(HBĐT) - Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Hòa Bình, mỗi dân tộc đều có nét bản sắc văn hóa riêng về trang phục (cả nam và nữ). Chính điều đó là điểm nhấn, góp phần làm đa dạng, phong phú hơn đời sống xã hội, tinh thần, văn hóa của cộng đồng các dân tộc Hòa Bình.

Vẻ đẹp, nét độc đáo của trang phục người Mường tập trung ở trang phục nữ. Xưa nay, phụ nữ Mường có 2 loại áo: Áo ngắn và áo dài. Áo ngắn có thân áo ngắn, xẻ ngực, không có khuy, nếu có thì đó là một khuy bấm ở ngang ngực, thường mặc trong những ngày thường. Cổ áo được khoét tròn, không có hoặc có đường viền nhỏ màu trắng, ống tay áo bó sát cánh tay và dài quá cổ tay. Áo thường được khâu, may bằng loại vải bình thường hoặc lụa, phần nhiều có màu trắng. Cũng có khi áo bằng vải màu sặc sỡ hoặc vải hoa, bó sát thân người. Gần đây, chiếc áo ngắn được cải tiến trên cơ sở dáng áo cổ truyền. Chị em may thêm hai túi nhỏ để trang trí hai vạt áo trước đã được cắt lượn tròn, nẹp áo rộng 3 - 4cm bằng vải màu; đường viền cổ áo, cổ tay được thêu thùa và đính chỉ màu đỏ để tạo điểm nhấn vui mắt. Áo dài chủ yếu mặc để tiếp khách, hoặc vào ngày hội, lễ, Tết. Thân áo dài quá đầu gối, nửa thân trên giống áo ngắn, nửa thân dưới từ eo lưng trở xuống buông thả rộng dần. Áo xẻ ngực và bịt tà; khi mặc, áo ôm kín hết thân sau. Ngày nay, phụ nữ Mường thường may áo dài bằng các chất liệu vải hiện đại mỏng mịn, mềm mại, màu sắc sinh động như lụa, gấm, các loại vải sợi tổng hợp...

Váy của phụ nữ Mường gồm 2 phần chính: Phần trên là cạp váy, tính từ ngang hông trở lên; phần dưới là thân váy, tính từ chỗ tiếp giáp cạp váy buông xuống gấu váy ở ngang mắt cá chân. Vẻ đẹp độc đáo mà trang nhã của váy Mường tập trung ở cạp váy, được dệt, thêu với sự phối kết màu sắc và hình họa rất công phu, tỉ mỉ. Cạp váy Mường cổ truyền gồm 3 dải thổ cẩm có hoa văn khác nhau từ dưới lên trên cao là cao, rang dưới và rang trên. Phần thân váy thường bằng vải sợi bông tự dệt để mặc hàng ngày hoặc bằng lụa, vóc để mặc trong ngày Tết hay đi dự lễ hội; các chất liệu đều có màu đen, màu chàm... Váy hình ống và ôm sát người từ eo lưng xuống gần gót chân, bên trong gấu váy có lót một lớp vải đỏ rộng khoảng 3 cm. Bộ phụ kiện đi kèm còn có dép, dải thắt lưng, yếm, khăn đội đầu, đồ trang sức…

Trang phục của phụ nữ dân tộc Thái cư trú ở huyện Mai Châu gồm: Áo ngắn, áo dài, váy, khăn đội đầu, đồ trang sức, trong đó áo ngắn thể hiện rõ ràng nhất. Áo ngắn có nhiều màu, khoét cổ tròn có đường viền nhỏ. Thân áo dài 25 - 30cm, tay áo bó sát cánh tay; khi mặc, bỏ gấu áo vào trong cạp váy rồi dùng dải thắt lưng thắt lại để áo không sổ ra. Áo dài thường có màu chàm, màu đen, buông dài xuống đầu gối, xẻ ngực nhưng không có khuy cài, không xẻ tà, dùng dải thắt lưng bằng vải trắng rộng khoảng 20 cm thắt lại để khép kín hai vạt áo, một đầu thắt lưng buông xuống bên hông trái. Váy của phụ nữ Thái vẫn là kiểu váy hình ống, phía trên bó sát hông, phía dưới rộng dần và buông dài đến sát gót, cạp váy để trơn, có một dải thắt lưng ôm quanh vòng bụng, giấu mối thắt bên cạnh sườn. Trang phục của phụ nữ Thái còn có khăn đội đầu, đồ trang sức… Sau này đã có nhiều thay đổi, cách tân trong trang phục, tuy thế, những bộ trang phục truyền thống vốn phải tốn nhiều công sức, thời gian mới làm được vẫn được phụ nữ Thái nâng niu, gìn giữ và họ chỉ mặc trong những ngày lễ, Tết, các dịp cưới hỏi, liên hoan văn nghệ quần chúng hoặc đón tiếp khách quý ở xa.

Trang phục của nữ giới người Tày gồm: Áo ngắn cài khuy, áo ngắn không cài khuy, yếm, áo dài, váy, khăn đội đầu, dải thắt lưng, đồ trang sức. Áo ngắn cài khuy có cổ, dài đến cạp váy, xẻ ngực từ cổ áo đến hết hai vạt áo. Trên 2 nẹp áo đính 2 hàng khuy bạc hình đôi bướm hoặc hình đôi ve sầu. Áo ngắn không cài khuy, cổ tròn, dài đến ngang thắt lưng, khi mặc thì để gấu áo buông ra ngoài cạp váy, tay áo bó sát cánh tay, dài đến cổ tay. Áo dài thường buông xuống quá đầu gối, cổ tròn, có nhiều màu; tay áo bó sát cánh tay, dài đến cổ tay; xẻ ngực. Khi mặc, để hở chiếc áo ngắn có những hàng khuy bạc ở bên trong. Yếm thực chất là chiếc áo ngắn không có tay, có màu hồng, màu đen, chui đầu khi mặc. Váy có 2 loại: Váy cạp thêu và váy cạp hoa chìm. Cạp váy là một dải vải được in chìm hoa văn hình hoa lá màu xanh. Khăn đội đầu (piêu) là một tấm vải sợi bông tự dệt, màu chàm xanh, hai đầu khăn thêu nổi bằng chỉ màu sặc sỡ các hình châu chấu, ve sầu, quả trám, mặt trời, hình răng cưa hoặc gạch chéo... trên chiều rộng khoảng 30 cm.

Ở Hòa Bình, người Dao có 2 ngành: Dao đeo tiền và Dao quần chẹt. Trang phục của phụ nữ Dao quần chẹt gồm: Áo dài, khăn đội đầu, quần (may chít ống bó sát bắp chân quần chẹt bằng vải mộc màu đen), xà cạp… Trang phục của phụ nữ Dao đeo tiền cũng khá cầu kỳ và độc đáo (sau lưng áo có 6 đồng tiền nối với nhau thành sợi chỉ đỏ thành những dây từ cổ áo buông xuống sau lưng). Gắn bó với phụ nữ Dao là chiếc túi lưới, vòng cổ, vòng cổ tay, hoa tai…

Trang phục của nữ giới Mông gồm: Áo, váy, khăn đội đầu, đồ trang sức. Áo bằng vải thô tự dệt, nhuộm màu đen hay chàm đen. Thân áo ngắn, chỉ dài đến chấm cạp váy, thường lót thêm một lần vải để cho đứng áo, bền và ấm. Cổ áo thấp, có một nẹp bằng vải trắng được thêu hoa văn chìm, màu xanh nhạt. Hai ống tay áo bó sát cánh tay, từ nách xuống đến cổ tay có nhiều khoanh vải trắng rộng 1 - 1,5 cm liền kề nhau. Váy hình nón, gấp mép dày, từ eo lưng xòe rộng xuống ngang bắp chân. Không khâu liền thành chiếc váy mà vẫn để thành một tấm vải rộng hình vành khăn. Khi mặc, quấn váy quanh eo và chồng lấn lên nhau ở phía trước rồi dùng dây vải thắt chặt, bên ngoài đeo một chiếc tạp dề rộng chừng 30 cm, dài hơn váy 15 cm. Tạp dề có 2 dải rộng 10 cm, thắt ra sau lưng, đầu hai dải buông xuống đến gấu váy…

