Năm 2013, xã Đoàn Kết (Yên Thủy) đã mở rộng diện tích trồng bí các loại được gần 50 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2013, xã Đoàn Kết (Yên Thủy) đã mở rộng diện tích trồng bí các loại được gần 50 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(HBĐT) - Từ trung tâm huyện Yên Thủy đến xã chưa đầy 10 km nhưng cũng phải mất gần nửa giờ đồng hồ đi trên tuyến đường quanh co, khúc khuỷu, chúng tôi mới đến được Đoàn Kết. Khác với trí tượng tượng về sự đìu hiu, bình lặng. Trước mắt chúng tôi là vùng quê náo nức tiếng cười của những đám trẻ túm năm, tụm ba khoe nhau quần áo mới. Những khúc ca xuân rộn ràng dưới nếp nhà. Tiếng máy, tiếng xe sình sịch trên công trường hối hả những ngày cuối năm. Nhiều gia đình tất bật chỉnh trang nhà cửa chuẩn bị đón tết. Đón khách với nụ cười hiền lành vốn có, người quen của tôi phấn chấn: “Nông thôn bây giờ khá hơn rồi. Nhiều gia đình năng động, giỏi giang lắm, thu nhập cả trăm triệu đồng/vụ cũng có rồi đấy".

 

Dạo qua các xóm Nam Bình, Nam Thái, Yên Bình, Phủ Vệ, Cửa Lũy, Đồng Lạc, Đồng Bai..., nắng xuân trải vàng trên con đường làng, xua tan giá rét. Được nghe người dân nói, nhìn thành quả trực tiếp nhờ sức dân, chúng tôi thực sự bất ngờ về ý thức tự lực, sự đồng thuận của người dân nơi đây trong xây dựng cuộc sống mới. Trong khi ở nhiều nơi còn có những chuyện tranh chấp, kiện cáo, thậm chí xích mích với cả những người thân trong gia đình khi liên quan quyền lợi đất đai thì ở Đoàn Kết, chuyện hiến đất trở thành phong trào trong nhân dân. Đến nay, xã chưa có con số thống kê cụ thể về diện tích đất đã được hiến để xây dựng các công trình phúc lợi. Chỉ biết rằng, những năm qua, trường học được mở rộng khang trang; cột kéo điện lưới xuống từng KDC và nhất là những con đường làng nhỏ hẹp, mấp mô đất, đá đang dần biến mất, thay vào đó là những tuyến đường cứng hoá rộng rãi, bằng phẳng... Tất cả đều nhờ sự đóng góp không nhỏ của người dân các xóm qua việc hiến đất. Không có văn bản nào quy định, cũng không cần đến việc ký cam kết, chỉ cần đường mở đến đâu, vào đến đất nhà nào, nhà đó tình nguyện thu hẹp diện tích. Nhiều khu vườn xum xuê cây trái lâu năm, gia đình cũng tự chặt mà không có sự thắc mắc, đòi hỏi phải đền bù. Với họ, bộ mặt nông thôn mỗi ngày thêm khang trang, đổi mới là cái được lớn nhất rồi.

Trong chuyến đi này, chúng tôi đã gặp gỡ Bí thư Đảng uỷ xã Bùi Văn Cường. Qua trò chuyện với người đứng đầu cấp uỷ mới biết rằng, chính nhờ sự tiên phương, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trước mỗi phong trào, CVĐ ở cơ sở; sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trước các chủ trương, đường lối của Đảng là yếu tố quyết định giúp miền đất khó này từng bước chuyển mình. Cái khó lớn nhất nơi đây là bà con chủ yếu sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp nhưng lại trở ngại về nguồn nước. Xã có dòng sông Lạng chảy qua. Song, sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên do hệ thống hồ đập, kênh mương không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Cường bộc bạch: Đoàn Kết mùa khô hạn hán kéo dài, mùa mưa thường xuyên lũ lụt. Chỉ cần mưa trong một vài ngày là nước dồn về ngập trắng đồng ruộng, mùa màng thất bát, nước vào cả KDC. Ngay như ở trụ sở UBND xã, có những năm nước ngập tới quá đầu gối, khó khăn vô cùng. Rất mừng là cái khó này đang có cơ hội cải thiện bởi năm nay, UBND huyện đã có dự án cải tạo sửa chữa cấp bách hồ Bai Cái. Kế hoạch cải tạo dự kiến trong 3 năm (2013 - 2015). Khi hoàn thiện, hồ sẽ đảm bảo việc thoát lũ vào mùa mưa, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 170 ha đất nông nghiệp của các xóm Đầm Bai, Đồng Lạc, Đầm... Hy vọng rằng công trình đưa vào sử dụng sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho xã.  

Đang mải nghĩ về câu chuyện vượt khó của người dân, tiếng nói cười rôm rả của bà con nông dân trên đồng ruộng tranh thủ làm vụ sớm khiến tôi bừng tỉnh. Trước đây, đồng ruộng của Đoàn Kết chủ yếu chỉ có lúa với ngô. Lăn lộn, vất vả quanh năm, nhà nào đủ ăn là mừng rồi, sao dám nghĩ đến làm giàu. Vậy mà giờ đây, từ chủ trương, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với đồng đất của cấp uỷ, chính quyền xã, kết hợp với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của người dân, trên 600 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã đang giúp nhiều gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu. Hiện tại, xã vẫn duy trì diện tích lúa, ngô nhằm đảo bảm an ninh lương thực tại chỗ và phục vụ phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, nhiều xóm đang phát triển mạnh mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đã chủ động chuyển đổi diện tích ruộng 1 vụ, ruộng cấy lúa không ăn chắc sang trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế, nhất là toàn xã đã nhân rộng được gần 50 ha trồng bí xanh, bí đỏ. Theo tính toán của người dân, mỗi sào trồng bí thu nhập gấp 3, 4 lần cây lúa. Ở các xóm Mền, Cửa Luỹ, Phủ Vệ... do hợp đất lại có sự đầu tư nên có những gia đình đã thu về cả trăm triệu đồng sau 1 vụ bí xanh. Đến vụ thu hoạch, thương lái đánh cả xe ô tô vào làng thu mua. Sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ đã khuyến khích, động viên được nhân dân hăng hái sản xuất.  

Chính nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ này đã giúp người dân Đoàn Kết năng động hơn, từng bước hoà nhập với sản xuất hàng hoá để cải thiện cuộc sống. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân của xã mới đạt 13 triệu đồng/người/năm, bình quân lương thực 400 kg/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo gần 20% thì đến năm 2013 thu nhập đã đạt trên 18 triệu đồng/năm, đạt chỉ tiêu NQĐH Đảng bộ xã lần thứ 19 đề ra đến năm 2015. Theo đó, Đảng bộ đã thống nhất điều chỉnh NQ nâng thu nhập bình quân đầu người lên 20 triệu đồng vào năm 2015. Cùng với thu nhập, bình quân lương thực cũng tăng lên 500 kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%. Xã không còn hộ gia đình phải ở nhà tạm, không có tệ nạn xã hội, trên 80% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 8/11 KDC đạt làng văn hoá; 3 trường học, trạm y tế, cơ quan UBND xã nhiều năm qua cũng giữ vững văn hóa... Từ những kết quả lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ phát triển KT - XH ở xã, liên tục trong 8 năm qua, Đảng bộ xã Đoàn Kết đạt TCCS Đảng TS-VM và TS-VM tiêu biểu.  

Một ngày ở Đoàn Kết với dạt dào niềm thương nhớ. Bên dòng sông Lạng hiền hoà êm trôi, chúng tôi cùng lắng nghe mùa xuân về, xuân của đất, trời và xuân của tình người đoàn kết.

 

                                                                         Hoàng Nga

 

 

Các tin khác

Ông Nguyễn Tất Bình, chi hội nông dân khu 4, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) mỗi năm thu hàng tỉ đồng từ trồng cam.
Nhân dân xã Thống Nhất, TP. Hòa Bình tham gia sửa đường lên xóm Đậu Khụ. Ảnh: Quốc Hoàn (Thành đoàn Hòa Bình)
Lê Văn Minh phải nhận mức án tử hình cho hành vi phạm tội của mình.
Dù ở cương vị công tác nào, CCB Vũ Duy Tôn (đứng thứ 3 từ trái sang) luôn là người

Rừng gọi

(HBĐT) - Lạc Thủy là địa phương có phong trào canh tác đất rừng rất sớm và hiện đang là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về nghề rừng... Tới Lạc Thủy, ta như được ùa vào những cánh rừng trồng xanh ngút ngát và được gặp những con người đang làm nên điều kỳ diệu ở đất này.

Cuộc gặp cảm động của những người 40 năm tìm nhau ngay tại Hoà Bình

(HBĐT) - Sáng thứ bảy ngày 7/12/ 2013, tại gia đình ông Trần Quyết Thắng ở phường Chăm Mát (TPHB) diễn ra cuộc gặp cảm động của một số cựu tù binh Phú Quốc tại tỉnh ta. Điều đặc biệt là trong 40 năm qua, họ ở gần nhau, thậm chí cạnh nhau, gặp nhau, nhìn thấy nhau mà chưa nhận ra nhau. Vì thế nên đây là lần đầu tiên họ tìm thấy nhau sau 40 năm chiến thắng trở về...

Bộ di cốt đười ươi đặc biệt quý - “viên kim cương” trong bóng tối

(HBĐT) - Hai bộ di cốt hóa thạch khá hoàn chỉnh của đười ươi (có tên khoa học là Pongo.SP) được phát hiện cách đây vừa tròn 16 năm (vào ngày 18/12/1997) tại hang núi Sáng, xã Cao Răm (Lương Sơn) đã gây chấn động giới khảo cổ trong nước và thế giới. Phát hiện này đã làm thay đổi những quan điểm khoa học trước đó về nguồn gốc, sự phát triển, tồn tại của loài đười ươi ở Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới. Tuy được coi là “viên kim cương quý” của ngành khảo cổ học nhưng 16 năm qua, bộ di cốt này vẫn nằm lặng lẽ tại Bảo tàng tỉnh với bụi bặm của thời gian.

Nước mắt và tình người sau siêu bão Haiyan

(HBĐT) - Siêu bão Haiyan, cơn bão mạnh nhất trong lịch sử đã tàn phá nặng nề vùng miền Trung đất nước Philippin vào ngày 8/11. Chết chóc, tan hoang, đói khát, nước mắt là những gì mà cơn đại cuồng phong để lại. Song bên cạnh những giọt nước mắt, tình người đang được thắp sáng.

Ánh bình minh đang tỏa sáng ở Đông Bắc

(HBĐT) - “Đông Bắc chưa phải là xã giàu cũng chưa được xếp vào vị trí là xã dẫn đầu về các phong trào của huyện Kim Bôi, thế nhưng chúng tôi đang có trong tay điều quý giá nhất, đó là sự đồng thuận” - Đồng chí Bùi Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã đã mở đầu câu chuyện bằng những lời giới thiệu sơ lược đó khi biết tôi có ý tìm hiểu về phong trào dân vận khéo. “Nói thì khó lắm, chi bằng chị về cơ sở, nghe dân nói, xem dân làm, rồi đúc kết lại xem chúng tôi đang làm hay - dở thế nào, khéo hay chưa khéo”. Không phải là một đồng chí cán bộ văn phòng, hay trưởng, phó ngành, đoàn thể nào khác mà chính Bí thư Đảng ủy xã tự mình cưỡi con trâu sắt dẫn tôi về với cơ sở. Sự nhiệt tình đó của một con người đang giữ vị trí đứng đầu xã đã khiến tôi hiểu rằng: chìa khóa để mở cánh cửa hướng tới thành công trong phong trào dân vận khéo là đây.

Chuyện đưa Luật Giao thông về vùng cao

(HBĐT) - Tính ra, từ đầu năm đến nay, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh giảm. Theo đó, năm 2013 cũng được xác định là năm thứ 4 liên tiếp tỉnh ta kéo giảm được cả 3 tiêu chí về TNGT. Kết quả trên cho thấy, sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Trong đó có sự đóng góp tích cực của những người lính áo vàng trong vai trò là những người tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục