Cô giáo Xa Thị Thu đang giảng dạy học sinh lớp ghép 4, 5 tại nhà tạm.
(HBĐT) - Là xã 135, cách trung tâm huyện hơn 70 km, Đồng Ruộng chịu sự ảnh hưởng lớn từ vị trí địa lý cách trở, địa hình núi đá, dân cư phân bố rải rác, kinh tế chậm phát triển, nhiều tiêu chí như giao thông, y tế, … còn bỏ ngỏ chưa có hướng giải quyết khiến cho chương trình xây dựng NTM nơi đây gặp nhiều trắc trở.
Hiệu quả từ xây dựng NTM
Đồng Ruộng có tổng diện tích là 42,9 km2, bao gồm 6 xóm, 564 hộ và 2190 nhân khẩu, người dân tộc Tày chiếm 80%. 5 năm thực hiện chương trình MTQG XDNTM giai đoạn 2011 – 2015, qua sự nỗ lực phấn đấu, xã đạt 9 tiêu chí là: Quy hoạch, thuỷ lơi, điện, bưu điện, cơ cấu lao động, giáo dục, văn hoá, hệ thống tổ chức CT-XH, AN-TTXH. Đồng chí Quách Công Lâm, Chủ tịch UBND xã đánh giá: “Nhờ có sự chỉ đạo, theo dõi sát sao của Đảng uỷ và chính quyền địa phương, BCĐ, BQL xã và Ban phát triển thôn đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động. Qua đó, người dân tích cực tham gia và đồng tình ủng hộ, nắm rõ mục đích, ý nghĩa và lợi ích từ xây dựng NTM mang lại. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ nhân dân, NSNN và vốn lồng ghép, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện bộ mặt NTM”.
Người dân đang mua nhu yếu phẩm sinh hoạt trên thuyền.
Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh từ 7,3 triệu đồng/người (2011) lên 17 triệu đồng/người (2015). Tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm những còn ở mức cao, từ 58,8% năm 2011 xuống còn 41,3% năm 2015. Về tiêu chí giao thông, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng đã cứng hoá được 12km đường liên xã, liên thôn (chiếm 20% tổng diện tích giao thông toàn xã), riêng xóm Hồm nhân dân đóng góp hơn 30 triệu đồng tiền mặt. Tỷ lệ phổ cập giáo dục đạt 100%. Có 5/6 làng đạt chuẩn văn hoá chiếm 84%. Thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề cho người dân về chăn nuôi, thú y, trồng trọt với trên 300 lượt tham gia mỗi năm. Kinh tế nông – lâm – thuỷ sản được duy trì với 48ha trồng lúa nước, ngô, sắn; 1,8ha diện tích ao nuôi cá lồng và nhiều ha trồng luồng cùng 1 số cây bản địa khác như xoan, chẩu cho thu nhập ổn định. Lương thực đảm bảo, nhiều hộ gia đình đã sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh,… cuộc sống từng bước được cải thiện.
Những “nút thắt” còn bỏ ngỏ
Bên cạnh những tín hiệu tích cực mà chương trình xây dựng NTM đem lại vẫn còn tồn tại khá nhiều khó khăn. Trình độ chuyên môn của cán bộ chưa cao nên hạn chế trong công tác tuyên truyền, vận động. Mới chỉ có 60% CBCC đạt chuẩn, còn lại 40% chưa qua đào tạo chuyên môn. Cơ sở vật chất của xã đã xuống cấp nghiêm trọng. Chưa có chợ nông thôn. Trạm y tế xã được xây dựng từ năm 1995 không còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng, trần nhà bị dột, tường nứt nhiều chỗ. Đặc biệt, về tiêu chí giao thông, tuy đã được cứng hoá 12km nhưng do địa hình phức tạp, bị chia cắt, hiện xóm Nhạp, Chông chưa có đường ô tô đi vào. Theo chân thầy Lò Văn Sông, Hiệu trưởng trường tiểu học Đồng Ruộng, tính từ trung tâm xã thì chúng tôi đã di chuyển 4km đường đất lầy lội và 5km đường thuỷ mới đến được xóm Nhạp, nếu như không muốn đi bộ 3 tiếng đồng hồ với 8km đường rừng. Xóm Nhạp có 53 hộ, 209 nhân khẩu, anh Quách Công Hưng, trưởng xóm Nhạp chia sẻ: “Do địa lý cách trở, sống cô lập với bên ngoài nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50%, còn lại 50% là hộ cận nghèo. Kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi thuỷ sản, cụ thể là nuôi cá lồng, bên cạnh đó cũng trồng thêm khoai, sắn, lúa nước nhưng diện tích nhỏ. Xóm chia làm 2 cụm là cụm Nhạp và cụm Rên, giữa 2 cụm cũng bị chia cắt do chưa có cầu đi lên cụm Rên. Học sinh từ Rên xuống chi trường học phải di chuyển bằng thuyền, bè mảng hằng ngày, tuy được bố mẹ đi kèm, được sắm áo phao để mặc lúc di chuyển nhưng về mùa mưa bão vẫn rất nguy hiểm. Cứ hàng tuần lại có thuyền chở hàng hoá, nhu yếu phẩm sinh hoạt đến cung cấp. Dân xóm Nhạp chúng tôi chỉ mong được nhà nước xây cho con đường lên xã, có cầu nối liền 2 cụm thuận tiện cho việc đi lại”.
Cùng với đó, tiêu chí trường học cũng chưa được hoàn thành do còn nhiều nhà tạm ở các chi trường. Khối tiểu học còn 1 chi trường có nhà tạm ở xóm Nhạp, khối mầm non có 7 nhà tạm ở các chi Thượng, Hày, Nhạp, Chông, Hồm. Chị Xa Thị Thu, giáo viên tiểu học chi Nhạp giãi bày: “ Tôi từ Đồng Chum sang đây dạy được hơn chục năm, mọi việc đi lại đều phải sử dụng thuyền vì chưa có cầu sang cụm Rên, sang đến đó thì mới có đường bộ đi đươc xe máy về. Cũng may được người dân trong xóm giúp đỡ, dựng nhà tạm để ở tiện cho việc giảng dạy và sinh hoạt nên 1 tháng tôi mới về nhà vài lần. Cơ sở vật chất của chi còn nhiều thiếu thốn, học sinh phải học lớp ghép. Hiện có 1 nhà tạm cho học sinh lớp 4, 5 do người dân trong xóm đóng góp ngày công xây dựng và 1 nhà xây cho học sinh lớp 1, 2, 3 nhưng đã xuống cấp vì trần nhà dột, nhiều mảng nứt vỡ. Trang thiết bị và đồ dùng học tập chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập của học sinh. Còn nhiều khó khăn là vậy nhưng thấy các em học sinh ham học, chịu khó đến trường, học tập cũng có tiến bộ nên tiếp thêm động lực cho tôi bám trường đến lúc về hưu”.
Từ những khó khăn còn tồn tại, đồng chí Chủ tịch xã khẳng định: “Trong giai đoạn 2016 – 2020, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục tham gia xây dựng NTM. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn các dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng. Phấn đấu đạt thêm từ 4 – 6 tiêu chí. Tăng cường tập huấn nâng cao trình độ, tiến tới chuẩn CBCC. Bên cạnh đó, cán bộ và người dân địa phương cũng mong muốn các cấp uỷ, chính quyền cấp trên tạo điều kiện, tiếp tục đầu tư nguồn vốn để xây dựng CSHT, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho nhân dân”.
(HBĐT) - Đúng 16h ngày 23/11, công tác cứu hộ - cứu nạn (CHCN) các nạn nhân còn mắc kẹt trong vụ sập hầm khai thác than ở Lỗ Sơn (Tân Lạc) kết thúc sau khi thi thể nạn nhân cuối cùng còn mắc kẹt được đưa ra khỏi miệng lò.
(HBĐT) - Gần 300 người gồm lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (CHCN) - Công an tỉnh; Bộ CHQS tỉnh; lực lượng Dân quân các xã Tử Nê, Lỗ Sơn, Gia Mô, Do Nhân; lực lượng cứu hộ hầm lò chuyên nghiệp của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã và đang nỗ lực hết mình cho nhiệm vụ CHCN các nạn nhân còn mắc kẹt trong vụ sập hầm khu vực thăm dò mỏ khai thác than của Công ty TNHH Tân Sơn tại xóm Chiềng, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) xảy ra từ ngày 18/11/2015.
(HBĐT) - Do sự chia cắt của lòng hồ Sông Đà, xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) được người dân nơi đây ví von như một “ốc đảo”. Địa lý cách trở, đời sống của bà con gặp vô vàn khó khăn, đây là 1 trong 36 xóm khó khăn nhất của tỉnh. Ở bản nghèo này, bao năm qua vẫn có những cô giáo giàu nhiệt huyết, yêu trò như con, lặng thầm gieo chữ, bất kể ngày nắng hay mưa...
(HBĐT) - Theo ông Vũ Văn Công, Phó trưởng phòng TN-MT huyện Kim Bôi: “Kể từ tháng 3/2015 đến nay, trên địa bàn huyện chỉ còn 4 doanh nghiệp khai thác khoáng sản hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm: 3 doanh nghiệp khai thác, sản xuất đá và 1 doanh nghiệp khai thác cao lanh làm vật liệu xây dựng thông thường. Còn lại, nếu trên địa bàn có bất cứ điểm khai thác khoáng sản nào đều là những hoạt động trái phép”.
(HBĐT) - Là một trong 7 xã có rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ngọc Sơn – Ngổ Luông nằm trên địa bàn với hơn 2000ha, Ngọc Sơn trước kia là một điểm nóng về khai thác gỗ trái phép của tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện dự án “Sự tham gia của các tổ chức địa phương trong quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng” kết hợp với công tác tuyên truyền, nơi đây đang chuyển mình rõ rệt trong quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt là từ người dân.
(HBĐT) - Gần 20 năm qua, 19 hộ dân ở xóm Máy 2, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) khát nước sạch, mặc dù năm 2005, công trình nước sạch thuộc dự án 747 được xây dựng ở xóm và các hộ khác đã được hưởng lợi suốt từ đó đến giờ. Cùng với đó, tuy đã có điện từ lâu nhưng nhiều hộ vẫn phải dùng cột tre đi kéo điện cách xa hằng trăm mét cũng là nỗi trăn trở của người dân nơi đây.