Hiện nay, dù thị hiếu thẩm mỹ có nhiều thay đổi, nhưng trang phục phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hòa Bình vẫn được trân trọng và có chỗ đứng trong cuộc sống xã hội, nhất là dịp Tết, lễ hội. Đây chính là điều mừng làm nên nét đặc sắc trong văn hóa, du lịch Hòa Bình.


V.T (TH)

Các tin khác


Những di tích lịch sử cách mạng ở Hòa Bình

(HBĐT) - Khu căn cứ cách mạng (CCCM) Tu Lý - Hiền Lương là 1 trong 4 khu CCCM của tỉnh nằm trong hệ thống Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh, do Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp xây dựng và chỉ đạo hoạt động. Nơi đây, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã mở lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh tại xóm Giằng Xèo. Trên 10 đội viên tự vệ Cứu quốc thị xã và huyện Mai Đà đã về dự lớp huấn luyện. Tu Lý - Hiền Lương trở thành khu CCCM đầu tiên của tỉnh.

Hòa Bình thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, chống lại âm mưu lập “Xứ Mường tự trị” và giải phóng Hòa Bình lần thứ nhất

(HBĐT) - Sau khi giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, cùng cả nước, Hòa Bình ra sức củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng cho công cuộc giai đoạn cách mạng mới: đánh Pháp trở lại xâm lược. Ngày 19/ 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ban Cán sự Đảng tỉnh đã họp, phát động Nhân dân đứng lên kháng chiến. Trên cơ sở đó, lực lượng vũ trang Hòa Bình chuẩn bị phương án chiến đấu, toàn dân tiến hành tiêu thổ kháng chiến.

Một số di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh

(HBĐT) - Hòa Bình có hàng trăm địa chỉ di tích với trên 100 di tích được xếp hạng; trong đó, 41 di tích được Bộ VH-TT&DL xếp hạng cấp quốc gia (14 di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH), 9 di tích lịch sử cách mạng, 18 di tích danh lam thắng cảnh) và 60 di tích cấp tỉnh.

Hòa Bình trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945

(HBĐT) - Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vô cùng trọng đại trong lịch sử nước ta, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài 2/3 thế kỷ, kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đã đến với Hòa Bình khá sớm.

Tìm hiểu tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Mường, tiếp đó là dân tộc Kinh, Thái, Dao, Tày, Mông và các dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng bên cạnh tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Nhắc đến Hòa Bình là nhắc đến dân tộc Mường với đặc điểm vừa tập trung về dân số vừa đậm đà về đời sống văn hóa ngôn ngữ Mường.

Cuộc đấu tranh của Nhân dân Mông Hóa tại núi Viên Nam

(HBĐT) - Đàn áp xong phong trào Đốc Ngữ - Đề Kiều, thực dân Pháp xem thời kỳ bình định miền Tây Bắc như đã kết thúc. Chúng ra sức tổ chức bộ máy cai trị. Không cam chịu cảnh áp bức, Nhân dân Hòa Bình lại nổi lên chống bọn thống trị. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Nhân dân Mông Hóa dưới sự lãnh đạo của Tổng Kiêm và Đốc Bang. Tổng Kiêm tên thật là Nguyễn Văn Kiêm, là thuộc tướng của Đốc Ngữ, do chiến đấu xuất sắc, được phong là Lãnh binh, nên còn gọi là Lãnh Kiêm. Đốc Bang tên thật là Nguyễn Đình Nghiêm, người xã Mông Hóa, châu Kỳ Sơn khi đó cũng đang tập hợp lực lượng đánh Pháp và tay sai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục