(HBĐT) - Nội vào nhà kẻo lạnh! Cháu đi học, chiều cháu về!- Ừ! Cháu đi đi! Đi đường cẩn thận!- Dạ. Cháu biết rồi nội ạ!
Con bé Hòa giơ cánh tay bé xíu lên vẫy vẫy chào bà Mùi, nội của nó rồi thoăn thoắt bước đi trên con đường đá sỏi, hai bên trắng xóa những bông xuyến chi đang khẽ đu đưa theo ngọn gió sớm. Nó mặc trên người cái áo ấm mẹ mua cho từ hồi lâu lắm, chiếc áo đã ngắn lại ngả màu cà phê sữa và lấm tấm đôi ba đường chỉ vá. Đôi chân lem luốc của con bé xỏ trong đôi dép nhựa chằng chịt dây vải cũ đan chéo vào nhau. Thế mà trông con bé vẫn vui vẻ lạ thường. Đôi mắt, cái miệng lúc nào cũng tươi cười, lí lắc.
Đợi cháu đi một đoạn thật xa, bà Mùi mới lặng lẽ bước vào nhà. Đã thành thói quen, sáng nào bà Mùi cũng đưa cháu ra tận ngõ, dặn dò đủ điều trước khi con bé một mình tới trường. Thương cháu mới lên 8 tuổi, cũng vì nghèo nên thiệt thòi đủ đường. Cặp rách, nó chẳng nề hà nhờ bà khâu đi khâu lại, miễn là đựng đồ không bị rơi là được. Bữa sáng trước khi đi học, hôm thì chút cơm nguội với dưa chua, hôm thì củ khoai, khúc sắn luộc. Con bé không chỉ ngoan ngoãn, sống tình cảm, mà còn rất ham học. Nó nói với bà, dù nghèo nhưng đừng bắt nó phải nghỉ học giữa chừng. Dù phải nhịn đói, nhưng chỉ cần được đến trường là nó vui nhất!
- Hòa! Cô giáo Thủy đứng trước cổng trường, thấy Hòa từ xa đã vẫy tay gọi.
- Em chào cô! Hòa vòng tay lễ phép chào.
- Ừ. Cô học trò nhỏ của cô hôm nào cũng là người đến lớp sớm nhất.
- Dạ. Còn cô thì ngày nào cũng đứng đây chờ chúng em! Hòa chúm chím cười như bông hoa rừng trong sương mai. Cô bảo Hòa vào lớp trước kẻo lạnh nhưng Hòa khẽ lắc đầu. Con bé muốn cùng cô chờ các bạn rồi vào lớp luôn thể.
Giờ nghỉ trưa, các bạn trong lớp lấy cạp lồng cơm ra ăn. Hòa lục trong chiếc cặp cũ lấy ra mấy củ khoai luộc được bọc trong mảnh lá chuối nội nó đã chuẩn bị cho từ sáng sớm. Nó ngồi ở một góc lớp ăn ngon lành. Lăng, cậu bạn cùng lớp bưng cặp lồng cơm đến bên, niềm nở:
- Ăn cơm với mình này! Mẹ mình chuẩn bị nhiều cơm với dưa lắm. Bạn ăn mấy củ khoai ấy sẽ không no bụng đâu. Hòa khẽ lắc đầu:
- Lăng ăn đi còn có sức chiều học tiếp. Mình ăn thế này đủ rồi. Cả hai đứa trẻ nhìn nhau cười. Chúng vừa ăn vừa say sưa nói chuyện.
Cô giáo Thủy bước vào, trên tay cầm rất nhiều bánh ngọt. Miệng cô tươi tắn, giọng cô trầm ấm nói với học trò của mình:
- Đây là quà mẹ cô gửi từ dưới xuôi lên! Các em cùng ăn cho vui! Cả lớp cùng chìa tay nhận lấy bánh cái kẹo rồi cảm ơn cô rối rít. Đứa nào cũng khen ngon. Duy chỉ có Hòa. Cô Thủy để ý con bé không ăn bánh mà len lén cất vào ngăn cặp.
- Em chào cô, em về! Tan lớp, Hòa vui vẻ chào cô giáo. Cô Thủy chỉnh lại chiếc mũ áo đội đầu, chiếc cặp xộc xệch đeo sau lưng cho cô trò nhỏ. Nhớ chuyện hồi trưa, cô hỏi Hòa:
- Sao em không ăn chiếc bánh cô cho mà lại cất vào ngăn cặp?
- Dạ. Em để dành mang về. Bánh ngon cô cho, em muốn nội cùng ăn. Đôi mắt trong veo cùng điệu nói vô tư của con bé khiến Hòa bất chợt im lặng.
Lên nhận công tác ở trường bản xa xôi, cách nhà cả trăm cây số, 3 năm nay, với Thủy là quãng thời gian không dài nhưng đủ làm cô thấu hiểu, yêu thương và gắn bó hơn với các học trò bản nghèo. Thủy là một trong những giáo viên trẻ tự nguyện đăng ký lên vùng cao để dạy học. Càng gần gũi với các em nơi đây, Thủy càng thương, càng muốn giúp đỡ các em thật nhiều.
Mấy năm nay, nhiều người dân trong bản rủ nhau xuống phố làm ăn, bỏ lại bản đám trẻ con và những người già cả. Anh Đàm, chị Dung, bố mẹ của Hòa cũng không ngoại lệ. Họ gửi Hòa lại cho bà Mùi, mẹ của anh Đàm nay tuổi đã ngoài bảy mươi để đi làm ăn xa. Một năm mới về một lần vào dịp Tết. Biết bà Mùi đã tuổi cao sức đã yếu, con bé Hòa còn quá nhỏ nhưng cũng vì miếng cơm manh áo nên chẳng còn cách nào khác.
Từ ngày biết đọc biết viết, con bé Hòa thường xuyên viết thư cho bố mẹ ở xa. Nó toàn nói chuyện vui. Nó hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi để bà nội và bố mẹ vui lòng. Những cánh thư đi về như thế giúp nó bớt nhớ bố mẹ, biết thương bà và chăm chỉ học hơn.
Cô Thủy nhận được tin từ Kha, cô bạn học từ thời cấp ba, nay là Bí thư Tỉnh Đoàn thông báo sắp tới sẽ tổ chức chuyến hành trình thiện nguyện lên trường bản nơi Thủy đang công tác. Kha nhờ Thủy tư vấn về những ước mơ, những mong muốn của các em trong lớp, trong trường. Thủy bất ngờ và vô cùng vui sướng. Buổi học hôm sau, cô thông báo tin vui ấy với học sinh. Lớp học xôn xao, những cánh tay bé xíu đưa lên thi nhau nói:
- Em ước có một cái áo mới mặc đi học.
- Em thì thích một đôi dép mới.
- Em ước có chiếc cặp mới… Cô Thủy đã kịp ghi những điều ước ấy vào cuốn sổ của mình. Chỉ còn Hòa, con bé vẫn ngồi im lặng. Bước đến bên bàn cô học trò nhỏ ngồi, giọng cô Thủy nhẹ nhàng:
- Hòa, em ước có món quà gì nào? Hòa đứng lên thưa:
- Thưa cô, em để dành điều ước cho các bạn. Em chỉ muốn ngày nào cũng được đi học, được đến trường là vui nhất rồi ạ.
Trong giọng con bé nói ánh lên niềm lạc quan rạng ngời khiến Thủy vô cùng xúc động.
Hôm nay, trong giờ chào cờ, nhiều học sinh của trường đã được nhận những món quà mình mong ước. Hòa được thầy phụ trách đội đọc tên lên nhận quà. Con bé ngạc nhiên khi biết mình được tặng một chiếc xe đạp mới để đi học. Cô giáo Thủy khẽ nói với Hòa rằng, cô sẽ dạy cho Hòa tập đi xe đạp. Con bé bẽn lẽn cười nhìn cô giáo, hai má nó ửng hồng niềm vui sướng.
Cô Thủy đến nhà dạy Hòa tập xe đạp. Thế là từ giờ, có xe đạp, thời gian đến trường của Hòa sẽ được rút ngắn lại. Bất chợt nó nhìn cô giáo Thủy, thắc mắc:
- Cô ơi, vì sao em lại được tặng cả một chiếc xe đạp mới ạ?
- Vì em hiếu học và xứng đáng được nhận món quà này. Cô Thủy vui vẻ nói, nhìn Hòa trìu mến. Hòa nghĩ, nhờ có cô, nó mới được như vậy. Con bé liền chạy vào nhà. Một lúc sau, nó xách ra túi khoai lang đặt vào tay cô giáo:
- Cô ơi, em… em cũng có món quà tặng cô! Nhà em nghèo nên… Đây là những củ khoai ngon nhất em chọn từ luống khoai nội đào ngoài vườn đấy ạ. Nhận món quà từ cô học trò nhỏ đáng yêu mà khóe mắt cô Thủy rơm rớm. Lòng cô thầm nghĩ niềm vui đôi khi đến từ những điều giản dị như thế!
Truyện ngắn của Thu Đình
Truyện ngắn của Thu Đình
(HBĐT) - Sen… Sen! Hình như anh kia mới vào làm bảo vệ ở xí nghiệp may mình thì phải? Mà tao để ý, sao thấy anh ấy lúc nào cũng đeo khẩu trang?
(HBĐT) - Đúng nửa đêm, sau hơn 2 ngày đêm lăn lóc trên chuyến xe giường nằm từ miền Trung, anh đáp xuống bến xe phố huyện. Giờ này, đường vắng hoe hoét. Có chút lành lạnh nên cánh xe ôm cũng đã tản về nhà từ lâu rồi. Nhưng bù lại đèn đường được trang hoàng mới, nhấp nháy rực rỡ nên khiến lòng thêm vui. Đi bộ cũng không phải là vấn đề quá khó đối với anh. Qua khúc ngoặt thị trấn là rẽ về làng rồi.
(HBĐT) - Mỗi mùa xuân sang, Bác Hồ mong mỗi người dân ta đón Tết cổ truyền dân tộc trong mùa xuân vui vẻ và với những ngày đầu năm cần có việc làm thiết thực: Tết trồng cây.
(HBĐT) - Trước Tết Âm lịch, lại có dịp trở lại khu vườn quê nhà. Yên bình và cũng râm ran niềm vui. Phía ngõ xa xa, lũ trẻ đang chơi nhảy dây, trốn tìm. Còn con suối trước hiên nhà, nước trong vắt đang rộn ràng tiếng cười, tiếng nói của các bà, các chị, trong khi bàn tay thì thoăn thoắt nhặt, rửa lá dong... Bên hàng xóm, một giọng nam trung khá hay cất lên bài "Lời tỏ tình của mùa xuân”. Họ đang tập hát chuẩn bị cho đêm diễn văn nghệ cuối năm…
(HBĐT) - Sau chuyến đi Tây Bắc lần này, Hải quyết tâm sẽ tạm biệt chiếc Nikon D5000 cũ kĩ này. Mùa xuân xanh tươi là thế, phải có một chiếc máy ảnh tốt chụp cho xứng tầm. Xe càng chạy nhanh, anh càng thấy sốt ruột. Tết này là Tết thứ mấy mình ăn Tết xa nhà nhỉ? Nhưng không phải như mọi khi là xứ kim chi lạnh lẽo mà ở một vùng Mường ấm áp.