Dù ở cương vị công tác nào, CCB Vũ Duy Tôn (đứng thứ 3 từ trái sang) luôn là người

Dù ở cương vị công tác nào, CCB Vũ Duy Tôn (đứng thứ 3 từ trái sang) luôn là người "tiếp lửa" truyền thống cho các thế hệ bằng những câu chuyện chiến đấu kiên cường, dũng cảm của lớp cha, anh đi trước.

(HBĐT) - Có điểm chung đó là cả 2 người đều xung phong đi bộ đội khi còn rất trẻ, lúc mới 17, 18 tuổi. Vào chiến trường, cả 2 đều chiến đấu ở chiến trường B5 - Bình Trị Thiên và là những người lính cuối cùng rút khỏi thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt... Những người mà tôi muốn nói ở đây là CCB Vũ Duy Tôn, Phó Chánh án TAND tỉnh và CCB đại tá Bùi Hữu Ngạn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh. Trở về từ sau cuộc chiến, họ vẫn thắp sáng lên ngọn lửa truyền thống, khí tiết anh hùng của dân tộc.

 

Với CCB Vũ Duy Tôn, tôi đặc biệt thích ông ở cái tính thẳng. Nói, ông nói thẳng, làm ông cũng làm thẳng. Hỏi chuyện, ông cười và bảo: Bọn tớ, những người đã từng ở cận kề ranh giới sống - chết thường như vậy đấy. Những thứ nhìn không chịu được thì nói, những việc gì làm được thì mình bảo làm được, cũng chẳng vòng vo. Giữa chiến trường bom, đạn khốc liệt, nó rèn luyện bản lĩnh con người ghê gớm lắm. Thế đấy, bản chất người lính chẳng thể lẫn đâu và cũng chẳng phai nhạt được... Tháng 3/1971, khi đó, ông 18 tuổi vừa học xong lớp 10/10, theo chúng bạn ở vùng quê Gia Viễn (Ninh Bình) làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Sau 2 tháng huấn luyện rồi vào Nam. ông được điều vào Trung đoàn 24, Sư đoàn 324 chiến đấu tại chiến trường B5 với mặt trận chính ở Quảng Trị và Thừa Thiên. Nhớ lại thời quân ngũ, ông bảo: Với những người lính từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên không có gì nhớ lâu bằng cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm. Đó là một trong những cuộc chiến tàn khốc, ác liệt nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta.

 

Trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, ông được tham gia 63 ngày đêm. Đó là những ngày dài và đầy tang thương. Cuộc chiến ác liệt đến mức tưởng như không có một viên gạch nào ở đây còn lành lặn. Thế nhưng trong thành cổ với chu vi chưa đầy 2 km2 ấy những người lính như ông đã gánh hàng nghìn tấn bom, đạn, họ vẫn đứng vững, vẫn quyết tâm chiến đấu dù nhiều đồng đội ông đã ngã xuống thế nhưng chẳng có ai lùi bước. Họ vẫn cứ tiến lên, chiến đấu với ý chí phi thường...

 

Sau cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị, ông và những người đồng đội ở Sư đoàn 324 tiếp tục hành quân, chiến đấu và trở thành một mũi tấn công thọc sâu, tiến thẳng vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Kết thúc chiến tranh, ông thực hiện nốt ước nguyện được đi học như thủa còn cắp sách tới trường. Sau khi học xong đại học, ông đã được điều động nhiều vị trí công tác. Dù ở đâu ông cũng thể hiện rõ phẩm chất người lính. Ngay cả khi ở vị trí phó Chánh án TAND tỉnh, ông cũng luôn là một tấm gương sáng. ở mỗi phiên tòa, ngồi ghế chủ tọa, ông đều thể hiện rõ tính nhân văn sâu sắc trong giáo dục, cải tạo những người lầm lỡ. Từ sự phân tích, giáo dục; từ cái tình của ông nhiều người nhận rõ lỗi lầm, quyết tâm cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội...

 

Người thứ hai, đó là đại tá Bùi Hữu Ngạn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh. Cũng là một người lính từng tham gia chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm đỏ lửa. Vì thế nên hơn ai hết, ông rất hiểu sự tàn khốc của chiến tranh và ý chí quật cường, quyết chiến, quyết thắng của anh bộ đội Cụ Hồ. Điều đó, ông cũng đã truyền lại, tiếp lửa cho các thế hệ CBCS LLVT tỉnh trong suốt những năm công tác, nay ông cũng đang tiếp tục là người truyền lửa cho thế hệ trẻ về tinh thần chiến đấu bất khất của dân tộc trong những năm chiến tranh gian khó. 

 

Đi bộ đội khi mới 17 tuổi, chiến dịch đầu tiên ông tham gia đó là chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Tiếp đó là chiến dịch Bình Trị Thiên với những trận đánh ác liệt. Ông chia sẻ: ở chiến dịch nào, trận đánh nào cũng ác liệt. Nhưng ở chiến dịch Bình Trị Thiên lại càng ác liệt gấp bội bởi cả ta và địch đều xác định rõ đây là địa bàn chiến lược, có giành, giữ được mới tạo được đà tiến công.

 

Tại Quảng Trị, Trung đoàn 36, Sư 308 của ông được giao nhiệm vụ phòng ngự chặn đánh địch ở phía tây bắc thành cổ gồm Na Vang, Ái Tử, Tích Tường, Như Lệ. Các điểm chốt này chỉ kéo dài khoảng 1 km nhưng đây lại là một con đường huyết mạch để chiếm đánh thành cổ Quảng Trị. Do vậy, địch tập trung lực lượng, phương tiện chiến đấu rất lớn. Cuộc chiến diễn ra suốt từ tháng 6 - 11/1972, những người lính như ông đã kiên cường chiến đấu bẻ gãy hàng trăm đợt tấn công của địch. Không thể kể hết những khó khăn, gian khổ và hy sinh nhưng những người lính như Bùi Hữu Ngạn vẫn kiên cường bám trụ, giữ chốt...

 

Dù đã hơn 40 năm trôi qua, sự khốc liệt trong cuộc chiến ở thành cổ Quảng Trị đối với những người như CCB Vũ Duy Tôn, CCB Bùi Hữu Ngạn chẳng thể nào quên. Khí tiết, cốt cách người lính, anh bộ đội Cụ Hồ được rèn rũa trong lửa đạn tiếp tục được phát huy trong thời bình. Để đến bây giờ họ vẫn đang là một trong số hàng nghìn, hàng vạn người lính trở về từ sau cuộc chiến thắp lên ngọn lửa truyền thống, khí tiết, phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ cho các thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ, phát huy trong giai đoạn hiện nay.

                                                                                   

 

                                                                          Mạnh Hùng 

 

 

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục