Hà Thị Minh Huệ vượt qua khó khăn truyền đạt kiến thức cho các em học sinh.
(HBĐT) - Cuộc sống của cô Hà Thị Minh Huệ, tổ 25, phường Tân Thịnh (TPHB) là một câu chuyện đầy xúc động về nghị lực vượt lên số phận, không khuất phục bệnh tật, hoàn cảnh éo le theo đuổi ước mơ truyền đạt kiến thức cho học sinh thân yêu, nỗ lực cống hiến cho cuộc đời thêm tươi đẹp.
Huệ sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo. Bố mất sớm, nhà chỉ có 3 mẹ con. Người anh trai cưới vợ, gửi con ở lại, đi làm công trường ở xa. Nhà nghèo nên Huệ chỉ dám mơ học ngành sư phạm. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chị thi đỗ trường Cao đẳng sư phạm Hòa Bình. Đang học năm thứ 2, ngành hóa - sinh, tai ương bất ngờ ập xuống cuộc đời Huệ. Hôm ấy đang dọn đồ trên gác xép, Huệ trượt chân rơi từ cầu thang xuống đất rồi ngất lịm. Cú ngã quái ác làm xương đĩa đệm của chị gẫy vụn, thành ra liệt cả người. Mẹ dồn tiền, vay mượn chạy chữa, phẫu thuật cho Huệ ở tận Bệnh viện Xanh Pôn thế nhưng cú ngã đó vẫn để lại di chứng nặng nề. Ngày cầm tờ giấy xuất viện, Huệ vẫn chưa thể nghĩ mình bị liệt đôi chân, mất khả năng vận động, ngồi mà như nằm. Cả ngày di chuyển trên xe lăn. Mỗi khi trời nồm hay chuyển mùa, toàn thân đau êm ẩm. 1 năm ròng rã chạy chữa, vật lộn với hậu quả tai ương, trong Huệ vẫn cháy bỏng ước mơ được đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho các em thơ. Chị quyết tâm nộp đơn tiếp tục theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình. Quá trình học gian nan vô cùng, không được bảo lưu kết quả học tập, phải học lại từ đầu. Ngoài sinh hoạt bất tiện, hàng ngày, Huệ phải vượt qua những mặc cảm của bản thân, nhiều lúc chật vật lết tới giảng đường mà cứ thấy tủi tủi, nước mắt vòng quanh. Nhiều người ái ngại cho hoàn cảnh gia đình bảo Huệ thôi học vì học xong chẳng nơi nào dám nhận. Ngay cả những người có bằng giỏi còn không xin được việc huống chi cô gái tật nguyền. Cô Hòa, mẹ Huệ kể lại, thấy con yêu sách mà thương quá dọn đến ở cùng con, vừa phụ hồ kiếm tiền trang trải, vừa giúp con trong sinh hoạt để cố gắng lấy bằng tốt nghiệp dù sau này chẳng biết có sử dụng được không. Suốt mấy năm ròng rã, thiếu thốn, Huệ vẫn đều đặn tới giảng đường, chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu để theo được các bạn và tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành hóa - sinh vào năm 2005. Ra trường, cầm tấm bằng trên tay, trở lại KDC sông Đà nghèo, Huệ tiếp tục đối mặt với cuộc sống khó khăn vì không có điều kiện xin được việc làm nhưng không quên ước mơ cháy bỏng được làm thầy truyền đạt dạy dỗ các em thơ, là khi Huệ đọc và hiểu tư tưởng của Bác Hồ khi Người đến động viên các cô, chú thương binh tàn nhưng không phế, trở thành phương châm sống của người khuyết tật. Sau này, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành phong trào rộng khắp trong mọi tầng lớn nhân dân ngày càng có ảnh hưởng đến cuộc sống, việc làm của Huệ.
Huệ đã mạnh dạn đem những kiến thức đã học để truyền đạt cho những em học sinh ở KDC, giúp các em ôn luyện kiến thức và cũng giúp bản thân vơi đi nỗi nhớ giảng đường. Sau nhiều năm miệt mài nỗ lực, trau dồi, truyền đạt kiến thức bằng tình yêu thương và trách nhiệm, lớp học đặc biệt của cô giáo Huệ đã trở thành địa chỉ trao gửi của bà con không chỉ ở khu phố. Đến giờ lớp học của Huệ luôn có 50-60 học sinh, phần lớn là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên Huệ không thu phí miễn các em chăm ngoan và có ý thức học. Học sinh nhiều lứa tuổi, từ THCS đến ôn thi lớp 10 rồi luyện thi đại học. Nhiều học sinh của Huệ đã trúng tuyển các trường chuyên Hoàng Văn Thụ như em Đỗ Mai Hương, Đỗ Hoàng Oanh, Quang Mạnh Hải, Nguyễn Văn Phú đỗ chuyên hóa; nhiều em đỗ đại học như Nguyễn Thùy Dương, Phạm Thị Quý, Nguyễn Thị Huyền...
Với nhiều học sinh, hình ảnh cô giáo Huệ ngồi xe lăn ân cần chỉ bảo cho các em đã trở nên thân thương và là tấm gương sáng về nghị lực khắc phục bệnh tật, khó khăn vươn lên hòa nhập cuộc sống, giúp ích cho cuộc đời.
Lê Chung
(HBĐT) - Nhờ sự quyết tâm, ham học hỏi nên sau bao khó khăn, thử thách, gia đình chị đã thu được những mùa quả ngọt từ mô hình trồng quýt bản địa trên mảnh đất vùng cao Nam Sơn (Tân Lạc). Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn là một đảng viên năng nổ, cán bộ văn thư luôn hết mình vì công việc.
(HBĐT) - Từng là Phó Giám đốc, thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, sau khi nghỉ hưu, đại tá Bùi Văn Minh luôn trăn trở với công cuộc xây dựng NTM. Trong con người ông toát lên vẻ bình dị, khiêm nhường, khác xa với hình ảnh một người từng chỉ huy biết bao trận đánh trên mặt trận chống tội phạm. Trở về cuộc sống đời thường, vị đại tá công an ấy tiếp tục thành công trên trận chiến mới, xây dựng NTM ở quê hương.
(HBĐT) - Trong những năm gần đây, nhiều phụ nữ dân tộc Mường ở tỉnh ta không còn mặn mà với trang phục, với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc. Với mong muốn giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình, bao năm nay, nghệ nhân Bùi Thị Hạnh ở xóm Bãi Bệ 1, xã Dũng Phong (Cao Phong) mang tâm huyết của truyền cho thế hệ trẻ.
(HBĐT) - Không phải ai từ lúc sinh ra cũng được hưởng trọn niềm vui và hạnh phúc, được chở che, thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng của cha, mẹ. Nhưng điều quan trọng là trong hoàn cảnh nghèo khó, họ biết vươn lên bằng nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Em Bùi Thị Nguyệt, học sinh lớp 8, trường THCS xã Kim Truy (Kim Bôi) là một trong những tấm gương như thế.
(HBĐT) - Tại Đại hội Thi đua yêu nước huyện Tân Lạc lần thứ IV, giai đoạn 2010 – 2014 tổ chức vào trung tuần tháng 1 vừa qua, ông Nguyễn Đình Thành ở xóm Chùa, xã Tử Nê vinh dự là một trong 68 tập thể, hộ gia đình được UBND huyện tặng giấy khen do có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước. Thành tích này ông có được nhờ những nỗ lực vượt khó trong lao động, sản xuất - kinh doanh, làm giàu cho gia đình và tạo việc làm cho hàng chục lao động.
(HBĐT) - Đại úy Bùi Thị Như Quỳnh (ảnh), Phó Đội trưởng Đội chứng minh nhân dân (phòng PC64) Công an tỉnh là cán bộ trẻ luôn tận tâm với công việc. Chị có nhiều sáng kiến đổi mới phương pháp làm việc, rút ngắn thời gian cấp chứng minh nhân dân cho người dân.