Cây chè ở Than Uyên (Lai Châu) từng bước khẳng định là cây hàng hóa có thế mạnh trong phát triển kinh tế.
(HBĐT) - Không hiểu sao, trong chuyến đi ngược lên Lai Châu vào cuối năm 2015, những câu thơ của một thi sĩ viết từ những năm 80 của thế kỷ trước cứ vang vọng trong lòng: “Trái tim đập không một ai nhìn thấy/ ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu/ Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu…”.
Đường xa, dốc đèo gập ghềnh với những cung đường ở Mường La (Sơn La), thủy điện bản Chát, Huổi Quảng (Lai Châu) hay vỡ òa cùng những tia nắng hoàng hôn trong không gian thiên nhiên hùng vĩ khi đặt chân đến Than Uyên, bao cung bậc tình cảm đan xen, khiến chuyến đi càng thêm thú vị, không dễ quên. Lai Châu, miền biên viễn phía Tây Bắc của Tổ quốc đang bừng thức cuộc sống mới. Mỗi miền đất từng qua như Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ, Tân Uyên… đều đem lại những ấn tượng tốt lành. Mùa xuân đã và đang về trên mỗi con đường tới thôn bản ở Nậm Nhùn, Mường Tè. Quả thật, nếu không có cơ duyên từng đến Lai Châu cách đây hơn 10 năm, thật khó diễn tả những cảm nhận về nét mới ở vùng đất đang được đánh thức này…
Ngỡ ngàng Than Uyên…
Trước khi đến huyện Than Uyên, vùng đất từng gắn với câu ca như lời than vãn: “Ruồi vàng bọ chó, gió Than Uyên” đã được một đồng nghiệp làm báo ở Tây Bắc, sinh ra ở Than Uyên cho biết rằng: Trước kia, muốn đến Than Uyên (từ tháng 10/1991 - 12/2003 thuộc tỉnh Lào Cai) chỉ có con đường độc đạo, xuống cấp trầm trọng, cheo leo vách núi. Nếu từ trung tâm tỉnh lỵ Hoàng Liên Sơn (cũ), vượt hơn 220 km đường gập ghềnh mất gần 2 ngày trời trong phập phồng âu lo mới chạm tới Than Uyên. Còn từ thành phố Lào Cai cũng phải gần 10 giờ ngồi xe khách nhồi lắc, toàn thân hứng bụi, người mỏi như bị tra tấn mới tới được nơi này. Cũng vì lẽ đó, khi “gặp gỡ” Than Uyên, mọi cảm giác lo lắng được giải tỏa cùng sự thở phào nhẽ nhõm. Bây giờ, Than Uyên thay đổi đến ngỡ ngàng. Không nhận ra những dấu vết “ốc đảo” của một thời thăng trầm chia tách (thuộc Hoàng Liên Sơn - Lào Cai, nay thuộc Lai Châu). Trải rộng ra ngút ngàn trước mắt là những con đường từ thị trấn huyện lỵ về các xã vùng cao; là những cánh đồng chè, đồng lúa. Những tuyến đường được bạt dốc, nắn cua, trải nhựa lượn theo lưng núi. Trên những triền đồi, cây chè rung rinh theo gió khoe những búp non mơn mởn.
Thị trấn Than Uyên mang dáng vóc của một thị xã nhỏ, thương mại, dịch vụ phát triển, sầm uất. Cánh đồng Hua Nà, Mường Cang được quy hoạch trồng lúa Séng Cù đặc sản. Cũng từ đây sẽ hình thành tuyến đường thứ hai song song với quốc lộ 32, chạy men chân núi nối quốc lộ 279 dưới chân đèo Khau Co, phá thế đường độc đạo quanh huyện. Đó là đường nhánh qua thị trấn cũng là vòng cung du lịch, nối Sa Pa, Văn Bàn, Lai Châu tới hồ thủy điện bản Chát, Huội Quảng và vòng sang thủy điện Sơn La. Tuyến du lịch mới sẽ hình thành, chắc chắn thu hút du khách khắp vùng, nhất là du khách thích mạo hiểm, ưa khám phá và du lịch sinh thái. Người Than Uyên nhận ra thế mạnh khai thác tiềm năng, đã chuẩn bị những công việc, dịch vụ, bắt đầu dựng lại nghề thủ công, bản sắc văn hoá các dân tộc; hình thành khu thương mại - du lịch 50 ha; xã hội hoá đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch; mở rộng chăn nuôi, trồng rau, màu cung cấp cho nhu cầu của huyện, công nhân xây dựng 2 công trình thuỷ điện Huội Quảng, bản Chát và cung cấp cho thị trường huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Than Uyên đã chẳng còn “Than ôi…”, người bạn quê Than Uyên chia sẻ như thế và cho rằng “Quê hương tôi đang phấn đấu để thoát khỏi huyện nghèo”. Mừng cho Than Uyên và cũng mừng cho người bạn đồng nghiệp bao năm gắn bó với nghiệp báo vùng Tây Bắc. Chia tay Than Uyên bỗng nhớ câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiến: “Đêm kéo pháo ngực cha như rạn vỡ/ Sợi dây thừng vật vã gió Than Uyên…”. Miền đất này đang chuyển mình đi lên...
Bất ngờ thành phố trẻ…
Từ Than Uyên đi vào trung tâm thành phố, đứng trên quốc lộ 4D, nhìn xuống thung lũng, ai nấy đều ồ lên vì bất ngờ… Thành phố mới, thành phố trẻ Lai Châu đổi thay quá đỗi. Thật khác xa tâm trạng một đêm hè năm 2004, khi được đến thăm Báo Lai Châu thời mới chia tách. Ngày ấy, thị xã không khác mấy thị trấn, nhà cửa lưa thưa, đường bụi bặm. Biết đến bao giờ và có nên trở lại? Sau hơn 11 năm, thị xã xưa nay đã là thành phố được quy hoạch quy củ, có tầm nhìn xa. Đêm đầu tiên, được người bạn công tác ở MTTQ tỉnh Lai Châu đưa đi thăm thành phố càng nhận thấy sức sống mạnh mẽ, bước đổi thay của miền quê này. Tiếng loa phóng thanh ở bên đường vang lên câu hát “ôi Lai Châu, thành phố đẹp như mơ” trong sự da diết của lời ca, điệu nhạc và người hát. Thành phố của bạn đã khoác trên mình bộ áo mới… Kết cấu hạ tầng KT-XH đô thị đã có bước tiến vượt bậc. Một thị trấn nhỏ bé trước đây đã “vươn vai” trỗi dậy với những đổi thay đến không ngờ… Vun vút đại lộ Lê Lợi, Quảng trường rộng hút tầm mắt với những vuông cỏ xanh rờn dưới ánh điện đường. Khu trung tâm hành chính với những tòa nhà cao vút. Khu Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu, hồ Hạ và hồ Thượng, tuyến đường 58m, biểu tượng Lai Châu... Mỗi cung đường, mỗi công trình đều thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và toàn dân nơi đây.
Trong vòng trên 10 năm, thành phố vùng biên giới này đã đầu tư 111 tỷ đồng để xây dựng 126 công trình. Bộ mặt phố phường thay đổi không chỉ ở các phường: Quyết Tiến, Quyết Thắng, Tân Phong, Đông Phong, Đoàn Kết mà các xã vùng ven như Nậm Loỏng, San Thàng cũng có diện mạo mới bởi sự tiếp sức của chương trình NTM. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân các xã, phường đều có nhiều thay đổi. Hầu hết các xã, phường đều có nhà văn hóa đa năng và quá nửa các thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa. Mùa xuân này, gần 30 đội văn nghệ cơ sở và 78 CLB thể thao đang diễn ra chương trình văn nghệ hoặc các giải thể thao cơ sở “Mừng Đảng - mừng xuân”… Đêm cuối năm, trong cái gió hanh hao cuối đông, đầu xuân, thấy lòng thật vui. Thật khác xa tâm trạng của năm 2004, lần này, vẫn da diết điều: vẫn mong có lần đến lại thành phố miền biên giới này. Một thành phố đẹp, độc đáo và có hướng phát triển rõ ràng. Lai Châu xa đã chẳng còn xa.
Ghi chép của Văn Tưởng
(HBĐT) - Nằm cách trung tâm xã An Bình (Lạc Thuỷ) hơn 4 km, Rộc Dong gồm 64 hộ, 223 nhân khẩu, là một trong 36 xóm đặc biệt khó khăn nhất tỉnh. Con đường đất vào xóm ghồ ghề, nhỏ hẹp, được nối với cây cầu dân sinh bắc qua suối xây dựng từ năm 2007 hiện đã có dấu hiệu xuống cấp, vào mùa mưa lũ nước ngập quá mặt cầu gần 2m. Do đó, giao thông chính là cản trở lớn nhất cho cuộc sống của bà con nơi đây.
(HBĐT) - Xóm Kế, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) là nơi sinh sống của 71 hộ dân người Mường. Địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn nên đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Một ngày ở bản Mường này, chúng tôi đã cảm nhận được những sự thay đổi trong đời sống, cũng như những trở ngại và niềm mong mỏi của bà con nơi đây.
(HBĐT) - Vừa qua, phóng viên Báo Hoà Bình đã nhận được phản ánh của một số người dân xóm Bưng, xã Quy Hậu (Tân Lạc) về việc học sinh trong xóm không có danh sách được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ cho con em vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Trong khi đó, học sinh ở địa bàn thuận lợi hơn vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách này. Chúng tôi đã về Tân Lạc để tìm hiểu, làm rõ vấn đề này.
(HBĐT) - Đồi Thung là tên gọi chung cho 2 xóm Thung 1 và Thung 2, xã Quý Hòa (Lạc Sơn). Xóm nằm chon von trên núi, cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Đây là nơi sinh sống của gần 200 hộ dân tộc Mường. Giao thông cách trở, trình độ dân trí còn hạn chế nên bao đời nay người dân Đồi Thung vẫn sống trong cảnh nghèo khó. Đây là trong 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh.
(HBĐT) - Nhịp sống càng hối hả, gánh nặng về cơm, áo, gạo, tiền ngày càng gia tăng khiến con người ngày càng trở nên bon chen, ích kỷ hơn. Thế nhưng, vẫn còn đó những tấm lòng thơm thảo và câu chuyện về quán cơm 2.000 đồng/suất ở thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) là một minh chứng.
(HBĐT) - Con đường bê tông được xây dựng và hiện đã hoàn thành 3/4 quãng đường đưa chúng tôi chạy thẳng đến xóm Sổ, xã Trung Thành, huyện Đà Bắc (1 trong 36 xóm khó khăn nhất tỉnh ta). Cây cầu treo dân sinh mới toanh bắc qua suối Sổ trong sự vui mừng khôn xiết của người dân. Xa xa trên triền đồi, những đồi keo lai vươn sắc xanh mướt. Đó là bức tranh đầy sức sống thể hiện cho những sự chuyển mình của bà con người Tày ở nơi xa xôi này .