(HBĐT) - Trong mường tượng của những người chưa từng đi chợ phiên dịp Tết, phiên chợ Tết hẳn sẽ có những âm sắc rất riêng, giống như lát cắt văn hóa độc đáo không thể hòa lẫn giữa muôn màu cuộc sống. Mang theo sự háo hức, thỏa mãn trí tò mò, chúng tôi tìm đến chợ Tết để ngao du, vui chơi, hòa mình vào không gian đậm sắc thái vùng miền khi Tết đến, xuân về.
Người dân vùng cao về phiên chợ Tết trung tâm cụm xã Lũng Vân (Tân Lạc).
Vào ngày mùng 5, mùng 10 âm lịch hàng tháng, chợ quê Bãi Chạo lại có một phiên. Phiên chợ Tết cũng được họp vào đúng ngày 30, dòng người đổ về đông gấp năm, mười lần so với phiên chợ ngày thường. Đến đây, chúng tôi cảm nhận đầy đủ hơn không khí mua sắm đón Tết, vui Tết của bà con các xã vùng Mường Động (Kim Bôi). Hàng hóa ở chợ Tết quê phong phú, sản vật độc đáo mỗi nơi mỗi khác. Đặc biệt trong ngày này, khu chợ sầm uất, đông vui, người dân họp chợ từng tốp, từng tốp trao đổi, bán mua tấp nập. Từ đầu chợ đến cuối chợ đâu đâu cũng thấy sắc thắm hoa đào, mùi thơm của gạo nếp mới, màu xanh của lá chuối, lá dong, màu tím của mía cuối năm ngọt đậm. Bà con đi chợ có cái hối hả của cảnh mua bán, lại có cái thong dong, thư thả của người thăm thú, ngó tới, ngó lui, thoảng hoặc hỏi han giá cả, thích thú trước những thứ ưa nhìn. Giữa dòng người nô nức, bà Đinh Thị Hiếu ở xóm Sáng, xã Đú Sáng chẳng quản quãng đường xa về chợ Tết mua sắm. Theo bà Hiếu, đã trở thành thói quen, cứ đến phiên chợ Tết dù bận rộn đến đâu bà cũng đi chợ từ rất sớm, tranh thủ sắm sanh chuẩn bị cho mâm cỗ Tết vì lúc đó có nhiều sự lựa chọn, hàng hóa tươi ngon, sau đó còn thời gian có thể thư thái chơi chợ mà không phải vướng bận thêm gì.
Phiên chợ Tết Pà Cò (Mai Châu) rộn rã, đông vui, ánh lên sắc màu thổ cẩm dân tộc.
Ngược một dốc dài, chúng tôi lần nữa đắm mình trong không khí Tết ở Mường Bi tại phiên chợ Bò, xã Lũng Vân (Tân Lạc). Chợ Tết họp vào thứ ba ở tuần cuối cùng của năm. Trong tiết trời se lạnh, lảng bảng sương mù, bà con về chợ ai cũng tươi tắn, trẻ nhỏ hay người già, người bán hàng hay người mua hàng đều náo nức. Sản vật vùng cao được bà con trao đổi nhiều ở phiên chợ Tết là mật ong, quýt, ngọn su su… Những thứ được mua sắm nhiều thường là hàng hóa dưới xuôi: quần áo ấm, thực phẩm, bánh, mứt, kẹo… Thích thú khi lần đầu được ghé thăm chợ đúng vào phiên Tết, Nguyễn Thanh Phương, sinh viên trường Đại học Thương mại (Hà Nội) cho biết: Trong chuyến khám phá vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc, nhóm phượt chúng em đã chọn phiên chợ Tết này là điểm dừng chân. Cảnh sắc hữu tình, chợ đông vui, náo nhiệt, bà con vùng cao mộc mạc, thân thiện là cảm nhận về phiên chợ Tết. Nhóm bạn cũng được thưởng thức tại chỗ những món ăn do người dân bản địa cấy trồng, chế biến và sắm được một vài thứ lạ lẫm như nỏ, bẫy chim…
Phiên chợ Tết của bà con vùng cao Đà Bắc lại mang sắc thái riêng. Điểm họp chợ thường ở trung tâm cụm xã thuận tiện cho bà con đến giao lưu, giao thương. Họp chợ, chơi chợ có rất đông đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mường. Chợ Cao Sơn - xã Cao Sơn, chợ Pheo - xã Tân Pheo, chợ trung tâm cụm xã Tân Minh hay chợ Hạt - xã Yên Hòa. Các chợ không mấy khi họp trùng nhau, có chợ họp vào ngày thường, có chợ họp vào thứ bảy, chủ nhật. Bà con ăn vận thật đẹp, ngoài trang phục của dân tộc mình, các bà, các mẹ, các chị còn chít thêm khăn đội đầu khá cầu kỳ, tinh tế. Trong phiên chợ Tết, chúng tôi bắt gặp không ít các bà, các mẹ còn giữ tục nhuộm răng đen luôn thân thiện, rạng rỡ nụ cười với bất kể vị khách ghé thăm. Hàng hóa chợ Tết đa dạng, thậm chí phong phú hơn cả dưới xuôi vì có những thứ mà chợ miền xuôi ít thấy. Đó là chim, sóc do bà con đi rừng bẫy được, con gà, con lợn, củ sắn dây, củ dong giềng là những thứ mà bà con tự sản xuất được. Có cả thịt chuột sấy khô - món ăn đặc sản mà không phải ai cũng có cơ may mua về thưởng thức.
Khó lòng bỏ qua cơ hội ngao du phiên chợ Tết Pà Cò khi lên với huyện vùng cao Mai Châu. Phiên chợ cuối năm mang theo những đón đợi của đồng bào dân tộc Mông từ các xã Hang Kia, Pà Cò, người Mông xã bạn Loóng Luông, huyện Mộc Châu (Sơn La). Đồng thời, chợ Tết là điểm đến thu hút hàng nghìn du khách muốn tìm hiểu văn hóa, tập quán sinh hoạt của bà con bản xứ. Khách đến chơi chợ Tết thích nhất là lạc vào không gian ngợp sắc màu thổ cẩm ở khu vực giữa chợ, thăm quan gian bán các mặt hàng nông sản đa dạng, gian hàng điện tử, đĩa nhạc, mỹ phẩm, cảm nhận ánh mắt, nụ cười đôn hậu, tính cách khoáng đạt, cởi mở của người vùng cao khiến không gian chợ như bừng lên sức sống.
Phiên chợ Tết, chợ quê ở các vùng, miền trong tỉnh trở thành điểm hẹn mong đợi của những ai muốn ngao du. Cho dẫu ngày nay theo xu hướng phát triển thời đại mới, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị sầm uất mọc lên, hàng hóa đa dạng, phiên chợ Tết vẫn cuốn hút bao người. Phiên chợ đưa họ đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác khi mục sở thị những nét văn hóa truyền thống độc đáo, những tập quán đẹp, lời nói và phong thái ứng xử mộc mạc, dung dị của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Phiên chợ cũng góp phần bảo tồn gắn liền với xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhất là giờ đây khi đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày một nâng cao, lưu thông ngày một thuận tiện, hàng hóa ở các chợ phiên dịp Tết cũng ngày càng phong phú, chất lượng hơn. Du khách có dịp đến thăm quan, chơi chợ, vừa có thể tự tay chọn mua những thứ đồ ưng ý để tiêu dùng hoặc mang về làm quà. Và chắc hẳn, điều quý giá nhất, ấn tượng đọng lại trong lòng du khách khi đến với các phiên chợ Tết chính là nét sinh hoạt cộng đồng, sắc thái văn hóa chợ vùng cao đặc sắc không thể nhòa, lẫn.
Bùi Minh
(HBĐT) - Thị xã Hoà Bình trước đây (nay là thành phố Hòa Bình) được thành lập năm 1896 theo sắc lệnh của toàn quyền Đông Dương. Trước năm 1896, trung tâm của tỉnh Mường Hoà Bình được đặt ở chợ Bờ. Sau khi bị nghĩa quân Đốc Ngữ tập kích mới dời về địa điểm hiện nay và mang tên thị xã Hoà Bình. Ngày 27/10/2006, thị xã được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.
(HBĐT) - Lương Sơn là huyện vùng thấp của tỉnh, nơi tiếp giáp giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng và miền núi Tây Bắc - Bắc Bộ. Toàn huyện hiện có 19 xã và 1 thị trấn; dân số có gần 100 ngàn nhân khẩu. Trong đó, dân tộc Mường chiếm trên 66,4%, dân tộc Kinh chiếm 32%, dân tộc Dao chiếm 1,14%, còn lại là dân tộc khác…
(HBĐT) - Trò chơi dân gian của các dân tộc tỉnh ta khá đa dạng, phong phú. Chính điều đó đã làm cho văn hóa các dân tộc thiểu số có nét riêng biệt, độc đáo góp phần vào bức tranh chung của cả tỉnh. Bên cạnh đó, do điều kiện tự nhiên, xã hội, trình độ phát triển tương tự nhau, sống trong môi trường sinh thái giống nhau cộng với sự giao lưu qua lại nên các dân tộc cũng có một số trò chơi dân gian giống nhau. Trò chơi dân gian của các dân tộc ở Hòa Bình gắn bó với môi trường tự nhiên bao quanh họ, gắn bó với cuộc sống thường nhật với những đồ vật trong sinh hoạt thường ngày của họ. Cũng như nhiều phong tục khác, trò chơi dân gian của người Mường cũng có nhiều nét giống trò chơi dân gian của người Việt.
(HBĐT) - Sau 25 năm tái lập tỉnh, KT-XH của tỉnh đã đạt những thành tựu toàn diện, GDP liên tục đạt tốc độ tăng trưởng khá, với mức bình quân 8,72%/năm. Giá trị GRDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 36, 5 triệu đồng, cao hơn mức trung bình khu vực miền núi phía Bắc 10, 5 triệu đồng và bằng 82% GDP bình quân đầu người cả nước, so với năm 1991 tăng gần 50 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,26% (tiêu chí cũ).
(HBĐT) - Ngày 22/6/1886, Kinh lược Bắc Kỳ ký Nghị định thành lập tỉnh Mường gồm 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn và Chợ Bờ, tỉnh lỵ đặt tại chợ Bờ.
(HBĐT) - Trong khuôn khổ Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường lần thứ 2, năm 2016 có nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức lồng ghép. Trong đó, ngoài những sự kiện đã diễn ra như Giải Vô địch xe đạp đường trường toàn quốc; đăng cai tổ chức Liên hoan âm nhạc các tỉnh miền núi phía Bắc tại Cung Văn hóa tỉnh; Giải quần vợt tỉnh Hòa Bình mở rộng (gồm 17 tỉnh) tại TP Hòa Bình còn có các hoạt động chính như sau: