Chiêng cổ được trưng bày trang trọng trong ngôi nhà sàn đậm đà bản sắc dân tộc của ông Bùi Thanh Bình.

Chiêng cổ được trưng bày trang trọng trong ngôi nhà sàn đậm đà bản sắc dân tộc của ông Bùi Thanh Bình.

(HBĐT) - Một chiếc chiêng có đến 4 âm với các âm độ cao thấp khác nhau, chính vì vậy, chỉ cần dùng một chiếc chiêng này thôi người nghệ nhân đã có thể chơi được tiết tấu đơn giản của một làn điệu xéc bùa. Theo tiến sỹ Quách Văn Ạch - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, “ở Hoà Bình, đây có thể xem là chiếc chiêng độc đáo có một không hai”.

 

Chiếc chiêng này đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh với cái tên “Chiêng đồng 4 âm” và những dòng giới thiệu: “Vào ngày 27/12/1996, gia đình ông Bùi Văn Trìn đã phát hiện được chiêng trong khi làm vườn tại xóm Cảng, xã Bình Cảng (Lạc Sơn). Đây là chiếc chiêng đặc biệt, khi sử dụng có bốn âm, một âm ở chính giữa, ba âm khác nằm ở thành xung quanh được bố trí cách nhau tạo nên một tam giác cân. Các âm này có độ cao khác nhau, có thể dùng để chơi những tiết tấu đơn giản của một làn điệu xéc bùa của người Mường”.

 

Hồ sơ hiện vật của chiêng cũng chỉ có như vậy. Ngay cả cán bộ thuyết minh của Bảo tàng tỉnh - người đã làm việc ở đây từ năm 2004 đến nay cũng không biết thêm những thông tin nào khác xung quanh “chiếc chiêng đặc biệt” này. Chị nuối tiếc xác nhận điều đó và giải thích: Bảo tàng đã làm tốt việc lưu giữ, bảo quản và trưng bày hiện vật. Còn việc nghiên cứu thấu đáo những giá trị của hiện vật - nhất là những giá trị phi vật thể của một văn vật quý giá như chiếc chiêng cổ này thì vượt quá chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng. Đây là việc làm đòi hỏi nhiều công phu với sự đầu tư lớn về tiền của, công sức và trí tuệ.

 

Theo gợi ý của người cán bộ bảo tàng đầy tâm huyết nhưng lực bất tòng tâm, tôi tìm đến những trang nghiên cứu của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Bùi Chỉ và tiến sỹ văn hoá Quách Văn Ạch. Cả hai nhà nghiên cứu này đều khẳng định giá trị độc đáo của “Chiêng đồng 4 âm”. Trong đó, tiến sỹ Quách Văn ạch viết: “Về hình dáng, chiếc chiêng cổ này trên bề mặt đã phân thành 2 lớp, lớp trong tính từ tâm ra đến 2/3 bề mặt nổi cao so với thành ngoài, u chính giữa nổi rõ tạo thành núm chiêng. Về kỹ thuật, chiêng được đúc bằng hợp kim đồng thau, có pha thêm kim loại quý ở phần núm, toàn bộ chiêng có độ dày như nhau, khoảng 1,5 - 2 mm. Đặc biệt, khi đánh chiêng có 4 âm với các âm độ cao thấp khác nhau, nằm ở 4 vị trí trên mặt chiêng: ở u chính giữa là âm son, còn 3 âm khác nằm ở 3 vị trí trên bề mặt chiêng tạo thành một tam giác đều, gần sát với thành ngoài. Với 4 nốt âm cao thấp khác nhau, chiêng có thể tấu được những bài đơn giản. Người Mường ở Lạc Sơn gọi đây là “lêệng” (lệnh), chứ không gọi là chiêng. Ở Hoà Bình, đây có thể xem là chiếc chiêng độc đáo có một không hai.

 

       

       Chiêng Mường được tôn vinh trong chính cộng đồng sản sinh ra nó.

 

Cũng theo tiến sỹ Quách Văn Ạch, việc phát hiện những chiếc chiêng quý đã góp thêm tư liệu để tìm hiểu về nguồn gốc của cồng chiêng ở Hoà Bình nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Với hình ảnh người ngồi đánh chiêng trên mặt trống đồng Đông Sơn cho thấy chí ít thì chiêng đã cùng tồn tại với trống đồng Đông Sơn cách đây trên 2.000 năm, nhưng thời điểm ra đời của chiêng cụ thể thế nào thì đến nay vẫn còn là ẩn số.   

     

Quay lại với chiếc chiêng đồng 4 âm đang được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng tỉnh. “Sự độc đáo của nó là không thể phủ nhận” - ông Bùi Thanh Bình (phường Thái Bình, thành phố Hoà Bình) quả quyết nhấn mạnh. Ông là một trong số ít những người con Hoà Bình đã yêu chiêng Mường đến độ quên ăn, quên ngủ, để rồi mải miết đi tìm về hàng trăm chiếc chiêng tạo thành một bảo tàng chiêng hết sức sống động trong chính ngôi nhà của mình. Ông đã từng được đánh thử chiếc chiêng đồng 4 âm. Với tình yêu và vốn hiểu biết sâu sắc về chiêng, ông cho rằng giá trị độc đáo của chiếc chiêng này không gì có thể phủ nhận.

 

Ông Bùi Thanh Bình giải thích: Một bộ chiêng của người Mường gồm 12 chiếc to, nhỏ khác nhau. Mỗi chiếc chiêng đánh ra một âm tạo thành sự giao thoa của 12 âm sắc, tượng trưng cho 12 tháng của năm. Một năm là sự giao thoa của bốn mùa thời tiết, vì vậy, một bộ chiêng nếu không đầy đủ thì ít nhất phải có từ bốn chiếc trở lên mới có thể tấu được những bài đơn giản như: “Bính bính binh, bính bính khầm. Binh bính khầm, bính binh bính khầm…”. Chính vì vậy, một chiếc chiêng mà đánh được ra 4 âm với âm độ cao thấp khác nhau, có thể sử dụng để chơi được những tiết tấu của một làn điệu xéc bùa thì đó thực sự là một chiếc chiêng đặc biệt, một chiếc chiêng độc đáo có một không hai cần được gìn giữ và phát huy giá trị trong chính cộng đồng sản sinh ra nó.

 

Trao đổi thêm về những điều bí ẩn và thú vị xung quanh chiếc chiêng của người Mường, ông Bình trầm giọng kể: Trong mỗi gia đình Mường trước đây, hầu như nhà nào cũng có vài ba chiếc chiêng. Mặc dù giá trị vật chất của chiêng không hề rẻ, để có nó gia chủ phải đổi bằng nhiều con trâu, nhưng bù lại là giá trị tinh thần to lớn và âm thanh vang vọng vô song của nó. Đối với người Mường, chiêng không phải là nhạc cụ đơn thuần mà là linh hồn của văn hóa, là vật thiêng của trời đất ban tặng. Tiếng chiêng vang vọng ba tầng trời, vang đến tận đất Mường ma. Tiếng chiêng thông linh, gọi tổ gọi tiên, rằng: “Nghe tiếng chiêng này, ban ngày biết đường ăn đường uống, ban đêm biết đường xuống đường lên”. Người Mường đã ngấm âm thanh ấy từ trong bụng mẹ. Khi ra đời, tiếng chiêng báo tin vui. Khi về với đất, tiếng chiêng dẫn đường đưa lối. Người Mường quan niệm mỗi chiếc chiêng đều có thần, có hồn, do vậy không thể sử dụng một cách tuỳ tiện. Ví dụ, khi không sử dụng thì chiêng được treo cao ở vị trí trang trọng. Nếu chiêng cho mượn, trước khi trao tay người ta đánh một tiếng chiêng trong nhà, vừa để kính báo vừa để xác định chất lượng âm thanh của chiêng. Đến khi mang trả, người mượn phải sắm phần quà xôi thịt cho chiêng và cũng phải đánh lại một tiếng để khẳng định với chủ của nó là chiêng vẫn nguyên lành. Do quan niệm “chiêng có thần” nên trước đây, nhiều nhà còn rắc gạo lên mặt chiêng trong dịp Tết.

           

 

 

 

                                                                         Thu Trang

 

 

Các tin khác

Ông Đinh Công Đốc cùng vợ và các con thơ.
Đảng ủy, chính quyền xã Nà Phòn (Mai Châu) và xóm Nà Thia thường xuyên đến thăm hỏi tình hình đời sống của gia đình anh Khà Văn Nhất.
Khu vực phía bắc đảo Phú Quốc.
Trò chơi dân gian ném còn thu hút người dân tham gia tại lễ hội đầu xuân.

Sắc xuân Quý Hòa

(HBĐT) - Một người quen thân là thầy giáo Bùi Duy Luyến, thổ công ở xã vùng 135 Quý Hòa (Lạc Sơn) nhắn tin: Lên đi, mùa này hoa đào ở xóm Dọi đã nở, nhiều hộ chuẩn bị cho các phiên chợ Tết rồi đấy. Hoa đào..., sứ giả của mùa xuân nơi vùng cao ngút tầm mắt dưới núi đồi này đã làm cho lòng người thêm rộn ràng trước những thời khắc kỳ diệu của thiên nhiên.

Tình người Đoàn Kết

(HBĐT) - Từ trung tâm huyện Yên Thủy đến xã chưa đầy 10 km nhưng cũng phải mất gần nửa giờ đồng hồ đi trên tuyến đường quanh co, khúc khuỷu, chúng tôi mới đến được Đoàn Kết. Khác với trí tượng tượng về sự đìu hiu, bình lặng. Trước mắt chúng tôi là vùng quê náo nức tiếng cười của những đám trẻ túm năm, tụm ba khoe nhau quần áo mới. Những khúc ca xuân rộn ràng dưới nếp nhà. Tiếng máy, tiếng xe sình sịch trên công trường hối hả những ngày cuối năm. Nhiều gia đình tất bật chỉnh trang nhà cửa chuẩn bị đón tết. Đón khách với nụ cười hiền lành vốn có, người quen của tôi phấn chấn: “Nông thôn bây giờ khá hơn rồi. Nhiều gia đình năng động, giỏi giang lắm, thu nhập cả trăm triệu đồng/vụ cũng có rồi đấy".

Ông chủ của 10 ha cam

(HBĐT) - Theo lời giới thiệu của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cao Phong, tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Tất Bình, khu 4, thị trấn Cao Phong chủ của 10 ha cam trồng trên đất đồi. Nhưng biết tìm ông ở đồi cam nào, khi cam đang giữa mùa chín rộ. Tôi hỏi người nông dân ở khu 3 thị trấn Cao Phong, mới biết ông chủ 10 ha sáng nay cùng gia đình hái cam ở đồi 7 bãi đá.

Đồng Chụa mở đường lên núi

(HBĐT) - Sớm ngày mùng 9/12/ 2013, trời thả sương nặng hạt xuống trùm kín khu đồi rừng mía tím, mía trắng của xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất (TPHB). Vòng vo mãi rồi ngược lên lưng đồi mới tới nhà cụ Dương Đức Chính, một lão làng mà chúng tôi may mắn gặp đầu tiên của chuyến đi này.

Thông tin thêm về hung thủ giết phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Mai Châu

(HBĐT) - Nếu không có phiên tòa xét xử Lê Văn Minh (tức Minh “Trò”) - hung thủ giết ông Phạm Đức Hậu là Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Mai Châu thì có lẽ trong mắt của hàng nghìn người dân, Minh vẫn là một người hiền lành, sống có trách nhiệm với gia đình. Tuy nhiên, khi xem hồ sơ của Lê Văn Minh mọi người mới giật mình, bởi Minh có một quá khứ không giống như bề ngoài vẫn thường thấy.

Chuyện về những người lính “tuyến lửa”

(HBĐT) - Có điểm chung đó là cả 2 người đều xung phong đi bộ đội khi còn rất trẻ, lúc mới 17, 18 tuổi. Vào chiến trường, cả 2 đều chiến đấu ở chiến trường B5 - Bình Trị Thiên và là những người lính cuối cùng rút khỏi thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt... Những người mà tôi muốn nói ở đây là CCB Vũ Duy Tôn, Phó Chánh án TAND tỉnh và CCB đại tá Bùi Hữu Ngạn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh. Trở về từ sau cuộc chiến, họ vẫn thắp sáng lên ngọn lửa truyền thống, khí tiết anh hùng của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục