Trò chơi dân gian ném còn thu hút người dân tham gia tại lễ hội đầu xuân.
(HBĐT) - Sau một năm làm lụng vất vả, Tết đến, ai ai cũng đều lo thu xếp công việc để sửa soạn cho mình một cái Tết đầy đủ, đầm ấm, nhiều niềm vui. Dù là người có gia đình vợ con hay còn son rỗi đều có một ý nghĩ chung là về quê đón Tết, vui xuân cùng gia đình. Điều này đã trở thành một tập quán tốt đẹp của người Việt Nam. Vì quê hương là nơi chôn rau, cắt rốn, nơi có cha mẹ họ hàng, người thân. Nơi lưu giữ bao kỷ niệm thời ấu thơ... “Quê hương là đường đi học/con về rợp bướm vàng bay...”, vậy thì làm sao mà quên được. Người xa quê càng lâu càng mong mỏi nhớ về quê hương da diết. Ngày về, bước chân vào đầu ngõ ai chẳng xốn xang trong lòng.
Còn gì vui bằng không khí của những ngày giáp Tết, nhà nhà chuẩn bị cho một năm mới tốt lành. Trong suy nghĩ ai cũng muốn năm mới sẽ gặp nhiều may mắn. Nhớ thuở xưa bao cấp, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Miếng thịt, bìa đậu còn hơn cả sơn hào hải vị, chỉ những ai có tem phiếu mới mua được, muốn mổ lợn phải xin phép. Nhưng đến Tết hầu như nhà nào cũng phải có một con lợn để mổ, hoặc một hai nhà chung nhau một con. Việc đụng lợn ăn Tết hay mượn nồi luộc bánh chưng được thỏa thuận từ trước rằm tháng chạp. Đây là một việc khá trọng đại và có sự giao kèo chắc chắn vì không thể để bị lỡ. Từ 23 tháng chạp, ngày cúng ông Táo, ông Công đã là Tết..., rồi ngày 24, 25…, tiếng lợn kêu eng éc khắp đầu làng, cuối xóm. Nhà dù có nghèo chăng nữa thì ngày Tết cũng phải lo được nồi bánh chưng, thịt lợn, mâm ngũ quả rồi bộ quần áo mới cho con. Trẻ em ngày xưa có một niềm vui là đếm từng ngày qua nhanh để mong Tết đến gần. Ngày mổ lợn Tết ở quê tôi, trẻ em được người lớn cho bong bóng thổi chơi. Công nghệ này được làm như sau: Lấy bong bóng (bàng quang lợn) nhay vào tro bếp hơi nóng một chút, càng nhay nhiều bóng càng mỏng và thổi càng to. Khi thổi căng hơi thì hình thù của nó giống y chang quả bóng bay bây giờ. Con trai thì dùng làm bóng đá, con gái thì cầm chơi. Chăm chút cho nồi bánh chưng cũng là việc làm quan trọng. Lá dong được mua từ những ngày cuối tháng chạp ngâm cuống vào chum nước để giữ cho tươi lâu. Trước khi gói bánh, lá dong được lau rửa cẩn thận cùng với gạo nếp, đậu xanh được đãi sạch sẽ. Khi gói bánh chưng nhà có trẻ em bao giờ cũng được bố mẹ gói cho mỗi đứa một chiếc nhỏ xinh. Ngày còn 5, 6 tuổi, anh em tôi cứ quanh quẩn bên bố, đòi ông gói cho chiếc bánh nhỏ rồi xách chạy đuổi nhau tung tăng khắp nhà. Tối đến, mẹ bắc nồi đun bánh, chúng tôi lại cũng xăng xái đòi xếp bánh, đổ nước vào nồi. ánh lửa vàng rực soi lên đôi má con trẻ hây hây một màu hồng ấm áp. Nhìn ngọn lửa reo, nghe nồi bánh sôi càng làm cho lòng người ấm áp. Tôi đòi thức suốt đêm để trông bánh cho mẹ nhưng ý định ấy cũng chỉ kéo dài đến 22 giờ đêm đã lăn ra ngủ. Giờ đây nhớ lại thời khắc phấp phỏng chờ bánh chín mà thấy hình bóng quê nhà, hồn quê sâu đậm. Lớn lên, có gia đình, chứng kiến không khí chuẩn bị Tết ở quê hương lòng phấp phỏng lo thay. Nếu như một ngày nào đó để mất đi tập quán đón Tết cổ truyền thì sẽ luyến tiếc vô cùng!
Giao thừa. Giờ phút thiêng liêng nhất của năm mới, trước bàn thờ tổ tiên có mâm ngũ quả, cả nhà quây quần chúc nhau thêm tuổi mới. Người lớn mừng tuổi (lì xì) trẻ em bằng những đồng tiền xu hoặc tờ bạc lẻ. Thời khắc thiêng liêng ấy đã xua tan mọi ưu tư, phiền muộn để nhường chỗ cho sự tốt lành, ấm cúng. Mọi người trong gia đình thêm yêu quý, kính trọng nhau hơn. Bao nhiêu cái hay, cái đẹp nơi tình người, tình làng quê được dành cho nhau thật đầy đặn, vuông tròn. Nên xa quê ai mà chả muốn được về gần để xum họp, sẻ chia niềm vui, hạnh phúc, chúc tụng ông bà và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn mà ngày thường không dễ gì có được. ơi cái thời khắc trời, đất, vũ trụ bao la giao hòa sao mà thiêng liêng làm vậy!
Nghi lễ ngày Tết được cha ông ta chép thành văn để nhắc nhở rằng: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. ấy là nét chung nhất, còn ở mỗi địa phương, vùng miền có một nghi lễ riêng nhưng thường vẫn là sáng mồng một Tết, cả nhà đến Tết bố mẹ, ông bà và ăn bữa cơm đầu năm có mặt đông đủ đại gia đình. Sáng ngày mồng hai đi tết cô, dì, chú bác. Đồ lễ Tết cũng được phân định theo ngôi thứ. ở quê tôi thường là tết ông, bà một đôi bánh chưng (loại bánh ống), nải chuối, quả bưởi, nhành cau, đấy là những thứ bắt buộc. ông trẻ, bà trẻ (tức là cô, dì, chú bác, anh, chị, em của bố mẹ) thì tết bánh chưng vuông, một nhành cau, nếu sang thì có thêm vài quả quýt. Rồi tục lệ hái lộc, xuất hành đầu năm nữa.
Làm xong thủ tục chúc tết là các trò chơi dân gian như: đấu vật, đánh cờ, ném còn... Trò chơi vui nhất của trẻ em vẫn là đánh cù (có nơi gọi là quay, là đuốn, lốc) Cũng như người lớn, mấy ngày trước tết, trẻ em tìm chọn những đoạn gỗ tốt đẽo cho mình một chiếc cù thật đẹp để chơi tết. Sau tiếng đồng thanh hai, ba là các con cù quay tít, con nào chết trước (nghĩa là dừng quay) thì phải chịu đòn của những con cù khác bổ xuống. Tiếng nện cù chí chát, tiếng reo hò, cổ vũ náo nhiệt. Lại một mùa xuân nữa đang đến với đất trời. Khi những giá rét mùa đông dần vơi đi, những tia nắng ấm áp của mùa xuân về, tôi lại nôn nao nhớ về những cái Tết quê thuở thiếu thời. Hương Tết quê nhà trở thành kỷ niệm không thể nào quên.
Mới chỉ ngần ấy thôi ta cũng đã cảm nhận được bao nhiêu cái đẹp, cái hồn của làng quê ngày Tết! Hồn cốt quê hương ấy theo suốt cuộc đời mỗi con người từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, dù có đi đâu về đâu, dẫu có gian nan vất vả nhường nào thì điều thiêng liêng ấy vẫn in sâu trong tiềm thức để mà tự hào về dòng dõi Lạc Hồng, hồn quê đất Việt.
Nhưng hiện nay, khi kinh tế phát triển, trong xã hội đã xuất hiện một xu hướng mới. Một bộ phận nhỏ (tạm gọi là tân tiến) thích ăn Tết xa quê, thích đi du lịch vào ngày Tết. Những việc cần làm như chúc tết bố mẹ, anh em đã có tin nhắn, hộp thư thoại làm giúp. Điều này đã gợn lên trong đầu người viết câu hỏi: Phải chăng những người ấy đang đánh mất hồn quê hay là họ chỉ muốn khám phá tập quán ngày Tết ở một nơi xa lạ?
Dù cuộc sống có sôi động, hiện đại, đổi mới thì nét văn hoá làng quê vẫn khó phai mờ, cần phải được lưu giữ cho thế hệ sau một truyền thống tốt đẹp đầy ắp tình làng, nghĩa xóm như lời nhà thơ Đỗ Trung Quân đã gửi gắm: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.
Hoàng Huy
(HBĐT) - Nếu không có phiên tòa xét xử Lê Văn Minh (tức Minh “Trò”) - hung thủ giết ông Phạm Đức Hậu là Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Mai Châu thì có lẽ trong mắt của hàng nghìn người dân, Minh vẫn là một người hiền lành, sống có trách nhiệm với gia đình. Tuy nhiên, khi xem hồ sơ của Lê Văn Minh mọi người mới giật mình, bởi Minh có một quá khứ không giống như bề ngoài vẫn thường thấy.
(HBĐT) - Có điểm chung đó là cả 2 người đều xung phong đi bộ đội khi còn rất trẻ, lúc mới 17, 18 tuổi. Vào chiến trường, cả 2 đều chiến đấu ở chiến trường B5 - Bình Trị Thiên và là những người lính cuối cùng rút khỏi thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt... Những người mà tôi muốn nói ở đây là CCB Vũ Duy Tôn, Phó Chánh án TAND tỉnh và CCB đại tá Bùi Hữu Ngạn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh. Trở về từ sau cuộc chiến, họ vẫn thắp sáng lên ngọn lửa truyền thống, khí tiết anh hùng của dân tộc.
(HBĐT) - Lạc Thủy là địa phương có phong trào canh tác đất rừng rất sớm và hiện đang là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về nghề rừng... Tới Lạc Thủy, ta như được ùa vào những cánh rừng trồng xanh ngút ngát và được gặp những con người đang làm nên điều kỳ diệu ở đất này.
(HBĐT) - Sáng thứ bảy ngày 7/12/ 2013, tại gia đình ông Trần Quyết Thắng ở phường Chăm Mát (TPHB) diễn ra cuộc gặp cảm động của một số cựu tù binh Phú Quốc tại tỉnh ta. Điều đặc biệt là trong 40 năm qua, họ ở gần nhau, thậm chí cạnh nhau, gặp nhau, nhìn thấy nhau mà chưa nhận ra nhau. Vì thế nên đây là lần đầu tiên họ tìm thấy nhau sau 40 năm chiến thắng trở về...
(HBĐT) - Hai bộ di cốt hóa thạch khá hoàn chỉnh của đười ươi (có tên khoa học là Pongo.SP) được phát hiện cách đây vừa tròn 16 năm (vào ngày 18/12/1997) tại hang núi Sáng, xã Cao Răm (Lương Sơn) đã gây chấn động giới khảo cổ trong nước và thế giới. Phát hiện này đã làm thay đổi những quan điểm khoa học trước đó về nguồn gốc, sự phát triển, tồn tại của loài đười ươi ở Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới. Tuy được coi là “viên kim cương quý” của ngành khảo cổ học nhưng 16 năm qua, bộ di cốt này vẫn nằm lặng lẽ tại Bảo tàng tỉnh với bụi bặm của thời gian.
(HBĐT) - Siêu bão Haiyan, cơn bão mạnh nhất trong lịch sử đã tàn phá nặng nề vùng miền Trung đất nước Philippin vào ngày 8/11. Chết chóc, tan hoang, đói khát, nước mắt là những gì mà cơn đại cuồng phong để lại. Song bên cạnh những giọt nước mắt, tình người đang được thắp sáng.