Người em họ ở quê năm nào cứ dịp này lại nhắn tin chúc mừng, rồi đưa lên "phây-búc”, zalo những hình ảnh thật ấn tượng: Những bài báo em từng đọc, từng tâm đắc cắt dán kẹp thành tập, rồi biểu tượng của ngành, những bài báo em từng được đăng trên báo tỉnh khi với tư cách cộng tác viên... Thời buổi mạng xã hội tràn lan; tivi, ra-đi-ô không còn là mối quan tâm số 1... mà vẫn có người nâng niu từng trang báo in thì đó thật là điều đáng quý. Em trải lòng: "Điều kiện đi lại, nắm bắt thông tin của chúng em ở cơ sở không được đa dạng, phong phú như các anh. Được đi nhiều nơi thích anh nhỉ... Tháng 6 đúng là tháng của các anh. Chúc mừng...”
Ừ, tháng 6, những đốm lửa đỏ đã nhạt dần trên những tán cây phượng đầu phố và những cơn mưa mùa hạ ồn ào và bất ngờ xuất hiện thường xuyên mỗi chiều... cũng là lúc biết bao những hồi ức tươi sáng về nghề ùa về. Năm tháng và những gương mặt, trang báo ố vàng cùng thời gian từng được đóng gói, giờ thức dậy... như giãi bày, khơi gợi và cả nhắc nhở về câu chuyện giữ "lửa nghề”. Tháng 6... có thêm anh em, đồng nghiệp nhận "kỷ niệm chương nghề nghiệp, đánh dấu một chặng đường khá dài trong đời người gắn bó với nghiệp báo chí. Nhìn niềm vui, ánh mắt của họ, thấy cả một khung trời ký ức lung linh, nhiều đam mê, khao khát nhưng không thiếu đi những nhọc nhằn, vất vả, thách thức...
Tháng 6... lại muốn nhớ về bài báo đầu tiên được hoàn thành, ngoài công sức cá nhân còn là sự "dụng công” của các bậc cha chú đi trước chỉ dẫn, chia sẻ. Bản thảo đó vẫn còn giữ như một kỷ vật: giấy đen, ố vàng, những dòng chữ đã phai màu mực, chi chít những vết chữa, biên tập bằng mực đỏ... Là những chuyến công tác đầu tiên lên vùng cao Đà Bắc, Mai Châu trên những chiếc xe tải chở ngô, giong riềng lẫn gà đồi, lợn bản địa. Xóc tung người. Hay chuyến đi Lạc Thủy, về đến nhà từ đầu đến chân bạc phếch bụi đường. Hay chuyến đi Lỗ Sơn (Tân Lạc) từ xóm Bin... gần 10 km đường lầy lội, đến nơi người bê bết bùn đất vì mấy bận đường cho "đo ván”.
Một thời giao thông khó khăn là nỗi ám ảnh đeo bám không quên, chứ không phải câu chuyện thu nhập, nhuận bút còn "hẻo”, đời sống anh em khó khăn, đạm bạc. Dẫu vậy vẫn hăm hở lên đường trên chiếc xe máy cà tàng, cũ kỹ; vẫn đêm hôm vừa đập muỗi đốt chân, vừa viết bài. Những tên làng, tên bản gieo vào nỗi nhớ chính là từ anh mắt, tình cảm của người dân dành cho người làm báo địa phương. Bữa cơm trưa muộn mằn vào lúc 14h30' ở xóm Cóc, xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) với các món rau, măng rừng cùng ít sản vật địa phương lại trở thành "đặc sản” của tình người. Những cuộc gặp gỡ bà con vùng Pù Bin, Noong Luông (Mai Châu) thời còn phải đi bộ ngược từ bản Văn vẫn là một kỷ niệm khó phai mờ. Đi cùng họ, mới thấy cán bộ cơ sở huyện, xã thật tâm huyết với cuộc sống của bà con nơi thôn bản. Thời điện thoại di động đang là thứ quý hiếm không dễ có, muốn nắm tình hình đời sống bà con không có cách nào hơn là phải đến cùng họ. Nghề làm báo càng phải gắn bó cùng cơ sở.
Nghề nghiệp cho bản thân những chuyến đi "nhớ đời” không bao giờ quên. Một đồng nghiệp từng đứng lặng người, rưng rưng xúc động khi đến thăm viếng thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang). Hay một đồng nghiệp khác sau chuyến đi cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn - Hà Giang), thăm mũi Cà Mau... đã có những bài viết như "rút ruột”, trải lòng về những vùng đất đặc biệt của đất nước.
Quên sao được. Nhiều đồng nghiệp sau những chuyến tác nghiệp nơi quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), nhà giàn DK1 (Bà Rịa-Vũng Tàu)... thường "lật mở” những kỷ vật để đỡ nhớ đảo, nhớ biển từ những con ốc biển, vòng bách xanh được tặng từ chùa Trường Sa, lá cờ có những con dấu, chữ ký cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hay những bức ảnh, clip về nhà giàn DK1 cùng các gương mặt cán bộ, chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ nơi đây...
Với những người làm nghề, đó là tài sản tinh thần vô giá, theo mãi cùng thời gian và năm tháng. Từ đó, có thêm nghị lực, niềm đam mê cho "ngọn lửa” nghề nghiệp thêm ấm nóng, vững vàng trước khó khăn.
Bùi Huy