Đề án 1081, Ban Dân vận được phân công có trách nhiệm phối hợp với các ban, ngành liên quan để tuyên truyền, vận động nhân dân. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã được nghe kể câu chuyện về 2 khẩu súng thiêng của gia đình anh Nhất. Từ đây, Ban Dân vận Huyện ủy, Đảng ủy xã Nà Phòn cũng như chi bộ xóm Nà Thia xác định cần tuyên truyền, vận động gia đình anh Nhất tự giác giao nộp 2 khẩu súng này. Có như vậy, nhiều gia đình khác sẽ noi theo.

 

Anh Hà Văn Sêm, công an viên xóm Nà Thia, người trực tiếp đến nhà anh Nhất nhớ lại: Ban đầu, gia đình anh Nhất có phản ứng khá gay gắt khi chúng tôi vận động giao nộp 2 khẩu súng này. Tuy nhiên, cùng sinh ra, lớn lên ở xóm Nà Thia, hiểu về lai lịch, nguồn gốc của 2 khẩu súng nên chúng tôi đã tuyên truyền để gia đình anh Nhất hiểu, hiện nay việc cất giữ súng trái phép là vi phạm pháp luật, có thể gây mất an toàn cho gia đình, sau đó là sự an toàn của xóm, làng. Ngoài ra, chúng tôi đã tìm hiểu và được biết, vấn đề khiến gia đình anh Nhất băn khoăn hơn cả là sợ những chuyện không may sẽ xảy đến với gia đình như trước đây. Nắm bắt được tâm lý này, chính quyền xóm đã họp bàn và đưa ra giải pháp, động viên gia đình anh Nhất sửa một lễ trầu cau nho nhỏ theo phong tục tập quán của dân tộc Thái để báo cáo với tổ tiên xin giao nộp 2 khẩu súng cho Nhà nước và dùng lá cờ Tổ quốc trùm lên hai khẩu súng khi dỡ xuống. Cách làm đó vừa trang trọng, vừa giúp gia đình, họ hàng anh Nhất yên tâm.

 

Ngày 16/9/2010, gia đình anh Nhất là một trong những gia đình đầu tiên của xã Nà Phòn và cũng là của huyện Mai Châu tự giác giao nộp 2 khẩu súng “thiêng” cho chính quyền. Câu chuyện về 2 khẩu súng “thiêng” của gia đình anh Nhất nhanh chóng như làn gió mát lành thổi tan những băn khoăn, suy tính, làm dịu đi những lo lắng tâm linh của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Mai Châu còn đang cất giấu vũ khí trong nhà.

 

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết: Trong công tác vận động quần chúng nói chung, vận động nhân dân giao nộp vũ khí nói riêng, điều quan trọng nhất người cán bộ vận động phải hiểu, đặc biệt cần tôn trọng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, đời sống tâm linh của nhân dân. Từ đó có cách vận động hợp lý để dân “tin”, dân “theo”. Sau khi gia đình anh Nhất tự giác giao nộp, 4 hộ dân khác trong xóm Nà Thia cũng giao nộp theo. Toàn huyện Mai Châu tính từ khi thực hiện Đề án 1081 đến nay đã vận động nhân dân giao nộp được 3.620 khẩu súng các loại, 100 ống sắt chế tạo nòng súng, 180 nòng súng săn, 127 kg đạn ria các loại, góp phần vào việc đảm bảo TTATXH trên địa bàn huyện.

 

Trở lại câu chuyện bên chén trà nóng còn dang dở trong ngôi nhà sàn của gia đình anh Nhất, khi chúng tôi hỏi: 3 năm nay, kể từ ngày giao nộp 2 khẩu súng “thiêng” có chuyện gì không may xảy đến với gia đình mình không? Khoát tay chỉ về phía góc nhà có hàng chục bao thóc đang chất đầy, anh Nhất hỉ hả: Không có chuyện gì xảy ra cả. Các cháu khỏe mạnh, đi học, đi làm hết rồi. Vợ chồng tôi cũng ăn nên làm ra. Có lẽ, việc làm nào đúng, ông bà, tổ tiên cũng thuận theo đó mà.

           

 

 

 

                                                                            Dương Liễu

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục