Có điện, người dân Nước Ruộng mua sắm được ti vi, tủ lạnh, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên.

Có điện, người dân Nước Ruộng mua sắm được ti vi, tủ lạnh, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên.

(HBĐT) - Cách đây 6 năm, dù chỉ cách đường tỉnh lộ 12B hơn 5 km nhưng xóm Nước Ruộng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) được coi như chốn thâm sơn, cùng cốc, đời sống của bà con vô cùng khó khăn. Sau 5 năm (2011-2015) triển khai chương trình xây dựng NTM, được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, Nước Ruộng đang khoác lên mình tấm áo mới đầy sức sống.

 

Xóm có 93 hộ dân, 458 nhân khẩu, 100% là bà con dân tộc Mường; hiện, con đường vào xóm đã được bê tông hóa một nửa, khoảng 2 km đang thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2017. Vừa đặt chân đến Nước Ruộng, chúng tôi đã gặp hình ảnh bắt mắt của những đàn trâu, bò hàng đang thong dong gặm cỏ trên triền đồi...

Một thời gian khó...

“Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, 5 năm trở lại đời sống của bà con chúng tôi đã khấm khá lên nhiều rồi; trước đó thì thiếu thốn lắm”, Bí thư Chi bộ Bùi Văn Quyết mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Bên tách trà nóng, ông say sưa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về giao thông, rằng là: bất kể ngày nắng hay mưa để vào Nước Ruộng cũng chỉ có nước cuốc bộ; sự giao lưu giữa bà con trong xóm với các xóm lân cận rất hạn chế, một năm hãn hữu lắm có vài vị khách ghé thăm. Hay câu chuyện cán bộ xóm phải dậy từ 4 giờ sáng để băng rừng xuống ủy ban để dự họp và trở về bản khi trời đã tối mịt. Nhưng điều ông cảm thấy đáng tiếc nhất là hầu như con em trong xóm chỉ học hết lớp 5 là phải bỏ học. Do đó, dân trí đã thấp, lại chậm chuyển biến nên cái nghèo, cái khó bám dai như đỉa. Y tế lúc này cũng là thứ xa vời vợi, những lúc đau ốm, nhẹ thì “tự ốm, tự khỏi”, nặng quá thì khiêng xuống trạm xá, còn lại đa số là mổ lợn cúng, vái.

Chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng đang trở thành hướng đi mang lại nhiều sự đổi thay đối tích cực đối với đời sống của bà con ở xóm Nước Ruộng, xã Nam Thượng (Kim Bôi).

Giao thông cách trở nên kinh tế chậm phát triển, anh Bùi Văn Niềm, một người dân trong xóm nhớ lại: “Làm lụng vất vả cả năm nhưng cũng chỉ được ăn cơm trắng vài ba tháng, còn lại là độn ngô, độn sắn. Đường quá khó nên từ củ sắn, củ khoai đến con lợn  đều phải khiêng hơn 3 cây số đường rừng ra ngoài đường mới tiêu thụ được”. Nói về chuyện dựng vợ, gả chồng, anh Niềm hóm hỉnh: “Con gái còn có thể đi lấy chồng nơi khác, chứ con trai chúng tôi thì chỉ có lấy vợ trong xóm vì ai cũng chê Nước Ruộng vừa xa, lại không điện, không đường".

Hành trình “lột xác”

Năm 2011, đối với người dân nơi đây nó như một dấu mốc tạo ra bước ngoặt đổi đời, bởi lẽ, từ thời điểm đó nhiều công trình về cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường học, mương bai được đầu tư, xây dựng từ nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM và 135. Trưởng xóm Bùi Văn Xiêm cho biết: “Nếu trước đây, bà con chỉ trồng rừng và chăn nuôi nhỏ lẻ vì khó khăn về đầu ra thì hiện tại, đường xá đã thuận lợi, thương lái vào tận xóm thu mua nên quy mô phát triển lớn hơn. Hiện, bình quân mỗi hộ có 4 -5 con trâu, bò và vài ha rừng”. Ông Xiêm liệt kê ra rất nhiều hộ đang phát triển chăn nuôi, trong đó có hộ ông Bùi Văn Thành nuôi 34 con trâu, bò và gần 30 con dê, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng; bản thân gia đình trưởng xóm cũng nuôi 13 con trâu và gần 20 con dê...

Chỉ tay ra những triền đồi xanh ngút ngàn trước nhà, ông Xiêm cho biết rất nhiều hộ thu hàng trăm triệu từ trồng rừng, điển hình như gia đình Bí thư Chi bộ năm vừa rồi thu được trên 500 triệu đồng. Hiện, diện tích rừng trồng tại xóm đạt trên 150 ha. Đó là những con số minh chứng cho sự chuyển biến trong đời sống của người dân. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt 17 triệu đồng/người/năm (năm 2011 mới chỉ đạt 7 triệu đồng); số hộ nghèo giảm xuống còn 11/93 hộ.

Khi đời sống được nâng lên, con em trong xóm không những được giải tỏa cơn “khát” chữ, mà còn có điều kiện để học lên chuyên nghiệp. Hiện, xóm có 3 em học đại học, 2 em học cao đẳng và 3 em học trung cấp; 100 % con em được đến trường đúng độ tuổi quy định. Ánh điện về, bà con không phải xay, giã gạo bằng tay như trước đây nữa; gia đình nào cũng mua được mua sắm được ti vi, nhiều hộ còn mua được cả tủ lạnh. Không chỉ có những bước tiến trong đời sống vật chất, Nước Ruộng còn được coi như một cái nôi văn hóa còn khá nguyên vẹn của đồng bào Mường. Trong đời sống của bà con, hằng ngày vẫn vang lên văng vẳng những câu hát đối, câu Thường Rang và tiếng sắc bùa trong những dịp lễ, tết. Người dân nơi đây vẫn gọi đó là những âm thanh của núi rừng, của nguồn cội.

Tin vào tương lai

Tuy con đường phía trước vẫn còn những thử thách nhưng với những gì mà bà con nơi đây đang thể hiện. Nước Ruộng còn có nhiều cơ hội phát triển. Ông Bùi Thanh Chì, Phó Chỉ huy trưởng quân sự xã Nam Thượng, một người gắn bó với Nước Ruộng từ những ngày còn phải xé rừng vào bản nhận định: “Chẳng mấy nữa Nước Ruộng sẽ xuất hiện nhiều triệu phú về trồng rừng và chăn nuôi”.

Nam thượng là một xã điểm xây dựng NTM của Kim Bôi, hiện xã đã cơ bản đạt được 19 tiêu chí. Đồng chí Bùi Văn Chu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trong thời gian tới xã sẽ thực hiện rà soát lại các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí về môi trường (nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh) ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho Nước Ruộng để xóm bắt kịp với sự phát triển chung của xã.

Với xuất phát điểm thấp, Nước Ruộng có thể tiến chậm hơn các xóm khác trong xã, thế nhưng với sự quan tâm của các cấp chính quyền và ý chí làm giàu trên chính quê hương mình, chúng tôi tin cái đích mà bà con nơi đây hướng đến sẽ không còn xa nữa. Rời Nước Ruộng khi mặt trời đã khuất dần sau núi, chúng tôi nhớ mãi nụ cười tươi rói của Bí thư Chi bộ Bùi Văn Quyết khi nói về sự đổi thay của bản làng mình. Xen vào đó là hình ảnh những chiếc điện thoại treo ở cửa sổ nhà Trưởng xóm Bùi Văn Xiêm để “hứng” sóng rơi...

 

 

                                         Viết Đào

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục