Động thác Bờ đang trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách trên tuyến du lịch lòng hồ Hoà Bình.

Động thác Bờ đang trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách trên tuyến du lịch lòng hồ Hoà Bình.

(HBĐT) - Ngày nay, sông Đà không còn dữ dội của 130 thác, 170 ghềnh với “đá núi sắc nhọn như nanh vuốt và những cái hút nước cuồn cuộn luồng gió gùn ghè như chực nuốt người”; không còn giống như một “gã say rượu” hung hăng mà đã trở thành một “cô gái bản”... xinh đẹp, dịu hiền. Những ai đã một lần được trầm mình vào dòng nước sông Đà êm ái mới thấu hiểu hết sự hùng vĩ của đất trời.

 

Tìm lại ký ức sông Đà

 

Xưa và nay, sông Đà vẫn là một dòng sông kỳ vĩ, mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực như chàng dũng sỹ giữa núi rừng Tây Bắc. Trong mình, dòng sông vẫn còn lưu giữ một quá khứ huy hoàng.

 

Sông Đà bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) với tổng chiều dài gần 1.000 km. Trong đó, hơn một nửa chiều dài của dòng sông chảy trên đất nước Việt Nam. Trên đất Việt, trong phần lớn chiều dài, sông chỉ len lỏi, âm thầm chảy qua những dãy núi cao vời vợi. Sông chỉ tung mình, hết cô độc khi qua các miền cư dân trù phú. Nhưng vẫn còn một ký ức về con sông Đà hiểm trở, thác ghềnh đẹp như một bức tranh thuỷ mặc khi thì gầm gào dữ dội đầy hiểm ác, lúc bình yên, chan chứa nghĩa tình như một thiếu nữ rạng ngời tuổi trăng. Sông đến đâu cũng tạo nên những miền cư dân trù phú. Thậm chí, thời Pháp thuộc nơi chợ Bờ ven sông đã từng là trung tâm tỉnh lỵ với những khu buôn bán sầm uất, nhà cửa san sát. Ký ức về một sông Đà xưa đầy hiểm ác, gùn ghè như gã say rượu giờ cũng chỉ còn trong ký ức của một lớp người...

 

Thác Bờ - nơi sông Đà dừng lại đẹp dịu hiền như cô gái bản.

 

Tỉnh Hoà Bình được thành lập ngày 22/6/1886 theo Nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là tỉnh Mường. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Chợ Bờ (thuộc châu Đà Bắc) nên cũng gọi là tỉnh Chợ Bờ. Sau chuyển về Phương Lâm rồi chuyển tên thành tỉnh Phương Lâm. Đến tháng 3/1891 lại đổi tên tỉnh Phương Lâm thành tỉnh Hoà Bình. Sau khi tỉnh lỵ chuyển đi, Chợ Bờ đã trở thành thị trấn huyện lỵ của Đà Bắc. Trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây đã từng diễn ra trận chiến đánh chiếm Chợ Bờ của 500 nghĩa quân Đốc Ngữ từ ngày 29 - 30/1/1891. Nghĩa quân đã diệt được đồn Chợ Bờ, giết phó Công sứ Rugiơni, thu 118 súng trường, 4 súng lục và 40.000 viên đạn, giải phóng thị trấn Chợ Bờ. Đây là trận thắng có ý nghĩa rất lớn, là dấu mốc lần đầu giải phóng một thị trấn.  

 

Đáng nói hơn cả, trong quá khứ, nơi này đã ghi dấu chân vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Sau khi đem quân lên vùng hoang rậm chinh phạt giặc cỏ Đèo Cát Hãn trở về năm 1432, cảm hứng trước thế núi, dáng sông, người anh hùng đã rút gươm phạt đá đề thơ ngay bên ghềnh đá Thác Bờ. Thơ đề rằng: “Năm Nhâm Tý 1432, Thuận Thiên thứ 4, tháng 3, ngày tốt. Ta đi đánh Đèo Cát Hãn về qua đây, làm một bài thơ để đời sau được biết về đạo lý đánh giặc: Bọn phản nghịch ở Mường Lễ (Sơn La) mặt người, dạ thú nếu ngang ngạnh không chịu theo đức hoá thì phải dẹp ngay cho dứt. Ta chẳng sợ gì hiểm trở và sơn lam chướng khí. Như thế là vì lo nghĩ đến sinh linh trong thiên hạ. Còn 2 phương lược ra quân thì hai đạo Thao - Đà, đường thủy là đường tiến binh tốt nhất...”.

 

Khối đá khắc ghi bài thơ này hiện vẫn được lưu giữ như một chứng tích thời gian, một chứng tích lịch sử của dòng sông trước khi thác Bờ ngập chìm sâu dưới hàng trăm mét nước.

 

Nơi con sông Đà dừng lại

 

Sông Đà gập ghềnh, hiểm trở và hung dữ giờ chỉ được thấy trong dòng chảy ký ức và trong tâm tưởng của một lớp người đi trước.

 

Bỏ lại phố xá ồn ào, từ nơi con sông Đà dừng lại, chúng tôi tìm lại ký ức trên mênh mang sóng nước sông Đà. Theo anh bạn làm nghề lái thuyền trên bến Thung Nai, chúng tôi lên thuyền rẽ sóng vun vút lao về phía trước. Theo lời kể của những người đi trước, thác Bờ - nơi thủy phận cuối cùng của đá thác sông Đà xưa hoang vu và đẹp lắm. Giờ không còn những khối đá nhọn hoắt nhấp nhô giữa dòng sông chảy xiết vô cùng hung dữ và nguy hiểm. Ngày hay đêm, mùa lũ hay mùa cạn, sông Đà luôn giống như một chú ngựa bất kham. Theo lời kể lại, từ thác Bờ trở xuôi thì hết ghềnh, hết thác. Còn từ thác Bờ trở ngược thì ở đâu nước cũng chồm lên đá, tung bọt trắng xoá tạo thành thác, nghềnh.

 

Bước vào thời kỳ CNH - HĐH, sông Đà mang một tầm vóc mới,  sứ mệnh lịch sử mới của một dòng sông ánh sáng. Khi sông Đà bị ngăn lại để làm thủy điện, cả một vùng rộng lớn giờ đây ngập mênh mông nước, những ngọn núi cao vời vợi trở thành những hòn đảo bềnh bồng chìm lẫn giữa màn sương phủ. Những vùng đất dọc dòng sông mang vẻ đẹp hết sức thanh bình với dòng sông Đà mênh mông, nước xanh màu ngọc bích. Xưa, những ngọn núi đá cao vút ngửa mặt lên mới thấy đỉnh, giờ chỉ nhô cao thành các đảo nhỏ nối tiếp nhau giống như một mê trận đá núi kỳ ảo và mê hoặc.  

 

Nơi chúng tôi đến là chợ Bờ trên một mỏm đất nhô ra sát mép nước. Chợ chỉ họp vào một buổi sáng chủ nhật, tuy nhỏ nhưng cũng khá nhộn nhịp. Những chiếc tàu, thuyền từ nhiều vùng, đa phần từ dưới xuôi mang hàng hóa đến buôn bán và trao đổi các sản vật như cá sông Đà, gà, vịt, rau, quả... của bà con quanh vùng. Chợ chủ yếu là người bán, người mua không nhiều nhưng vẫn họp đều vào các phiên. Chị Nguyễn Thị Hoan, người Phú Thọ làm nghề chợ trên sông ngót nghét cả chục năm chia sẻ: Buôn bán ở đây cũng chẳng lời lãi là bao. Nhưng bỏ nghề thì thấy nhớ,    nhớ rồi quay lại bởi cái tình của đồng bào và nỗi nhớ sông. Với những người mưu sinh trên dòng sông Đà chúng tôi gặp như chị Hoan đều bảo: Giờ sông Đà hiền hòa, yên ả lắm! Nước trong xanh  phẳng lặng.

 

Rồi đây, khi các bậc thang thủy điện Sơn La, Lai Châu hoàn thành thì lúc đó, có lẽ sông Đà sẽ chẳng còn mùa lũ. Cũng tiếc lắm, không còn cảnh nước tung bọt trắng xóa nơi cửa xả nhà máy thủy điện Hòa Bình. Nhưng cũng lại mừng cho sông Đà khi đang được đầu tư để trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Khi ấy, sông Đà sẽ mang thêm một tầm vóc mới, giống như một thiếu nữ đẹp thật lộng lẫy và kiêu sa.

 

                                                                           Mạnh Hùng

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục