Truyện ngắn của Bùi Huy

Tận sẩm tối, Leng mới từ Thượng Lâm xuống dốc về nhà. Mệt rũ người. Toàn dốc và đèo. Treo túi đồ nghề lên tường và nghỉ đúng 2 phút, chị nhìn xung quanh. Mâm cơm đã được dọn sẵn nhưng không tìm thấy ai cả. Bố con nhà nó đi đâu nhỉ? Nhìn ra phía bờ ao thấy chồng đang lúi húi tưới tắm cho cây, còn 2 chị em nó vun gốc cam, chị thở phào nhẹ nhõm. 
Trước khi cả nhà cùng ăn cơm, chị bộc bạch:
- Nay lên cùng bác trưởng xóm đi tuyên truyền về dịch và vận động bà con dọn vệ sinh môi trường, thấy bà con mình có vẻ dửng dưng mà sốt ruột anh ạ. Nhiều nhà bụi rậm, lá cây còn chờm sát cửa sổ, chỉ làm tổ cho muỗi thôi. Tìm hiểu thì biết nhiều hộ chỉ có người già và trẻ con ở nhà, còn các cặp vợ chồng mải đi làm ăn xa...
Chồng chị, người đàn ông mọi khi hay nói hay cười làm rộn ràng căn nhà, nay chỉ ừ hữ. 
- Thế à… Em dạo này hay lên Thượng Lâm nhỉ…
Anh nói mà mắt lơ đãng nhìn ra phía cửa sổ lại gieo vào lòng chị một dấu hỏi. Ô hay… Mà không phải lần này, cả một tháng nay, anh làm đến mười việc cũng chỉ nói một câu. Anh thay đổi là vì lẽ gì? Nhưng câu thứ 2 trong ngày lại khiến chị ngã ngửa:
- Lên đấy… gặp lại họ. Chắc vui nhỉ... Anh đai thêm câu nữa khiến chiếc thìa đang trên tay chị rơi đánh "choang" xuống mâm... Hai đứa trẻ ngạc nhiên nhìn bố mẹ và vội vàng, cắm cúi chan húp nước canh. 
Thế là đã rõ. Chuyện lầm lỳ là có căn nguyên của nó. Nhưng chuyện với Huỳnh ở Thượng Lâm đã là quá khứ xa xôi mất rồi. Ngày đó, cô Leng trẻ trung có làn da trắng hồng và mái tóc dài, dày, gió thổi bay vi vút khiến bao bạn học ở các xóm dưới, làng trên đứng ngồi không yên. Nhưng đó mới là bên ngoài, còn cách ứng xử, lời ăn tiếng nói của cô thì đúng là nhất vùng. Cứ xem cung cách cô bế nựng trẻ con là rõ. Nhiều bác gái tấm tắc: phúc cho nhà ai có con dâu như Leng. Vì thế, việc dò xem cô Leng dành tình cảm cho ai luôn là tâm điểm của các chàng trai cùng trang lứa. Thời áo trắng, chuyện tình cảm đó cũng chỉ thoảng qua như mây khói, tơ trời nhưng lại sâu đậm trong lòng. Ngày chia tay tuổi học trò, chia tay mái trường cùng hàng phượng vĩ bên bờ suối, nhiều người nhìn thấy Leng và Huỳnh ngồi rất lâu nơi con dốc Thở. Qua dốc là lối lên Thượng Lâm ngút ngàn cây xanh với những khúc quanh nao lòng. Còn dưới chân dốc là thôn bản của Leng, ngút ngàn mía và ngô lúa. Huỳnh rủ rỉ: Mình chẳng có điều kiện đi thi đại học, cao đẳng đâu. Còn Leng cố gắng học nghề y để còn chữa bệnh cho mọi người mà... Leng cẩn thận, chu đáo và hay thương người, làm nghề này là hợp đấy. Quà lưu niệm gửi nhau chỉ là cuốn sổ, cây bút máy cùng những dòng đề tặng đậm chất học trò, pha chút sến sẩm mà đám trẻ bây giờ gọi là ngôn tình... Nhưng mà thật lòng. Chỉ thế thôi.
Leng xuống thị xã học trung cấp y. Thời gian đầu còn thư đi thư lại, nhưng khi cô gửi đến 5 lá thư mà không có hồi âm thì cô đã hiểu: sự mặc cảm đôi khi giết chết cả tình yêu, dù trong sáng, đẹp đẽ đến mức nào. Huỳnh đã không đủ kiên nhẫn chờ đợi ngày Leng ra trường, nhất là khi đem điều kiện, cuộc sống 2 người lên bàn cân. Huynh thấy mình lép vế. Chưa kể cuộc sống gia đình có nhiều biến cố... Bố mất sau khi tốt nghiệp THPT 1 năm, gia đình neo người. Các bác, các dì thúc giục... Chưa kể miệng lưỡi thế gian: "Ôi giời, một anh làm ruộng, làm nương tối ngày mà dám "với" cô y sỹ hoa khôi xã, huyện"; "Xuống đó, cái Leng sẽ phải so sánh khi gặp các chàng trai tài cao, học rộng, có điều kiện"... Thế là "bập" vào cuộc sống gia đình khi mới ngoài chớm tuổi 23... Leng cũng buồn và thầm trách sự nông nổi của bạn trai. Cũng nhiều đêm, trong giấc mơ của cô là hình ảnh một chàng trai vạm vỡ, chơi bóng chuyền rất hay, có quả đập dũng mãnh cùng mái tóc đen dày bới, đánh luống ngôi giữa. Và nụ cười hiền hiền (đấy là chi tiết quan trọng khi cô muốn làm bạn cùng Huỳnh). Chỉ thế thôi.
 Mọi chuyện sau này với Leng cũng diễn ra suôn sẻ và êm thuận. Ra trường, lấy chồng (một trong các chàng trai từng theo đuổi Leng trước đấy). Người ấy và xóm Thượng Lâm cũng là một phần trong cuộc đời rồi nên không thể không nghĩ đến. Nhưng chuyện chồng con, công việc cũng đã cuốn hết tâm trí của Leng rồi... Nếu như không có chuyện xảy ra cách đây 1 tháng. Buổi trưa, đang chuẩn bị nghỉ giấc trưa thì có điện thoại. Một cậu bé bị tai nạn tự ngã khi đi xe đạp từ Thượng Lâm xuống. Lớp 5 mà dám đi một mình, liều thế không biết... Chưa biết nguy hiểm đến mức nào nhưng nhìn mặt mày xây xát, chân tay chầy xước, cùng gò má tím bầm của cậu bé, Leng thấy nghèn nghẹn thương cảm như đối với con mình. Chả kịp hỏi con cái nhà ai, mấy chị em ở trạm xúm vào cùng xử lý. Lúc bôi cồn i ốt, chắc xót quá cậu bé khóc toáng lên. Hỏi mãi, mới thốt lên mấy nội dung như: bố mẹ đi làm ăn ở miền Nam, 2 chị em ở với ông bà. Được bố mua cho chiếc xe đạp, sướng quá, dù chưa thạo vẫn thích leo lên để thả dốc, thế mới xảy ra cơ sự. Leng phải gọi điện cho trưởng xóm, nhưng tận tối mịt mới có người đến đón. Còn bữa trưa, cô đèo nó về nhà ăn cơm cùng gia đình. Lúc ăn cơm cô mới biết nó tên Hữu học bán trú trên Thượng Lâm... Một khuôn mặt quen quen... Đến 2 tháng sau nữa, trong lần đi tập huấn trên tỉnh mấy ngày, về nghe chồng nói có gia đình trên núi đến chơi và cám ơn. Hai bố con thằng bé kia đến... Người đó chẳng xa lạ gì, nói theo kiểu cũ đó là "tình địch". Nhưng giờ, Huỳnh đã khác xa... Đi làm ăn xa, vẻ bặm trợn hiện rõ, dám đến tận nhà người yêu cũ chơi đấy...
Có thế mà mặt nặng mày nhẹ với nhau. Chị thở phào khi nghe rõ nguồn cơn. Đêm vắng, chị thủ thỉ:
- Anh phải hiểu, từ năm tốt nghiệp THPT đến nay, em chưa từng gặp lại bạn ấy đâu.
- Nhưng sao chăm thằng bé kia như con thế. Tình xưa, nghĩa cũ. Anh nhấm nhẳng.
- Cháu đó như muôn vàn bệnh nhân khác của em thôi. Đến hôm đó, em còn chẳng kịp hỏi nó là con nhà ai. Ở với em bao năm rồi mà anh còn suy diễn nọ kia...
Nghe tiếng thở dài của Leng, anh chồng dường như cũng thấy lòng đỡ lấn bấn hơn. Cô ấy đâu đáng phải hứng chịu cơn giận vô cớ của mình. Vì công việc bên nội, ngoại, rồi công việc chuyên môn, đến hết xóm nọ, bản kia đã chiếm hết tâm trí rồi. Đến mái tóc dày mượt kia, lỗi mốt mà lâu chưa có dịp tân trang.

 

Các tin khác


Xuân không muộn

(HBĐT) - Đúng nửa đêm, sau hơn 2 ngày đêm lăn lóc trên chuyến xe giường nằm từ miền Trung, anh đáp xuống bến xe phố huyện. Giờ này, đường vắng hoe hoét. Có chút lành lạnh nên cánh xe ôm cũng đã tản về nhà từ lâu rồi. Nhưng bù lại đèn đường được trang hoàng mới, nhấp nháy rực rỡ nên khiến lòng thêm vui. Đi bộ cũng không phải là vấn đề quá khó đối với anh. Qua khúc ngoặt thị trấn là rẽ về làng rồi.

Tết trồng cây nhớ lời Bác dạy

(HBĐT) - Mỗi mùa xuân sang, Bác Hồ mong mỗi người dân ta đón Tết cổ truyền dân tộc trong mùa xuân vui vẻ và với những ngày đầu năm cần có việc làm thiết thực: Tết trồng cây.

Khúc vườn xuân

(HBĐT) - Trước Tết Âm lịch, lại có dịp trở lại khu vườn quê nhà. Yên bình và cũng râm ran niềm vui. Phía ngõ xa xa, lũ trẻ đang chơi nhảy dây, trốn tìm. Còn con suối trước hiên nhà, nước trong vắt đang rộn ràng tiếng cười, tiếng nói của các bà, các chị, trong khi bàn tay thì thoăn thoắt nhặt, rửa lá dong... Bên hàng xóm, một giọng nam trung khá hay cất lên bài "Lời tỏ tình của mùa xuân”. Họ đang tập hát chuẩn bị cho đêm diễn văn nghệ cuối năm…

Nhớ mùa xuân xưa

(HBĐT) - Sau chuyến đi Tây Bắc lần này, Hải quyết tâm sẽ tạm biệt chiếc Nikon D5000 cũ kĩ này. Mùa xuân xanh tươi là thế, phải có một chiếc máy ảnh tốt chụp cho xứng tầm. Xe càng chạy nhanh, anh càng thấy sốt ruột. Tết này là Tết thứ mấy mình ăn Tết xa nhà nhỉ? Nhưng không phải như mọi khi là xứ kim chi lạnh lẽo mà ở một vùng Mường ấm áp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục