Ông Bùi Văn Lương (bến trái), trạm trưởng trạm y tế xã Tự Do đang thăm hỏi thường sức khỏe anh Bùi Văn Nhinh.

Ông Bùi Văn Lương (bến trái), trạm trưởng trạm y tế xã Tự Do đang thăm hỏi thường sức khỏe anh Bùi Văn Nhinh.

(HBĐT) - Băng qua con đường gồ ghề, cuộn đầy bụi mù đến với Cối Cáo, xã Tự Do (Lạc Sơn), mảnh đất này trước kia từng có một thời bị cô lập, xa lánh bởi căn bệnh quái ác mà người dân gọi là “hủi lùn”, thực chất là bệnh phong. Tuy nhiên, những ám ảnh về căn bệnh này giờ đây đã chìm vào quá khứ khi y học phát triển, sản xuất được thuốc đặc trị và đem lại một luồng sáng mới cho cuộc sống đầy khó khăn của người dân nơi đây.

 

Cối Cáo nằm cách thị trấn Vụ Bản chừng 30km, nơi cuối cùng của huyện lạc sơn, giáp tỉnh Thanh Hoá; bao gồm 187 hộ chia làm 3 xóm: Trên, Tren, Chơ. Từ trước tới nay cả làng đã có tất cả 14 người mắc bệnh đều thuộc xóm Tren, hiện đang có 4 người được theo dõi. Trước đây cuộc sống khó khăn đủ đường, chưa có điện, chưa có nước sạch để sử dụng, đường xá chưa được cứng hoá, kinh tế nông nghiệp chậm phát triển, lại thêm cái bệnh “ma làm” khiến cho mọi thứ càng trở nên bế tắc đối với con người nơi đây.

 

Nỗi ám ảnh khó quên

 

Dẫn chúng tôi đến ngôi nhà sàn của bà Hà Thị Răng nằm sâu gần cuối xóm là người từng mắc bệnh cao tuổi nhất ở đây, ông Bùi Minh Phúc - cán bộ chuyên trách bệnh phong trạm y tế xã Tự Do vừa chỉ tay về khu rừng âm u phía trước vừa tâm sự: “Cách đây hàng chục năm, người dân làng này thường kháo nhau rằng, hễ ai bước chân lên khu rừng đó thì sẽ bị “ma hủi” ăn cụt chân, cụt tay. Đã có 7 người mắc bệnh bị ép đưa lên rừng sống một mình, đến bữa chỉ có người nhà đưa cơm vào, cho đến khi người bệnh qua đời thì đem đốt xác hoặc chôn tại rừng vì sợ lây bệnh. Cối Cáo từ đó bị cô lập, tách rời với những nơi khác”. Bà Răng đã 85 tuổi, tay run run cầm chén trà nóng nói: “Tôi mắc bệnh gần 35 năm nay, bệnh khá nặng, người ta sợ tôi, gọi tôi là “ma rừng”. Con trai bà, anh Bùi Văn Nhinh cũng mắc phải căn bệnh lạ vào năm 1993, sau một lần đi rừng về, trên người thấy xuất hiện những vết chàm đen ở cánh tay, đầu gối bị phù, sau đó lan dần lên mặt, những chỗ đó hoàn toàn mất cảm giác, không đau rát hay ngứa ngáy.

 

Nói về kí ức khó quên những năm tháng đó, anh Nhinh chậm rãi kể lại: “Lúc đó tôi mới hơn 20 tuổi, khi thấy mình có biểu hiện lạ giống mẹ, tôi đi cúng bái, nghe người ta xui lên rừng lấy cây véc về sắc lên uống nhưng không khỏi. Thời gian đó 2 mẹ con tôi chỉ ở nhà không bước chân ra khỏi làng, thậm chí khi bước đến gần suối là bị người dân cấm tuyệt không cho động vào nguồn nước vì sợ lây nhiễm. Chỉ có người thân, bạn bè dám đến nhà tôi chơi nhưng vẫn trong cảm giác lo sợ, dè chừng, còn người ngoài thì hoàn toàn không dám tiếp xúc”. Căn bệnh này khiến cho người bệnh bị mất sức lao động, vùng cơ thể nhiễm bệnh bị mất cảm giác, nặng hơn thì bị ăn cụt tay, cụt chân, để lại những di chứng biến dạng suốt đời. Nhưng nặng nề hơn cả là từ sự thiếu hiểu biết của người dân dẫn đến sự kì thị và xa lánh của xã hội, khiến cho người bệnh càng thêm tủi hổ, mặc cảm với căn bệnh mang trong mình.

 

Niềm vui trở lại

 

Trải qua thời gian dài chịu sự kì thị, mặc cảm vì căn bệnh lạ, đến năm 1984, khi bệnh phong ở đây được phát hiện thì đó là lúc mà người bệnh bắt đầu có niềm tin vào cuộc sống. Được sự tuyên truyền của đội ngũ y bác sĩ Trung tâm phòng – chống bệnh xã hội tỉnh, phối kết hợp chính quyền địa phương đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức của người dân về căn bệnh, xoá đi sự kì thì, mặc cảm của người bệnh và gia đình, trở lại sống hoà nhập với cộng đồng.

 

Anh Nhinh nhớ lại: “Thấy mình có biểu hiện lạ, tôi lặn lội đi bộ 1 ngày đường ra bệnh viện huyện để khám, các bác sĩ kết luận tôi mắc bệnh phong và bảo tôi về chờ điều trị. Một tháng sau, bác sĩ của tỉnh về tận nơi khám chữa. Vì bệnh nặng nên bác sĩ cho tôi uống thuốc đặc trị loại mạnh trong 1 năm. Ba tháng đầu dùng thuốc, toàn thân uể oải, không có sức lực. Đến năm thứ 2 trở đi thì được phát thuốc vỉ loại nhẹ hơn, sau 4 năm điều trị và theo dõi thì tôi hoàn toàn khỏi hẳn, có sức khoẻ và làm việc bình thường. Đến năm 2001, tôi lập gia đình”. Anh Bùi Văn Điện, bệnh nhân phong được chữa trị kịp thời, hiện đang là giáo viên trường Tiểu học xã Tự Do, anh tâm sự: “Tôi nhiễm bệnh năm 1997, cũng “nếm” cái ánh mắt của sự kì thị, xa lánh của bà con. Nhờ có công tác tuyền truyền, khi phát hiện mình có biểu hiện lạ, tôi trực tiếp báo với trạm y tế xã để được các bác sĩ khám và phát thuốc. Chỉ sau 6 tháng dùng thuốc, tôi đã hoàn toàn khỏi bệnh. Năm 2000, tôi lập gia đình và sinh được 2 cháu”.

 

 

Anh Bùi Văn Điện cùng con trai Bùi Đức Dậu (sinh năm 2005).

 

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà con làng xóm, đến nay không chỉ anh Điện, anh Nhinh mà những người từng mắc bệnh phong khác đã hoà nhập và ổn định cuộc sống. Đồng chí Bùi Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã Tự Do cho biết: “Chính quyền địa phương phối hợp với trạm y tế xã theo dõi thường xuyên tình trạng bệnh ở đây. Hiện người bệnh đã hoàn toàn hoà nhập cuộc sống với cộng đồng. Địa phương có hỗ trợ học nghề, đặc biệt miễn phí cho người mắc bệnh như Bùi Văn Hưng (nghề sửa chữa xe máy),  Bùi Thị Khuyến ( nghề may) đều thuộc xóm Tren”. Trung tâm y tế dự phòng của huyện trực tiếp xuống theo dõi tình trạng bệnh tại đây 1 lần/tháng. Trạm y tế xã vẫn đảm bảo công tác tuyên truyền kiến thức về bệnh phong cho người dân, để chung sống, giúp đỡ người có bệnh, mang lại tiếng cười cho họ. Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân nơi đây cần có sự quan tâm sâu sát hơn nữa từ phía chính quyền, đặc biệt là về chất lượng cuộc sống. Mong muốn từ chương trình xây dựng NTM được đầu tư điện, đường, nước sạch, giống cây trồng, vật nuôi nhằm cải thiện cuộc sống không chỉ là tâm nguyện riêng của người bệnh, mà là của tất cả người dân Cối Cáo.

 

 

 

 

                                                        Thanh Sơn (CTV)

 

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục