Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
Tôi tập mãi mà chưa viết đẹp được như chữ của bác cả. Tôi học kiểu chữ viết ấy từ lá thư của bác.
Gọi là thư nhưng nó chỉ vỏn vẹn nửa trang giấy học trò, phần chính giữa lại bị mối xông, chỉ còn hai bên như cánh chim bồ câu đang chấp chới bay. Chút bút tích ấy là tất cả những gì còn lại một đời người.
Tôi lớn lên đã thấy hình ảnh bác trên bàn thờ. Quê tôi nghèo lại xa thị trấn, người dân cũng chưa bao giờ dám bỏ cả tạ ngô để đổi lấy một bức hình. Lúc bác mất, ông tôi về tận Bờ Hồ (Hà Nội) lang thang cả ngày trời mới gặp được người họa sĩ già. Ông già miền núi kể đến đâu, ông nghệ sĩ Hà Thành vẽ đến đó. Họ như hai người bạn thân từ lâu lắm rồi cũng nên. Vẽ xong, ông tôi sờ khắp các túi nhưng chả có đồng tiền nào, đến cả gói thuốc quý cũng không. Đi bộ, ăn cơm nắm, uống nước suối xuống thì lấy đâu ra tiền nhưng cha của liệt sĩ không thể cầm không về được. Sau cùng, hai ông già cũng nghĩ ra một cách trả công: Ông tôi dạy cho ông họa sĩ một điệu hát cổ, cổ đến mức chả biết có từ thời nảo thời nào.
Bức vẽ chì đã được đặt cạnh hộp gỗ dổi bên trong có lá thư của bác. Người đã xa xôi lắm mà lại gần như vẫn về dưới mái tranh này. Mỗi năm, trước ngày giỗ bác, ông nội lại bắc cái ghế cao lên bàn thờ để tôi bước lên mở chiếc hộp ra, run run nâng lá thư của bác lên và gắng sức đọc. Giấy ngày một ố, mực thêm mờ, nét chữ viết vội trong chiến trường như ký hiệu mờ ảo, chữ được chữ mất, nào là những "bưa bằng”, "thung”, "Khụ Mụ”… rồi các chữ cái E, D, C, các ký hiệu viết tắt mà tôi không thể nào hiểu nổi. Ở cuối trang bác viết: "Kính thư, ngày 26…/1971”. Một năm có đến 12 tháng có ngày 26 nhưng nhà tôi chọn tháng 7 để giỗ bác. Kỷ vật còn lại là chiếc bút máy, chiếc bi đông nước và gọng kính cong vênh, mắt kính một bên đã vỡ. Tôi chụp lại tất cả lưu trong điện thoại để những lần đi công tác xa vào ngày giỗ bác có thể đem ra ngắm.
Hè năm ấy tôi bận đi công tác miền núi. Kết thúc chương trình làm việc sáng, chúng tôi ghé thăm một khu tưởng niệm. Sau khi dâng hương, một chị lao công tiến đến gần nhìn tôi thân thiện:
- Nhìn cậu như cán bộ lên xây dựng miền núi.
Tôi đang nghiêm túc nhưng không giấu được nụ cười bởi chị ví tôi với lớp cán bộ gần 70 năm trước. Chị bảo tôi giống một người lắm mà chưa nhớ ra là ai, nhưng theo lời chị, tôi biết có một nghĩa trang liệt sĩ nhỏ phía cuối thị trấn. Thế là tôi "quay xe” không ra khu săn mây nữa mà quyết định leo đồi, dâng mấy bông hoa tươi như một chút lòng thành.
Cũng đã là đầu tháng 7, mưa và trầm lắng một chút ký ức. Những hàng bia "chưa xác định được thông tin” khiến tim tôi nhói buốt. Kháng chiến bảo vệ Tổ quốc là cuộc chiến khốc liệt, từng tấc đất được giành lại bằng xương máu bao thế hệ. Thời nào cũng có những người ngã xuống mà dân tộc chưa kịp biết tên. Tôi cầm bó hương thắp cho từng ngôi mộ như một người cháu cúi đầu trước thế hệ các ông. Nhưng bất chợt, trước mặt tôi là một tấm bia, cái tên hiện ra rõ nét khắc mà mắt tôi mờ đi: "Liệt sĩ Đinh Xuân Thiên”. Người ấy có ngày tháng năm sinh đúng như của bác tôi, nhưng ngày hy sinh là đầu năm 1972. Cả ngàn vạn liệt sĩ sao tránh khỏi trùng hợp. Tôi dừng lại, dù biết rằng không phải nhưng vẫn cúi đầu khấn. Chị lao công đợi tôi khấn xong mới bảo:
- Cụ ấy hy sinh cùng dân quân xã tôi đấy.
- Sao bộ đội chính quy lại hy sinh cùng dân quân vậy chị?
- À, tôi nghe kể lần đấy chú bộ đội bị thương, lạc đơn vị rồi tìm về bản sau lần chạm mặt với toán phỉ. Chú được dân bản chữa trị vết thương nhưng lại không nhớ phiên hiệu. Cứ thế chú ở đây với thông tin duy nhất là cái tên và một thông tin mơ hồ: "Người ở dốc Bôi”.
Tôi chào từ biệt những người bạn mới quen rồi ra về. Mưa lắc rắc trên kính xe, một nỗi niềm khó tả. Đúng lúc xe qua dốc Mỏ, đoạn dốc cao và thắt lại có một chú bê nằm chắn lối đi, còi xe inh ỏi chú vẫn nằm nguyên đó. Tôi mở cửa xe bước xuống xoa đầu chú bê con thì vừa lúc một bà cụ đi đến. Nhìn cụ đầu bạc nhưng da vẫn đỏ, đôi mắt hiền từ. Cụ bà đẹp lão nhìn thấy tôi bỗng sững người:
- Phà ơi (trời ơi) giống cán bộ Thiên ngày xưa quá…
Nói xong cụ lau nước mắt. Tôi theo chân cụ về nhà, cụ biết ít tiếng phổ thông nhưng có cả một chiếc hòm gỗ xoan đầy ắp kỷ niệm. Nào là chiếc mũ cối, đôi dép cao su, ba lô và những lá thư bác tôi chưa kịp gửi.
Đó là ngày đầu hạ năm 1972 chứ không phải một ngày 26 nào đó như gia đình tôi vẫn tưởng. Hóa ra, bác tôi còn sống và chiến đấu cùng dân quân ở đây mấy tháng sau mới anh dũng hy sinh.
Ông Lâm, người đồng đội cũ run run nâng từng món kỷ vật của bác tôi lên tay, đặt lên bàn thờ bác:
- Hóa ra Thiên không hy sinh trong trận bom đó, hóa ra Thiên không còn nhớ đơn vị, nhớ mình là ai nhưng vẫn đánh giặc, đánh giặc trong màu áo chàm của bản cho đến khi hy sinh…
Chúng tôi cùng lặng đi, giờ thì bức thư dang dở ấy không còn là một ẩn số với những người ở hậu phương. Bác Thiên đã anh dũng như thế đó…
Mặc dù chẳng có bằng cấp gì nhưng nhờ có "vía” của phụ vương nên chàng tiều phu được đặc cách làm hiệu trưởng một trường TH&THCS bán trú ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.
Trà pha xong rồi đây! Chú ngồi chờ chút tôi gọi chú Nam. Các cụ dạy rồi "Chè tam, rượu tứ” mới ngon. Vâng bác! Chỗ này thoáng đãng ngồi thưởng trà, ngắm người lại qua vui mắt bác nhỉ!
Trước khi lên tàu tham gia chuyến công tác ở đảo X, chị nhận được 2 tin nhắn thật dài của Huân, người chiến sĩ chị từng quen qua chuyến công tác cách đây 8 năm và của anh Vy, trưởng một ban của tờ báo nơi chị công tác. Chị khẽ mỉm cười, lòng vui lạ khi đọc tin nhắn của Huân: "Mỗi khi có tin đoàn chuẩn bị ra đảo, em luôn nghĩ là có chị. Chuyến đầu năm nay chị có đi chứ?”. Thôi, không nhắn trước, cứ để gặp cho có cao trào. Chị bật tin nhắn của anh trưởng ban. Có gì mà quan trọng hóa thế? Vẫn là câu chuyện cũ…
Tản văn của Đức Dũng
Có ai đó quan sát, chiêm ngưỡng và chiêm nghiệm, rằng mùa phượng cháy là mùa thi của học trò cuối cấp phổ thông? Người đó nói đúng. Khi những chùm búp xanh non của phượng dần nhú ra thì tâm trạng của những sĩ tử tương lai hồi hộp, vừa lo lắng bận rộn ôn bài, vừa bâng khuâng buồn nhớ, chuẩn bị giã từ trường lớp thân quen, bỏ lại phía sau quãng đời hồn nhiên, thần tiên nhất không bao giờ trở lại.
Người em họ ở quê năm nào cứ dịp này lại nhắn tin chúc mừng, rồi đưa lên "phây-búc”, zalo những hình ảnh thật ấn tượng: Những bài báo em từng đọc, từng tâm đắc cắt dán kẹp thành tập, rồi biểu tượng của ngành, những bài báo em từng được đăng trên báo tỉnh khi với tư cách cộng tác viên... Thời buổi mạng xã hội tràn lan; tivi, ra-đi-ô không còn là mối quan tâm số 1... mà vẫn có người nâng niu từng trang báo in thì đó thật là điều đáng quý. Em trải lòng: "Điều kiện đi lại, nắm bắt thông tin của chúng em ở cơ sở không được đa dạng, phong phú như các anh. Được đi nhiều nơi thích anh nhỉ... Tháng 6 đúng là tháng của các anh. Chúc mừng...”