Bản tin thời sự của chương trình truyền thanh huyện vừa kết thúc được ít phút thì ông Tống về đến nhà. Bước lên thềm, ông chững lại bởi tiếng của vợ: "Cái ông Dũng chả ra gì. Là bạn vào sinh ra tử với bố vậy mà ông ấy đã cho phát trên đài vụ tiêu cực ở Công ty Hùng Phát. Cả cái huyện này ai mà chả biết ông ấy ngoi lên được chức trưởng đài truyền thanh là nhờ ai. Rõ là vuốt mặt không biết nể mũi! Bây giờ An đưa mẹ sang bác Đông tao thưa câu chuyện”.
Ông Tống vội bước vào đặt ba lô xuống ghế rồi bảo vợ không nên ầm ĩ như thế. Điều ấy không làm bà Nhiễu nguôi nỗi tức giận:
- Ông không về mà xem bạn chí cốt vừa cho ông lên đài. Ỉm đi mấy cái chuyện tổ chức ăn uống ở công ty có khó khăn gì lắm đâu. Từ cái bản tin ấy họ suy ra là giám đốc bỏ bễ công ty vì bận lăng nhăng bồ bịch. Máu "hoạn thư” khiến bà run rẩy: Chuyện ấy có hay không? Trời ơi sao tôi lại khổ như thế này!
Ông Tống bị đẩy vào tình thế bất ngờ: Tôi xin bà đấy! Trong lúc như thế này mình phải hết sức bình tĩnh. Bà làm ầm ĩ lên phỏng có ích gì?
Bà Nhiễu được đà càng làm mình làm mẩy: Nếu ông còn ngoan cố thì tôi không để yên chuyện này. Kể cả ông có vào tù thì tôi cũng mặc kệ. Nói thế rồi bà nằm vật ra, hai chân nện uỳnh uỵch xuống nền nhà. Thủy từ dưới bếp chạy lên năn nỉ:
- Con xin mẹ hãy bình tĩnh để cùng bàn bạc. Bố con vừa đi đường xa về. Chuyện đưa tin trên đài con cũng đã nghe rồi. Họ nói như thế là đúng mức chứ có gì ghê gớm lắm đâu. Chẳng qua là bố con quá tin tưởng cấp dưới nên mới xảy ra sai sót.
- Tin với chả tưởng. Có mà vì cái đứa con gái kia thì có. Bà Nhiễu mỉa mai.
Biết là mẹ rất khó chịu với chuyện bố đi biền biệt. Lại thêm nhiều kẻ rỗi hơi thêu dệt nên bà mới ghen bóng ghen gió như thế. Bây giờ giải thích khác nào thêm dầu vào lửa, Thủy lảng sang chuyện khác: À mẹ ơi, sáng nay con đi họp phụ huynh, kết quả thi học kỳ của cháu Sơn có cả điểm dưới trung bình. Con lo quá mẹ ạ!
Không thấy mẹ chồng trả lời Thủy đành im lặng. Bất giác cô nghĩ đến chồng. Giá như lúc này có anh ở nhà thì hay biết mấy. Từ ngày về làm dâu cô thấy mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều do một tay anh định liệu. Từ nãy ông Tống vẫn ngồi như cái bóng trên tràng kỷ để tự trách mình và tìm cách gỡ rối vụ việc...
Có tiếng xe máy vào sân. Thủy ngó ra rồi reo lên:
- Ôi bác Đông! Bác về bao giờ đấy ạ?
- Bác vừa về là sang đây luôn. Cho bác xin bữa cơm nhé!
- Hì hì! Bác cứ hay trêu cháu.
Thoáng chút lúng túng rồi vợ chồng ông Tống cũng lấy lại được tự nhiên, cử chỉ của họ đã không giấu nổi ông Đông:
- Cô chú đang có chuyện gì à? Công ty Hùng Phát vừa được lên đài phải không?
Như chỉ đợi có thế, bà Nhiễu "nổ” luôn: Cái loa ngoài đầu ngõ rót thẳng vào tai, không nghe không được. Nó chỉ trích nhà em là năng lực yếu kém, buông lỏng quản lý. Bác bảo thế có phải là cái lão Dũng nó tồi không? Anh em sống chết có nhau ngoài chiến trường. Dạo biên giới Tây Nam không có nhà em liệu lão ta còn có ngày hôm nay, cạn tàu ráo máng quá, lại còn coi thường cả bác.
Ông Đông nhấp một ngụm nước rồi bảo:
- Đúng là hắn tệ thật. Đến nước này thì tôi phải lên tiếng thôi. Ngày mai tôi sẽ tìm hiểu thêm ở Ban Tuyên giáo.
Thủy đang rót nước vào phích thấy thế liền tham gia: Theo cháu họ đưa tin như vậy là đúng mực, không có gì sai đâu ạ. Mẹ cháu chưa hiểu rõ nên mới bất bình như thế.
Ông Đông nhíu đôi mày sâu róm vốn khum khum như hai cái dấu "ớ” thành một đường thẳng trên trán mà phán xét: Thế hệ trẻ các cháu bây giờ nhận thức nhanh nhạy là tốt. Có thể điều cháu vừa nói là đúng nhưng tuyệt đối không được suy luận bừa bãi mà vô tình chống lại người nhà mình.
Nghe hai bác cháu nói bà Nhiễu ớ người: Trời ơi! Rõ là nuôi ong tay áo. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao ngày nào chị cũng khen cái đài truyền thanh đưa tin kịp thời, chính xác.
Chuyện nọ xọ chuyện kia làm Thủy òa khóc. Cổ họng cô tắc nghẹn, định thanh minh mà không thể nào. Tủi thân quá cô chạy vào buồng tấm tức một mình rồi tìm điện thoại gọi cho chồng. Cho dù rất bối rối nhưng ông Tống vẫn tỉnh táo:
- Anh ạ! Em nghĩ cháu Thủy nói đúng. Là người trong cuộc em biết. Tay Dũng có ghét bỏ gì em đâu, chẳng qua là…
Không cần nghe hết lời em rể, ông Đông gắt:
- Ngay đến cả chú cũng nghĩ thế thì tôi chịu rồi, nhưng kiểu gì cũng phải làm rõ chuyện này cho cậu Dũng biết trật tự trên dưới.
- Ấy chết! Bác đừng làm thế. Em lo lắm! Không khéo người ta đánh giá mình bênh nhau. Còn uy tín để bác làm việc nữa chứ!
- Lo lo cái gì, hay là chú đã làm điều khuất tất?
- Dám làm, dám chịu! Bác hãy bình tĩnh nghe em nói hết đã. Tay Dũng cũng chỉ làm theo chức trách...
- Chú vẫn không chịu bỏ cái thói bảo thủ. Đã vậy thì tôi mặc kệ. Quay sang phía bà Nhiễu ông tiếp: Tôi về đây, cô cũng chả phải nghĩ làm gì cho mệt xác!
Hơn 10 giờ đêm Thuần mới về đến nhà. Thấy vợ còn đang ngồi bên bàn học của con để ghi chép gì đó, anh hỏi cô kể lại đầu đuôi câu chuyện. Thuần khẳng định là trước khi trả phép anh đã bàn với bố để giải quyết xong xuôi cả rồi thì Thủy bảo: "Vâng! Nhưng chiều hôm qua đài truyền thanh lại đưa tin nên mẹ mới làm ầm ĩ lên, thêm cả bác Đông nữa, bênh em gái mà”.
Nói rồi hai vợ chồng vội vàng dắt xe đi.
Bính boong! Bính boong... Nhìn qua khe sen hoa cổng sắt, ông Đông buột miệng "Ai như anh Thuần?”.
- Vâng ạ! Cháu chào bác! Đêm hôm thế này thật không tiện nhưng sợ mai bác về trên huyện sớm.
- Không sao! Hai cháu vào nhà đi! Công việc trên đơn vị ổn cả chứ?
- Cảm ơn bác hỏi thăm! Cháu lúc nào cũng phấn đấu từ tốt trở lên bác ạ!
- Không được chủ quan! Hãy trông gương bố anh đấy.
Chớp đúng cơ hội, Thuần trình bày luôn: Dạ thưa bác, chúng cháu đến vào giờ này cũng vì chuyện đó đấy ạ!
Câu chuyện của 3 bác cháu diễn ra khá gay gắt. Ông Đông khăng khăng bảo vệ quan điểm không để thanh danh họ Trịnh bị bôi nhọ. Giữa lúc ấy có tiếng điện thoại reo. Ông Đông giơ tay ra hiệu im lặng: "Tay Dũng gọi, các cháu cùng nghe nhé!”. Tiếng bên kia đầu dây: "A lô! Anh Đông ạ! Thưa anh sáng qua em điện thoại xin ý kiến về vụ việc ở Công ty Hùng Phát nhưng anh không nghe máy. Sau đó em trao đổi với Tống thì cậu ấy bảo ông cứ cho phát theo kết luận thanh tra để dư luận hiểu rõ vụ việc…”.
- Vậy à! Có chuyện Tống chủ động bàn với cậu à. Thế thì tốt rồi.
Tắt điện thoại xong giọng ông vui vẻ phấn chấn hẳn lên:
- Vậy là đã rõ! Bố các cháu xử lý như thế là phải, bác đã mắng oan rồi. Nhưng còn mẹ cháu làm sao để bà ấy hiểu rõ ngọn nguồn câu chuyện mới là khó!
- Không khó đâu ạ! Chỉ cần bác nói bố cháu không có gì với cô thủ quỹ là xong ạ. Bác quên mình là thần tượng của mẹ cháu à?
Cả 3 cùng cười bước ra cổng. Tiễn khách trong tâm trạng vừa được giải tỏa, ông Đông vỗ vai Thuần: "Cái thằng nhớ đến là dai. Đúng! Bác là thần tượng số một của mẹ cháu. Cảm ơn hai vợ chồng! Vụ này không có hai đứa là bác mắc sai lầm đấy.