Tản văn của Bùi Việt Phương
Ở quê tôi, dấu ấn chiến tranh còn để lại là những mái trường chênh vênh sườn đồi. Mùa khô, cỏ héo, trơ đất đỏ quạch. Mùa mưa, cây dại lên xanh len vào tận bậc thềm lớp học. Trường lẫn với rừng, cỏ cây, chim muông lạc vào tận lớp học. Bài giảng của thầy cô dân dã, mộc mạc mà thấm thía từng câu, từng chữ.
Sau lần thăm lại chiến trường xưa, thầy hiệu trưởng đem về giống cây lạ. Thoạt nhìn, lá của nó tựa như cây ổi nhưng cao và thẳng. Lũ học trò lâu nay chỉ quen vào rừng kiếm củi, hái quả, bắt ong; lúc phải trồng trọt thì lấy cây nhọn chọc lỗ, tra ngô để chim muông, gà rừng không đào bới được. Thế nên, giờ đứa nào nhìn cũng thấy lạ, vừa đào hố trồng vừa tò mò háo hức hỏi nhau xem lúc nó ra hoa sẽ ra sao.
Những năm sau đổi mới, từng sự đổi thay của đất nước đều lạ lẫm. Từng chiếc thiếp bán ở hiệu sách nhân dân huyện, tờ báo Hoa học trò, Mực tím bán ở bưu điện huyện… đem đến một làn gió mới với những tâm hồn mười bảy, mười tám tuổi. Có một chiều, trong giờ ôn thi tốt nghiệp môn Toán, mấy đứa bàn trên có vẻ không tập trung. Thầy giáo chủ nhiệm để ý và phát hiện ra một cuốn sổ giấu trong ngăn bàn.
Đó là cuốn sổ ghi chép gáy bọc vải thông thường, nhưng khi thầy mở ra, cơ man nào là hình vẽ bằng bút bi. Chủ nhân của nó còn không quên ghi chú dưới góc trái của các bức hình các bài học: Chị Dậu, Số đỏ, Vợ nhặt… và trang cuối, nơi mực còn mới lắm là bức vẽ hoa bằng lăng. Thầy dương cặp kính lên nhìn thật kĩ rồi cười:
- Hoa bằng lăng nó không thế này đâu em ơi…
Dù cả lớp được một trận cười nhưng cuối giờ hôm ấy, Trà - nàng họa sĩ của lớp - vẫn phải xin tôi một tờ giấy để làm bản kiểm điểm. Đợi Trà viết xong, thầy giáo chủ nhiệm không cần xem mà cất luôn vào cặp và lặng lẽ bước đi.
Lạ nỗi, từ hôm ấy không thấy Trà đến lớp nữa. Nghe bảo, mẹ Trà vừa bị tai nạn. Chiều hôm đó, khi cùng đội công nhân đường bộ vá một đoạn đường hỏng, chợt nhìn thấy một cây bút ai đánh rơi lấp lóa trong ánh đèn xe, bà quyết định quay lại nhặt cho con. Bà biết Trà thích vẽ, có bút có giấy là vẽ dù trên vỏ bao xi măng hay bao tải. Dù lái xe đã phát hiện ra và phanh cháy lốp nhưng cú va chạm không hề nhẹ. Mẹ nằm viện, Trà bỏ học đi bán hàng kiếm tiền chạy chữa…
Chúng tôi mải miết ôn thi tốt nghiệp rồi ra trường. Đứa nào học tốt mấy nữa sẽ xuống Hà Nội và các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc thi đại học. Tụi học vừa vừa sẽ về thị xã học trung cấp, cao đẳng. Những đứa kém hơn về nhà tiếp tục sản xuất. Thế nên, bữa liên hoan chia tay dù chỉ với bánh kẹo, vài chai bia nhưng thật cảm động vì từ mai mỗi người sẽ có một ngả rẽ, một thân phận để mãi mãi không thể tìm lại được ngày hôm nay. Thầy hiệu trưởng đến muộn, tay cầm theo chiếc cặp da cũ quen thuộc. Nghe thầy chủ nhiệm nói, chúng tôi biết từ năm học tới thầy hiệu trưởng sẽ nghỉ hưu. Cả lớp tôi đều im lặng không ai nói được gì. Thầy hiệu trưởng lấy từ trong cặp ra một tờ giấy rồi đưa cho lớp trưởng. Lớp trưởng đọc xong chuyền tay cho mọi người, ai xem xong cũng rơm rớm nước mắt. Đến khi tôi được cầm trên tay thì hóa ra đó là bản kiểm điểm của Trà. Từng con chữ của Trà bị nước mắt của các bạn làm nhòe đi như màu tím bằng lăng. Có lẽ lúc đó chính bạn ấy cũng viết trong sự nghẹn ngào: "Em biết mình không thể theo học được lâu nên sau mỗi bài giảng văn, em lại cố gắng vẽ những ước mơ. Em chỉ muốn để lại cuốn sổ này trong thư viện cho các em khóa sau khi xem sẽ hiểu bài hơn. Em không biết bao giờ bằng lăng nở, nên em cố hình dung ra mà vẽ. Nhưng em đâu biết đó là việc làm chưa đúng của một học sinh”.
Năm tháng qua đi, tôi cũng phải xa mái trường rồi phiêu bạt về một thành phố ven biển sinh sống. Kí ức như một thứ đồ bị thời gian vùi lấp, vẫn biết sẽ phải lục tìm lúc nào, bao giờ thì tôi luôn lần khất mãi bởi những kế hoạch trong cuộc sống.
Một ngày, khi lên mạng xã hội, đập vào mắt tôi là hàng bằng lăng hoa tím ở sân trường nào đó. Tôi định lướt qua thì chợt nhìn thấy tên fanpage của ngôi trường xưa. Cẩn thận hơn, tôi in box (nhắn tin) hỏi lại. Sau một hồi trao đổi, page admin (quản trị viên trang) nhận ra tôi là người bạn cùng lớp.
- Bằng lăng năm ấy đấy cậu, về trường đi, tóc chúng mình điểm bạc cả rồi…
- Bạn tên là gì nhỉ? - Tôi hỏi lại
- Mình là Trà đây. Mình đã nỗ lực để trở về làm giáo viên của trường.
Và, tôi đã trở về, dưới sân trường xưa, những lớp học, ghế đá, cổng trường đã khác xưa, chỉ còn hàng bằng lăng được chúng tôi trồng vẫn xanh tươi như tuổi hoa niên…