(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng và chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh Hòa Bình là nơi có nền văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ; là vùng đất của sử thi Đẻ đất đẻ nước. Hòa Bình còn là vùng đất âm vang tiếng cồng, chiêng của những lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc Tây Bắc; là quê hương của những làn điệu dân ca, trường ca, truyện thơ mang đậm nét văn hóa dân tộc và giàu chất nhân văn sâu sắc.



Khu di tích hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn) có niên đại từ 21.000 - 7.000 năm cách ngày nay, thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá mới ở Việt Nam, được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng cấp quốc gia. 

Những giá trị văn hóa đó đã tạo nên nét đặc trưng của văn hóa Hòa Bình, hình thành nên cốt cách, phẩm chất của con người Hòa Bình.
Thời tiền sử, môi trường sống của người Hòa Bình được xác định là một quá trình chuyển biến từ thời đại đá cũ sang thời đại đá mới; diễn ra vào khoảng từ 11.000 - 12.000 năm cách ngày nay. Các di tích Hòa Bình có hệ sinh thái đặc trưng cho hệ sinh thái phổ tạp, khá thống nhất. Cấu trúc địa hình, cảnh quan địa lý của người Hòa Bình được khái quát bằng một trật tự như sau: suối, bãi bồi, thung lũng, thềm cổ, đồi trung sinh hay miền trước núi và núi đá vôi karst. Các di tích xương cốt còn lại trong tầng văn hóa đã cho chúng ta những cái nhìn cụ thể hơn về cảnh quan môi trường rừng núi thời ấy. Trong 98 di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình có tới 42 di chỉ chứa di tích xương, răng động vật có vú.
Trong thời kỳ quá độ Sơn Vi - Hòa Bình, trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam đã diễn ra những cuộc di dân mà đường hướng chủ yếu từ trung du ven rìa đồng bằng vào các thung lũng karst, từ cư trú ngoài trời trên thềm cổ các con sông vào cư trú trong những hang động đá vôi, từ một khối cư dân lớn sống rời rạc đến những cụm cư dân nhỏ tập trung, từ không định cư đến chỗ định cư. Con nguời Hòa Bình trong thời đá mới cư trú chủ yếu trong hang động ở các thung lũng nhỏ, gần như khép kín.
Bề dày lịch sử của Hòa Bình nằm trong những hang động đá vôi, mái đá có di tích cư trú và sinh sống của người nguyên thủy như hang Tùng, hang Giâu, hang Muối (Tân Lạc); hang Làng Nèo, hang Sào Đông (Kim Bôi); hang Làng Gạo, hang Làng Đồi, hang Tằm (Lương Sơn); mái đá Làng Vành (Lạc Sơn), mái đá Thung Đôi, mái đá Yên Lương (Yên Thủy); hang Hào, hang Ốc, hang Đồng Nội, hang Chim (Lạc Thủy)...
Về nguồn thức ăn, do môi trường sống của người Hòa Bình là các khu vực ven sông, suối hay các dãy núi đá vôi, nên các loài ốc suối, ốc núi, trai, trùng trục... là những loại thức ăn tự nhiên thường xuyên, cung cấp protein cho cư dân. Loại thức ăn này được khai thác chủ yếu từ các con suối và dãy núi đá vôi.
Người Hòa Bình đã có ý thức trong việc lựa chọn hang động làm nơi cư trú. Kinh tế chủ yếu của cư dân Hòa Bình thời tiền sử là săn bắt và hái lượm.
Về công cụ sản xuất, người cổ Hòa Bình đã biết sử dụng nguyên liệu tại chỗ là các cuội sông, suối, có nguồn gốc núi lửa kết tinh, được nước từ các dòng sông, suối bào mòn, rửa trôi để chế tác công cụ. Cư dân Hòa Bình cổ đã biết tạo ra một chuỗi công cụ, từ các công cụ đá ghè đẽo bước đầu để làm ra các công cụ xương, từ các công cụ xương tiếp tục làm các đồ dùng khác bằng tre, gỗ...
Về tổ chức xã hội, người Hòa Bình thời tiền sử đã tiến từ giai đoạn bầy người đến bộ lạc. Mỗi hang động là một đơn vị cư trú. Trong đó, mỗi đơn vị cư trú có một số gia đình, mỗi gia đình có chồng - vợ (hay những bà vợ) và con cái. Trong hang có di tích bếp lửa hoặc vài đống tro phân bố ở trung tâm hoặc chếch về phía cửa hang.
Người Hòa Bình tiền sử chưa có chữ viết nhưng họ có một loạt ký hiệu và hình vẽ trên đá để ghi lại những ký ức về quá khứ, để miêu tả tính hiện thực thế giới xung quanh. Họ đã sử dụng các hình học mang tính ước lệ, tính biểu tượng để thể hiện thế giới động, thực vật, trong đó có cả con người.
Qua các di cốt người tìm thấy trong các di chỉ mộ táng, theo các nhà khảo cổ học, có thể hình dung con người Hòa Bình thời tiền sử có đặc điểm như sau: Tầm vóc to, khỏe mạnh; sọ thuộc loại dài và cao; mặt thuộc loại rộng; độ mòn răng; tỷ lệ răng sâu thấp, khoảng 1,14%; có người thọ tới 70 tuổi. Với các hình thức mai táng nhiều tập tục khác nhau đã phản ánh phần nào đời sống tinh thần của cư dân Hòa Bình cổ.
Người Hòa Bình cổ không bó mình trong vùng núi sâu, hang thẳm mà đã bắt đầu tiến ra dọc theo những thung lũng, sông, suối, hướng tới vùng đồng bằng thấp. Những di vật như vỏ ốc biển trong hang mộ phần nào chứng minh cho điều này. Đó là một trong những đặc trưng về loại hình di tích của văn hóa Hòa Bình, đồng thời cũng là sự phát triển của văn hóa Hòa Bình.

PV (TH)

Các tin khác


Tự hào là cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình"

(HBĐT) - (HBĐT) - Thành phố Hòa Bình hiện có một con đường và một khách sạn mang tên Colani. Đó là sự tri ân đối với nhà khảo cổ người Pháp Madelene Colani - người đã đề xuất khái niệm "Văn hóa Hòa Bình” và cũng là để các thế hệ người dân Hòa Bình hôm nay và mai sau biết và tự hào: nơi đang sinh sống là cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình”.

Hoa văn của núi rừng

(HBĐT) - Dệt thổ cẩm là nét tinh hoa văn hóa của dân tộc Mường, Thái trên địa bàn tỉnh. Theo thời gian, thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau, người Mường, người Thái Hòa Bình giữ gìn, phát triển nghề dệt truyền thống. Những tấm thổ cẩm là thước đo đánh giá sự khéo léo của người phụ nữ.

Madeleine Colani - người có công phát hiện và đặt tên cho nền Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Để tìm hiểu về cuộc đời và những đóng góp lớn lao của nhà nữ khảo cổ học Madeleine Colani - người có công phát hiện và đặt tên cho nền Văn hóa Hòa Bình, chúng tôi được Bảo tàng tỉnh Hòa Bình cung cấp những tài liệu quý về bà. 

Bài 2: Quy hoạch, tên gọi và thành phần cư dân trong các làng Mường cổ trong xã hội cổ truyền


(HBĐT) - Việc tụ cư lập làng Mường theo hình thái trên đây (được nêu ở bài 1) thể hiện rất rõ tính quy hoạch có thể là tự phát song đã thành nếp, truyền thống, một bộ phận cấu thành của văn hoá Mường. Nhìn nhận trong lịch sử có thể thấy rất rõ ý đồ của người Mường xưa, trong điều kiện ban đầu khai mở đất đai, khi đó, dân cư thưa thớt, đất đai bỏ hoang còn nhiều, tại sao người Mường không làm nhà, lập làng ở các vùng đất bằng phẳng mà lại chọn các địa thế mái thoải hay các chân đồi, chân núi?

Bài 1: Lịch sử ra đời và cách thức lựa chọn địa thế lập khu dân cư cổ truyền Mường

(HBĐT) - Trong xã hội, các gia đình sống sát nhau, làm nhà gần nhau, có chung một loại hình nghề nghiệp sinh tồn, xu hướng liên kết với nhau trong và ngoài huyết thống tạo nên các KDC.

Bài 2: Nghệ nhân mo Mường


(HBĐT) - Nghệ nhân mo là người nắm giữ các bài mo, có nổ, có các đồ tế khí: Túi khót, gươm, giáo, các loại mũ, áo quần... và là người trực tiếp thực hành diễn xướng mo Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục