(HBĐT) - Sau khi bán hết gánh rau cho mấy bà buôn ngoài chợ, trở về nhà đã 8h sáng, chị Lan thấy cô con gái vẫn chưa đi học. Chị hỏi Ly (cô con gái lớn đang học năm cuối trường Cao đẳng sư phạm Hoà Bình).
- Hôm nay con không đi học à?
Ly phụng phịu:
- Con dậy hơi muộn nên đi vội vàng vượt đèn đỏ không ngờ bị công an túm rồi mẹ ạ. Họ giữ xe, lập biên bản hẹn ngày ra kho bạc nộp tiền phạt. Xót của, lại giận con, chị Lan bực mình:
- Mẹ nhắc con bao nhiêu lần rồi, đã ngồi trên xe máy phải nhớ đội mũ bảo hiểm, qua đèn xanh, đèn đỏ dù có vội đến đâu cũng phải tuân thủ luật lệ giao thông. Con thấy chưa, thiệt cả đôi đường, vừa mất tiền phạt lại phải nghỉ học. 200.000 đồng tiền phạt bằng cả luống rau của mẹ chăm bẵm bao nhiêu ngày mới được. Mẹ chẳng được học hành nhiều nhưng mấy lần đi họp tổ dân phố, nghe mấy chú công an tuyên truyền giải thích Luật Giao thông mẹ cũng phần nào nhớ được. Còn con là thanh niên, lại là sinh viên chắc con hiểu sâu hơn mẹ. Tôn trọng luật lệ giao thông cũng là nét đẹp văn hoá đấy con ạ.
Cơn giận chưa nguôi ngoai nhưng nhìn cô con gái âu sầu thế kia chị không đành lòng. Thương con, chị nhặt nhạnh số tiền tích cóp mấy ngày đi chợ rồi đưa cho Ly và bảo:
- Thôi tiền cũng đã mất rồi, con cầm số tiền này ra Phòng Cảnh sát giao thông ký biên bản rồi nộp tiền phạt, lấy xe về. Còn bây giờ, con dùng tạm chiếc xe đạp của mẹ mà đi học, sắp thi tốt nghiệp rồi nghỉ học không được. Con ghi nhớ bài học hôm nay mà thực hiện tốt luật giao thông đấy nhé, làm gương cho mọi người cùng theo.
Ly xin lỗi mẹ vội đến trường bằng chiếc xe đạp cũ mà mẹ hàng ngày nhọc nhằn chở rau đi chợ. Trên con đường tới trường, mặc dù tiết trời đang rét đậm nhưng trán Ly lấm tấm mồ hôi. Ly thấm thía những điều mẹ dạy bảo, thầm nhắc mình phải có ý thức khi tham gia giao thông.
Ngọc Anh
(HBĐT) - Bác X. ở phố nọ, vốn nổi tiếng là người cứng rắn và hay chuyện, thế mà vừa rồi bác vừa kể vừa rơi nước mắt về một câu chuyện mới lạ chứ. Hớt hải từ đầu ngõ ra cuối ngõ, bác tạt vào nhà bạn chí cốt, sau mấy tin nhắn, vài phút sau đám bạn già đã có mặt khá đông đủ. Rồi câu chuyện được kể. Mà vấn đề chính là chưa kể bác đã rơi nước mắt?!
(HBĐT) - Sau những bê bối từ vụ “xã hội hóa giáo dục” bị buộc thôi việc, bỏ về vùng rừng xanh, núi đỏ kiếm kế sinh nhai bằng nghề đốn cây, săn thú, cuộc sống gia đình Thạch Sanh trở nên khốn đốn vì lâm luật ngày càng xiết chặt.
(HBĐT) - 5 giờ 30 phút sáng nay, bác H ở dãy phố nọ đã lọ mọ dậy đi tập thể dục. Khiếp, ê ẩm cả người, ê ẩm cả tai. Đêm qua, con bé nhà hàng xóm, đang tuổi “teen” sinh nhật, đông khách quá, cứ nườm nượp quà, hoa, đủ các thành phần.
(HBĐT) - Một sáng chủ nhật của một ngày giữa tháng 11, Hòa theo ông nội đi phố. Đang đi trên hè phố, phố ngày chủ nhật trời nắng nhẹ, người đông đúc. Hòa đang chăm chú ở quầy háng bán đồ lưu niệm và có ý định chọn mua một thứ làm quà tặng cô giáo chủ nhiệm nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
(HBĐT) - Đi học về, bé Ly nhắc mẹ: - Tối nay họp phụ huynh mẹ ạ. Cô dặn khi bố mẹ đi họp nhớ mang theo khoảng gần 2 triệu đồng để đóng góp các khoản. Chị Liên đang chuẩn bị bữa cơm chiều dừng tay hỏi lại con gái: - Con có nghe nhầm không? Làm gì mà đóng góp nhiều tiền thế. Mất đứt tháng lương của mẹ rồi.
(HBĐT) - Chẳng biết lấy thông tin từ đâu mà đám cán bộ, công nhân viên công ty X. cứ xì xào to nhỏ từ lúc ăn phở sáng đến bữa chiều nhậu bia hơi, mực nướng. Cụ B. về đợt này à, về trước tuổi à?. ông B. thì chẳng biết gì nhưng lạ quá, đến chỗ nào, chỗ ấy im bặt, mọi người đánh trống lảng. Anh nọ, mọi khi mới nghe cụ hắt hơi một cái cũng lọ mọ mang lọ dầu tha tận Thẩm Quyến - China mời cụ dùng cho khỏi ốm. Nay hờ hững: Nghỉ thế, giờ ai thay cụ nhỉ, còn mấy năm nữa sao chẳng cố? Cô Z. mới ra trường nhưng biết cả ngày giỗ cụ ông, cụ bà của giám đốc cộng với 5 bữa sinh nhật của tiểu gia đình giám đốc.