Người sống trong lòng Tây Bắc và du khách mỗi khi đến nơi đây có niềm tự hào và hãnh diện bởi một Tây Bắc hùng vĩ, nên thơ và nghĩa tình. Tây Bắc… miền cảm hứng cho bao thi nhân, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh... Thời học trò ai chẳng từng đọc, học truyện Tây Bắc của Tô Hoài, phiêu du cùng con sông Đà qua tùy bút "Sông Đà” của Nguyễn Tuân; liên tưởng và mê say với những ý thơ, địa danh của "Tây Tiến” (Quang Dũng). Một "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, cùng với "Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”. Một Tây Bắc từng đau khổ trong ách cường quyền, thực dân, phong kiến, nay bừng thức trong lòng người một sức sống mới. Tây Bắc giờ là điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch xanh, thân thiện và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Khi xuân sang, hoa mận, hoa mơ, hoa ban giăng mắc vào lòng người những dư vị ngọt ngào không phải nơi nào cũng có được. Vào hè, những homestay đẹp như mơ ẩn mình trong bóng núi, hay tỏa nắng bên hồ từ Hòa Bình qua Sơn La, Điện Biên, Lai Châu…Vẻ đẹp lạ, đặc sắc của đèo Đá Trắng (Hòa Bình), cung đường Mai Châu - Vân Hồ xuyên qua cánh rừng già để đến cao nguyên Mộc Châu xanh - điểm đến hấp dẫn của du lịch Sơn La nói riêng và Tây Bắc hùng vĩ nói chung…
Mang trong mình cảm hứng lịch sử, cảm hứng văn hóa cùng tình yêu Tây Bắc, ai mà không xúc động khi nghe trong sương lãng đãng, đoàn quân cùng đồng ca bài "Hành quân lên Tây Bắc” của nhạc sĩ An Thuyên. Cảnh sắc, không gian núi rừng trùng điệp ngút ngàn, tình người sao hợp tâm trạng bao người: "Đường lên Tây Bắc vút xa mờ/ Đường lên Tây Bắc mây trắng bồng bềnh như mơ… Gặp lại dấu chân cha ông/ Gặp lại chín năm gian khổ/ Những dấu chân mang hình mũi tên, còn đây chỉ hướng chúng ta đi tới. Kìa Điện Biên! Non cao Hoàng Liên! Sáng niềm tin chúng ta hành quân trên đường lên Tây Bắc vút xa mờ/ Trập trùng biên giới chiến thắng thù”… Để rồi những bước chân về Điện Biên được gặp những địa danh làm nức lòng người. Cảm hứng lịch sử khiến ai cũng thấy hừng hực khí thế trong lòng, nhất là được đến những địa danh như đèo Pha Đin "chị gánh anh thồ”, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ gắn với hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng (Điện Biên). Lòng người rưng rưng khi đi dọc các hàng bia mộ thắp nén hương cho những anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1…
Tháng 5 này, chú tôi, hậu duệ của các chiến sĩ Điện Biên không trở lại Điện Biên Phủ vì lý do sức khỏe, nhưng chú cập nhật thường xuyên những bản tin, bài báo về ngày lễ trọng này. Có dịp chú lại ngồi thả hồn mình nhớ về chuyến thăm đồi A1, tượng đài chiến thắng, hầm bắt sống Đờ - Cát năm nào. Chú bảo, mùa nào đi Điện Biên Phủ cũng thú vị, nhưng thích nhất vào tháng 5. Màu hoa phượng đỏ rực rỡ trên miệng hố bom ở đồi A1 như báo hiệu những niềm vui ngày mới, dù câu hát về hoa ban lại ngân lên vang vọng: "Vẫn còn nguyên trong ba lô, chiếc áo trấn thủ/ Vẫn còn nguyên trong trang thơ nhành hoa ban ép vội/ Cho tôi mơ, cho tôi sống những ngày Điện Biên năm xưa/ Cho tôi yêu, cho tôi hát những lời Điện Biên hôm nay...”. Khí thế, tinh thần của chú lan tới hầu hết mọi người xung quanh. Trong câu chuyện của chú có những ân tình đối với những bà mẹ Tây Bắc, những em bé Tây Bắc nói riêng và những người dân Tây Bắc nói chung. Những ngày lịch sử vàng son đó, cả nước đã đoàn kết hòa sức mạnh của mình tại địa danh Tây Bắc, làm nên trận chiến Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đem lại niềm vui, cuộc sống hòa bình: "Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”… Để rồi tiếp đó có ngày Giải phóng Thủ đô, hòa bình lập lại ở miền Bắc… Khúc ca khải hoàn chiến thắng Điện Biên Phủ vang vọng khắp miền đất nước, vang vọng khắp miền Tây Bắc yêu thương, để từ đó mỗi người có thêm nghị lực, sức mạnh cùng sự kiên cường để xây dựng Tây Bắc thêm đẹp giàu.