(HBĐT) - Cơn bão lịch sử năm 2009 đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con nhân dân 2 xã Tân Mai và Phúc Sạn của huyện Mai Châu. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, hơn 60 hộ dân 2 xã đã về định cư tại xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) lấy tên mới là làng Mai Sơn. 5 năm sau ngày về nơi ở mới, cuộc sống của người dân đã dần đổi thay, hòa nhập với vùng đất mới.
Nằm trên địa bàn xã Yên Nghiệp, gần đường Hồ Chí Minh, khu tái định cư Mai Sơn được xem là điểm cuối cùng của huyện Lạc Sơn, tiếp giáp với địa bàn huyện Yên Thủy. Khác với hình dung về một khu tái định cư cách biệt, có thể thấy, Mai Sơn là khu tái định cư khá đẹp, có đường Hồ Chí Minh đi qua, tiếp giáp với nhiều xã bạn, thuận lợi giao thương và có hồ chứa nước lớn phục vụ tưới tiêu. Đường vào khu tái định cư đã được bê tông hóa 100%, trường học và nhà văn hóa thôn bản xây dựng mới khang trang. Không những vậy, khu tái định cư còn được đầu tư trạm biến áp và hệ thống bể lọc nước sạch riêng phục vụ cho sinh hoạt.
Đồng chí Bùi Văn ên, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nghiệp đưa chúng tôi đến thăm gia đình trưởng xóm Bùi Văn Hiệp. Nhà anh Hiệp đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để kịp đón năm mới. Đưa chúng tôi đi xem ngôi nhà mới được xây theo mô hình nhà sàn truyền thống, anh Hiệp tâm sự: Năm 2010, khi có chủ trương về đây sinh sống, gia đình tôi vô cùng khó khăn, vừa trải qua cơn bão lịch sử, bao nhiêu tích cóp đều bị cuốn trôi theo dòng nước. Nói thật lúc đó tôi đồng ý đi nhưng lòng trăm mối lo toan. Đến khi xuống đây, tận mắt nhìn thấy hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư, chỉ chờ người dân đến dựng làng, lập bản, chúng tôi mới tin tưởng để về đây.
Cơ sở vật chất có sẵn nhưng mọi sự khởi đầu không hề đơn giản. Hầu hết những hộ chuyển về đây sinh sống đều là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ có hạn. Mặt khác, cuộc sống, canh tác nơi vùng cao có nhiều khác biệt nên chỉ với 5.000 m2 đất sản xuất, nhiều hộ khó xoay sở để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, người dân dần làm quen với cách thức canh tác mới. ông Đặng Văn Đạm, Bí thư chi bộ Mai Sơn cho biết: Trước đây người dân chỉ quen với trồng luồng, lúa nương và khai thác rừng để phát triển kinh tế thì về nơi ở mới, chúng tôi được học cách áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Với 5.000 m2 đất sản xuất, các hộ được hỗ trợ giống, vốn để đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật trồng mía tím, trồng sắn cao sản, phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, nơi đây tiếp giáp với nhiều xã, huyện bạn lại có đường Hồ Chí Minh đi qua, chúng tôi cũng có nhiều cơ hội tìm việc làm thêm để tăng thu nhập.
Chia tay gia đình anh Hiệp, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Văn Khánh, gia đình anh cũng đang hoàn thiện nhà để chuẩn bị đón Tết. Không phải khách quen, không hẹn trước nhưng anh Khánh không ngần ngại bỏ dở công việc niềm nở đón tiếp chúng tôi như những người bạn lâu ngày đến thăm. Anh tâm sự: Đến nơi ở mới, không phân biệt quê Tân Mai hay Phúc Sạn, đồng bào Mường, Thái hay Dao, chúng tôi coi nhau như anh em trong nhà nên khách của bạn cũng là khách của chúng tôi vậy. Qua câu chuyện của anh mới cảm nhận hết sự đoàn kết trong tình làng, nghĩa xóm đã thực sự đem lại sức mạnh. Anh Khánh kể: Trước đây, hầu hết hộ dân đều vô cùng khó khăn, nhiều hộ muốn quay trở về quê cũ nhưng khi đó, anh em ngồi bàn bạc tìm cách giúp đỡ những hộ khó khăn nhất để họ yên tâm ở lại, ổn định cuộc sống. Vậy là các hộ cùng đóng góp giúp một hộ, người 500.000, người 1 triệu đồng để mua bò hay đầu tư trồng sắn..., từ đó phong trào góp vốn giúp nhau phát triển sản xuất bắt đầu hình thành. Điều đặc biệt là không chỉ chính quyền mà người dân sở tại cũng nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi. Từ Dự án ngân hàng bò do tỉnh phát động, 16 hộ dân trong xóm được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế. Qua mô hình này, các hộ dân trong khu tái định cư đã đoàn kết hỗ trợ các hộ khó khăn để mua bò giống về nuôi. Đến nay, hơn 90% hộ dân tận dụng phụ phẩm nông sản phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt. Nhiều hộ bắt đầu khá lên từ những đồn vốn đóng góp hỗ trợ ban đầu đó.
Đời sống kinh tế có nhiều đổi thay nhưng tại nơi ở mới, hơn 60 hộ đồng bào Thái, Dao vẫn luôn lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc. ông Đặng Văn Đạm, Bí thư chi bộ cho biết thêm: Tết năm nào cũng vậy, xóm tổ chức theo truyền thống của mình như tổ chức ném còn, bà con mổ lợn mời nhau rồi trao đổi, rút kinh nghiệm một năm qua.
Chia tay khu tái định cư Mai Sơn khi một mùa xuân nữa đang đến gần. Dù biết là chưa hết khó khăn đối với đồng bào tại các điểm tái định cư, song lòng chúng tôi ấm lại bởi mùa xuân mới này bà con được quan tâm chu đáo và hơn hết bà con đã bắt đầu “bén rễ” an cư trên quê hương mới.
Đinh Hòa
(HBĐT) - Vừa qua, phóng viên Báo Hoà Bình đã nhận được phản ánh của một số người dân xóm Bưng, xã Quy Hậu (Tân Lạc) về việc học sinh trong xóm không có danh sách được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ cho con em vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Trong khi đó, học sinh ở địa bàn thuận lợi hơn vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách này. Chúng tôi đã về Tân Lạc để tìm hiểu, làm rõ vấn đề này.
(HBĐT) - Đồi Thung là tên gọi chung cho 2 xóm Thung 1 và Thung 2, xã Quý Hòa (Lạc Sơn). Xóm nằm chon von trên núi, cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Đây là nơi sinh sống của gần 200 hộ dân tộc Mường. Giao thông cách trở, trình độ dân trí còn hạn chế nên bao đời nay người dân Đồi Thung vẫn sống trong cảnh nghèo khó. Đây là trong 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh.
(HBĐT) - Nhịp sống càng hối hả, gánh nặng về cơm, áo, gạo, tiền ngày càng gia tăng khiến con người ngày càng trở nên bon chen, ích kỷ hơn. Thế nhưng, vẫn còn đó những tấm lòng thơm thảo và câu chuyện về quán cơm 2.000 đồng/suất ở thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) là một minh chứng.
(HBĐT) - Con đường bê tông được xây dựng và hiện đã hoàn thành 3/4 quãng đường đưa chúng tôi chạy thẳng đến xóm Sổ, xã Trung Thành, huyện Đà Bắc (1 trong 36 xóm khó khăn nhất tỉnh ta). Cây cầu treo dân sinh mới toanh bắc qua suối Sổ trong sự vui mừng khôn xiết của người dân. Xa xa trên triền đồi, những đồi keo lai vươn sắc xanh mướt. Đó là bức tranh đầy sức sống thể hiện cho những sự chuyển mình của bà con người Tày ở nơi xa xôi này .
(HBĐT) - Vụ tai nạn nổ đầu đạn pháo 105mm xảy ra vào trưa ngày 07/12/2015 vừa qua như thêm một lời cảnh báo về những nguy cơ chết người từ vật liệu nổ (VLN) tồn sót sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Tập tục di canh, di cư từ lâu đã tồn tại trong cách sống của đồng bào dân tộc Dao, thế nên mới có chuyện 10 năm họ chuyển đến dăm vài chỗ. Người Dao ở xóm Đồng Bưởi, xã Trường Sơn (Lương Sơn) sau nhiều lận đận, gập gềnh, cuối cùng họ đã tìm được “bến đỗ” để an cư, lạc nghiệp. Thành quả đó là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là hiệu quả thiết thực mà chương trình 135 đem lại.