Màu mây mùa hạ xanh ngời, tiếng ve ran trên vòm lá biếc và những bông hoa phượng, cánh bằng lăng tô điểm rợp đỏ, tím phố cũ, đường xưa... Biết bao hoài niệm vang vọng trong lòng. Câu thơ của thi sĩ nào da diết ngân rung, lay động: Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ/ Vô tư quá để bây giờ xao xuyến/ Bèo lục bình mênh mang màu mực tím/ Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông/ Ta lớn lên bối rối một sắc hồng/ Phượng cứ nở hoài hoài như đếm tuổi...
Xuống phố, thấy những màu áo học trò lớp cuối cấp tung tăng, ríu ran cho buổi chụp ảnh kỷ yếu, buổi tri ân trước ngày ra trường mà thấy nao nao trong lòng. Từng nhóm, từng nhóm, gom những nhành phượng làm "đạo cụ” chụp những bức ảnh kỷ niệm… Đời người ai mà chẳng đi qua cánh cổng nhiều hoa mộng ấy... Một đi không trở lại, nhưng lại neo lại trong lòng những dư vị ngọt ngào khó quên. Mỗi màu hoa cháy đỏ rực bất tận nơi góc phố, hay màu tím bằng lăng dịu nhẹ, man mác đều đánh thức những kỷ niệm tốt lành trong lòng mỗi người.
Cậu bạn thân hay nhớ về mối tình học trò năm nào, dù chỉ là chút mộng mơ thoáng qua; người bạn gái cũ thích đọc những câu thơ hoài niệm của các thi nhân kiểu như: "Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu”, hay "Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế/ Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi”… Cây ghi-ta cũ năm nào treo trên tường đã bợt bạt bởi màu thời gian, đánh thức lại buổi học cuối cùng, ai đó tỉa tót bài "Nỗi buồn hoa phượng” khiến nhiều bạn nữ rưng rưng rơi lệ. Tất nhiên, việc đó chỉ có một nhóm thực hiện (vì giấu cô giáo). Những trò tinh nghịch mà chỉ lũ học trò mới nghĩ ra như giấu quần áo nhau lần đi tắm sông, những bức thư gửi bạn gái "lạc” địa chỉ, những giận hờn vu vơ của các bạn gái...
Thời đó, ai cũng đều khó khăn. Từ chuyện ăn uống, trang phục rồi điều kiện sách vở, tài liệu đều thiếu thốn. Cậu bạn chỉ có 2 chiếc áo đi học suốt mấy năm cấp 3; đi bộ ròng rã 7 km đường đồi rừng mỗi ngày để đến trường. Ước mơ lớn nhất thời điểm đó là có chiếc xe đạp dù không có chắn bùn, chắn xích để đi học… mà không thành công. Trang lưu bút cũ cũng đâu có những tờ giấy mịn màng, trắng muốt như bây giờ. Trang giấy ngày càng ố vàng, xỉn màu nhưng lại càng "tươi” hơn trong lòng mỗi khi lật giở…
Dần theo thời gian, ai cũng lớn lên về nhiều mặt, vào đời, làm nghề bằng những tâm huyết, nhiệt tình nhất. Dù không phải ai cũng đều thành công như nguyện ước nhưng đều không có điều gì để hổ thẹn với lòng mình, bạn bè và thầy cô. Giờ lên nhóm zalo của lớp, bạn luôn nhắc đến những ngày xưa cũ như nhắc nhở về một thời trong sáng, tinh khôi nhất và cũng để trân trọng cuộc sống hôm nay. Bức ảnh đen trắng cũ chụp ngày ra trường như một "báu vật” dù hậu cảnh là ngôi nhà tranh vách đất. Những người bạn chân chất, vô tư và tử tế cùng những người thầy, cô đáng kính. Ngôi trường cũ chỉ còn trong ký ức nhưng đáng nhớ vô cùng. Ngày nay, ngôi trường mới khang trang, hiện đại hơn, dù những cây bàng, cây phượng hồi đó đã được chuyển đến vị trí khác. Nhìn các bạn trẻ mỗi ngày đến trường bằng khí thế mới mà mừng. Thấy ở đó có sự tự tin, niềm vui và những khát vọng mới…
Không ai có thể sống mãi bằng ký ức và quá khứ. Nhưng liệu ai có thể sống hạnh phúc trong hiện tại và đi tới tương lai mà không bằng "nhịp cầu” xưa cũ của ngày ấy? Chiều nay, ai đó xuống phố đạp xe? Không phải nhóm thiếu nữ lớp 12 mà là một nhóm bạn học cũ, đứng tuổi hẹn gặp nhau sau nhiều năm xa trường cũ. Chẳng hẹn mà gặp, chẳng phải làm đỏm hay cố ý, nhiều giỏ xe "trung niên” đỏ rực những cành phượng vĩ tháng 5 nhiều hoài niệm. Dù tuổi nào đi chăng nữa, mỗi khi vào những thời khắc đặc biệt của đời người, thời học sinh áo trắng vẫn luôn là miền nhớ sâu thẳm, đáng trân trọng của đời người. Mọi người lại hồn nhiên trở về thuở hoa niên nhiều mơ mộng ấy, dẫu tiếng nói, tiếng hát, tiếng cười không còn trong trẻo nhưng ẩn chứa trong đó vẫn tinh khôi tình bạn trong sáng, không thể nào quên…
Bùi Huy